khktmd 2015
Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017
LAN MAN NGƯỜI PHƯƠNG NAM - Tác giả Nguyễn Hữu Phương Hùng
Nhân đọc thơ " Mắm nêm " của chú Phan Trần Đức về chất người Nam Bộ , cùng lúc tôi đang sưu tầm tư liệu về những người đi mở cõi phương Nam ở làng Hương Mỹ , làng Tân Hương ..v..v..hai trăm năm trước nên lan man nghĩ đến " chất " người Nam Bộ khi xưa , " di truyền " cho đến hôm nay , dù môi trường xã hội hôm nay huỷ diệt nó. nó vẫn hiên ngang tồn tại , nhưng cái " nên " thì bị bức tử rồi , chỉ còn lại cái " hư " , do" cái nết đánh chết chẳng chịu chừa lại phát triển " hư "hơn .
Ta đều biết môi trường sống ở mỗi nước , mỗi vùng miền , tạo nên những thói quen , cách suy nghĩ , cách ăn , cách làm , cách ứng xử , cách sống thích nghi với môi trường ấy . Lâu dần nó trở thành một tập tính , một bản sắc riêng mà ta gọi chung là văn hoá . Mỗi nơi đều có cái hay riêng , cái dở riêng . Những cái riêng đó sẽ biến mất hoặc trở thành cái chung khi giao thông tiện lợi , gặp gỡ chung đụng thường xuyên , cùng ăn , cùng ở , cùng làm . Đó là trường hợp của những người đi mở cõi ở phương Nam khi xưa , tạo thành người Nam Bộ hôm nay .
Hầu hết dân Nam Bộ xuất xứ từ Miền Trung , Miền Bắc cùng với người Miên , người Hoa , người Chăm và một số ít các tộc người khác " hội ngộ " trên đất Thuỷ Chân Lạp, qua những biến cố lịch sử bốn trăm năm trước . Họ đi tìm đất mới , khai hoang , biến một vùng đất phù sa mênh mông , hoang sơ không có dấu chân người , rừng rậm đầy thú dữ , sình lầy nước đọng ,trở thành mảnh đất màu mỡ , phì nhiêu , đồng ruộng thênh thang cò bay mỏi cánh .Ở môi trường khai hoang ngày ấy , tứ cố vô thân , phải nương tưa vào nhau để sống còn : chiến đấu với kẻ thù , đương đầu với thú dữ , chống chọi với hiểm nguy , bệnh tật trong khi thiếu thốn tất cả mọi phương tiện và việc khai hoang là một công việc vô cùng khó khăn , nặng nhọc , ít người không thể nào làm nổi . Phải dựa vào nhau mà sống , mà làm . Do vậy , họ tìm đến nhau kết thân , chí nghĩa , chí tình , chí thành , thương nhau còn hơn ruột thịt , luôn đỡ đần chia sớt , đùm bọc che chở cho nhau mới tồn tại được . Chính vì vậy mọi toan tính riêng tư bị cái nghĩa , cái tình đánh bạt . Những hành vi thủ đoạn , mưu mô , dối trá bị phát hiện và bị loại ra khỏi cuộc chơi . Có khó khăn ,hoạn nạn mới tạo nên khí chất của người xa xứ .
Trải qua nhiều năm , tinh thần đó , nếp sống đó kéo dài từ đời ông đến đời cha , đời con , đời cháu , biến thành " máu thịt " , thành gien di truyền mãi về sau . Rồi khi ruộng đồng vườn tược hình thành , lúa trĩu nặng , oằn bông , cây trái sum sê , sông nước đầy tôm cá , nhiều đến độ tưởng chừng như chỉ cần thò tay xuống là bắt lên bất cứ lúc nào cũng được chính là lúc con người đâm ra " hư ". Nghèo thì chịu thương chịu khó . Lúc khá lên rồi , giàu có thì thích hưởng thụ , chơi cho bỏ những ngày gian khổ , thiếu thốn vất vả đã qua .Tâm lý trời sinh trời dưỡng , trời đẻ trời nuôi manh nha xuất hiện . Nhũng cánh đồng hoang , lúa trời mọc mênh mang như biển . Cá trong ao , trong đìa . ục như nước cơm sôi . Không cần làm , ta cũng đâu có đói . Đi ăn xin còn có kẻ trở thành chủ nợ ở đất phương Nam này , thì cái chuyên chết đói chỉ có tai trời ách nước mới tạo ra nổi .
Chẳng những vậy , thiên nhiên còn tưởng thưởng cho thêm cái khí hậu ôn hoà . Mát mẻ ở mùa hè , ấm áp về mùa đông . Hàng năm chỉ có hai mùa mưa nắng , mưa thuận gió hoà , hoạ hoằng mới có một cơn bão rớt cuối mùa . Không như quê cũ , miền Trung , miền Bắc , bão tố lũ lụt triền miên , gió Lào , gió bấc . Nóng thì thì như thiêu như đốt . Lạnh thì cóng cả thịt da . Đất thì ít , sỏi đá thì nhiều . Đời sống khó khăn , thiếu thốn , lúc nào cũng tính toán chi ly , cụ bị phòng thân , thu vén lo riêng cho cá nhân , cho người thân của mình còn chưa xong . Cái đó nó hằn sâu vào vào máu thịt làm nên cái chất của người phương Bắc .
Cái " chất Nam Bộ " nó bàng bạc trong thơ ca Lục Vân Tiên , Ngư Tiều Vấn Đáp của cụ Đồ Chiểu , trong Đất Rừng Phương Nam của Đoàn Giõi , Văn Minh Miệt Vườn của Sơn Nam , Hơn Nửa Đời Hư , Saigon Năm Xưa của Vương Hồng Sển v...v . Danh nhân qua lịch sử , thì mỗi người mỗi vẻ như Nguyễn Huỳnh Đức ở Tân An , Võ Trường Toản ở Đồng Nai , Thủ khoa Huân , Trương công Định ở Mỹ Tho , Nguyễn trung Trực ở Rạch Giá , Phan thanh Giản ở Bến Tre , Mạc Cửu ở Hà Tiên v..v.. rất nhiều , rất nhiều người , không kể xiết . Còn chuyện kể dân gian nổi trội nhất là công tử Bạc Liêu và Bác Ba Phi , Cà Mau. Nghe chuyện mà ta cười nghiêng ngã .
" Chất Nam Bộ "là như thế đấy ! Con người hùng khí cao ngất trời xanh , yêu nước yêu dân , trọng tình trọng nghĩa , tôn kính ông bà cha mẹ , tổ tiên , biết phân biệt thiện ác , lấy lễ làm đầu , chân chất thật thà , ghét sự đối trá điêu ngoa , thẳng thừng như ruột ngựa . Coi thường vật chất , địa vị , sang giàu .Con người phóng khoáng , không câu nệ tiểu tiết , chấp nhất nhỏ nhen , Dám chơi dám chịu , "chơi tới bến "với bạn , với người , không so đo tính toán . Bán nhà cũng " chơi " ! Chả biết sợ là gì cả , khi " máu lên tới đầu " thành liều mạng cũng chơi . Nhưng lại sợ nước mắt và những lời trách móc . Có lẽ bị lây máu Từ Hải trong truyện Kiều của Nguyễn Du .Cái chất Nam Bộ trước 1945 thì thế . nhưng từ khi chấm dứt chiến tranh rồi , từ 1975 đến nay đã khác xa . Chất ấy đã bỏ đi rồi , biết bao giờ tìm lại được như xưa ?
" Chất người " ấy xem danh dự là trên hết . Coi tiền bạc , vật chất chẳng ra chi nên dễ bị lừa , cả đời luôn khổ sở vì coi thường vật chất . Chơi và nhậu , sổ toẹt mọi thứ, lấy ' " mackeno " làm phương châm là cái tệ hại nhất của người Nam Bộ hôm nay .
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét