khktmd 2015
Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018
Đốt Hương Trầm Nhớ Quê - Tác giả Lm Tạ Duy Tuyền
Ngày Tết, cùng với đất trời giao hòa, con người dường như cũng gần gũi nhau hơn. Trong cái không khí ấm áp với gió xuân nhè nhẹ của ngày Tết, người đi xa lại thêm nhớ về nhà, về quê hương, nơi đó có những người thân yêu, ruột thịt. Bên mâm cơm gia đình, gợi nhớ những người ở xa, ngậm ngùi nghĩ về những người thân đã khuất. Trong cái khối đất trời hoà quyện, người người muốn tìm và gặp nhau như muốn giữ lại một chút kỷ niệm thân thương của những ngày tháng năm xưa:
"Đêm qua đốt đỉnh hương trầm
Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê"
'Nhớ quê', quê nào đây? Có phải khu vườn xưa xanh um bóng lá? Có phải mảnh ruộng đồng lúa mạ đơm bông? Có phải mái nhà tranh hay nóc ngói đơn sơ mà nay ta cách biệt? Nếu chỉ thế thì đâu phải đợi vào đêm, trong giờ phút cô vắng ta mới chạnh lòng vương vấn tâm tư trong những lời thơ mơn man, trải dài xa vắng?
"Đêm qua đốt đỉnh hương trầm...
Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê"
Trong làn khói hương nghi ngút, trong mùi trầm ngào ngạt, lòng con người như muốn bay về cội nguồn, mong tìm về quê hương thời tuổi trẻ, nơi chứa đựng cõi trời ấu thơ, nơi gắn bó đời mình với biết bao kỷ niệm thân thương, mà mỗi bước đi xa là một khúc ruột bị chặt lìa, một thứ 'đoạn trường tân thanh' muôn đời, miên viễn.
Như thế, nhớ quê ở đây là nhớ về cội nguồn, nhớ về nguồn gốc tổ tiên: “vì chim có tổ, nước có nguồn, con người có cha mẹ sinh ra”. Nhớ quê ở đây là một cái nhớ ở trong tiềm thức của mỗi người, nhớ về tình yêu của cha, của mẹ, của anh chị em trong nhà.
Xa quê chạnh nhớ quê nghèo
Mẹ cha vất vả gieo neo ruộng đồng
Nuôi con ăn học hết lòng
Con luôn thấu hiểu tấm lòng bao la.
Trong chữ “Quê” có nguồn cuội. Có hình bóng của những con người “bán lưng cho trời – bán mặt cho đất” chỉ mong sao con lớn khôn thành người.
Thương con không quản nắng mưa
Thức khuya dậy sớm, mưa giông không màng
Gian lao khổ cực nào than
Cho con no đủ, hiên ngang với đời.
Khi hồi tưởng về quê nhà ta mới thấy thấp thoáng bao kỷ niệm về gia đình, nơi đó chan hòa tiếng cười và đầy ắp yêu thương. Hồi tưởng về quê nhà ta mới thấy sự trưởng thành của ta được xây đắp bằng tình yêu hy sinh vất vả của mẹ cha.
Cuộc đời bao nỗi đắng cay
Nhìn về cha mẹ, lệ cay nghẹn ngào
Hôm nay nước mắt tuôn trào
Nhớ ơn cha mẹ, cả đời cưu mang.
Hồi tưởng về quê nhà, ta mới thấy mình phải có bổn phận “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, ta mới thấy làm sao đáp đền công ơn trời bể mà cha mẹ đã dành cho ta.
Con đây chẳng nói nên lời
Nghẹn ngào nước mắt, lòng này khắc ghi
Lạy cha lạy mẹ con quỳ
Công ơn trời biển, đời đời không quên.
Khởi đầu năm mới, chúng ta tưởng nhớ đến các bậc tổ tiên, những người có công đức sinh thành dưỡng dục chúng ta. Chúng ta đâu biết rằng để mình có ngày hôm nay, cha mẹ chúng ta phải đánh đổi cuộc đời như thế nào? Vì danh dự của con, vì muốn cho con có tiền đến trường đến lớp, vì muốn cho con bằng chúng bằng bạn, cha mẹ nào cũng sẵn sàng đánh đổi cuộc đời mình vì hạnh phúc đàn con.
Do đó, uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Có được niềm vui đón xuân hôm nay, chúng ta cũng cần tỏ lòng hiếu kính, biết ơn đối với các bậc tổ tiên đã khuất và đối với ông bà cha mẹ những người còn đang sống và còn đang hao mòn vì chúng ta.
Chính Chúa Giêsu cũng luôn sống hiếu thảo với cha mẹ của mình. Phúc âm nói Ngài hằng vâng phục cha mẹ mình. Và dưới cây thập giá Ngài còn mời gọi thánh Gioan thay mặt Ngài đón Mẹ về nhà của mình để sống trọn chữ hiếu.
Vì thế, trong bầu khí mừng xuân Mậu Tuất và nhớ về cội nguồn, chúng ta cùng hiệp dâng thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ của những ai đã qua đời và cầu bình an cho các bậc sinh thành vẫn đang còn hiện diện với chúng ta và với tấm lòng thảo hiểu chúng ta hãy cùng nhau ước nguyện:
Mỗi đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét