1. Lương tâm
.
Con ốm, nhập viện. Làm thủ tục, bác sĩ mặt lạnh tanh. Biết ý, tay mẹ
run run dúi trăm nghìn vào túi “lương y”… Bác sĩ thân mật: “Nằm giường
này cháu, đừng lo có bác!”. Biết đâu mẹ đang xỉu dần vì bán máu cho
con. Lương tâm?
2. Xứ lạ quê người .
Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gởi tiền về,
giục các con lo học tiếng Anh và vi tính đẻ mai mốt qua đó có thể dễ
dàng kiếm việc làm.
Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình chúng tôi, tôi hỏi anh có
địa chỉ eMail chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: ”Suốt
ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết
đến những thứ hiện đại đó hả em?! “.
3. Chung Riêng.
Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân
từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi
chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh
đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi
cùng lớn lên…
Uống chung một ly rượi mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh
là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa mình sẽ không còn
có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…
4. Bàn tay
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi
không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình
đụng tay em... mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài
phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận
ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.
5. Vòng cẩm thạch .
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn
nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ
chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường…
Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền
mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm
nghía, cười:
-Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui. Chị em không ai
bảo ai, nước mắt rưng rưng.
6. Ngậm ngùi
Ba mất nửa năm, má dẫn hai con nhỏ về quê. Xin được mảnh đất hoang,
cùng mần cỏ, dọn nền, lối xóm lạ hoắc tới tiếp dựng mái lá ở tạm. Tối,
má gói bánh – nấu. Sáng, hai nhỏ út bưng bán. Má mượn xuồng đi chợ, áo
thâm kim, nón lá rách.
Anh Hai ở Sài Gòn, thành đạt, giàu. Hôm về quê, anh đi dọc bờ sông, má
thấy, bơi xuồng riết theo, goi tên con hụt hưởi. Anh ngoái nhìn rồi
quay mặt đi tiếp. Má tủi, gạt dầm, cúi mặt khóc. Nước mắt má làm xuồng
quay ngang!
7. Tết
Ngồi một mình trong căn phòng chung cư ở tầng 15, anh đón Tết một cách
lặng lẽ. Ở nơi này vẫn có bánh chưng, bánh tét, vẫn có pháo, có hoa
nhưng hình như vẫn thiếu một thứ gì đó.
Đã 35 cái Tết tha hương nhưng hình như trong anh vẫn còn tìm kiếm, dẫu
rằng sự tìm kiếm đó ngày càng nhạt nhòa theo năm tháng. Phải chăng
‘thứ ấy’ là hương vị Tết quê nhà?
“Phải đi ngủ sớm thôi” Anh tắt đèn tự nhủ, “Mai còn phải đi làm…”
8. Nghĩa tình
Bố bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường. Em phải xin nghỉ việc để
về nhà phụ mẹ chăm sóc bố. Hơn năm sau, bố mất. Em lại phải đi làm xa
kiếm tiền gởi về cho mẹ trả nợ nần, thuốc men. Mãi bươn chải vì chén
cơm manh áo, hơn ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia đình.
Anh hai giục mẹ bán nhà ra ở với ảnh, có dâu có cháu cho vui tuổi già.
Ngày về căn nhà ngày xưa đã đổi chủ, em chỉ còn biết khóc.
9. Bóng nắng, bóng râm
Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng,
chợt râm. Mẹ bảo:
- Nhà ngoại ở cuối con đê.
Trên đê chỉ có mẹ, có con
Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.
Con cố.
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
Trời vẫn nắng, vẫn râm...
... Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.
10. Câu Hỏi
Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những
trẻ lang thang không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi,
cô dạy cho tụi trẻ bài "Đi học về".
- Hát theo cô nè... Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba
mẹ. Ba mẹ khen...
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
- ...
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.
11. Ba Và Mẹ
Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng
được học nhưng là con nhà nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn
đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe
mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…” Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.
12. Tình Đầu
Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy
chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa
con trai mười tuổi của tôi hỏi:
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh.
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À, ba tìm người... ba thương.
- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ, thì cũng ... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.
13. Bão
Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với
những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp
tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị
ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.
Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi
sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe
đâu...
Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.
14. Khóc
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi
không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia
đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo
nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại
sao khóc, anh nói:
- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.
15. Đánh Đổi
Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chật. Chị xa anh cũng vì
lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm
của một thời yêu nhau.
Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.
Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi:
anh còn giữ nó? Anh nghẹn ngào: anh làm ra những thứ này mong đánh đổi
những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.
16. Mẹ tôi
Mẹ sinh tôi giữa ruộng bùn vì lúc có mang tôi cũng là lúc gia đình lâm
vào túng quẫn, mẹ đi cấy thuê lặn lội đồng sâu nước độc nên sinh tôi
thiếu tháng. Tôi ốm đau èo uột. Mẹ thường cõng tôi qua sông đến nhà
thầy thuốc. Tôi khỏe. Nhưng mẹ phải còng lưng ba năm trời để trả nợ.
Lớn lên tôi định bỏ học đi làm sớm. Mẹ quyết nhịn ăn bắt tôi đến
trường. Mẹ là tấm gương soi suốt đời tôi.
17. Túi khoai thối
Thử hình dung những cơn giận dữ của ta như những củ khoai, mỗi lần
giận là bỏ vào túi một củ, ngày càng nhiều và chúng dần thối đi. Nếu
không biết bỏ qua lỗi lầm của người khác, cứ giận họ mãi thì với ta
chẳng lợi ích gì, họ cũng chẳng vì ta giận họ mà mập hay ốm đi, còn ta
khác nào phải mang theo túi khoai vừa thối vừa nặng. Nếu biết bỏ qua,
ta sẽ có nhiều bạn, không còn phiền lòng vì túi khoai thối ấy.
18. CHUYỆN CÁI VÉ
Một người cha dắt đứa con 6 tuổi đi sở thú chơi. Đến quầy bán vé,
người cha dừng lại đọc bảng giá:
"Người lớn: $10.00
Trẻ em trên 5 tuổi: $5.00
Trẻ em dưới 5 tuổi: Miễn phí"
Đọc xong, ông nói với người bán vé:
- Cho tôi 1 vé người lớn và 1 vé trẻ em trên 5 tuổi.
- Con ông trên 5 tuổi à? – Người bán vé tò mò hỏi lại.
- Vâng.
- Nếu ông không nói cho tôi biết thì thằng bé được miễn phí rồi.
- Vâng, có thể không ai biết, nhưng con tôi tự nó biết.
19. Ba
Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước.
Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi.
Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba
phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa
cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:
- "Có dư đồng nào không con?".
Tôi đáp:
- "Còn dư bốn ngàn ba ạ".
Ba nói tiếp:
- "Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa".
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng.
20. Mẹ và con
Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ
đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết
thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không
dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ
cười.
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng nặng tai. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi
khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn
mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.
21. Anh
Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố mẹ giận dữ, mắng
"Sanh ra… giờ cãi lời bố mẹ…phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…"
Anh lặng thinh không nói năng gì…Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế!
Ngày bé Út vào Đại học, phải xa nhà, lên thành phố ở trọ. Anh tự ý bán
đi con bò sữa -gia tài duy nhất của gia đình-, gom tiền đưa cho bé Út.
Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, Út khóc thút thít…Anh cười, "Út
ráng học ngoan…"
Miệt mài 4 năm Đại học, Út tốt nghiệp lọai giỏi, được nhân ngay vào
công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê…
Vừa bước chân vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của Anh trên bàn
thờ nghi ngút khói…Mẹ khóc, "Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ
hồ… lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con
biết…"
22. Cua rang muối
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua
đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy
các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ,
các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối
mời mẹ. Các con nói vui:
- Cua rang muối thật đó mẹ.
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
- Còn răng đâu mà ăn?!
23. Xa xứ
Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu viết: "ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…"
Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…"
Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi
giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần
trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt
không…"
24. Đi thi
Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp
cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: “Nhờ Ba mày mát tay”. Từ đó, lần
lượt tới anh Ba rồi cô út – cấp II, cấp III, tú tài, đại học – Đứa nào
cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.
… Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi “Hội thi sức khỏe người
cao tuổi”. Má nhìn Ba ái ngại: “Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả”.
Buổi tối, má hỏi: “Ông thi sao rồi?”. Ba cười xòa bảo: “Rớt!”
25. THỊT GÀ
Tạnh mưa, bọn trẻ bưng cơm đứng ăn trước cửa. Tý khoe:
- Nhà Tý ăn thịt gà.
Đêm đó, bà Tám chửi:
- Mả cha nó, nghèo mạt kiếp tiền đâu ăn gà, nó ăn gà bà, nó chết bất đắc.
Ông giáo buồn lắm, ngã bệnh, qua đời. Thương tình, hàng xóm lo ma
chay. Tý hớn hở vì nhà nó đông vui.
Trời đổ mưa.
Thằng Tý la lớn:
- Con gà vô nhà, dậy bắt làm thịt ba ơi.
Mọi người nhìn theo. Thì ra, một con cóc dưới kẹt tủ đang giương mắt
nhìn lên quan tài ông giáo.
(Đừng vội kết tội cho người khác bạn nhé. Hãy bao dung độ lượng và tha thứ)
26. Chỉ có một người thôi
Người đến dự đám cưới khá đông. Ông hàng xóm gọi bác làm công đến và bảo:
- Này, anh đi xem xem có bao nhiêu người đến dự đám cưới bên ấy.
Bác làm công ra đi. Bác để lên ngưỡng cửa một khúc gỗ và ngồi lên bờ
tường đợi khách khứa ra khỏi nhà. Họ bắt đầu ra về. Ai đi ra cũng vấp
phải khúc gỗ, văng lên chửi và lại tiếp tục đi. Chỉ có một bà lão vấp
phải khúc gỗ, liền quay lại đẩy khúc gỗ sang bên.
Bác làm công trở về gặp người chủ.
Người chủ hỏi:
- Ở bên ấy có nhiều người không?
Bác làm công trả lời:
- Chỉ có mỗi một người mà lại là bà lão.
- Tại sao vậy?
- Bởi vì tôi để khúc gỗ bên thềm nhà, tất cả đều vấp phải, nhưng cũng
chẳng ai buồn dẹp đi. Thế thì lũ cừu cũng làm như vậy. Nhưng một bà
lão đã dẹp khúc gỗ sang bên để người khác khỏi vấp ngã. Chỉ có con
người mới làm như vậy. Một mình bà lão là người.
27. Phấn Son
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm.
Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”.
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping.
Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều
không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh
thấy không…”
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết
phấn son màu gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét