khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

Đi Trong Giấc Mơ - Tác giả Trần thị Kim Lan




Lớp học. Học trò. Cô giáo. Lớp học thoáng, cửa sổ mở tung, gió luồn qua hàng cây xanh, là đà trên ngọn cỏ, ùa vào lớp học, làm mát rượi những tâm hồn thơ trẻ. Những ngày mùa đông, tuyết phủ trắng xóa, cửa đóng im ỉm, các trò nhỏ thu mình trong áo ấm, các trò lớn tỏ vẻ “anh hùng”, mặc áo không tay khoe bắp thịt. Môi tím rịm. Cô giáo nhắc nhở:

“Ở đây xứ lạnh, không như xứ mình. Các em phải chịu khó mặc áo ấm, quấn khăn.”

“Ối, lạnh lẽo gì. Thằng này gian khổ quen rồi. Vượt biên lênh đênh ngoài biển cả tháng trời còn chưa thấm tháp gì. ”

“Thôi đi cha nội. Phách hoài. Hôm qua thằng đầu bò nào mượn áo tao?”

Cô giáo lên giọng một bậc:

“Cô nói phải nghe. Đau ốm mất bài vở. Nằm nhà buồn. Hiểu chưa?”

“Hiểu rồi. dạy thì lo dạy đi. Nói hoài chán thấy mẹ.”

Cô giáo lên giọng cao hơn:

“Nhuận, em mất dạy quá! ”

Thằng Nhuận mặt nhơn nhơn:

“Thằng này mất dạy lâu rồi. Không có ai dạy hết, cô dạy sao ra vậy.”

Cô giáo đổi giọng trầm dằn cơn giận:

“Nhuận, em muôn tôi gửi em xuống văn phòng không?”

“Đi thì đi chớ. Thằng này ngán gì ai. Ỷ cô giáo làm phách! ”

Nhuận tự động đứng lên bước ra ngoài. Cô giáo gọi giật lại:

“Trở vào lấy giấy phạt!”

“Ê, quên sao mậy, ra khỏi lớp không có giấy phép bị công an bắt. Ông Mỹ bụng bự đứng rình ngoài kia kìa.”

“Cô cô, thằng Nhuận kiếm chuyện cho cô đuổi học đặng nó đi phố Tàu xem phim tục đó cô.”

Thằng Nhuận quay trở vào giựt tờ giấy trên tay cô giáo, ngó xuống chỗ thằng Sâm đưa tay lên hăm dọa:

“Oánh chết mẹ mày. Đồ con nít biết gì. ”

Thằng Sâm nói với theo:

“Tao con nít thiệt còn mày con nít giả. Cô ơi cô, nó mười lăm tuổi mà trong giấy khai có mười hai à cô.”

Cô giáo nạt thật lớn:

“Thôi không nói nữa!”

Học trò giật mình ngồi yên. Cô giáo phát bải thi xong ngồi phịch xuống ghế, khổ sở về sự vắng mặt của thằng Nhuận. Một lúc nghe tiếng thổi kẹo cao su bốc bốc, cô ngẩng mặt lên hỏi:

“Em nào nhai gum?”

“Ê, đứa nào đó, tự giác đi, đừng để cô phát giác gặp khó khăn đó bây! ”

Cô giáo ra dấu cho một cô bé son môi đỏ choét, mắt tô xanh đậm, tóc kiểu gì như ai chơi ác xén mất một bên, bảo đi tới chỗ giỏ rác. Con bé nhăn nhăn miếng cao su, cười toét miệng, đủng đỉnh đứng lên.

Thằng Hòa lên tiếng:

“Cô này lợi hại thiệt. Ngồi trên đó mà thấy hết ráo ta! ”

Cô giáo nói:

“Các em chỉ còn hai mươi phút để làm bài. Đừng nói chuyện nữa.”

Cô giáo vừa dứt lời đã có tiếng khác nổi lên:

“ĐM. tiếng Mỹ học khó thấy mẹ. Mới học hồi hôm bây giờ quên hết trọi.”

“Giỏi! Em hứa với cô không chửi thề.”

“Quên quên. Xin lỗi xin lỗi. ĐM. tính bỏ mà ĐM. quên hoài.”
Nói xong nó đưa tay tự tát vào mặt một cái bốp để phạt cái tội hay quên, cả lớp cười ồ. Cô giáo cố nhịn cười nói lớn:

“Đừng ồn nữa. Em nào cần hỏi gì giơ tay, cô không muốn nghe ai nói gì hết. ”

“Thưa cô cho em hỏi. Sao mấy thằng Mỹ hỗn quá. Con nó nó kêu bằng you mà ông nội nó nó cũng kêu bằng you. Lộn xộn khó phân biệt quá.”

Cô giáo chưa kịp trả lời đã nghe tiếng con Xuân xỉa xói:

“Trả viết lại tao, thằng quỷ sứ! ”

“Tao lấy viết mày hồi nào mậy. Đồ voi mập!”

“Tao mập bộ tao ăn hết của ông nội mày hả?”

“Ê Xuân mập, cá bao nhiêu một ký? Hồi đó mày bán cá ở chợ cầu Ông Lãnh hay chợ cầu Muối? Đồ con gái gì nói chuyện vừa trợn vừa liếc thấy mà ghê. Tao thù cái thứ...”

Cô giáo cắt lời thằng Tâm:

“Mấy em gọi bạn bằng tên được rồi. Bỏ hết mấy chữ mập, lé, lùn, hô, sún. Mấy em nói cho thích miệng, người ta nghe một lần có khi buồn suốt đời.”

Chữ “buồn” bỗng có tác động mạnh. Cả lớp im lặng làm bài được khá lâu. Riêng có một cậu ngồi gục mặt xuống bàn. Cô giáo đến rờ trán thằng bé hỏi nhỏ:

“Mạnh, em có sao không? Ra ngoài cô hỏi thăm chút.”

“Em biết, em biết nè cô. Nó thất tình. Hồi hôm nhậu say ói mửa tùm lum. Nó nói hận đời đen bạc hận kẻ bạc tình.”

Thằng Mạnh rán sức tàn nạt thằng Giỏi:

“Câm họng lại thằng chó. Chiều về tao bẻ lọi cổ mày. Đồ súc vật. tao ghét cái dòng họ bên nội mày lắm.”

Thằng Phong lớn giọng đính chính:

“Nó đâu phải chó. Nó là Đại Hàn. Thiệt đó cô. Thằng em là Đại Hàn. thằng anh lai Tây. Cô không thấy thằng Mạnh đẹp trai hơn lai Mỹ sao?”

Thằng Mạnh vừa bước ra khỏi lớp, ngoái đầu lại cự:

“Tao lai Tây hồi nào mậy? Bà già tao lai Tây chứ bộ tao sao? Tao lai Mỹ đàng hoàng nè mày.”

“Các em làm xong bài để trên bàn. Rán im lặng để cô nói chuyện với Mạnh. ”

Ra khỏi lớp, Mạnh đứng tựa sát vào tường ngó xuống đất, dáng điệu thiểu não. Cô giáo hỏi:

“Trông em đừ quá, có sao không Mạnh?”

“Đâu có gì cô.”

“Em còn nhỏ, mới mười bốn tuổi mà đã tập uống rượu.

Đừng uống nữa, hại người lắm. Có chuyện gì vậy? Cho cô biết được không?”

“Đâu có gì cô. Con Yến tự nhiên không nói chuyện với em. Buồn nhậu chơi. ”

“Để cô hỏi nó xem. Có khi nó bị rầy hay bị bệnh gì đó.

Chuyện gì cũng từ từ, em chưa biết nguyên nhân đã vội buồn. Rán học lại bài, cô cho thi sau.”

“Dạ cám ơn cô.”

Thằng Mạnh bước vào lớp xụi lơ như kẻ chiến bại.

Con Nhi cất giọng lõi đời của nó:

“Ê tụi bay coi kìa. Mặt thằng Mạnh thất tình mà giống như bị mất sổ gạo.”

Thằng Ngọ nhảy ra khỏi ghế hét con Nhi:

“Im mày! Để tao làm bài. Cà chớn vừa thôi. Bộ mày mua gạo ở supermarket phải có sổ hả?”

Thằng Tính cao nhất lớp, chân dài, tay dài, vươn vai ngáp, nói đổng:

“Ú mẹ cái xứ gì mà lạ. Thịt cơm ăn lòi họng mà buồn thấy mẹ. Cho tao về xứ cày cấy sướng hơn.”

Nghe tiếng cười rúc rích, nó nói tiếp:

“Tụi bay biết gì mà cười. Tao cấy có lý lắm đó.”

“Xí! Tao cũng biết vậy. Tao cá với mày tao cấy hay hơn mày.”

Thằng Tám nãy giờ ngồi yên, tự nhiên đứng dậy nhìn cả lớp quơ tay nói lớn:

“Cấy lúa mà ai không biết! Đế tao cấy cho coi.”

Nói xong nó khom khom làm động tác cấy thật điêu luyện, nhịp nhàng như một điệu vũ. Cô giáo đứng ngây người nhìn nó. Cô chưa bao giờ thấy thằng Tám sinh động và hớn hở như thế. Cô vờ bước ra ngoài, xoay lưng che giấu niềm xúc động. Thương cho các em luyến nhớ cảnh ruộng đồng.

Tiếng cười, tiếng nói lại vang lên. Thằng Giỏi không bỏ qua một cơ hội hiếm có như vậy, giả bộ tức cười quá, chịu không nổi, ôm bụng lăn tròn dưới đất. Một trò lớn nạt to.

“Im coi! Thấy cô dễ làm tới hả? Cô giận rồi kìa. Giống thứ tụi bay mắc chứng gì cười hoài. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ đâu nghe mấy con! ”

Chuông reo hết giờ. Cô giáo thu bài xong bước ra ngoài canh học trò đổi lớp. Học sinh nam, nữ, Âu, Á, Phi từ các lớp hai bên hành lang túa ra. Đứa uể oải bước đi từng bước nặng nề, đứa lấn, đứa chen, đẩy vội vàng. Cô giáo đứng dưới chân cầu thang rao lên như người Tàu bán tiệm phổ ky:

“Single line on the right!” Một cậu học trò Mỹ đem đi sát lại cô nói nhỏ:

“Đây không thích đi hàng một và bị dị ứng kinh niên cái gì có chữ “phải” trong đó.”

Cô giáo vờ không để ý, bận rộn ngó qua ngó lại với học sinh Việt Nam: “Đi hàng một về phía tay phải! ”

Từ trên lầu những đôi giày tung dây nhảy một bước hai, ba nấc thang, ùn ùn kéo xuống. Đoàn hùng binh lướt qua, bụi mù bay trong vệt nắng. Cô giáo nín thở, tránh mùi keo xịt tóc, mùi dầu thoa da hăng hăng, gắt gắt.

Hành lang phút chốc trở lại vắng vẻ, chỉ còn vài cô cậu cố tình đi chậm, mong giảm bớt vài phút giây buồn nản trong lớp học. Một cô bé có bộ tóc đen thắt thành nhiều bím nhỏ cong queo như rắn uốn mình đang dật dờ đi tới. Bộ ngực căng đầy rung rinh theo nhịp bước. Đôi mắt nai mở rộng nhìn vào khoảng không. Cô bé có vẻ không thấy ai và cũng chẳng cần biết những gì đang xảy ra quanh mình. Nghe nói đã có con nhỏ. Chắc con khóc suốt đêm qua. Thống kê đã chẳng ghi rõ cứ mỗi hai phút có một cô bé cho ra đời một em bé là gì! Nước Mỹ chiếm hàng đầu về việc mang bầu và phá thai trong tuổi vị thành niên. Cô giáo vừa bước sang một bên bỗng giật mình vì có tay ai phớt nhẹ trên đầu cô. Một cậu học trò cao nghều đang đi thụt lùi theo kiểu “moonwalk", hai chân lõng thõng mở ra, khép vào như ca sĩ Machael Jackson, cái cổ dài đưa tới đưa lui giống động tác vũ của người Ấn Độ. Thấy cô nhìn, cậu ta cười nhăn nhở, nhại giọng Tàu nói với cô:

“Hầy, sịn sọn lớ.”

Cô giáo lắc đầu:

“Tôi là người Việt, không phải người Tàu.”

“Có gì khác đâu.”

Cô giáo làm thinh. Cô đã bỏ thói quen gồng gân đính chính khi bị lầm lẫn người nước này, nước nọ. Chắc không có mấy ai muốn biết Việt với Tàu khác nhau ra sao. Lại nghe nói người Mỹ thương người Miên, người Tàu hơn người Việt. Cô đâm lo, sợ có ngày phải nhận mình là dân tộc khác để được thương lây.

Cô giáo đang miên man với ý nghĩ bỗng nghe có tiếng gọi tên cô:

“Linh! Linh! Đến đây tôi hỏi cái này.”

Linh bước đến cạnh ông bạn tên Bob. Bob nói:

“Xem giùm miếng giấy nói gì đây. Tôi gỡ trên lưng một thằng bé Việt Nam.”

Linh dịch ra tiếng Anh hàng chữ Việt: “Xin đấm đá tự nhiên đừng khách sáo”. Bob cười thích chí khen:

“Học trò Việt Nam đánh lộn cũng lễ phép! Bạn có giờ nghỉ hả? Vào dạy giùm tôi lớp này coi. Tôi ngán tụi nó quá! ”

Linh liếc nhanh vô lớp bên cạnh. Những cái đầu tốc đen quăn quíu, tóc đen thẳng, tóc vàng dợn sóng đang nhô lên hụp xuống tránh, né trận mưa đạn bằng giấy vò viên bay tứ phía. Linh nói an ủi bạn đồng nghiệp:

“Ở xứ tôi có câu nói: “Nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò””.

“Sao? Bạn nói sao? Tới hàng thứ ba lận? Xứ này nhứt học trò, thứ nhì nhiều loại khác, quỷ ma thuộc hạng bét.

“Ồ, xin lỗi. Tôi còn nhiều điều ngớ ngẩn lắm! ”

“Thôi đi! Tôi bây giờ không còn lầm cái kiểu ngớ ngẩn của người Á Đông nữa đâu! Cái gì cũng yes, yes, ok, ok mà lúc chịu nói ra thì ý kiến khác người ta hết thảy.”

Bob nhìn vào lớp lẩm bẩm như chỉ để riêng mình nghe:

“Chán quá, ba mươi năm rồi còn gì. Muộn mất. Đáng lẽ hồi đó phải chọn nghề nha sĩ. Không, không nên, có nhiều tiền nhưng cũng gặp con nít. Làm phi công! Làm phi công bay trên trời, bỏ cái mặt đất này...”

Linh chậm bước về lớp, đứng nhìn những dãy bàn trống, nghĩ đến thằng Nhuận. Thằng bé cao, gầy, áo quần diêm dúa, tóc dài chĩa cả vào hai con mắt hí nheo nheo vì cận thị nặng không mang kính. Linh nghĩ thầm học trò mình như thế mà các đồng nghiệp người Mỹ vẫn cho là mình may mắn được dạy học trò Việt Nam. Linh nhớ lại thời “oanh liệt” trong đời dạy học của cô ở quê nhà. Tỏ vẻ không bằng lòng, cô chỉ cần ném một cái nhìn nghiêm khắc là các cô sinh viên ngượng ngùng cúi mặt, các cậu sửa bộ lắng nghe. Cái danh hiệu “du học” cô mang bên mình đã tô điểm cho cô một chút màu sắc trong cái nhìn của các học viên buổi tốỉ. Có lần cô đọc xong một đoạn Anh ngữ, cố bắt chước cho thật giống giọng của người tiểu bang Mát-sa-xú-xịt, bỗng nghe một học viên khoái chí vỗ đùi đánh đét la to: “Hết sẩy! ”

Đó chỉ là chuyện đời xưa, khi cô còn dạy Anh ngữ cả ngày lẫn đêm, từ trường này sang trường khác, từ nhà này qua nhà nọ. Các phụ huynh giàu có đã xúi cô bỏ dạy ở trường, tăng tiền gấp năm gấp ba, chuộc cô như chuộc đào hát đem về nhà riêng dạy cấp tốc cho con họ lên đường đi Mỹ. Bây giờ thì khác. Các trò nhỏ chỉ cần đôi ba năm ở Mỹ đã có giọng nói như người bản xứ. Hôm nào trong người ương yếu cô nhấn nhá sai vần một vài chữ, tụi nhỏ phản đối, phải lật đật xin lỗi. Ngày trước nói một câu, sinh viên nghe phục ít nhất cũng được vài hôm, bây giờ vừa cất tiếng khuyên bảo đã bị các em gạt ngang không muốn nghe tiếp.

Linh đi quanh lớp, hình dung từng khuôn mặt, từng điệu bộ của những học sinh mà cô có dịp gần gũi mây năm qua. Đây là chỗ ngồi của thằng Đực. Thằng bé không ngồi yên được năm phút. Nói mãi không được cô mắng nó:

“Em khó dạy quá! ”

Đực đáp không chút do dự:

“Đưa một trăm đô la đây dễ dạy liền. Thằng này chỉ biết có tiền thôi.”

Nó tưởng lớp học là chợ trời nên hay kì kèo xin thêm điểm, bớt bài học, rình mò mấy đứa học gian thi lận, cà rà theo cô năn nỉ cho trước con A, thề bán mạng sẽ học bài trả lại sau. Bị gán cho biệt hiệu là “thằng điềm chỉ”, nó vẫn tỉnh bơ tiếp tục bắt kẻ gian, báo cáo không sai một chi tiết nhỏ.

Bàn giữa bên phải là chỗ của thằng Nhâm. Mồm lúc nào cũng hăm he dợt mấy thằng Mỹ làm phách. Cả lớp đều thuộc lòng câu châm ngộn “Nhịn là nhục, cự là đục” của nó. Nó thường kể lại thành tích bị tù ở Cali về tội đập lộn, không quên dặn dò bạn bè:

“Đứa nào bị tụi nó ăn hiếp nói với tao, tao đục văng hết. Chết là cùng, tao cóc sợ.”

Mấy tháng nay vắng bóng nó, chẳng biết đang chu du ở tiểu bang nào tiếp tục nhiệm vụ diệt ác trừ gian. Hai cái bàn cuối lớp là chỗ thằng Ngọn kéo sát lại để nằm ngủ. Đánh thức thế nào cũng không dậy nổi. Nó đi làm ca đêm. Cả đời chưa biết dùng chữ “dạ”, Hỏi tại sao không “dạ” chỉ “ừ”, nó nói cả làng nó không “dạ” sao cô bắt “dạ ” làm chi? Nghe đâu đã hút sách hư người, có lúc cứ ngồi cười cười mãi. Tội nghiệp thằng Kiên hay thương bạn xin cô ngó lơ cho bạn ngủ. Nhớ tới thằng Kiên là phải nhớ tới hai cánh tay lực lưỡng của nó. Nhiều năm kéo lưới đã luyện cho nó hai bàn tay to xòe rắn chắc. Nó đặc biệt quên viết và quên tập. Mãi về sau cô mới biết cậu thanh niên này sợ cầm viết rớt lên rớt xuống bạn cười. Tuần trước gặp lại cô nó khoe: “Học được rồi cô! Khổ cái là đang học ngon trớn thì bị tình yêu đột nhập. Kỳ này chắc giã biệt con A, chào con F! Tình yêu mạnh khủng khiếp cô ơi. Một thằng vạm vỡ như em mà nó cũng quật ngã tơi bời! ”

Những khuôn mặt còn lại lả những con người sớm trở thành mẫu mực. Các em học chăm, học giỏi và khả năng thích nghi cao cho đến nỗi các giáo sư Mỹ hết lời ca ngợi, đề cao luôn cả giống Lạc Hồng. Có vài cô cậu cứ như là những triết nhân chân chính. Không nghe những gì không cần thiết phải nghe, không thấy những gì không muốn thấy, các em im lặng cần cù lo việc riêng của mình. Bài vở làm xong, xin cô cho chỉ giúp những bạn quá kém. Lớp vui, các em cười, lớp ồn ào các em kiên nhẫn ngồi đợi cho qua. Những Trần, Nguyễn, Lê, Huỳnh đã bao lần chiếm chỗ nhiều hơn những họ Smith, họ Brown trên trang báo dành cho học sinh danh dự. Một chút vinh quang mà gian nan biết mấy.

Linh ngồi xuống ghế thừ người nhìn ra cửa sổ. Qua hàng cây khô nổi lên cao nóc tu viện uy nghi. Linh tự hỏi trong đó có được sự yên lành? Nghe tiếng gõ cửa, Linh quay lại cười bâng quơ với một anh bạn đồng nghiệp tên Jeff. Jeff hỏi:

“Lại mơ mộng gì đó? Đừng lãng mạn nhé. Thứ đó cũng làm cho người ta dễ chết lắm!”

Linh đáp:

“Đâu dám. Biết liệu sức mình chứ! Hôm nay không được khỏe, tôi thả trôi, tụi nhỏ lộng quá. Ngồi buồn nghĩ lung tung.”
“Lớp tôi cũng vậy. Chắc là ngày trăng tròn, hay tại chúng nó ăn quá nhiều chất đường. Chuyện hằng ngày, đừng ngồi đó mà khổ. Học trò đứa này đi, đứa khác tới, tính khổ hoài sao? Tôi đã nói với chị là chỉ có những con người tuyệt vọng như bọn mình mới gặp gỡ nơi đây, chọn đúng cái nghề này.”

“Thôi đi anh. Anh thương học trò chết được. Chịu thiệt đi. Có hôm tôi đi ngang lớp thấy anh giảng dạy như người đang lên đồng.”

Jeff cười hích hích:

“Có khi quên, tưởng mình được Thượng đế gởi xuống giáo huấn nhân loại! Xuống kia uống cà phê không?”

“Cám ơn anh. Tôi sắp có lớp. Bỏ đi ai làm cảnh sát viên khu này? Anh biết không, ở xứ tôi làm thầy chỉ lo việc dạy học thôi, ở đây kiêm luôn cả nhiệm vụ của thư ký, vú em, mật thám. Phải giữ hồ sơ cá nhân của từng đứa, nhắc nhở tắm gội, theo dõi chúng nó đi những đâu, giấu xì ke, dao, súng chỗ nào. Nhiều lúc tôi nản lắm.”

“Ừ... ừ... cái hệ thống giáo dục này khỏi nói. Còn có nhiều điều cần phải sửa đổi. Phần thì xã hội càng buông thả, bọn mình càng vất vả hơn. Chị đến đây chịu chung số phận với tụi này. Dạy trường tư đỡ hơn, nhưng họ trả ít quá. ”

Chuông reo. Jeff khoát tay chào, nói lời an ủi:

“Nè, vui lên đi. Hôm nay thứ sáu lại là ngày phát lương. Đời ưu đãi quá, còn gì hơn nữa!”

Linh cười, cám ơn, vội bước ra hành lang làm nhiệm vụ canh gác, không dám chểnh mảng. Chỉ cần một phút lơ đễnh cũng có thể xảy ra bất cứ chuyện gì. Nếu không cậu này hôn đại cô kia thì cũng có một vụ khều chân cho té. Chỉ có thế cũng đủ là nguyên nhân cho một trận đánh lớn. Hai phe Việt, Mỹ đều hùng hậu. Khổ cho mấy ông cảnh sát viên phải dàn xe quanh trường chống tay ngồi ngủ gục mấy hôm liền, chờ cho các chú nhỏ nguôi ngoai thù hận.

Linh dù đang bận rộn giải quyết những vụ kiện thưa, gây hấn của nhiều phe phái, tai cô vẫn nghe điệp khúc hằng ngày từ trên lầu vọng xuống: “Brian, nhả gum ra liền bây giờ! Natasha, lấy ngón tay ra! Năm nay mấy tuổi rồi? Mười lăm hay mười sáu? Còn tiếc gì mà cứ bú ngón tay? Fernando, để yên cái tủ. Nó làm hại gì ai mà đá nó? Shirley hôn từ giã cái bàn đi. Chuông reo nãy giờ sao chưa chịu đứng lên? Mấy người có nghe tôi nói gì không? Đi hàng một có nghĩa là một cái đầu trước, một cái đầu theo sau. Tôi nói tiếng Anh chứ có nói tiếng gì khác đâu mà không ai chịu hiểu hết vậy?” Tiếp theo có tiếng một cậu học trò: “Ê, Nicole, buông ông thầy ra. Làn gì ôm ổng hoài vậy. Mày thiếu tình cha hả?”

Linh thở ra. Cô thầm nghĩ ở xứ lạ thấy gì, nghe gì cũng lạ. Nhưng phải cố giữ thái độ thật thản nhiên, không khéo lại mất lòng. Cô sắp quay lưng bước vào lớp bỗng nghe có tên gọi trên ống loa. Cô ngoắc Bob lại canh giùm lớp, chạy vội lên văn phòng.

Ông hiệu trưởng nói:

“Thằng bé này không chịu học. Mỗi lần đến trường làm dữ lắm. Nó có cha mẹ nuôi người Mỹ. Ông bà ây nghĩ có lẽ nó cần một bàn tay ấm áp của người đồng hương nên mang nó đến đây. Cô đến nói chuyện với nó đi. ”

“Bàn tay ấm áp của người đồng hương”.

Trúng chỗ yếu của Linh. Không một giây ngần ngại, Linh đặt bàn tay lên vai thằng bé. Nó vung tay hất cô ra, và sẵn đà đá mạnh vào chân cô. Linh lảo đảo, cố lấy lại bình tĩnh nói với thằng bé:

“Cô là cô giáo dạy ở đây. Em xuống lớp cô học thử đi. Có nhiều bạn vui lắm. Học thử thôi.”

“Tui đã nói không học là không học. Tại sao bắt vô trường hoài vậy? Tức quá trời đi là trời!”

Vừa nối, nó vừa khốc, vung chân đá tứ tung. Bị ông hiệu trưởng nạt, nó quơ ống khóa để trên bàn định ném vào ông. ông siết chặt tay nó, giành lại cái ống khóa. Thằng nhỏ giãy dụa, la hét, phun nước miếng đầy người ông. Tức giận, ông ấn nó xuống đất, kèm chặt nó lại. Khi giữ được thế chủ động, ông quẹt nước miếng trên mặt ông trét lên trán nó, trả thù. Linh quỳ xuống cạnh hai người năn nỉ cả hai. Ông hiệu trưởng quay sang bảo cô, giọng run run:

“Cô đừng lo. Tôi đang bình tĩnh đây. Cô nói với nó nếu nó còn tiếp tục làm dữ tôi sẽ kêu cảnh sát.”

Nghe đến cảnh sát thằng bé dịu lại đôi chút. Nó rên rỉ với cô:
“Dì ơi dì, ông này ổng giết em, kẹt tay đau quá, biểu ổng buông em ra đi.” Ông hiệu trưởng nới tay dần. Thằng bé bò vào góc phòng ngổi khóc thút thít, về sau Linh biết được nó tên Tôn, trốn gia đình người chú nuôi theo lính vượt biên, tung hoành ở trại tị nạn. Rượu, gái đầy đủ. Tuổi thật 15, tuổi giả 11. Người đèn đẹt, mặt choắt lại phong ttần. Hai cánh tay ốm nhách nổi lên vòng bắp thịt nhỏ có xâm chữ “T.T”, tức tuổi trẻ, tương tư, tình tiền, tù tội, tự tử... Mỗi lúc nó cắt nghĩa một khác. Nó đặt chân lên đất Mỹ trở thành một thử thách lớn về lòng nhân đạo của người bảo trợ, nỗi ray rứt không nguôi của các nhà giáo dục, và là gánh nặng trần gian của các nhân viên xã hội. Tụi nhỏ gọi nó là “Tôn Ngộ Không Đại Náo Học Đường”. Một hôm người ta tìm kiếm nó khắp nơi nhưng không thấy.

*

Tuyết rơi lả chả. Linh sốt nặng. Cô co ro bước đến chỗ băng đá bên đường. Trạm xe buýt vắng ngắt, chỉ có một người ủ rũ ngồi phà khói thuốc. Linh chợt nhận ra học trò của cô:

“Ủa, Nhuận, sao hôm nay không đi học?”

“Bị thằng cha thầy Mỹ đuổi học ba ngày.”

“Tội gì vậy?”

“Phá ổng chơi. Sao cô không đi dạy?”

“Cô đau. Đi bác sĩ.”

Im lặng.

“Sao em không ở nhà? Mặc vậy lạnh chết.”

Nhuận cười buồn, phà khói thuốc mịt mù đáp:

“Ở nhà ông bác ổng đánh.”

“Em không có cha mẹ ở đây sao?”

“Ổng hui nhị tì lâu rồi. Qua đây với bà già. Bả mới chết. Chán. Đi lang thang chơi. ”

Im lặng.

“Kỳ này vào chịu khó học. Nếu em bằng lòng cô dạy thêm cho em.”

“Thôi, học mắc công quá.”

Hai người lên xe ngồi cạnh nhau. Linh muốn khuyên bảo hay nói điều gì đó tỏ vẻ săn sóc thằng bé một chút, nhưng cô sốt hoa cả mắt và thằng Nhuận im quá. Một lúc cô hỏi:

“Bây giờ em đi đâu?”

“Không biết.”

Linh bước xuống xe, kéo cao cổ áo, cúi mặt rưng rưng.

*

Ốm xong Linh trở dậy vào lớp dạy như người mới hồi sinh. Những ngày trên giường bệnh cô nghĩ nhiều đến tâm sự của từng đứa học trò và cô muốn làm cái gì đó thiết thực hơn là chảy nước mắt hay nói mãi với mọi người nỗi xót xa của mình về sự bất hạnh của đàn con lạc xứ. Cô đi vào lòng từng đứa, kiên trì dạy những điều các em chưa được dạy, chỉ từng chút những gì các em chưa được học. Cô không đòi hỏi quá sức học trò và sẵn sàng khen ngợi từng tiến bộ nhỏ nhất. Những lời thô tục trước kia mỗi khi nghe như đạn nã vào tai, bây giờ có lúc cô giả điếc chờ các em tập thói quen nói lời tao nhã. Cô nhắc nhở cho các em nhớ các em là ai và phải làm gì trên đất lạ để được sống còn mà không làm nhơ danh tổ quốc. Giây phút vui sướng của cô là được nghe thằng Thanh rán kềm cái tật cà lăm, tình nguyện đọc bài “Giờ Quốc Sử” của Đ.V.C.

“Ta chắc rằng sau một cuộc xoay vần
Dân nước Việt lại là dân hùng kiệt.
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam. ”

Cô nhớ khi thằng Thanh dứt lời, con Xuân mắt sáng long lanh giơ tay xin nói:

“Thưa cô cho học bài thuộc lòng nữa đi, đọc lên sao nghe nó rờn rợn chỗ xương sống. Sao kỳ vậy cô?”

Hơn mười mấy năm trong nghề dạy học, lần đầu tiên Linh cảm thấy thực sự hãnh diện với nghề nghiệp của mình. Cô không còn tiếc những lời khen thoáng qua, những bó hoa hồng ôm đầy tay vào những ngày mãn khóa của một thời. Cô ngắm nhìn không chán những đôi mắt giương tròn trong sáng, và những nụ cười hớn hở ra vào lớp cô. Cô tập không mắng học trò mất dạy hay ngu dốt, và học trò đã bớt nói ngang với cô. Thằng Giỏi không còn chửi thề tự do như trước. Hôm nào thuộc bài nó nhảy tung tăng, níu áo cô giựt giựt:

“Ê cô, bữa nay thuộc bài rồi nè. Hồi hôm bỏ coi phim chưởng học đã lắm. Chiều nay cho bài nhiều nhiều nghe.”

Thằng Đực dạo này thôi mặc cả. Linh thấy nó nâng niu ngắm nghía mấy bài làm được chữ A do công trình học hành khó nhọc của nó. Thằng Mạnh leo lên điểm cao nhất về mọi môn. Nó hăm he học thì học chứ nhất định không bỏ tật mê gái, tuyên bố rùm beng rằng con Yến đã thuộc về lịch sử. Con bé bắt đầu và chấm dứt những trang tình sử đầu tiên của thằng Mạnh chỉ bằng nụ cười chúm chím giấu sau mái tóc dày đen nhánh mượt mà.

Cuối năm học các cô các cậu xum xoe áo mão, chuẩn bị ra sân khấu lãnh bằng tốt nghiệp lên lớp chín. Thằng Tâm nói với cả lớp:

“Tụi bay ơi, chụp ít tấm hình gởi về Việt Nam cho bà con hoảng hồn chơi. Một thằng mù chữ như tao qua Mỹ một năm cũng tốt nghiệp như thường.”

Con Nhi vẫn giữ giọng lõi đời:

“Ờ. Ở bển tưởng bên này có phép. Không ngờ tụi bay chỉ học mấy chữ tiếng Anh đủ chửi tục cũng lên lớp! Đúng tuổi người ta bắt lên mà cũng giựt le! ”

“Kệ tao. Mày học giỏi dòng họ mày nhờ. Mắc gì khi dễ tao?”

Linh can gián:

“Thôi, mấy em sao... cứ vậy hoài. Đến xứ người ta rồi mà còn gây gổ nhau luôn.”

Thằng Tâm ấm ức nói thêm:

“Ai biểu nó lên mặt. Em mà qua đây trước nó hai năm thì còn khuya nó mới thắng em. Chưa chắc ai ngon à...”

Linh ngắt lời thằng Tâm, hỏi thằng Nhuận sao chưa chịu mặc áo vào còn đi loanh quanh trong lớp.

Nó đáp gọn lỏn:

“Áo ủi cháy mẹ nó rồi.”

Thằng Hải đứng gần nghe vậy nháy nháy mắt với Linh. Linh hiểu ý nói lảng sang chuyện khác. Đợi thằng Nhuận bước ra ngoài, thằng Hải đến gần Linh nói: “Nó nói giả bộ đó cô. Nó nói với em nó học dở quá bận áo tốt nghiệp vô coi kỳ lắm.”
Lớp học chỉ còn lại cô giáo. Học trò đã nghỉ hè từ hôm trước. Linh đang thu dọn lớp ngày cuối cùng trong năm học. Nắng bên ngoài rực rỡ làm sáng lên những “tác phẩm lớn” của học trò cô treo trên tường. Bức tranh “Con Rồng Cháu Tiên” của thằng họa sĩ Nghĩa chẳng những đáng chú ý ở chỗ mặt mũi của một đàn con nở ra từ một trăm cái trứng thật dễ thương mà còn lạ một điều là có nhiều đứa chân không sát đất. Điềm gì vậy? Gió tạt mạnh vào cửa sổ. Bài luận của cô học trò xinh đẹp tên Tơ rơi xuống đất. Linh cúi xuống nhặt định vất đi, chợt thấy tiếc vì chữ quá đẹp và sạch sẽ. Con bé bây giờ đã nặng nề tay nách tay mang. Đứa con thứ nhất của một người đàn ông biết được phải làm cha, vội vàng từ giã đi làm ăn ở một tiểu bang khác không thấy trở về. Đứa trong bụng là một chút gì đó của người cha ghẻ.

Linh định bỏ vào giỏ những tập “Nhật Ký Viết Cho Cô” bỗng nhận ra còn cả giờ nữa mới được về. Cô ngồi xuống ghế dở ra từng tập, đọc đi đọc lại những dòng đáng lưu ý:

"... Thưa cô, ba má em nói ba má em liều mạng sống qua đây để cho tụi em học, cho nên em muốn học thiệt giỏi. Nhưng em mới qua, tiếng Anh còn dở, và ở đây đi xa quá. Chờ subway, xe buýt mất nhiều giờ làm bài không kịp. Chớ em đâu có muốn không làm bài đâu. Cô đừng rầy, đừng giận em nghe cô... ”

"... Thưa cô, em giữ em cho má em đi làm. Em nó khóc hoài. Tới chừng nó chịu ngủ đem bài cô ra học mắt nó cứ ríu lại rán mở không ra. Nhà em đông công chuyện làm không xuể, ba em đánh em bầm mình còn biểu em tự vận đi. Thưa cô sao anh của em không làm gì hết mà không bị rầy còn được đi chơi? Hẹn cô trang sau. Học trò của cô. Hiền. ”

“… Em sẽ trở thành Hero. Rồi em có rất nhiều tiền. Em sẽ cứu hết mấy đứa con nít ở Africa, đem tụi nó qua America cho học English get được good job. Good bye cô. Quốc Nguyễn.”

"... Thưa cô ở quê em khi trăng lên thì sáng cả bầu trời. Ở đây trăng sáng chỗ này, không sáng chỗ kia. Những ngày có trăng gia đình em ăn cá nướng ngoài sân. Nhớ lại hồi ở Việt Nam thiệt là vui. Ở đây chỉ có học là vui còn cái gì cũng buồn hết. ”

“... Tui vuôi mừng được đi học lại. Tui lớn tuổi tối dạ chậm hiểu thật nhiều, đều gáng học cũng hiểu chút đỉnh. 12 tuổi tui đi làm nui va đình. Bây giờ 17 tuổi tui đi học để nữa nui thân. Tui hoàn toàn chách nhiệm. Hết chiện đời tui. ”

"... Đêm qua em nằm mơ thấy về Việt Nam. Lúc đó em giàu có lắm. Vui thiệt là vui. Lúc đó em 21 tuổi, đi về bằng máy bay riêng của em. Em đáp máy bay xuống phân phát đô la, vàng, kim cương cho từng nhà. Chưa hết xóm thì đồng hồ reo sáng rồi phải dậy đi học. Em tức thiệt là tức, em nhắm mắt cho ngủ lại để phát hết cho mọi người. ”

“... Trên tàu em làm thinh mười ngày. Không nói tiếng nào. Em tỉnh lại em thấy em đang ở trên đảo. Bây giờ em ở đây. Em đi từ xứ này qua xứ khác như đi trong giấc mơ. Tụi nó đặt tên em là thằng Hoàng câm, nhưng em không giận tụi nó. Em thích học lắm cô à. ”

“... Thưa cô, hôm qua em được thư của má em. Má em biểu ba em đừng uống rượu. Ba em bỏ đi chiều tối về thì thấy ổng say. Ba em nói mày đừng tưởng tao không nghe lời má mày. Tại tao nhớ má mày quá nên tao uống rượu. Như vậy là em biết ba em nghe lời má em, và em với ba em ngồi khóc. Em nằm chiêm bao thấy má em hoài. Má kỳ lắm cô à, lần nào em đưa tay níu má cái thì giựt mình thức dậy. ”

Linh vuốt từng quyển tập cất vào giỏ. Cô nhìn xuống hàng ghế trống tưởng chừng như thây rõ từng tâm hồn dễ thương và cao đẹp đang hòa trộn trong niềm yêu mến rạt rào đang tràn ngập lòng cô. Cô lật vội sổ tay ra viết vội mấy dòng:

Nhật Ký Viết Cho Học Trò.

Các em thân yêu, cô đang vùng thoát ra khỏi mộng mị của đời mình, gạt bỏ những ước mơ không tới, những lý tưởng xa vời, để sẵn sàng hơn bao giờ cả cầm lấy tay các em. Bởi cô đã nhìn các em tường tận, và cô đang thấy những bàn tay... những bàn tay mà mới ngày nào hãy còn lẹ làng tung lưới cá, thoăn thoắt cấy ngoài đồng, bỗng hóa thành vụng về trên đất lạ, lạc lõng giữa học đường... Và đêm đêm còn có những bàn tay đưa ra, chới với bắt hụt hình bóng mẹ khi giấc mơ tàn...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét