khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Cám ơn, xin lỗi, trả lời... không dễ- Tác giả Trần Trọng Thức




Đã có quá nhiều lời than vãn về tình trạng xuống cấp văn hóa giao tiếp ở nước ta, từ trẻ con đến người lớn, từ dân thường đến quan chức, nhiều bài viết trên các diễn đàn kêu gọi phục hồi những giá trị nhân văn trong đời sống bị mai một hàng chục năm qua.

Có người đem chuyện Châu Lễ bên Tàu thuở xa xưa, chuyện cụ Khổng, cụ Mạnh dạy người đời Tam cương Ngũ thường cách đây hơn hai ngàn năm nhắc nhở xem như một chuẩn mực đạo đức bất biến, dù chúng ta đang ở vào thời đại kỷ nguyên số, thời đại của thế giới phẳng. Cũng có người đem chuyện bên Tây ra so sánh để cho thấy ở bên ta ngày càng ít đi những câu xin lỗi, những lời cám ơn trong giao tiếp hàng ngày và kêu gọi “tiên học lễ, hậu học văn”, một điều ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được - kể cả ngành giáo dục - trong vòng xoáy của đời sống thực dụng hiện nay.

Cám ơn là khi ai đó giúp cho mình một điều gì dù nhỏ nhặt, còn khi làm điều gì sai trái hoặc không đúng thì hãy có một lời xin lỗi. Xã hội phương Tây, trẻ con đã biết nói xin lỗi và cám ơn từ khi chưa đến trường, bởi ở tuổi chưa tiếp thu được tri thức, chưa có sự quan tâm đến người khác thì chúng đã được dạy làm quen với nếp sống văn hóa qua hành vi của cha mẹ như một tấm gương soi.

Cám ơn và xin lỗi không phân biệt tuổi tác và địa vị xã hội. Không chỉ con trẻ biết xin lỗi người lớn, mà các bậc trưởng thượng cũng phải biết xin lỗi người bên dưới mình với thái độ chân thành.

Cám ơn và xin lỗi là một phần của văn hóa giao tiếp. Tuy cách thể hiện có khác qua từng thời kỳ, nhưng nội hàm của nó được hiểu là sự ứng xử tôn trọng nhau với tư cách là người có văn hóa, đạo đức và cả trách nhiệm nhằm bảo vệ các giá trị văn minh trong cuộc sống, để xã hội phát triển hài hòa, hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai phải tốt hơn hôm nay.

Ai chẳng muốn, vậy mà thực tế chưa cho chúng ta điều mong muốn ấy, bởi mấy chục năm qua, những giá trị và thang bậc xã hội đang bị xáo trộn quá mức.

Có một lớp nhà giàu mới xuất hiện ở các thành phố lớn, nhờ tích tụ tài sản nhanh chóng trong khi nền tảng văn hóa gia đình chưa được chuẩn bị hoặc không được kế thừa thì làm sao đòi hỏi có được một phong cách ứng xử văn minh hiện đại.

Có một dòng người nhập cư từ khắp nơi đổ về trong những thập niên gần đây, với những điểm xuất phát văn hóa khác nhau đang làm xáo trộn phần nào nếp sống đô thị vốn đã có một trật tự truyền thống được xây dựng từ bao đời nay.

Có một số người mà con đường hoạn lộ rộng thênh thang, nhiễm tính cao ngạo, xem văn hóa giao tiếp là một thứ hàng xa xỉ hoặc không dễ thừa nhận cái thiếu sót, sai trái của mình.

Tổ chức nào, con người nào mà chẳng có lúc lầm lỗi, nhưng một lời xin lỗi cũng không phải là việc dễ làm.

Đây chính là điều khác nhau ở bên Tây và bên ta. Qua văn hóa xin lỗi có thể đánh giá tư cách hành xử của một con người, cho nên ở các xã hội văn minh việc từ chức - một cách nhận lỗi - khi không làm tròn trách nhiệm là chuyện bình thường. Ở ta thì khác, thể chế hiện nay vẫn còn nhiều nơi ẩn trú cho quan chức có hành vi sai trái hoặc không hoàn thành nhiệm vụ gây thiệt hại cho xã hội.

Trong giao tiếp ứng xử không chỉ có hai từ cám ơn và xin lỗi mà còn có văn hóa trả lời do quan hệ xã hội, bạn bè, đồng nghiệp cần giao lưu thăm hỏi hoặc trao đổi thông tin, nhất là giữa quan chức nhà nước và người dân.

Gửi một bức thư đi ai mà chẳng chờ đợi một sự hồi âm. Nhận một bức thư thăm hỏi, một yêu cầu công việc mà không sớm trả lời thì được xem là thiếu tôn trọng người khác. Ấy vậy mà điều này thường dễ nhận ra ở cơ quan nhà nước, ở những người quyền cao chức trọng. Tại sao vậy? Người chủ xướng chương trình “Dân hỏi, bộ trưởng trả lời” có lần tỏ vẻ lo lắng khi ngày càng nhận ra những hạn chế hiểu biết không phải do câu hỏi của người dân. Có lẽ vì vậy mà các quan chức đầu ngành thường tìm cách khu trú ở những nơi an toàn. Kiến thức chuyên môn còn yếu, tinh thần trách nhiệm chưa cao hay sự cao ngạo xem chuyện đất nước như chuyện nhà mình là lực cản trong việc hình thành văn hóa trả lời?

Mấy năm trước đây, trong cuộc hội thảo “Đánh giá hoạt động tư vấn, phản biện và giám sát xã hội” đã có nhiều lời than phiền của giới trí thức rằng “rất ít kiến nghị và ý kiến đóng góp được hồi đáp” và bày tỏ mong muốn có văn hóa trả lời trong các cơ quan công quyền.

Trong đời thường không có văn hóa trả lời thì trong đời sống kinh tế - chính trị làm sao có được phản biện xã hội, làm sao có được ý kiến đóng góp để nhận được sự lắng nghe! Hình như đứng trên bậc thang quyền lực dù thấp hay cao, nhiều người dành cho mình cái quyền im lặng.

Đúng là không có con đường ngắn và bằng phẳng cho việc xây dựng văn hóa ứng xử trong điều kiện dân trí còn thấp, một nền giáo dục chưa định hướng rõ ràng và trong tình trạng nhiều giá trị xã hội bị đảo lộn.

Gánh nặng này chỉ một mình ngành giáo dục không thể làm được mà còn phải là trách nhiệm của mỗi gia đình và sự tương tác của xã hội. Đây chính là công việc trồng người như Quản Trọng thời Xuân Thu bên Tàu đã nói cách đây hơn 2.700 năm: “Bách niên chi kế mạc như thụ nhân” - vì lợi ích trăm năm không gì bằng trồng người. Tất nhiên là con người có văn hóa.

Còn nhớ một bài viết Hai năm - ba chữ của tác giả An Định trên báo Lao Động cách đây cũng đã hơn 20 năm nói về câu chuyện ở Bưu điện Quảng Ninh mở một đợt xây dựng văn hóa ứng xử, mà đích nhắm là làm sao giúp các điện thoại viên bỏ được hai tiếng “nghe đây” lạnh lùng và hách dịch khi nhận cuộc gọi đến mà thay bằng câu trả lời lịch thiệp “chúng tôi nghe”. Vậy mà, theo bài báo, phải mất đến hai năm các điện thoại viên ở đây mới “thuộc” được bài học vỡ lòng ba chữ về văn hóa giao tiếp.

Bài viết đó xuất hiện khi tại một hội nghị tổng kết toàn quốc, vị chủ trì kêu đích danh “thằng X, con Y” để kiểm điểm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét