khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

DARWIN AWARDS - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa







Khi người hùng vung đao tự thiến

Có óc khôi hài thường phải là người thông minh.

Thường là vậy, vì nói lời vô duyên mà làm thiên hạ bật cười thì trong nụ cười đã có niềm ái ngại. Đáng thương hơn nữa là khi chính đương sự kém thông minh nên không biết vì sao ta lại như hề. Hãy dẫn ngay một thí dụ, như viên thuốc đắng – cho xong.

Khi một quan chức của đảng ta ở Hà Nội vênh váo nói với người Thái, rằng dân ta anh hùng đã đánh thắng ba đế quốc đầu sỏ như Nhật, Pháp, Mỹ thì người Thái ngỡ ngàng. Họ lịch sự trả lời, với nụ cười mỉm. "Còn chúng tôi thì chẳng phải đánh ai cả!"

Đã lẹt đẹt vào tới Thế kỷ 21 mà còn ngớ ngẩn như vậy thì chẳng phải vô duyên cũng là vô tâm, vô đạo.

Hãy để phường tục tử ở đó mà trở về trí thông minh....

Phải thông minh thì mới tinh quái nhìn ra nhiều nghịch lý hay phi lý của đời sống và nói lên điều bất ngờ khiến người khác bật cười. Đôi khi "cười cợt là để cải sửa phong hóa" như một tác giả Ý chủ trương. Thường thì người ta sửa phong hóa bằng cách chế diễu hay châm biếm... cho chừa. Nếu như người bị diễu nhìn ra cái hố của mình để khỏi lao vào đó. Người cộng sản thì không.

Họ cứ nghiêm và buồn với sứ mệnh cách mạng nên không thể có văn hóa khôi hài. Đấy là kẻ vô duyên có truyền thống, được cái nết đạo đức giả sau mặt nạ nghiêm túc mà méo như mặt mo. Và tiếng cười nếu có thì chỉ xuất hiện từ thành phần thông minh bị họ áp bức. Đấy là nét chung của mọi xã hội bị cộng sản thống trị.

Nói về tinh thần khôi hài, dân Mỹ vốn thuộc loại thông minh mà lại sống trong một xã hội cởi mở. Họ chẳng húy kỵ điều gì nên tha hồ... oanh kích tự do. Dẫn như vậy là để nói về một giải thưởng của Mỹ, có mặt cách nay 30 năm mà vì nghiêm và buồn nên dân ta nhiều người ít biết.

Xin hãy biết để cười - sau đó có khóc thì cũng là phải đạo.

Ai trong chúng ta cũng có thể biết nhà bác học người Anh là Charles Darwin, cha đẻ thuyết tiến hóa xuất hiện vào Thế kỷ 19, là sự cải tiến tự nhiên của các di tố hay chủng tử. Thế rồi nhờ dân Mỹ mà ông Charles này làm ta cười như ông Charles kia, là anh hề Charlot người Anh nổi tiếng trong Thế kỷ 20.

Năm 1985, chẳng lý luận gì về lẽ đúng sai của thuyết Darwin, một số người đề nghị trao giải cho "những ai đã có sự hy sinh tột cùng, là mất mạng, để loại bỏ cái di tố lố bịch của bản thân ra khỏi kho chủng tử tốt tươi của nhân loại". Nhớ đến công lao nghiên cứu của Charles Darwin, họ gọi đó là "Giải Darwin".

Năm 1993 một nữ sinh viên tại Berkeley rồi Stanford, sau này chuyên về thần kinh sinh lý học, bèn khai triển cái ý lạ và tiêu chuẩn hóa giải thưởng. Người trúng giải phải tuyệt mệnh hoặc ít ra thì tuyệt tự qua hành động tỉnh táo mà cực xuẩn ở tuổi trưởng thành, để tự kết thúc đời mình. Mà không làm hại người khác.

Nàng Wendy Northcutt còn sưu tầm và viết nhiều sách về giải thưởng. Cuốn sách đầu tay nằm sáu tháng trên danh mục bán chạy nhất của tờ New York Times vì thiên hạ muốn biết về những kẻ khờ trúng giải. Ai thích cười và mê điện ảnh thì còn có phim "The Darwin Awards" phát hành năm 2006.
Vài thí dụ giúp ta mường tượng ra cái giải kỳ khôi ấy.

Có chàng gắn máy phản lực vào xe hơi để đạt tốc độ gần 500 cây số trên sa mạc Arizona, rồi lao xe xuống vực, chết tốt.

Chàng kia thì tự tử bằng cách nuốt chất nytroglycerin và gieo mình vào tường chờ thuốc nổ. Một chàng khác thì muốn đi nhanh, bèn ngồi vào xe đẩy hàng của siêu thị rồi tự giàng vào đuôi xe hỏa - nên bay vào cửa tử. Nhờ đó, thiên hạ bớt nhiều kẻ khùng.

Bạn đọc chẳng nên ngạc nhiên khi mấy khôi nguyên kể trên đều thuộc phái khỏe: mới đây, một công trình nghiên cứu các giải Darwin từ 1993 đến 2014 cho biết là đến 90% khôi nguyên là đàn ông! Đau thật. Phái yếu không chỉ là phái đẹp mà còn thông minh hơn nhiều.

Vắn tắt lại, yếu tố chính của cái giải kỳ khôi này là phải do một hành động kỳ cục, mà khôi hài.
Mất hơn 500 chữ giới thiệu Giải Darwin rồi thì xin đi vào thời sự....

***

Khách có kẻ ỡm ờ hỏi người viết: theo ý các hạ, trong số những người mà thiên hạ đều biết thì ai có thể trúng giải Darwin?

Tần ngần mất hai ly đế và nửa điếu thuốc để đếm lịch, người viết này mới tìm ra một nhân vật danh bất hư truyền... từ 2224 năm trước.

Trung Hoa rất tự hào về Tần Thủy Hoàng Đế - Hoàng đế đầu tiên của nước Tần mà! Ít ai biết là nhân vật lịch sử ấy rất đáng lãnh giải Darwin sau khi gồm thâu lục quốc và lên ngôi cửu trùng. Ngất ngưởng như một thiên tài chính trị trên đó rồi, Ngài lại muốn giỡn mặt tử thần mà bắt triều đình đi tới chân trời góc bể tìm thuốc trường sinh bất lão. Có phải là người tỉnh táo trưởng thành mà còn ôm chuyện hão không nào?

Kết quả thì bạo chúa "chuyển sang từ trần" ở tuổi 50 - cái tuổi mà cụ Khổng gọi là "tri thiên mệnh"! Chỉ vì nghe lời thuật sĩ mà gã nuốt thủy ngân để cầu trường thọ!

Xin chú giải về chữ "chuyển sang từ trần", nó thể hiện trí thông minh của dân ta. Đấy là thơ lục bát theo kiểu Bút Tre:

"Nghe tin như sét đánh ngang.
Bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần!"


Trở lại chuyện bạo chúa đi vào bất tử bằng thủy ngân.

Bảo rằng thời đó chưa có khoa học nên gã này chẳng biết, chứ cớ sao thời nay, con cháu cường Tần vẫn trộn thủy ngân vào thức ăn bán ra ngoài? Và tại sao chúng ta thoải mái nuốt vào? Giải Darwin cho những ai đây?

Khách bèn hỏi: Có khi nào mà một tập thể lại chen vai lãnh giải không?

- E rằng có!

Trong "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại", văn hoa thì gọi là Đại Dược Tiến, Mao Trạch Đông làm 36 triệu người chết trong thời bình từ đầu năm 1958 đến cuối năm 1961. Đấy là ước tính của nhà báo Dương Kết Thằng trong cuốn biên khảo đồ sộ 1200 trang sau hai chục năm sưu tầm tại chỗ.

Cuốn sách chỉ được xuất bản tại Hong Kong có tên là "Mộ Bi – Trung Quốc Lục Thập Niên Đại Đại Cơ Hoang Kỷ Thật", là "Mộ bia - Sự thật về Trận Đói tại Trung Quốc vào Thập niên 60".

Nếu kể thêm khoảng 40 triệu đứa trẻ không ra đời vì cha mẹ chết thảm trong cảnh "cơ hoang" – chết đói khi được mùa – thì số nạn nhân lên tới 76 triệu! Dù vậy, họ Mao không thể lãnh giải Darwin. Vì lão vẫn sống nhăn cho tới 1976.

Chỉ có cái tập thể u mê kia mới đáng lãnh giải khi đã tuyệt tự mà vẫn sùng bái lãnh tụ.

Nhưng họ nên chia giải cho đảng ta ở Hà Nội khi các lãnh tụ Cộng sản khuân về chất thủy ngân trong tư tưởng Mao cho dân ta nốc đầy họng trong cuộc cải cách ruộng đất và các đợt chỉnh phong chỉnh huấn, chống hữu khuynh, rất linh tinh mà độc ác về sau....

Trên kia có dẫn lời một quan chức của Hà Nội với người Thái về anh hùng tính của dân ta khi đã cả thắng ba đế quốc đáng sợ là Nhật Pháp Mỹ. Hãy đổi qua thơ cho vui.

"Phương Nam nguyện hái hoa màu lửa,
Cho thỏa lòng mơ bạn Bắc Kinh"....


Khi viết như vậy, nhà thơ Chế Lan Viên cúc cung tận tụy này không dám chế diễu chế độ. Ngày nay, khi Đông hải của ta nằm dưới tầm đạn của nó thì lòng mơ ấy mới đượm chất khôi hài bi thảm. Vì dân ta hái hoa màu lửa trong nửa thế kỷ để dâng thành quả cho bạn Bắc Kinh. Cho cái Đế quốc thật ở ngay trên đầu!

Có đáng lãnh giải Darwin không?

Nhưng thôi, hãy luận về chuyện hiện đại.

Sau khi mất Hoàng Sa năm 1974, sáu tỉnh bị dập năm 1979, rồi mất Gạc Ma năm 1988 – toàn vào tay Trung Cộng – năm 1990, các lãnh tụ của đảng ta còn lén vào hẻm Thành Đô để tìm đường cứu vãn chế độ. Khi ấy, sự phá sản của chủ nghĩa cộng sản đã chình ình trong cơn địa chấn Đông Âu và đà sụp đổ của Liên Xô.

Họ giàng xe vào đuôi tầu để đâm đầu vào chỗ chết. Rồi mơ vòng hoa bốn tốt có cẩn 16 chữ vàng như lời ai điếu của bọn xỏ lá. Đáng giải Darwin.

Vốn người khó tính – mà hơi đểu – khách hỏi gặng là có tìm ra giải Darwin về... kinh tế chăng?
Dại gì mà rơi vào đó!

Xin dành cho nhiều kỳ oanh kích khác mà chỉ nói chuyện... thất kinh. Dàn typo hãy cẩn thận vì trên máy gõ, chữ "Y" nằm sát chữ "T". Không nên viết chuyện bặt kinh kỳ.

Số là Giải Darwin chú trọng đến di tố, cái "gene". Và nhấn mạnh đến tiêu chuẩn "tuyệt tự", làm kẻ khờ hết sinh con đẻ cái nên cái di tố ngu xuẩn được chấm dứt tại chỗ bằng hành động ngớ ngẩn. Nói vậy thì quần hào đọc báo sẽ khó mường tượng ra cái ý khôi hài của giải thưởng.

Vì thế, xin diễn nôm cái tên của giải thưởng thành "Vung Đao Tự Thiến". Chỉ có người hùng mới thích chơi đao. Làm người Thái dúi dụi bật cười.

Bỗng dưng nhớ Vũ Hoàng Chương.

Nhà thơ của chúng ta ngợi ca hành vi hào hiệp của Kinh Kha khi giấu dao chủy thủ trong bản đồ - chưa có sáu lưỡi bò - vào ám sát Tần Thủy Hoàng Đế. Chữ của ông là danh ngôn để đời:

"Một áng dao bay ngàn thuở đẹp
Dù sai hay trúng vẫn là dư".


Ai chẳng biết Kinh Kha đâm hụt vào cột và xoạc cẳng chửi thề, nên bạo chúa không chết vì dao mà vì nuốt thủy ngân. Cái đau là đâm sai trong việc đúng. Chứ trong chiêu thức "Vung Đao Tự Thiến" bọn hùng hục của ta trong cõi Ba Đình đời nay đều vung đâu trúng đó.

Bài này đã giao hẹn từ đầu: "hãy biết để cười".

Sau đó thì khóc....



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét