“Hồi xửa hồi xưa, người mà ‘bạn-biết-đấy'(you-know-who) đã nói là những nhà tuyên truyền phải áp dụng kỹ thuật ‘nói láo lớn’; làm cho sự nói láo của họ lớn quá, khó tin quá, đến nỗi là sẽ được rộng rãi chấp nhận bởi không ai có thể tin là họ đang nói láo ở mức độ đó.” Đó là lời mở đầu của một bài trên tờ New York Times về “hiện tượng” nói láo trong cuộc bầu cử hiện nay ở Hoa Kỳ.
Điều mà tờ báo muốn nói đến là lời nói bất hủ của ông trùm tuyên truyền Đức Quốc Xã Joseph Goebbels vốn dạy dỗ “Nếu nói một lời nói láo đủ lớn và cứ lập đi lập lại mãi, rồi người ta sẽ tin nó là sự thật.”
Nhưng ông Donald Trump của đảng Cộng hòa đã có một cái gì mới, mà tờ New York Times gọi là kỹ thuật “người nói láo lớn.” Cứ một lần thôi thì những lời nói láo của ông chỉ có cỡ trung trung thôi, không vụn vặt, nhưng thường không đến cỡ có thể làm sôi máu đến đi kiện về mạ lỵ. Nhưng những lời nói láo này nó liên tục, đến một cách đều đặn, và chưa bao giờ được công nhận, chỉ cứ lập lại. Ông có vẻ tin là chiến thuật này sẽ làm cho báo chí bị mắc kẹt, không tin nổi, hay ít nhất không dám nói công khai là ứng cử viên của một trong hai đảng chính là kẻ nói láo.
Trong khi đó, Reuters viết: “Đây là điều mà bạn biết về sức khỏe của ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton bởi bạn đã thấy, đã đọc, trên báo chí: Bà bị một trường hợp gọi là “walking pneumonia” khiến bà đã xuýt xỉu trong nắng nóng ngày Chủ nhật. Nhưng điều mà bạn có thể chưa biết nhưng những người khác hoàn toàn chắc chắn: Bà Clinton bị một căn bệnh não bộ. Bà bị ung thư trên não. Bà bị dementia. Bà là một người bệnh rất nặng thành ra bà không thể nào có khả năng làm tổng thống được, nếu bà đắc cử.”
Theo Reuters, nếu bạn không biết đến những chuyện này là vì, dĩ nhiên, nó không đúng sự thật. Reuters gọi chúng là “tin ngầm,” một nguồn ống dẫn chảy dưới những tin tức chính thức và thỉnh thoảng rò rỉ vào nguồn tin chính, tạo nên điều mà Reuters gọi là “sự ô nhiễm của thông tin.”
Giả định đằng sau những loại tin ngầm này là bà Clinton đang có một âm mưu che dấu tình trạng sức khỏe thật của mình. Bà thực sự không phải chỉ bị viêm phổi hay sưng phổi, những người chỉ trích bà cả quyết, mà có một căn bệnh tệ hơn nhiều, và có thể nguy đến tính mạng.
Đó là cách mà những tin ngầm này hoạt động. Nó luôn luôn đặt ra giả định tệ hại nhất: gian chối, mưu đồ, và sai trái. Nó chỉ chấp nhận một cái nhìn hoàn toàn tiêu cực về mọi việc. Và tuy nó chỉ chạy ngầm dưới mặt đất, việc này không có nghĩa là nó bí mật. Tin ngầm có những khi đè lên tin thật. Có hai lý do cho chuyện này xảy ra. Trước hết là có quá nhiều tin ngầm. Và thứ nhì là người ta thích nó hơn là tin thật.
Tin ngầm thường được gọi là tin đồn, hay chuyện rỉ tai hay là ngầm ý, tùy theo hậu ý đằng sau những bản tin này, còn có thể gọi là “disinformation” tức là thông tin không đúng sự thật. Thời Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô và Trung Cộng đã đổ nhiều công sức vào việc phổ biến những tin ngầm như thế này. Nó ầm ì như tiếng trống ở rừng sâu, chờ một cơ hội để đẩy qua tấm màn ngăn cách với tin thật để trở thành vai chính trên sâu khấu tin tức.
Nay, nhờ sự thăng tiến của internet, tin ngầm đã ngày càng chiếm lãnh nhiều hơn sân khấu tin tức.
Dĩ nhiên không thể có nhiều tin ngầm đến như vậy nếu không có người muốn theo dõi chúng. Câu hỏi Reuters đặt ra là “tại sao vào lúc này tin ngầm lại trở thành nóng bỏng đến thế?”
Câu trả lời cũng lâu đời như bản chất con người nhưng cũng mới như là các phương tiện truyền thông đang tiến hóa và các nền văn hóa chính trị. Bản chất con người, nói theo lý luận này, là hầu hết chúng ta thích cái gì được giấu kín, cái gì cấm kỵ, cái gì nghịch lý. Chúng ta thích chúng bởi chúng gợi ý, hay bởi chúng lý thú. Nhưng cũng vì chúng có vẻ đã lột mặt nạ của những ấn bản chính thức của mọi biến cố, ấn bản mà báo chí công khai tường thuật.
Trong một thế giới mà công chúng ngày càng có cảm tưởng là sự thật bị che dấu, tin ngầm cho chúng ta cảm thấy mình được biết những bí mật, vốn cũng là hấp lực chính của câu chuyện đàn đúm. Nhưng nếu công chúng thích tin ngầm là vì chúng cho họ cảm tưởng đặc biệt, lý do hiện nay của sự bành trướng của loại tin này cũng cho người ta cảm tưởng thắng lợi. Khác với tin, tin ngầm được cá nhân hóa. Chúng thay đổi tùy theo cảm nhận và bản chất có sẵn của người nghe.
Thành ra, giả thử, nếu bạn ghét bà Clinton, và nếu bạn nghĩ, như ứng cử viên tổng thống cho đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump vẫn cả quyết, rằng bà tâm thần bất ổn, thì có rất nhiều những tin ngầm của bên cánh hữu trên Internet giúp bạn xác nhận sự nghi ngờ đó.
Và điều đáng sợ hơn nữa, là bản chất này theo thật đúng với văn hóa chính trị hôm nay trong đó các bên không những có lập trường khác nhau về thế giới mà còn có những dữ kiện khác nhau để hỗ trợ cho lập trường đó.
Tin thật không, hay ít nhất trên nguyên tắc, không thể uyển chuyển đến thế. Nhưng tin ngầm uyển chuyển một cách bất tận. Căn bản, nói cách khác, nó là một hình thức tuyên truyền.
Tin ngầm thường được phổ biến để đưa câu chuyện đó ra công khai, nơi mà nó có thể rất khó mà thuyết phục người ta là chúng sai. Bởi thế, 43% người bên đảng Cộng Hòa vẫn nghĩ Tổng Thống Barack Obama là theo Hồi Giáo, theo một cuộc thăm dò của CNN vào cuối năm ngoái. Một cuộc thăm dò hôm tháng 5 cho thấy hai phần ba những người ủng hộ ông Trump tin vào điều đó. Hơn 70% những người Cộng Hòa “vẫn nghi ngờ” là ông Obama có phải thực sự là người Mỹ hay không, theo một cuộc thăm dò mới đây của NBC/SurveyMonkey.
Trở lại vấn đề bà Clinton. Chúng ta đều biết chính trị gia thì cũng chỉ là người, tức là có những khi họ cũng “hơi tự do với sự thật.” Nếu ai đó bảo là họ không bao giờ nói dối thì xin đoan chắc là họ là người nói dối. Câu hỏi là họ nói sai sự thật đến mức nào và có hậu quả ra sao.
Sự việc bà Hillary Clinton đã ngần ngại nói về lối bà thu xếp email khi bà còn là ngoại trưởng.
Nhưng nếu bình tâm nghe những người “fact checker,” nhìn vào sự thật thì lập luận bảo bà là gian dối rất yếu. Không phải là vì ông giám đốc Cơ quan điều tra Liên bang FBI bị chính quyền Obama áp lực không đưa bà ra tòa nhưng quả thật là vì ông không thấy có đủ căn bản tư pháp để kết tội bà. Ông không bằng lòng sự “cẩu thả” của bà nhưng ông hiểu là bà thực sự không phạm pháp.
Nhưng việc đó không ai để ý nếu người ta không thích bà Clinton. Ngược lại người ta chỉ nhớ là ông đã “khiển trách” bà ta là đủ để nói là ông ta tin bà đã vi phạm an ninh quốc gia.
Rồi đến chuyện hoàn toàn thật, đó là khi bà nói chính ông Colin Powell đã cố vấn bà lập một trương mục email riêng, được chứng minh bởi một email mà ông Powell gửi cho bà ba ngày sau khi bà nhậm chức, nhưng báo chí nào có ai để ý vì tin ngầm không tin bà.
Và nói chung, thành tích nói thật của bà, như địa chỉ PolitiFact tổng hợp, khá tốt so với một chính trị gia, khá hơn là tất cả những đối thủ ra ứng cử bên đảng Cộng hòa, và khá hơn chẳng hạn như ông Mitt Romney trong cuộc bầu cử lần trước.
Ông Trump, ngược lại, ở một vị thế độc đáo, đứng một mình. Ông nói láo đến ngay cả những thống kê như mức độ thất nghiệp và mức độ tội phạm mà chỉ cần Google một cái là biết ông ta nói sai. Ông đưa ra những lời nói dựng đứng như Tổng Thống Obama là “người sáng lập ra ISIS.” Nhưng điều đáng sợ nhất là ông nói láo về chính ông, và khi bị lật mặt nạ, ông vẫn bất cần tiếp tục lập lại.
Một thí dụ trong cái gọi là Diễn Đàn Quốc Phòng mới đây là việc ông Trump nhắc đi nhắc lại là ông chống lại cuộc chiến Iraq. Bằng cớ về lời tuyên bố của ông trong một cuộc phỏng vấn thời đó vẫn còn. Nhưng ông tiếp tục đến lần thứ ba thì chính người điều phối của diễn đàn của CNN đã đầu hàng ông và quay sang chuyện khác.
Dĩ nhiên sự nói láo và tin ngầm xuất hiện ở cả bên cánh tả. Nếu bạn không ưa ông Trump, bạn cũng có thể lên Internet để tìm ra là ông Trump là một kẻ sách nhiễu tình dục trẻ em.
Đó chính là điều nguy hiểm của tin ngầm và nói láo trắng trợn. Trong một xã hội phân hóa như ở Hoa Kỳ ngày nay, nó không những thẩm thấu vào tin thật, nó còn có thể làm cho ngày càng khó phân biệt hơn đâu là tin thật đâu là tin giả.
Trong khi chờ đợi, này bạn có biết không, bà Clinton bị bệnh dementia, bệnh lú lẫn của người già đến nỗi trong tùy tòng của bà có một người chuyên thôi miên bà để bà đừng ăn nói tầm bậy. Chưa hết, còn có tin này nữa, bà Clinton là một tên giết người hàng loạt điên cuồng, mà bệnh tâm thần đã biến từ một bà ngoại hiền lành trở thành một con mụ sát nhân?
Nhưng đừng tin tôi. Hãy tìm vào các người tin ngầm, hãy nghe những lời “big lie” của phe ông Trump. Bạn sẽ kiếm được chúng rất dễ dàng nếu bạn muốn. Hồi xưa tin tức phải qua “cửa ải” của những nhà báo mà đa số đủ công tâm để không loan những điều không phải là sự thật. Ngày nay, Internet tự do, ai muốn loan tin gì cũng được. Chỉ sợ là nền dân chủ Hoa Kỳ có còn tồn tại nổi trong cơn bão tin tức này hay không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét