khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Ba giọng hát tiên phuông, Thanh Thúy, Hòang Oanh và Phương Dung, của dòng nhạc Bolero trước năm 1975 tại Saigon




Các giọng hát Boléro ngày xưa dạt dào cảm xúc, diễn tả Boléro qua nhiều khía cạnh khác nhau. Ba cô Thanh Thúy - Hoàng Oanh - Phương Dung mỗi người một vẻ, cùng hợp sức đẩy mạnh dòng Nhạc Vàng nói chung và nhạc Boléro nói riêng (khi ấy còn có tên là “nhạc thời trang”) thành một trào lưu mới. Ngoài ba cô, trong giai đoạn nầy còn có nhiều giọng ca rất hay: Nữ ca sĩ Tuyết Mai, Lệ Thanh, Minh Hiếu, Trúc Mai, Nhật Thiên Lan, Hà Thanh (chuyên về nhạc Nguyễn Văn Đông nhiều hơn là nhạc Boléro)… Nhưng ba cô là ba giọng ca nổi bật nhất về nhạc Boléro được thính giả mến chuộng, được mời thu dĩa nhiều nhất, có sức thu hút mạnh và có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Có thể nói ba cô là những giọng ca tiên phong tiêu biểu, là thế hệ đầu tiên của nền Tân nhạc có công khai phá dòng nhạc Boléro Việt Nam.

Ngày xưa, người ta chỉ gọi đơn giản là "ca sĩ": Ca sĩ Thanh Thúy, ca sĩ Hoàng Oanh, ca sĩ Phương Dung, ca sĩ Trúc Mai, ca sĩ Minh Hiếu… Không có các danh hiệu “nữ hoàng”, “bà chúa”, cũng không gọi là “nhạc Boléro”, chỉ gọi chung là “nhạc thời trang”. Thời ấy, chẳng có ai được tôn vinh là “nữ hoàng Boléro” như một số người hiện nay ngộ nhận.

Âm nhạc cần có thời gian để thẩm thấu. Các giọng hát vàng của chúng ta cũng cần có thời gian để len lỏi, thấm đậm vào tâm tư người thưởng ngoạn, phải có một số bài khơi mạnh mạch cảm xúc, ngấm sâu vào cõi lòng người nghe thì mới có thể tạo dựng nên tên tuổi, mới có thể khẳng định vị trí của mình. Không thể nào chỉ qua một hai tác phẩm mà có thể nổi như cồn. Cô Thanh Thúy phải mất hơn 3 năm miệt mài ở các phòng trà mới đủ sức lực khua bước Nửa Đêm Ngoài Phố. Cô Hoàng Oanh phải tích lũy kinh nghiệm từ thuở các ban thiếu nhi mới tiến bước lên được Chuyến Tàu Hoàng Hôn. Cô Phương Dung phải gian nan khoảng ba năm trời từ giải trí trường Thị Nghè đến phòng trà, vũ trường mới tới được Những Đồi Hoa Sim. Chẳng có phép màu nào đâu, tất cả phải qua một quá trình. Nhưng khi họ đã ngồi vững rồi thì tầm ảnh hưởng của họ mạnh mẽ vô cùng.










Nửa đầu thập niên 60, giới âm nhạc chứng kiến thời kỳ ba cô Thanh Thúy - Hoàng Oanh - Phương Dung vẫy vùng trên thị trường dĩa nhựa. Chưa thống kê được trong khoảng thời gian nầy ba cô thâu bao nhiêu dĩa nhựa nhưng ước lượng số dĩa của ba cô thâu trước 75 tổng cộng gần cả ngàn bài. Bởi vì các nhạc sĩ, các hãng dĩa đã tin tưởng mới nhờ đến các cô là người đầu tiên giới thiệu các tác phẩm của mình đến người yêu nhạc, vì các cô là một bảo đảm doanh thu cho các dĩa hát thời đó, cho các tờ nhạc in rất phổ biến trong giới thanh niên và cả những người lớn tuổi. Nếu kể luôn số bài được ba cô “lăng xê” trên Đài phát thanh, trên các sân khấu ca nhạc trước 75 thì con số lên đến vài ngàn bài, mới thấy ảnh hưởng của các cô rất lớn, sức lan tỏa nhanh chóng và vô cùng hiệu quả. Chỉ trong vòng vài năm đầu của thập niên 60, ba cô đã dẫn đầu đoàn người lăn bánh chuyến xe nhạc vàng (dĩ nhiên trong đó có nhạc Boléro) chạy bon bon trên con đường đầy hoa gấm.


Điều đặc biệt là cho đến nay cả ba cô vẫn còn cất tiếng hát và được đông đảo khán giả khắp nơi ái mộ. Nửa thế kỷ không làm phai mờ công lao khai phá một dòng nhạc bất hủ trong lòng mến mộ của khán thính giả. Có nhiều bài nổi tiếng của ba cô vẫn được xem là kinh điển của dòng nhạc Boléro Việt Nam.

Khán thính giả của ba cô bây giờ có rất nhiều người đã lớn tuổi. Họ nghe Boléro từ khi các bạn trẻ hiện nay chưa sinh ra đời. Họ vẫn thường nghe và giữ thói quen xem các cô trên băng dĩa, xem ngày này qua ngày nọ không chán. Họ lặng lẽ tua đi tua lại, trầm ngâm thưởng thức từng chữ, từng lời. Họ cất giữ đĩa hát từ xưa đến nay, băng mới băng cũ, dĩa gốc hay dĩa lậu, miễn sao nghe được tiếng hát của thần tượng. Trong khi các bạn trẻ của thời công nghệ thông tin có thói quen nghe hay xem bằng phone, bằng máy vi tính, vào xem online, Youtube… Xem xong thì bấm like, có khi còn cố gắng bấm view nhiều lần để ủng hộ thần tượng (tự điển mới gọi là “cày view”). Số lượt views ghi dưới các bài hát trên Youtube vì vậy chưa phải là thước đo thật chính xác số lượt người nghe hay xem của từng bản nhạc, từng ca sĩ. Làm sao đếm được số khán giả thầm lặng nhưng rất trung thành với thần tượng? Các cô chắc cũng thấu hiểu điều nầy và trân trọng tình cảm khán giả của mình trong thầm lặng.

Rồi đến khoảng nửa sau của thập niên 60, làng Nhạc Vàng mới đón nhận thêm sự xuất hiện của nhiều tiếng hát xuất sắc mới tiếp nối theo sau đó như: Nữ ca sĩ Thanh Tuyền, Kim Loan, Phương Hồng Hạnh, Giao Linh, Trang Mỹ Dung, Hương Lan, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Dạ Hương, Bạch Lan Hương, Xuân Thu, Giáng Thu… họp thành một lực lượng hùng hậu cho dòng nhạc Boléro Việt Nam trước 75.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét