khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Cách Viết Chữ Quốc Ngữ (L’Orthographe dans le quốc-ngữ)- Tác giả Nguyễn Văn Vĩnh (đã đăng trên Đông Dương Tạp Chí số 82 năm 1914)




Trước khi tôi được qua xứ Trung-kỳ và Nam-kỳ, tôi vẫn cho cách phân biệt chữ ch với chữ tr, chữ s với chữ x, chữ d, chữ gi, với chữ r, là một cách vẽ vời của mấy người có đạo, theo những sách quốc-ngữ của các cố, mà câu nệ, rồi lại muốn cả những người khác cũng câu nệ như mình, để cho những sách đạo thành ra như kinh-truyện văn nôm.

Nay tôi đã qua đàng-trong ít lâu, đã trải những sự khó khăn trong tiếng nói người đàng trong với đàng-ngoài rồi, thì tôi mới biết chắc rằng sự dùng chữ lẫn lộn của người xứ Bắc ta, là lầm; mà sự phân biệt của người đàng-trong, dẫu những người làm sách quốc-ngữ trước cũng có tự tiện ít nhiều, nhưng thật là phải lẽ, hợp với sự thật, vả lại làm cho tiếng An-nam giầu thêm ra được mấy âm.
Tiếng ta đã hiếm tiếng, mà được thêm ra ít tiếng, cũng là thêm rõ ràng, thêm tinh-vi ra một chút.
Như chữ ch với chữ tr, từ Thanh-hóa trở vào, ngoài Bắc-kỳ cũng có mấy hạt, phân biệt hẳn, đến nỗi đọc lộn chữ nọ làm chữ kia, thì không ai hiểu được.

Như tiếng:

Cha mẹ mà đọc làm tra (khảo)
Trung hiếu mà đọc làm chung (tất)
Trâu bò mà đọc làm châu (báu)
Trọn vẹn mà đọc làm chọn (kén)

Thì người nghe hiểu lẫn. Như trong một câu mà chỉ có một tiếng thì còn có thể đoán được. Ví bằng có ba bốn tiếng viết sai, hay là đọc sai như thế thì người nghe rồi hẳn tai không hiểu được nữa.

Chữ s với x, phân biệt với nhau giống quan hệ bằng chữ ch với chữ tr.

Chữ s thì đàng-trong đọc mạnh, uốn lưỡi như là chữ ch tây. Chữ x thì đọc nhẹ như ngoài ta.

Xinh tốt thì đọc nhẹ…. Sinh sản thì đọc nặng,
Xa xôi thì đọc nhẹ … sa chân thì đọc nặng,
Xong rồi thì đọc nhẹ… song le thì đọc nặng,
Xông pha thì đọc nhẹ…. Sông núi thì đọc nặng

Còn chữ d với chữ gi thì ở Trung-kỳ , Nam -kỳ đọc không phân biệt, mà viết lại phân biệt lắm. Hai chữ đó thường đàng-trong cứ đọc hơi giống như chữ y tây. Chớ khi thành hẳn chữ z tây, như là ngoài Bắc ta thường đọc. Người ngoài Bắc thì trong khi nói những tiếng: da, dám, giầu, riêng, dùng, giác, dóc, thì thường có kẻ đọc như đàng-trong, có kẻ đọc rõ hẳn như chữ z tây, có kẻ đọc uốn lưỡi như chữ j tây. Ít người đọc như chữ r tây. Đọc thì có cách khác nhau như thế, nhưng không phân biệt, mà tiếng đọc sai không sai đến nghĩa.

Đàng-trong thì đọc không phân biệt d với chữ gi; nhưng mà hai chữ ấy (d với gi) thì phân biệt hẳn với chữ r, chớ không đọc lẫn lộn cả như ngoài ta.

Lại còn mấy cách phân biệt tiếng đàng-ngoài với tiếng đàng-trong nữa, xa nhau hơn những cách trên này nhiều. Như là mấy tiếng ngoài này đọc và viết bằng chữ gi thì đàng-trong đọc và viết bằng chữ tr, như là:

Trồng cây, ngoài ta nói giồng cây,
Trời đất, ngoài ta nói giời đất
Trầu cau ngoài ta nói giầu cau
Trao đổi, ngoài ta nói giao đổi;

Có một tiếng ngoài ta dùng chữ s, trong dùng chữ tr là tiếng trống mái – Ngoài ta nói sống mái.

Nhiều tiếng ngoài ta dùng nh thì đàng-trong dùng l, như là:

Lớn, ngoài ta nói nhớn
Lời, ngoài ta nói nhời
Lẽ, ngoài ta nói nhẽ
Lầm, ngoài ta nói nhầm.
Có mấy tiếng ngoài ta dùng chữ d thì đàng-trong nh, như là:
Con nhện, ngoài ta nói con dện,
Mũi nhọn, ngoài ta nói dọn,
Nhịp cầu, ngoài ta nói dịp cầu
Nhúm lửa, ngoài ta nói dúm lửa.

Lại có tiếng khác nhau, như tiếng ngắn (dài) ngoài ta, trong nói là vắn – Bắc cũng có người nói vắn.
Đó là nói về những khai-khẩu âm. Đến như chữ vần, thì đàng-trong đàng-ngoài cũng có khác, nhưng không phân biệt đến nỗi chẳng hiểu được nhau.

1/ gi đổi ra tr:

trả, để thay tiếng giả
trai gái, để thay tiếng giai gái
trăng gió, để thay tiếng giăng gió
trao đổi, để thay tiếng giao đổi
trầu không, để thay tiếng giầu không
tro tàn, để thay tiếng gio tàn
trồng cây, để thay tiếng giồng cây
trở về, để thay tiếng giở về
trời đất, để thay tiếng giời đất.

2/ s đổi ra tr:

trống mái, để thay tiếng sống.

3/ d đổi ra nh:

mạng nhện để thay tiếng dện
nhọn, để thay tiếng dọn
nhốt gà, để thay tiếng dốt gà
nhơ bẩn, để thay tiếng dơ
nhúm lửa, để thay tiếng dúm lửa
nhủ bảo, để thay tiếng dủ
nhịp cầu, để thay tiếng dịp cầu.

4/ nh đổi ra l:

lạt, để thay tiếng nhạt
lát (chốc), để thay tiếng nhát
lầm, để thay tiếng nhầm
lẹ, để thay tiếng nhẹ
lẽ, để thay tiếng nhẽ
lỡ, để thay tiếng nhỡ
lời, để thay tiếng nhời
lớn, để thay tiếng nhớn.

5/ ng đổi ra v:

vắn dài, để thay tiếng ngắn.

Ba xứ ta chỉ nhường nhịn nhau có độ bấy nhiêu tiếng thì tiện lợi cho việc làm văn-nôm vô cùng. Có thể dùng văn-chương chung được, mà tiếng nói ba nơi cùng theo nhau mà chóng nên được một tiếng mói đủ dùng trong việc học phổ-thông. Thì ta há lại chẳng nhường nhịn được nhau hay sao?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét