No Comments!!! |
Vatican công nhận bảy giám mục Công giáo do chính quyền Trung Quốc chỉ định theo một thỏa ước lịch sử trong quan hệ hai bên.
Thỏa ước này được cho là để cải thiện quan hệ giữa Vatican và quốc gia Cộng sản.
Vấn đề ai bổ nhiệm giám mục là tâm điểm của tranh cãi từ khi Trung Quốc đầu tiên cắt quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh vào năm 1951.
Trung Quốc có khoảng 10 triệu người Công giáo.
Giáo Hoàng Francis hy vọng thỏa ước "sẽ làm cho các vết thương của quá khứ liền da" và mang lại sự đoàn kết Công giáo trọn vẹn ở Trung Quốc, Vatican cho hay.
Một giám mục thứ tám, người đã qua đời năm ngoái, cũng được Vatican công nhận sau khi chết.
'Thành quả'
Bắc Kinh từ lâu nhấn mạnh rằng họ phải phê chuẩn việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc, đi ngược lại lập trường của Giáo hội rằng đó là quyết định của giáo hoàng.
Hiện nay, người Công giáo ở Trung Quốc phải đối mặt với sự lựa chọn đi lễ tại các nhà thờ được Bắc Kinh phê chuẩn hoặc đến cầu nguyện với các giáo đoàn kín thề trung thành với Vatican.
"Hiệp định lâm thời" được Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Siêu ký cùng Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh tại Bắc Kinh.
Người ta cho rằng các giám mục trong tương lai sẽ được nhà chức trách Trung Quốc đề xuất và sau đó được Giáo Hoàng Francis phê chuẩn, phóng viên BBC James Reynolds tường thuật từ Rome.
Bắc Kinh nói rằng hy vọng hiệp định sẽ đem lại mối quan hệ tốt đẹp hơn với Vatican.
Vatican đã mô tả đó là "thành quả của việc tái lập quan hệ từng bước sau một quá trình đàm phán cẩn thận và lâu dài".
Động thái này có khả năng mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Trung Quốc, phóng viên của chúng tôi nói.
Nhưng các nhà chỉ trích - kể cả Tổng giám mục Hong Kong - nói rằng quyết định của Vatican đạt thỏa ước với đảng Cộng sản Trung Quốc là một sự phản bội.
Nhà nước Vatican hiện là quốc gia châu Âu duy nhất công nhận Đài Loan, tức Trung Hoa Dân Quốc.
Đại sứ Đài Loan tại Vatican, Matthew Lee S.M (Lý Thế Minh) được báo chí trích lời nói:
"Chúng tôi tin rằng Vatican muốn các thỏa thuận sẽ giúp cho người Trung Quốc cơ hội có sinh hoạt tôn giáo bình thường, giảm bớt áp chế đối với người Công giáo tại Trung Quốc, và giúp các giáo hội Công giáo ở Trung Quốc hội nhập với giáo hội toàn cầu, và đổi lại là giúp thúc đẩy tự do tôn giáo ở Trung Quốc."
Một số bình luận, theo Taiwan News, tin rằng Đại sứ Đài Loan chuẩn bị tinh thần cho dư luận về khả năng Trung Quốc cắt đứt quan hệ với Đài Loan để công nhận Trung Quốc.
Đổi lại, Trung Quốc sẽ đồng ý để người Công giáo công nhận Đức Giáo hoàng Francis và Tòa Thánh La Mã.
Hiện nay, tại Trung Quốc có hai giáo hội Công giáo, một của nhà nước quản lý và không thần phục Vatican, một của những tín đồ và giám mục 'ngoài luồng', hướng về Tòa Thánh.
Thỏa thuận mới, mà một số nhà bình luận nói là theo 'mô hình Việt Nam' sẽ cho phép đảng cộng sản Trung Quốc chuẩn thuận tên các giám mục Vatican bổ nhiệm.
"Đài Loan lo ngại vì không rõ một thỏa thuận như thế sẽ tác động thế nào đến quan hệ ngoại giao của đảo quốc với đồng minh duy nhất ở châu Âu là Vatican", theo Taiwan News.
Các nguồn tin cũng nói đại sứ Matthew Lee vừa gặp Đức Giáo hoàng Francis để thảo luận lo ngại của Đài Loan.
Vẫn theo nguồn tin này thì ông Lee cho hay các quan chức Vatican xác nhận thỏa thuận chỉ nhằm giải quyết vấn đề của người Công giáo ở Trung Quốc mà không có hàm ý gì khác về ngoại giao".
Ngay từ tháng 3/2018, Reuters đã đưa tin "Đài Loan lo lắng" về khả năng Vatican và Bắc Kinh tiến tới một thỏa thuận về chuyện thụ phong và bổ nhiệm giám mục tại Trung Quốc.
Một thỏa thuận dù chưa toàn bộ, có thể mở đường cho quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Vatican và cho phép Giáo hội Công giáo có cơ chế hoạt động hợp pháp để chăm sóc chừng 12 triệu tín đồ Công giáo Trung Quốc, Reuters viết trong bài 'As Vatican and China talk, Taiwan looks on nervously' (25/03/2018).
Xin nhắc đây là con số ước tính tín đồ thuộc Giáo hội "hoạt động ngầm" và trung thành với Vatican.
Mâu thuẫn Vatican - Trung Quốc thỉnh thoảng lại bùng lên khi có tin giáo dân hoặc giám mục tại Trung Quốc bị trấn áp.
Hồi tháng 6/2017, Tòa thánh Vatican công khai bày tỏ sự quan ngại sâu sắc sau khi một giám mục bị đuổi khỏi giáo phận rồi bị bắt.
Giám mục Peter Thiệu Chúc Mẫn bị quan chức bắt giữ hồi tháng 5/2017, phát ngôn viên Tòa Vatican Greg Burke nói với báo chí chừng một tháng sau đó.
Hiện Giáo hội Công giáo La Mã đang gặp phải vấn đề lan rộng liên quan đến các vụ linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, và điều này khiến một số người "ngạc nhiên" vì sao Vatican lại tìm cách trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc quyền kiểm soát giáo hội tại Trung Quốc vào thời điểm này", theo Taiwan News.
Nay, thông tấn xã CNA của Đài Loan trích lời đại sứ Lee nói rằng Đức Giáo hoàng Francis có vẻ đang tiến tới quan điểm rằng "một thỏa thuận không hoàn hảo còn tốt hơn là không có gì".
Đại diện cuối cùng của Vatican bị trục xuất khỏi Trung Quốc năm 1951.
Tòa Thánh từ đó đã chuyển trụ sở của khâm sứ sang Đài Loan, nơi chính quyền Quốc Dân Đảng chiếm giữ và làm chủ sau khi thua cuộc Nội chiến 1949.
Tại Hoa Lục, ban đầu chính quyền của Mao Trạch Đông cấm mọi hoạt động tôn giáo nhưng những năm nay, CHND Trung Hoa cho lập ra Giáo hội Công giáo yêu nước do Đảng CS kiểm soát.
Kể từ thập niên 1970, sau khi Liên Hiệp Quốc công nhận CHND Trung Hoa, Tòa Thánh không gửi khâm sứ (đại sứ) sang Đài Loan nữa nhưng giữ cơ quan ngoại giao ở cấp đại biện lâm thời.
Điều gây ra đồn đoán rằng một ngày Vatican sẽ quay sang công nhận Trung Quốc còn được thể hiện ở chỗ dù Đài Loan có đại sứ ở Vatican, danh mục điện thoại và giấy tờ của Tòa Thánh ghi chức danh, vị trí của người này dưới mục 'China' (Trung Quốc), chứ không phải Republic of China (Trung Hoa Dân Quốc), tên chính thức của Đài Loan.
Nhiệm kỳ của chủ tịch Tập Cận Bình là thời gian Trung Quốc tăng cường gây cô lập Đài Loan trên trường quốc tế.
Ông Tập Cận Bình đã coi việc đưa Đài Loan về với Trung Quốc là vấn đề mang tính 'lợi ích cốt lõi' của Bắc Kinh.
Càng gần đây càng có thêm các nước bỏ Đài Loan để quay sang công nhận Trung Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét