khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

TẠI SAO TÀU KHÔNG ĐỒNG HOÁ NỔI VIỆT? - Tác giả Gs Lương Kim Định




Đó là câu hỏi chưa được thấy nêu lên, mặc dầu rất nhiều người đã ghi nhận sự kiện là Tàu không đồng hóa được Việt, nhưng chỉ ghi nhận như một hiện tượng chứ chưa có sự đi tìm lý do. Ong Paul Mus có đi sâu hơn được một bước khi nói lễ gia tiên và sự thờ thổ thần đã giữ cho Việt Nam khỏi đồng hóa với Tàu. Nói vậy đúng nhưng chưa hết vì chưa chỉ ra đựơc căn do nội tại. Theo Việt Nho thì căn do đó nằm trong sự vụ Việt là chủ, Tàu là khách, do đấy Việt biến đổi Tàu, chứ không phải Tàu biến đổi Việt. Nói thế cho mạnh để đề cao tinh thần trên vật chất, còn muốn nói cho rành mạch thì phải nói về văn hóa thì Việt cải đổi Tàu, còn về văn minh thì Tàu ảnh hưởng Việt: văn minh như về cách cai trị, quân bình, thi cử, cùng các kỹ thuật. Ngược lại về văn hóa tức tinh thần hay nói rõ hơn là những tư tưởng lãnh đạo làm nền tảng cho Nho thì do Việt.
 
Sở dĩ câu trên coi như cách mạng vì xưa rày chưa hề có ai nói tới: các học giả mới căn cứ vào có sách, mà bởi thời nay chưa có sách cũng gọi là từ, chưa có từ, mới có tượng, số và chế, đôi khi gọi là “kinh vô tự” như Lạc Thư, Sách Ước, Trống Đồng v.v… Tất cả những lâu đài văn hóa nọ hàm tàng những chân lý nền tảng hơn hết và được Nho giáo múc ở đấy, nếu không thì múc ở đâu ra được Đạo. Sách nói “Bất do cổ huấn, vu hà kỳ huấn” là thế, và vì vậy ta thấy ông tổ Nho là Khổng Tử luôn luôn xưng mình là hiếu cổ, học với cổ, ông xưng rõ ông không phải là người sáng tạo mà chỉ thuật lại lời các tiên tiền đã truyền ra, cho nên khi đọc Tứ Thư Ngũ Kinh ta thấy bao nhiêu đạo lý đều quy cho những vị cổ xưa như Nghiêu, Thuấn… Phục Hy làm ra Kinh Dịch, Oa Hoàng làm ra phép linh phối. Thần Nông làm ra nông nghiệp. Hữu Sào làm ra nhà sàn. Bàn Cổ xếp đặt trời đất… Xưa rày ngừơi ta vẫn nghĩ rằng bấy nhiêu vị là người Tàu cả. Nhưng đến nay khoa học mới khám phá ra rằng các ngài không phải là người Tàu? Hỏi vậy là ai? Các học giả chưa nói ra ngã ngũ. Và đến đây An Vi giơ tay xin góp ý kiến như sau: xin đem các vị đi thử máu, xem là máu Tàu hay máu Việt.


 Đó là phương pháp rất khoa học vì đây không phải là máu chủng tộc mà là máu văn hóa. Đến lúc thử xong thì ra toàn loại máu TR (Tiên Rồng).


 Phục Hy cũng có tên là Thanh Tinh: rồng xanh, đúng là máu R, đã thế lại còn giao chỉ với bà Nữ Oa tức hai vị quấn lấy đuôi nhau làm sao không lây máu nhau được. Vì thế cần xin bà Nữ Oa tí huyết để phân tích, mới rút ra thì đã thấy là máu T (chim). Vì khi bà chết thì hóa ra chim tinh vệ (tức máu T tiên) tha đá lấp bể. Vá trời lấp bể là những việc của các nghi mẫu chúng ta. Đó là những việc có tầm vóc vũ trụ, ngầm chỉ những chân lý bao la phổ biến mà các bà sáng nghĩ ra. Vì thế truyền thuyết nói bà lập ra phép hôn phối. Thực ra là phép linh phối tức nối trời với đất, cho nên tay bà cầm cái quy, chỉ phép tắc trong trời đất. Quy cũng gọi là thập tự nhai + gồm nét dọc chỉ trời, ngang chỉ đất, hai nét giao thoa làm nên con người đại ngã tâm linh. Về sau Nho giáo công thức hóa thành câu: “Nhân giả kỳ thiên địa chi đức”. Còn Phục Hy cầm cái củ là dụng cụ để đo góc vuông với hàm ý là đất, vì đất có bốn phương, nên nói là trời tròn đất vuông (thiên viên địa phương). Vì thế hai chữ quy cù có nghĩa là trời tròn đất vuông, còn nghĩa thực tiễn là rường mối phép tắc.


 
Đấy là tổ của Nho nhưng cũng mới là tổ đợt nhì gọi là đợt cơ cấu. Còn tổ đợt nhất là các ông Hữu Sào, Toại Nhân và cuối cùng là Bàn Cổ. Hữu Sào là “có tổ” có ý nói tới nhà sàn vì nó giống với tổ, tổ làm trên cây ở giữa trời cùng đất. Nhà sàn cũng vậy có nóc chỉ trời, người, đất. Sau này Nho công thức hóa thành thuyết tam tài là Thiên, Địa, Nhân, ta quen gọi là đạo Ba. Còn Toại Nhân là người phát minh ra phép dùng lửa đã chấm dứt thời bắt sống ăn tươi như thú vật, đặng bứơc vào thời nấu, nướng, chiên, xào. Vì liên hệ với cụ Toại Nhân nên nước ta có tên Xích Quỷ. Quỷ làm chủ, còn Xích là đỏ, hiểu là đỏ lửa, tức làm chủ đựơc lửa, hay là biết áp dụng lửa vào cuộc sống. Cũng vì thế phương Nam thuộc Xích đế (Tây Bạch đế, Đông Thánh đế, Bắc Huyền đế, ở giữa là Hoàng đế). Chính vì liên hệ này mà Việt tộc có tên Viêm tộc (chữ Viêm kép bởi hai chữ hòa). Thần Nông có tên Viêm đế và một ruỗi những chim lửa như chim Tất phương và chim Chương dương đều là thần lửa phương Nam, cũng như có những tổ làm thần Chúc Dong coi về lửa, tức kỷ niệm thời tổ tiên ta còn thờ mặt trời nên mới có những tên như Viêm Đế, Viêm Bang, Viêm chủng mà nhà Phật dịch là Nhật chủng cũng như nước ta nhận hoa Nhật quỳ làm quốc hoa v.v…


 
Còn về văn hóa thì dấu vết được tỏ rõ trong phép tả nhậm: vắt áo bên tả biểu lộ lề thói trọng tả của ta cũng là trọng Văn, còn Tàu trọng Hữu tức trọng Võ. Số 5 là của Việt. Tàu ưa số 6, về sau Tàu mới đổi sang số 5. Nhà mái cong cũng của Việt ngay từ thời Đông Sơn, còn Tàu mãi đến đời Đường mái mới cong, tức cong sau ít gì mười thế kỷ. Nét cong nói lên sự hòa hợp giữa tròn và vuông ý nghĩa số 5 giữa chẵn và lẻ (2+3) vậy. Điều nổi cuối cùng: Rồng là của Việt. Tàu trước nhận Bạch hổ. Đời Thương còn mang cờ hổ, đang khi các chi tộc của Việt đã mang cờ rồng. Kinh Dịch nói là “Long kỳ dương dương” (các cờ rồng bay phơi phới). Tàu mới nhận rồng vào lối nhà Hán.


 
Tất cả những điều này đã nói nhiều nơi (xem nhất là bài Tại sao hai chữ Việt Nho trong Pho tượng) nên xin thông qua để đi đến kết luận.


 
Là các khoa tân nhân văn như triết, khảo cổ, cổ tục v.v… đều chứng minh là Việt có văn hóa trước, Tàu mới đến sau và chỉ làm cho văn hóa kia trở nên xác định rõ ràng, ngừơi ta gọi là văn minh. Việt học mới bàn về văn minh mà quên giai đoạn văn hóa nên nay có người nói tới thì tưởng là nói ẩu vì ái quốc quá khích. Sự thực thì rất là vừa khít.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét