Bính Thân vừa qua có vẻ được mùa cho lãnh đạo Trung Quốc. Nhìn tứ hướng, thiên hạ đều thấy ánh sáng thiên triều tỏa khắp dương gian….
Khách có người bỏ tiệc tất niên mà ngồi bên hỏi vọng: “Này quan bác, Quang Diệu Trung Hoa đấy à?”
Dạ thưa rằng chưa chắc! Trung Hoa là nơi có nhiều tích cổ, đầu Xuân hãy nhớ lại một tích Tầu rồi ta nhẩn nha luận tiếp với trái cóc khô đưa cay….
Thời Xuân Thu, có Di Tử Hà được Vệ Linh Công tin yêu nên ra mặt hống hách chuyên quyền ở nước Vệ. Một người hề, thước tấc còn kém Đặng Tiểu Bình, bèn tâu lên vua: “giấc mộng của thần đã ứng!” Linh Công hỏi: “ngươi mộng thấy gì?” Hề lùn: “Thần mộng thấy bếp. Quả nhiên thấy được bệ hạ!”
Chẳng những khách mà Linh Công cũng nổi giận.
“Ta nghe nói người thấy vua sẽ nằm mộng thấy vầng dương, tại sao trước khi gặp quả nhân ngươi lại mộng thấy bếp? Nói không ra là ngươi ra pháp trường đổ lệ!” Người lùn giải thích: “Mặt trời chiếu khắp thiên hạ, có vật gì che khuất được ánh sáng của nó? Ánh sáng của vua cũng vậy, soi sáng cả nước, không ai che khuất được. Vì vậy, sắp gặp vua, người ta mộng thấy mặt trời. Còn bếp thì chỉ để cho một người đứng nấu, ai đứng phía sau thì chẳng thấy lửa. Hiện nay, có phải là một người được bệ hạ hết sức tin yêu không? Vì vậy, thần mộng thấy bếp lửa rồi mới được diện kiến long nhan!”
Chẳng vạch tên Di Tử Hà, gã hề lùn vẫn biết đẩy cây vào bếp!
Thời nay, ánh sáng thiên triều có cả ngàn bếp lửa chung quanh. “Quyền tâm” Tập Cận Bình chỉ là lõi trống ở giữa. Thấy khách sốt ruột như trẻ đợi áo Tết, người viết bèn nói về danh đã.
Năm nay, Bắc Kinh tưng bừng khí thế ngoại giao. Giải phóng quân Trung Quốc tập trận chống khủng bố từ biên giới của dân Tajik với xứ Afghan, rồi vào tới đất Saudi Arabia. Tại xứ Syria dầu sôi lửa bỏng, một Đề đốc Bắc Kinh hiên ngang xuất hiện với lời hứa sẽ huấn luyện và yểm trợ chế độ độc tài Bashar al-Assad, coi lời hăm của Tổng thống Barack Obama như trẻ đùa trên cát. Còn đầu tư của Trung Quốc thì tràn ngập lục địa Châu Phi. Năm Thân, lần đầu tiên, đồng Nhân Dân Tệ được bưng vào rổ ngoại tệ quý tộc của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, na92m ngang tiền Mỹ tiền Âu, tiền Anh, tiền Nhật. Tới cuối năm thì Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte cao giọng chửi Obama và cúi đầu tới Bắc Kinh nói chuyện hợp tác….
“Phải có danh gì với núi sông!” của Nguyễn Công Trứ bèn được Tập Cận Bình mượn đỡ, tự dán lên ngực hai chữ “quyền tâm”, ta là quyền lực cốt lõi, như Hội nghị sáu thuộc Ban chấp hành Trung ương khóa 18 dõng dạc khẳng định vào cuối Tháng 10 sau khi nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của đảng là phát huy hình ảnh chói lọi của Trung Quốc ra toàn cầu.
Trong bốn năm qua, họ Tập đã thâu tóm quyền lực trong tay, từ an ninh đến kinh tế, quân đội và công an lẫn pháp chế nhà nước, để trở thành cái lõi tỏa sáng ra bốn phương. Quyền lực của ông được sánh ngang Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông. Vài tuần sau, vầng dương càng tỏa sáng tại Thượng đỉnh APEC ở xứ Peru. Tổng thống Tân cử Donald Trump vừa tuyên bố Hoa Kỳ từ bỏ Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP thì Tập Cận Bình liền đề nghị giải pháp thay Mỹ: Hiệp ước Đối tác Toàn diện RCEP gồm 16 quốc gia - mà không có Hoa Kỳ.
Từ nay, trăm điều hãy cứ trông vào một ta! Còn Hoa Kỳ? – Xê ra chỗ khác!
Cả thế giới nói đến ánh sáng Trung Quốc, có sản lượng kinh tế hạng nhì với ý chí hạng nhất của lãnh tụ khiến vầng đông chiếu sáng dương gian. “Nhưng đấy chỉ là danh”, khách có vẻ bồn chồn gặng hỏi, “còn thực thì sao?” Về thực ư?
Nói tới sản lượng kinh tế, là sức sản xuất trong một năm, báo chí ngây ngô cứ xếp hạng Trung Quốc sau Hoa Kỳ. Nhưng sức sản xuất đó phải được đo đếm ở điều khác: tài sản tư nhân, là nguồn tài nguyên khả dụng cho các nhu cầu chi tiêu về xã hội và quân sự của nhà nước.
Từ năm 2000, Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ đã cân đo đong đếm lượng cái tài sản đó của các nước. Con số được công bố giữa năm 2016 cũng nên làm bàn dân thiên hạ nhìn lại.
Tài sản tư nhân hay private wealth của Hoa Kỳ được ước lượng là 84 ngàn tỷ Mỹ kim, còn của Trung Quốc, khoản tài sản đó chỉ bằng 23 ngàn 400 tỷ, kém Mỹ hơn 60 ngàn tỷ, hay 60 triệu triệu đồng bạc xanh! Chưa hết, đấy là con số tính đến giữa năm 2016. Nếu tính từ giữa năm 2015 thì khoản tài sản ấy còn giảm, ít nhất ngàn tỷ. Và so với toàn cầu, sự giàu có của Trung Quốc từ 9,5% cũng sụt, chỉ còn 9,1%.
Giới kinh tế đào sâu vào cái thực chỉ xác nhận điều báo chí hàng ngày vẫn loan tải: Trung Quốc bị nạn thất thoát tư bản hay tẩu tán tài sản, mà lại mắc nợ nhiều hơn. Trong khi đó, cũng từ giữa năm 2015 trở đi, tài sản tư nhân tại Mỹ tăng thêm một ngàn 700 tỷ đô la, dù ai ai cũng than là nước Mỹ kết thời. Sánh với toàn cầu, tài sản tư nhân của Hoa Kỳ ở khoảng một phần ba, của Trung Quốc là 9,1%.
Trong mấy thập niên, cả thế giới nghe nói đến sức quật cường của Trung Quốc. Quả là có: cuối năm 2000, tài sản tư nhân của Trung Quốc là bốn ngàn 600 tỷ Mỹ kim, bằng 4% của toàn cầu, so với 42 ngàn 300 tỷ của Mỹ, bằng 36,2% của thiên hạ, sau đấy Trung Quốc làm giàu nhanh hơn Mỹ, với tỷ phần có tăng, của Hoa Kỳ lại giảm. Nhưng kể từ sáu năm nay, Hoa Kỳ bắt kịp tốc độ và lặng lẽ vượt qua trong ba năm liền. Trong cõi danh và thực thì cũng có sự chuyển dịch và từ ba năm nay người ta bắt đầu công nhận rằng đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc hết là rồng cọp như trước.
Khách ngồi bên tí tách bánh mứt bỗng lại chuộng môn kinh tế: “Nếu tính gộp tài sản tư nhân với tài sản công quyền của Tầu thì sao?”
Thưa, kinh tế Trung Quốc có khu vực nhà nước, với các tập đoàn quốc doanh khổng lồ mà nước Mỹ không có. Như “đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân, nhưng do nhà nước thống nhất quản lý”. Nhà nước Trung Quốc có thể giàu hơn nhà nước Hoa Kỳ nhờ cái định nghĩa đó. Nhưng làm sao đo đếm cho ra cái lượng tài sản mơ hồ này?
Thí dụ như Ngân hàng Trung ương Mỹ thì ước tính tài sản tư nhân của Hoa Kỳ chỉ ở khoảng 74 ngàn 300 tỷ, thấp hơn con số của Ngân hàng Credit Suisse chừng 10 ngàn tỷ. Còn tài sản công quyền của Trung Quốc? Đấy là bí mật quốc phòng của đảng vì trong đó còn có khối nợ bằng núi Thái Sơn mà Bắc Kinh cố giấu như lấy thúng úp voi!
Nếu đếm theo thời gian thì tính tới giữa năm 2016, tài sản công quyền của Trung Quốc lên tới 19 ngàn tỷ, trong đó, giá đất cứ trồi sụt và có khi bặt kinh kỳ vì tùy theo bong bóng ở từng địa phương. Ngoài Credit Suisse, nhiều trung tâm nghiên cứu quốc tế cũng cố tìm cho ra con số thuần là tài sản trừ nợ, và ước lượng ở khoảng 27 ngàn tỷ, hay 27 ngàn 400 tỷ. Vẫn còn thua Mỹ đâu đó 47 ngàn tỷ đô la.
Những số liệu có vẻ trừu tượng ấy chỉ có giá trị cho giới chiến lược khi thẩm định thực lực của các cường quốc. Với người phàm, khách gật gù phán, “người ta chỉ cần nhớ là Trung Quốc có vẻ sinh động về kinh tế, như một bầy kiến thường xuyên bận rộn, mà chẳng có năng suất.”
Khách này hợp ý cô gia!
Nếu nhìn cho sát thì ta nên tự hỏi từng con kiến có thể khuân về bao nhiêu tài sản để tiêu thụ hoặc để dành cho mùa giá lạnh? Về kinh tế, đấy là khái niệm lợi tức thuần của từng người dân. Của dân Trung Quốc là 3.400 đô la một năm, của Hoa Kỳ là 42.600 đô la! Trời ạ….
Nếu cho rằng một đô la tại Hoa lục có sức mua cao hơn một đô la tại Hoa Kỳ, tính theo “tỷ giá mãi lực” PPP, thì người ta cũng phải rộng rãi tính thêm rằng Trung Quốc đang giải tỏa dần việc kiểm soát để nâng sức cạnh tranh. Chuyện ấy không hề có vì từ một chục năm nay, Bắc Kinh không giải phóng thị trường mà còn củng cố khu vực kinh tế quốc doanh kém năng suất, gây ô nhiễm và mắc nợ.
Sau khi lên lãnh đạo từ cuối năm 2012, Tập Cận Bình cũng nói đến yêu cầu chuyển hướng kinh tế theo quy luật thị trường, mà không nổi. Nội việc đóng cửa các tập đoàn kinh tế nhà nước bị vỡ nợ vì sản nhập chứ không hề sản xuất thì cũng phải bố trí lại gần hai triệu việc làm dư dôi. Và doanh nghiệp nhà nước lại còn được họ Tập đòi tuyển thêm bộ đội phục viên, là lính tráng bị cho về hưu khi bậc “quyền tâm” muốn tinh giản bộ máy quốc phòng. Một lý do quan trọng không kém là hệ thống quốc doanh này lại là những bếp lửa.
Khách ngồi sát máy gõ, bắt đầu thấy đề tài hấp dẫn chi lạ!
Từ Ủy viên Bộ Chính trị trở xuống, các đảng viên từ bậc lãnh đạo đến giới cao cấp đều có thân tộc và quyền lợi gắn bó với tập đoàn kinh tế nhà nước tại trung ương và ngần ấy địa phương. Mạng lưới cấu kết của “chế độ tư bản thân tộc với màu sắc Trung Hoa” là dàn đầu bếp đang che khuất ánh sáng mặt trời của “quyền tâm” Tập Cận Bình. Việc cải cách không thể thành hình trong khung cảnh đó và viễn ảnh qua mặt Hoa Kỳ trong tương lai chỉ là giấc mơ. Trước mắt là ác mộng.
Đấy là lúc Hoa Kỳ lại vừa bầu lên một con diều hâu, chòm chõm nhìn vào Trung Quốc như cú dòm nhà ma. Khi Tổng thống Tân cử Donald Trump đàm thoại với Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan - được dân bầu lên một cách dân chủ - ông ta đi ngược quy luật bất thành văn của các Tổng thống Mỹ từ khi Hoa Kỳ bỏ rơi Trung Hoa Dân Quốc để ôm lấy Trung Cộng năm 1979!
Nhiều nước Đông Á cứ sợ Hoa Kỳ thu vén phương tiện và lui về giải quyết việc nhà mà để Á Châu xoay trở lấy với bài toán Trung Quốc. Thật ra, bài toán Trung Quốc là danh chẳng như thực, lại có quá nhiều đầu bếp đang bao vây thiên tử, cho nên bầy kiến ở dưới sẽ lại “sụt toang đê cũ” như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo cách nay 690 năm!
Chính Tập Cận Bình đã cảnh báo như vậy từ năm 2013 mà mấy ai thèm để ý?
Thấy người viết mượn lời Nguyễn Trãi mà phóng cú đà đao, khách bỗng phê như lân thấy pháo, mặt mày vênh váo tu luôn chai rượu ngon trên kệ! Nhằm nhò gì, người viết này bèn ôn tồn gõ tiếp….
Chiến thắng Kỷ Dậu, năm Quang Trung Đại Phá Quân Thanh
Năm Dậu mà không nhắc tới Quang Trung Nguyễn Huệ là chưa đủ lễ với Chiến thắng Xuân Kỷ Dậu năm 1789 được nơi nơi ghi nhớ.
Trước “muôn chiến công, một chiến công dồn lại” là trận Đống Đa long trời lở đất, được Vũ Hoàng Chương ca tụng như vậy với “Bài Ca Bình Bắc”, thì Nguyễn Huệ đã lừng danh với các trận thủy chiến khi vào Gia Định, và khét tiếng với trận hỏa công năm 1786 khi từ Quy Nhơn ra đánh Phú Xuân đang bị quân Trịnh chiếm đóng. Người Việt chúng ta ai cũng có thể nhớ đến các kỳ tích quân sự ấy, nhưng ít ai thấy rằng sau Chiến Thắng Đống Đa vào Xuân Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ còn đánh hỏa công vào tận… trong bếp của Càn Long.
Đó là Quang Trung Hoàng đế dùng mưu lược của Ngô Thì Nhậm mà mua chuộc Tổng đốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An và Đại học sĩ rồi Thượng thư bộ Hộ là Hòa Thân.
Chưa rõ Phúc Khang An có là con riêng của Càn Long không, chứ lịch sử đã viết Hoà Thân là sủng thần, chuyên quyền và đệ nhất tham nhũng của triều Mãn Thanh, khi bị tử hình thì kho lẫm còn nhiều hơn tổng số thu của Triều Thanh trong 15 năm!.. Trị vì được 60 năm. Càn Long tự nghĩ mình là ánh sáng mặt trời mà không thấy hai cái bếp ở chung quanh là Phúc Khang An và Hòa Thân (có nơi dịch là Hòa Khôn).
Quang Trung bèn đánh hỏa công bằng cách châm củi vào bếp, khiến Càn Long bị hai kẻ làm bếp lung lạc mà buông luôn ý định phục thù. Trong lịch sử ngoại giao Hoa-Việt, ít khi nào lãnh đạo của ta lại tác động tới thượng tầng của quyền lực Trung Quốc như với Quang Trung sau biến cố Kỷ Dậu….
Đọc đến đây, khách thở hắt vào vô tận: “Ngày nay đầu bếp Tầu đang tỏa khói giữa hẻm Ba Đình!”
Chính vì vậy mà biết đâu Thân Dậu niên lai lại kiến thái bình, khi Cơn gió to trút sạch lá khô, Tổ kiến hổng sụt toang đê cũ…..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét