Trẻ Việt học rất giỏi ai cũng hãnh diện. Người Mỹ rất ngạc nhiên không hiểu tại đâu. Đã có người đi điều tra tận mãi bên Đông Á, họ không thấy dấu gì chứng tỏ là người Á Đông có thiên phú trội hơn người Au Tây nên hầu hết đi đến kết luận như sau: lý do căn để là bởi gia đình. Gia đình vững thì con em học giỏi. Điều ấy cũng xảy ra cho các gia đình Mỹ bậc trung lưu trở lên. Ngoài ra về tiền của, các gia đình trung lưu của người Đông phương cũng tiến mau hơn… ấy cũng nhờ gia đình. Nội một việc gia đình lỏng lẻo hay ăn cơm tiệm, con cái sớm ra ở riêng… đã tốn phí gấp bao. Chỉ kể sơ qua hai ơn ích nọ đủ chứng tỏ gia đình là một giá trị rất lớn cần phải hết sức đựơc duy trì.
Đến khi nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa mới thấy giá trị còn cao hơn nhiều lắm. Các nhà xã hội học nhận thấy rằng ở đâu gia đình vững thì không có chế độ nô lệ. Cái đó dễ hiểu vì người trong gia đình có ai bị bắt làm nô lệ bao giờ. Vậy mà tinh thần gia tộc của ta đã được duy trì qua bao ngàn năm. Khởi đầu là Hồng Bàng thị. Chú ý chữ thị nói lên tinh thần gia tộc. Tinh thần đó đã vẫn giữ được khi từ bộ tộc bước lên đợt quốc gia, thành ra quốc gia cũng chỉ là bộ tộc mở rộng, cũng như bộ tộc cũng chỉ là mở rộng thị tộc, như thị tộc là nối tiếp gia tộc. Chính vì thế mà người trong nước xưng hô nhau bằng những danh xưng, thuộc gia đình như bà con, cô, bác, chú, thím, cha ông. Với bất cứ ai dù không trong gia tộc cũng xưng hô là ông bà, cô, thím, chị, em… Đó là hiện tượng rất lạ.
Tôi còn nhớ có cảm tưởng thú vị xưa khi đọc sách Tây họ bỡ ngỡ biết bao vì người văn mày bên ta cũng được gọi là ông là bà. Họ ngạc nhiên là vì bên Au Tây ai cũng gọi nhau bằng you bằng vous, chúa cũng gọi là you mà con mèo cũng gọi là you. Vì xã hội họ không xây trên mẫu gia đình mà trên mẫu chủ nô. Ai có của thì là chủ, ai không có của chỉ là nô. Đó là nền móng xã hội La Hy. Người Tàu cũng chỉ có ngộ với nị, nên xã hội nhiều nô lệ hơn ta, và phá chế độ nô lệ muộn. Bên La Mã xưa có phép đầu phiếu “bách tiền” gọi là Centuric. Tiếng này gốc tiếng La tinh Centrum là trăm. Hễ ai có một trăm ngàn thì đựơc bỏ phiếu. Nhiều trăm ngàn thì bỏ nhiều phiếu. Không có tiền không được bỏ phiếu. Đó là tại xã hội xây trên tài sản chứ không trên tình gia đình, mà vì quy chế tài sản là tuyệt đối nên 2, 3 người có 7, 8 người không, thành ra đến 70%, 80% người trong xã hội là nô lệ, chỉ chừng 20% có tự do. Đời ấy người ta chỉ mới biết có công bằng trừu tượng khái quát mà chưa biết đến công bằng xã hội, tức là người nào trong nứơc cũng phải được tham dự tài sản trong nước. Công bằng xã hội mới được nói đến từ cuối thế kỷ 19.
Còn bên ta có ngay từ đầu với phép công điền công thổ, tức là ai ai hễ đến tuổi thì đều được làng cấp ruộng. Làng tôi mỗi đinh được 5 sào, nhưng có người giữ miếng đất hay vườn quá 5 sào mà không tiện chia cắt thì ngừơi đó phải theo “rong canh” những sào dư: mỗi sào là 5 thúng thóc. Người đến tuổi đinh được có phần điền mà không có ruộng thì được người khác theo rong canh cho 25 thùng thành thử không ai trong nước là vô sản hết. Ong Paul Mus có nói người Việt Nam nghèo thiệt, nhưng nghèo cả hàng tổng: lợi tức không có chênh lệch quá lớn về giàu nghèo như các xã hội tư bản. Đó là nhờ phép công điền. Phép công điền đã được nói bóng trong truyện Mẹ Au đẻ cái bọc trăm trứng, bà sợ, vứt ra ngoài đồng thế mà rồi con nào cũng được phương trượng hết. Không ai phải làm nô lệ vì thiếu phần điền. Đến sau Việt Nho lược đồ hóa lý tưởng trên bằng phép tỉnh điền, nghĩa là chia một lô đất ra 9 lô theo như hình chữ Tỉnh # cho 8 gia đình 8 lô, còn lô giữa để nộp cho vua, trong đó có đào một cái giếng chung chữ Nho kêu là tỉnh nên gọi là tỉnh điền. Tỉnh điền hay bọc mẹ Au ném ra ngoài đồng đều chỉ phép công điền công thổ mà tôi gọi là bình sản: tài sản chia đều cho mỗi người dân.
Phép ấy tiên tổ ta đã có ngay từ Hồng Bàng thị. Chữ thị nói lên tinh thần gia tộc, mà về sau các bà còn mang trong tên. Lâu ngày người ta coi thường chữ ấy, nhưng ở thời khai nguyên thì chữ đó cao trọng lắm, nó chỉ tinh thần mẫu hệ, đặt vợ trứơc chồng. Nước được lập ra do 50 con theo mẹ lên núi, chứ không do 50 con theo cha xuống biển (đi đâu mà bặt tin tức vậy?) nghĩa bóng là văn hóa vẫn giữ được tình người, mà trong triết gọi là giữ được nguyên lý mẹ. Còn văn hóa Tây Au thì không, nên mang tiếng là đực rựa: duy dương, duy lý mà hình thái cùng cực là cộng sản duy vật chống lại mọi thứ tình: tình nhà, tình nước, tình trời: gọi là tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo, cho nên thuyết tam vô của công sản cũng nảy sinh từ Au Tây là chuyện đương nhiên. Và những người còn bênh vực Karl Marx, Hồ Chí Minh đổ tội cho Lenin, cho Đồng Duẩn là tỏ ra chưa nghiên cứu thấu triệt văn hóa Au Tây. Cũng như nói đến Việt Nam có chế độ nô lệ thì chỉ là nói theo “đẳng tính” tức đảng dậy vậy thỉ phải nói vậy chứ có xét đến nguồn gốc trung thực đâu.
Đành rằng trong thực tế không giữ được đầy đủ như trong lý tưởng, nên có những hiện tượng nô lệ. Chú ý hiện tượng chứ không phải chế độ. Nếu chế độ thì là việc luật pháp, người nô lệ có tiền cũng không thoát ra khỏi chế độ nô lệ. Còn hiện tượng không có hàng rào luật lệ nào. Con sen nếu trúng lô độc đắc thì lập tức có thể trở nên bà chủ, bà giám đốc, không ai ngăn cản cả. Nếu là chế độ thì có tới 70%, 80% người dân nô lệ. Còn hiện tượng thì chỉ vài ba phần trăm, và cũng chỉ là con ăn đầy tớ. Đôi khi bị xử tệ như nô lệ thì cũng chỉ là chuyện làm ẩu của chủ nhà chứ không có luật pháp nào cho phép coi đầy tớ như sự vật. Tuy nhiên vì ảnh hưởng Hán Nho nên chế độ công điền có suy vi dần nhưng nói chung thì đến đầu thế kỷ thứ 20 quá bán ruộng đất ta vẫn còn là công điền. Đến khi Pháp cai trị thì ở miền Nam (Bạc Liêu thí dụ) công điền nhiều nơi trụt xuống còn vài ba phần trăm, vì có những đồn điền của tư nhân chiếm hàng nghìn mẫu. Đó là chế độ tư sản Tây Au nương thế bảo hộ xen vào phá vỡ chế độ bình sản của ta, đây là nói kiểu thông thường…
Còn nói theo kiểu triết lý chính trị thì đó chính là dân chủ. Nói theo chiều tiêu cực thì dân chủ là thoát khỏi nạn chuyên chế; còn tích cực là ăn nói. Được ăn là được tham dự tài sản trong nước gọi là bình sản. Được nói là được tự do phát biểu ý nghĩ của mình. Như vậy dân chủ chân thực phải có bình sản, và được tự do suy tư nói nghĩ. Thiếu hai cái đó thì chỉ là dân chủ giả hiệu. Xã hội Au Tây có chế độ nô lệ, nên phải dầy công mới lập được chế độ dân chủ, lúc ban đầu cũng chỉ có dân chủ trên pháp lý, chưa có bình sản, nên tự do bị gọi là tự do chết đói. Cộng sản đã có ý sửa lại chỗ đó bằng tuyên bố dân là chủ tài sản quốc gia. Nhưng thực chất vẫn là tư bản, chỉ khác chủ tư bản xưa là cá nhân nay chủ là chính quyền, dân vẫn là vô sản, đã vậy tự do cũng mất luôn nên khốn khổ hơn vô sản xưa muôn vàn.
Xét theo mấy điều trên ta thấy gia đình là thể chế gây ơn ích hết sức sâu xa. Ơn ích ngay đời ta: con em học hành giỏi, bố mẹ làm ăn chóng nên cơ nghiệp. Còn đời xưa là chế độ dân chủ chân chính có bình sản, có tự do, làm nên một xã hội có tình có nghĩa, một quê hương tổ quốc thẳm sâu. Thật không ngờ nơi ta ra chào đời, sống bên cạnh những ngừơi thân yêu trong quãng đời tươi đẹp nhất lại chất chứa nhiều minh triết xuyên qua bao đời cho đến nay ta vẫn còn được hưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét