khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Băng qua’ miền Tây nước Mỹ - Tác giả Nguyễn Danh Lam




Một cảnh hùng tráng trên đường qua Rocky Moutains.


Mới chân ướt chân ráo đến Mỹ tôi nay mắn được ngay cậu em đang làm nghề lái xe truck chở hàng rủ rê đi cùng qua nửa phía Tây nước Mỹ. Lời đề nghị quá hấp dẫn với một kẻ ưa lang thang đây đó, tôi tạm gác công việc đang làm và lên đường, với chủ đích, đi cũng là học, và học sẽ làm tốt hơn. Hành trình bắt đầu từ thành phố gần cực Nam, Houston, tiểu bang Texas.

Chiếc truck khổng lồ đủ chứa một “giang sơn” nho nhỏ cho hai kẻ vận chuyển hàng hóa kết hợp lữ hành. Ghế ngồi rộng rãi, tầm nhìn thoáng, chiếc giường ngủ hai tầng, kèm microware và tủ lạnh… Tôi chuẩn bị sẵn mì gói, đồ hộp, máy chụp hình và một ít thuốc men phòng khi bị bệnh dọc đường…

Ðích đến của chuyến hàng đầu tiên là tiểu bang Minnesota, cực Trung Bắc nước Mỹ. Hành trình hoạch định chặng đầu sẽ từ Texas qua các tiểu bang: Oklahoma-Missouri-Iowa-Minnesota.

Hầu hết mọi người ở Việt Nam vẫn có một chút “nhầm lẫn” về Texas, khi quen nghe cái tên “Miền Viễn Tây” từ thời… nước Mỹ cổ. Kèm theo “Viễn Tây” là những anh chàng “cao bồi” bắn súng nhanh hơn chớp mắt. Tôi có chút ít tìm hiểu, lại hình dung Texas qua những bộ phim gần hơn. Một Texas mênh mông nắng cùng hoang mạc, những thị trấn loi lẻ, buồn hiu như thể bị lãng quên tự ngàn đời. Thực chất thì Houston hiện đang là đại đô thị với số dân đứng hàng thứ tư nước Mỹ. Ðủ để choáng ngợp với hệ thống xa lộ tầng tầng lớp lớp. Xa lộ I45 vắt qua bình nguyên vĩ đại, với những đám mây như triệu chú cừu xếp lớp đến bốn phía mờ xa. Những đàn bò an nhiên gặm cỏ. Bò Texas đã thành biểu tượng cho xứ miền Nam đầy nắng, đôi khi nghiệt ngã vì nắng này.



'Băng qua' miền Tây nước Mỹ
Những xa lộ như dải lụa mềm vắt ngang dọc nước Mỹ.


Ngược lên hướng Bắc vào sâu trong nội địa, địa hình bằng phẳng hơn. Những cánh rừng lớn thưa dần, nhường chỗ cho sắc vàng của cỏ tàn năm, cùng những loại cây thân vỏ xù xì, đẹp như hóa thạch.

Tôi biết về Oklahoma, tiểu bang hiện diện trước mắt mình bằng tin tức về những cơn lốc xoáy, về khí hậu đầy khắc nghiệt, về những người da đỏ đã định cư nơi này sau u buồn quá khứ… Nhưng thành phố Oklahoma vàng rực dưới nắng chiều kia, dường không liên quan gì hết đến mọi nghiệt ngã, khốc liệt. Nước Mỹ biết cách gieo những mầm xanh trên đá.

Gió Nam tiếp tục thổi, như ngàn vó ngựa từ quá khứ thốc qua đồng cỏ. Chiếc xe gần 40 tấn tròng trành tựa mảnh thuyền nan trên xa lộ. Thứ gió “đặc sản” của Okalahoma và tiểu bang kề cận Kansas.

Xe chúng tôi chạy chếch hướng Ðông Bắc, vào tiểu bang Missouri. Tôi có đêm đầu tiên ngủ trong một truck stop (bãi đậu xe tải). Hàng trăm chiếc xe như những con quái vật yên giấc, nhưng vẫn phì phò thở. Nhìn vào hệ thống dịch vụ khép kín trong một bãi đậu xe, tôi hiểu vì sao một lượng hàng hóa khổng lồ ngày ngày vẫn được lưu thông… vù vù trên đất Mỹ. Không một mắt xích nào khiếm khuyết, cho dù với những kẻ “lang bạt” hàng đầu, từ ăn, ngủ, tắm giặt, giải trí… các “bác tài” có thể an tâm với hành trình xa nhà dằng dặc.

Sáng hôm sau, tôi mở mắt, giữa bình nguyên gió thốc ạt ào, một giàn phong điện khổng lồ đang sải cánh. Tôi nhớ những hòn đảo đầy gió ở Việt Nam, dân chúng ước mơ có một chiếc “quạt gió” thế này để sản xuất điện năng… Nhưng gió vẫn cứ thổi về phía mênh mông, vời vợi…

Ðã qua hết những tiểu bang có phần khắc nghiệt phía Nam, Iowa mở ra cùng những trang trại bát ngát. Dòng Des Moines River cùng hồ Saylorville đủ tạo nên một châu thổ phì nhiêu. Ngay dưới cái tên Iowa trên tấm bảng chào mừng các bạn vào tiểu bang là hàng chữ “Fields of Opportunities.”

Vâng, dường như bất cứ nơi đâu trên lục địa khổng lồ này mọi thứ đều là cơ hội. Những trang trại nằm giữa mênh mông đồng ruộng, những bóng nhà màu trắng ẩn mình sau sắc lá. Tôi có cảm giác sự bình an này sẽ kéo dài mãi mãi đến ngàn đời. Không có chiến tranh, bất ổn nào có thể chạm đến nơi đây…


Một cơn mưa tràn xuống khi chúng tôi vào biên giới tiểu bang Minnesota. Sắc trời sũng nặng, phủ thoáng lên cảm giác của tôi chút gì u uất. Hay cảm giác ấy đến từ vị trí địa lý biên viễn của tiểu bang này, chỉ còn chút cung đường nữa chúng tôi sẽ tới một trong Ngũ Ðại Hồ, biên giới với Canada. Qua một đêm, tá túc nhà một người bạn gốc Việt, tôi mở mắt nhìn qua cửa sổ, sững sờ với sắc trời xanh ngắt. Cái sắc trời hình như đã thất lạc quá lâu trên đầu mỗi người Việt ở quê nhà bởi không khí đầy khói bụi. Cái sắc trời có thể… xắt thành từng miếng, để trên lòng tay mà vẫn ngắt ngắt xanh. Tôi dừng lại ở Minnesota một ngày, thăm thú và ngẫm ngợi, làm sao có thể gửi một mảnh “lưu lạc” này về với quê nhà mù mịt của tôi?

Chuyến hàng chặng đầu được giao và mau chóng một chuyến hàng khác lại chất đầy thùng. Một tài xế xe truck nếu đủ sự dẻo dai, có thể kéo dài công việc của mình đến hàng tháng, hàng năm, với lượng hàng hóa cần chuyên chở không bao giờ dứt. Xe chúng tôi nhắm hướng phía Tây nước Mỹ, tiểu bang California. Nhưng trước đó, có lẽ là một trong những cung đường tuyệt vời, kỳ vĩ nhất trên thế giới, khi xe băng qua “nóc nhà” của đại sơn hệ Rocky Moutains, khởi đi từ South Dakota, sang Wyoming, tiếp nối là Utah, Arizona, Nevada và tới Nam California.

Khi coi bộ phim “Khiêu Vũ Với Bày Sói” của Kevin Costner, tôi đã mê mẩn trước nỗi cô đơn của con người nơi hoang địa bao la, chẳng ngờ một ngày được đặt chân tới bối cảnh của nó, South Dakota và Wyoming. Mấy ai từng thấy cả bốn phía đường chân trời mà không có gì cản lại tầm mắt trừ khi trên biển, khung cảnh nơi này là vậy.



'Băng qua' miền Tây nước Mỹ
Băng qua sa mạc Nevada.


Thảo nguyên choáng ngợp, con đường vắt đến mù xa như sợi chỉ. Những chiếc xe khổng lồ bỗng hóa những chú bọ rùa tí hon bò tít tắp. Nước Mỹ quá bao la. Con người vừa nhỏ bé, vừa vĩ đại khi thuở nào, có thể bằng những phương tiện thô sơ nhất chinh phục nơi này. Một cơn bão tuyết đổ xuống, phủ trắng tầm nhìn. Thật khó tin khi mới chỉ ít ngày trước đó, lúc đông giá chưa về, cả cái khoảng mênh mông ấy là những cánh đồng bất tận, bằng cách nào người ta có thể biến mỗi tấc đất nơi này thành sản vật?

Xe rời bình nguyên, băng vào đại sơn hệ. Tiểu bang Utah, cái khung cảnh tựa… hỏa tinh nơi đây là miền đất tôi từng khát khao đến nhất. Hình ảnh Jon Bon Jovi ôm guitar hát bài Blaze of Glory ám sâu trong ký ức một thời. Những ngọn núi hình găng tay đỏ ối dưới hoàng hôn. Tôi nhắm mắt, mở mắt bao lần để tin nơi này có thực ngay trước mặt mình. Con đường thẳng tắp như một thứ đồ chơi tinh xảo cắt qua hồ muối khổng lồ gần Salt Lake City. Hay ngọn đèo hùng vĩ Virgin River Canyon, nối giữa Utah và Arizona… Tất cả đều như hư như thực trên tiểu bang này.

Trước Dubai hôm nay, có thành phố hiện đại khổng lồ nào được dựng lên giữa sa mạc hoang cằn đầy… siêu thực? Có lẽ chỉ có thể là Las Vegas. Cái biệt danh Sin City có phần… nghiệt ngã chăng? Tôi không xét khía cạnh ấy, chỉ biết mình đã được lướt ngang qua đó một buổi chiều… ngây ngất. Giấc mơ về một thành phố trên hành tinh nào đó để loài người di cư, phải chăng như một thí nghiệm đã khả thi với những gì tôi thấy? Cũng có thể tâm thế của tôi chỉ là một gã… nhà quê quá choáng thôi mà!

Trong tiểu thuyết “Chùm Nho Uất Hận,” văn hào John Steinbeck đã mô tả về nỗi ngây ngất của đoàn di dân thời kỳ suy thoái đầu thế kỷ khi vừa qua dãy Sierra Nevada, nhìn thấy vùng bồn địa California, với màu xanh ngút mắt của nơi này. Ðiều kỳ diệu nằm ở chỗ, đây là một vùng lòng chảo… khô khốc, thiếu nước triền miên, người Mỹ đã biến nó thành vùng nông nghiệp nhờ hệ thống tưới tiêu khổng lồ, cực kỳ khoa học. Cũng như người Israel đã biến sa mạc phía đông Ðịa Trung Hải thành vùng xuất cảng nông nghiệp. Những con kênh đào, dài ngút ngàn, xây bằng xi măng y hệt… hồ bơi, chạy khắp vùng lòng chảo vĩ đại, từ đó hệ thống ống ngầm sẽ dẫn nước vào từng cánh đồng. Những trại chăn nuôi gia súc, với số lượng có thế tính đến hàng triệu cá thể dài dặc bên đường…


'Băng qua' miền Tây nước Mỹ
Vùng đại bình nguyên.


Tôi đã có những buổi lang thang thăm thú đầy háo hức, dọc dải bờ Tây, với những thành phố “huyền thoại” không chỉ với cá nhân mình. Và sau đó, bánh xe tiếp tục hành trình ngược hướng Trung Tây, cuối cùng xuôi về Texas, theo con đường chia đôi nước Mỹ, từ North Dakota, xuống Nebraska, Kansas…

Dường như toàn thể quốc gia này đã là một cỗ máy khổng lồ được vận hành trơn tru tới từng mắt xích. Vẫn có những điều chỉnh trong quá trình tiến lên phía trước theo chiều dài lịch sử, nhưng khởi đi từ một Hiến Pháp đúng đắn, với năng lượng của sự tự do, cùng việc nâng niu từng ý tưởng, tôi bước tới từ vùng đất khát để cảm nhận cả nguồn mạch vĩ đại này, với buồn vui lẫn lộn. Không tránh được những so sánh, liên tưởng, để chạnh lòng khao khát từ mỗi ánh nhìn, mỗi cảm nhận, khi trong lòng tôi còn ngổn ngang mới mẻ bao ký ức quê nhà.

Mười bốn tiểu bang, xấp xỉ 13 ngàn cây số đã qua, trong hai tuần “như mơ như thực,” tôi thấy mình là kẻ may mắn. Với bao điều muốn kể lại, qua con mắt cùng xúc cảm của một kẻ thấy điều gì cũng lạ, cũng háo hức, dù tôi đã từng qua mười mấy nước Âu, Á, nhưng nước Mỹ vẫn… là nước Mỹ, với những câu chuyện riêng, đặc thù. Ví như chuyện hệ thống đường sá, giao thông; chuyện về các nhân vật gặp trên đường đi; chuyện cộng đồng người Việt ở các tiểu bang mà mình đã gặp; chuyện đời sống hoang dã, động thực vật bên đường; chuyện về lịch sử những vùng miền mình đã qua; thậm chí cả chuyện nhà… vệ sinh công cộng dọc đường… Nhưng tất cả còn lưu trong cuốn sổ tay dày chữ, cùng hơn năm ngàn tấm hình đã chụp.

Hơn nữa, đó là ký ức đã đầy lên cho hành trình đời sống tiếp tục của tôi trên đất nước vĩ đại này. Dù tôi biết, mọi thứ có thể gian nan hơn so với hình dung, nhưng tôi đã thấy, tôi đã yêu, để rồi tôi được tin vào lựa chọn của mình.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét