Vào những ngày chuẩn bị đón năm mới này, một lần nữa dư luận lại dậy sóng vì câu chuyện của 50 năm trước, biến cố Mậu Thân 1968.
Vào tuổi 81, một nhân vật gắn liền với sự kiện gây nhiều tranh cãi này, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chính thức lên tiếng về sự liên quan của mình trong cuộc thảm sát đau thương ở Huế, khiến hàng ngàn người chết.
Theo lá thư ông Tường viết, ông xác nhận không có mặt ở Huế trong cuộc "Tổng tiến công và nổi dậy", nhưng thừa nhận mình đã nói dối như một nhân chứng. Và kẻ làm chứng gian này xin được tha thứ vì lỗi lầm đáng xấu hổ ấy.
Vì sao mỗi năm đến Tết lại bị hỏi?
Vào khoảng năm 2002, nhân dịp tham dự Festival Huế, tôi đã đến nhà ông Tường và làm cuộc phỏng vấn ông cho một tập sách về một số nhân vật trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật, do nhiếp ảnh gia Dương Minh Long tổ chức thực hiện (đến nay cuốn sách này vẫn chưa in).
Và tôi đã hỏi. Với sự tức giận, mất bình tĩnh, ông đã gay gắt:
"Tại sao cứ mỗi dịp lễ lạc hay Tết nhất, người ta lại mang tôi ra chửi?"
Rồi ông cho tôi biết, ông không có mặt ở Huế tết năm đó. Tôi tin ông. Sau này, tôi cũng hỏi một người bạn, vốn là một đội trưởng trong ba đội Thanh Niên Tuyên Truyền do Thành ủy Huế thành lập, xác nhận ông Tường không về Huế.
Giờ đây, mặc dù ông Tường đã "tự thú", nhưng dường như dư luận vẫn không tha thứ cho ông.
"Dư luận" có ác không? Và ông có đáng được tha thứ không?
Dù thế nào, một lần nữa, chúng ta lại chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa những người Việt.
Có lẽ, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường và một số bạn bè ông đã tự biến thành vật tế thần cho nỗi oán thù chồng chất, từ quá khứ đến hiện tại, qua những phát biểu đầy chất tuyên giáo của ông, trong khi kẻ đích thực gây ra cuộc thảm sát Mậu Thân vẫn im lặng.
Lịch sử Việt Nam có hai lần bị chia cắt. Lần một, khoảng từ 1600 - 1777 giữa hai thế lực của hai dòng họ, Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía Nam, phân cách qua sông Gianh.
Lần hai, 1954 - 1975 giữa hai thế lực cầm quyền theo đuổi lý tưởng độc tài Cộng sản và lý tưởng tư bản tự do, phân chia theo dòng Bến Hải.
Dù nhân danh chính nghĩa nào, thực chất các cuộc chiến tranh đều được dẫn dắt bởi những tham vọng chính trị cá nhân hay tập đoàn.
Cả hai giai đoạn lịch sử ấy đều để lại nhiều đau thương, mất mát. Nhưng trải nghiệm lịch sử không làm người Việt Nam khôn ngoan hơn.
Không thể phủ nhận khát vọng thống nhất là chính đáng, nhưng chiến tranh không phải là giải pháp duy nhất.
Tinh thần anh em ở đâu?
Cho đến nay đã không ít tài liệu cho chúng ta thấy, người Việt Nam đã tự chọn vai trò làm xung kích cho cho các thế lực quốc tế, thay vì ngồi lại với nhau trong tinh thần anh em.
Dưới mắt của những người thuộc bên còn lại, nhà cầm quyền chưa bao giờ làm điều gì thực tâm để xóa bỏ hận thù, khi hàng năm họ vẫn ăn mừng chiến thắng rầm rộ và vẫn tiếp tục đón nhận "chiến lợi phẩm" hàng chục tỉ đô la qua kiều hối.
Những người bày tỏ bất đồng chính kiến vẫn bị trấn áp và bỏ tù.
Tất cả những ai ưu tư về vận mệnh quốc gia đều không khỏi lo lắng về hiểm họa Hán hóa. Nhưng tất cả những ai yêu nước không đúng đường lối Đảng CS đều là đối tượng "phản động".
Chủ nghĩa Cộng sản đã phá sản trên toàn thế giới, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ nhìn nhận sai lầm của mình trong việc thực hiện chủ nghĩa ấy cũng như hệ lụy của nó trong cuộc chiến tranh vừa qua.
Quả thật, chỉ có mơ mới nghĩ nhà cầm quyền đủ dũng cảm và sáng suốt công nhận sai lầm.
Nhưng nếu không nhìn nhận sai lầm để bắt đầu lại, hàn gắn vết thương chiến tranh, nối lại lòng người… thì cũng không có cách nào khác để hòa giải, xóa bỏ hận thù.
Ở góc độ từng cá nhân, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng như những người bị nêu tên khác đã làm gì sau trách nhiệm quá khứ của họ?
Câu trả lời chỉ có thể đến từ chính họ.
Trong phạm vi nhỏ những người tôi quen biết, tạm gọi trí thức, dường như tôi cũng không nhìn thấy sự áy náy lương tâm nào.
Họ vẫn coi quá khứ của họ trong cuộc chiến vừa qua là một cuộc trường chinh hào hùng như một tất yếu của thời thế.
Lịch sử cần được soi sáng không chỉ bằng sự thật mà còn cần cả lương tri. Không nhìn thấy sai lầm, không thể tránh tiếp tục lầm lạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét