"Khi đất nước còn nghèo mà chỉ riêng mình giàu là một cái nhục.
Khi mọi người đều giàu mà chỉ riêng mình nghèo cũng là một cái nhục."
Tôi học sư phạm từ năm 1971 đến tháng 6 năm 1976, nghĩa là rơi đúng vào buổi giao thời nhiều biến động. Vào sư phạm đúng vào lúc chiến trường Quảng Trị diễn ra ác liệt và ra trường vào lúc cuộc “đổi đời” xảy ra cũng ác liệt không kém. Môi trường học đường cũng thay đổi. Nhiều năm tháng thật không dễ để đứng vững trên bục giảng. Có lúc đói đến nỗi đôi mắt không nhìn rõ bảng phấn nữa là! Đôi lúc chán nản, muốn bỏ nghề cho xong, nhưng rồi tôi vẫn còn tiếp tục được nghề nghiệp của mình là nhờ một vị thầy rất đáng kính: Thày Nguyễn Văn Trường.
Tôi luôn nhớ về Thầy mỗi khi cần một tiếng nói nâng đỡ đâu đó sâu thẳm trong lòng mình. Tôi thường nhớ về thầy so với các thầy cô khác vì hai lẽ: Thứ nhất vì thầy là thầy giáo hướng dẫn lớp tôi, Thày dạy tôi môn số học vào năm thứ hai, và Thầy cũng là người dẫn tôi đến với bục giảng đúng theo nghĩa đen của từ này. Giờ thực tập đầu tiên của tôi, Thầy giới thiệu tôi với lớp 10C trường Võ Trường Toản và ngồi xem tôi giảng bài. Thứ hai, tôi nhớ Thầy vì Thầy là người mà tôi từng sợ “hết biết”. Môn số học của Thầy, sinh viên phải nộp 3 bài tập ở nhà và làm một bài thi cuối học phần. Môn ấy đã khó, nhưng nỗi sợ của tôi không ở chỗ môn ấy khó. Tôi sợ Thầy!
Bài nộp đầu tiên khi Thầy chấm xong và đem phát lại cho sinh viên thì lạ thay chỉ có bài của tôi Thầy chẳng chấm điểm mà cũng chẳng có nhận xét. Chờ đến cuối giờ học, tôi mới “khép nép” đem bài làm của mình lên hỏi Thầy. Thầy cầm lấy bài làm của tôi, nhìn tôi bằng cái nhìn thân thiện nhưng câu trả lời thì ôn tồn mà hết sức nghiêm khắc: “Thầy đã cho anh bài về nhà làm, anh có khá nhiều thời gian tại sao trong bài làm của anh lại còn những chỗ bôi xóa?” Quả thật trong bài làm của tôi có nhiều chỗ tôi đã lấy thước gạch bỏ đi mấy dòng trong chứng minh. Vậy là bài làm thứ nhất tôi không có điểm nào. Không hiểu sao Thầy lại không cho zéro (0)!
Bài nộp thứ hai cũng rơi vào tình trạng như bài thứ nhất, mặc dù tôi phải viết đến ba lần bài viết đó để không có một chỗ bôi xóa sửa chữa nào! Cũng mang lên hỏi Thầy, lần này câu trả lời là: “Trong chứng minh của anh, tại sao dấu bằng (=) ở dòng trên với dấu bằng ở dòng dưới thụt ra thụt vào vậy? Khi anh đi dạy, học sinh sẽ rất khó theo dõi chứng minh, anh phải tập viết cho ngay ngắn. Tính cách con người thể hiện trong chữ viết đấy!” Trời ơi, lần này thì tôi “phát rét”. Chỉ có ba bài làm mà hai bài tôi đã không có điểm thì kể như tiêu rồi!
Bài nộp thứ ba cũng vậy mặc dù tôi đã cẩn thận viết như in, không có một chỗ bôi xóa nào, các kí hiệu toán học ngay ngắn tăm tắp, chứng minh chặt chẽ tưởng như khó có thể chặt chẽ hơn. Lần này tôi quyết khiếu nại và nếu cần thì tranh luận với Thầy về trường hợp của tôi mới được.
Nhưng câu trả lời của Thầy làm tôi thật sự choáng và… tâm phục khẩu phục: Anh biết không, hồi xưa Thầy học với người Pháp, phải viết bằng tiếng Pháp, vì vậy Thầy có viết sai chính tả tiếng Việt thì còn có thể hiểu được. Môn học này Thầy giảng cho các anh bằng tiếng Việt, thuật ngữ toán học bằng tiếng Việt mà ông Hoàng Xuân Hãn đã khổ công biên soạn. Tại sao trong bài làm của anh còn có chỗ sai chính tả? Thày giáo không có quyền viết sai chính tả tiếng mẹ đẻ của mình. Anh không biết yêu tiếng mẹ đẻ của mình sao? Người nào không biết yêu tiếng mẹ đẻ của mình thì không nên làm Thày giáo!
Tôi nghẹn ngào chịu ba lần quở trách của Thầy và chắc chắn là mình thi hỏng môn này mất thôi! Hôm công bố điểm thi cuối học phần, thật tình tôi không dám đến xem bảng điểm, tôi chỉ ngồi xa xa dưới bóng cây me tây trong sân trường nhìn các bạn bu quanh bảng điểm mà lòng xấu hổ lắm. Khi các bạn reo lên kết quả đậu 6 sinh viên trong tổng số 21 sinh viên của lớp thì… lòng tôi “tan nát”.
Nhưng bạn có biết không, tôi vinh dự là một trong 6 sinh viên đó đấy.
Thầy sống đơn giản, mặc dù lương giáo sư chắc không phải là thấp trong thời buổi đó. Thầy đi dạy bằng chiếc xe đạp cũ kỹ. Thầy mặc một cái áo vải Nil France cũ đến nỗi nó trở thành mỏng te. Có lần tôi bạo gan hỏi Thầy: Trong trường giáo sư nào cũng đi xe sang trọng trừ Thầy và giáo sư Thiery (!), sao Thày không đi xe nào coi cho “phong độ” mà mãi đi chiếc xe đạp cũ rích. Câu trả lời như vầy: “Khi đất nước còn nghèo mà chỉ riêng mình giàu là một cái nhục. Khi mọi người đều giàu mà chỉ riêng mình nghèo cũng là một cái nhục”.
Thày đã dạy tôi sống và làm nghề dạy học như thế đó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét