khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

THÍCH MINH CHÂU, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, ĂN CƠM QUỐC GIA THỜ MA CỘNG SẢN VIỆT NAM (phần đầu)





Độc Lập đuổi Mỹ chạy dài
Rước quân Tàu Cộng gục đầu vái van


 




Hòa Thượng Thích Minh Châu, một nhà tu có hành tung bí ẩn và gây nhiều tranh luận, đã qua đời ngày 01/09/2012 tại Sài-Gòn, hưởng thọ 94 tuổi.

Mặc dầu ông là người nổi tiếng, năm 1964 đã được GHPGVNTN (Giáo Hội Phật Giáo Việt-Nam Thống Nhất) can thiệp bằng mọi giá để buộc Tướng Nguyễn-Khánh phải cho ông từ Ấn-Độ về Sài-Gòn làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh và ông đã từng giữ chức vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục trong GHPGAQ (Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang) cho đến sau năm 1975, các cơ quan truyền thông Việt ngữ ở hãi ngoại chỉ loan tin việc ông qua đời dựa theo các bản tin của báo nhà nước ở trong nước, còn các tổ chức thuộc GHPGAQ ở hải ngoại gần như im lặng.
 
Trong khi đó, hầu hết các cơ quan truyền thông nhà nước, kể cả Thông Tấn Xã Việt-Nam, đã loan tin rộng rãi và viết khá nhiều về ông.

Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay ở Sài-Gòn đã sưu tầm và viết về tiểu sử của ông khá đầy đủ, nhưng không nói đến những bí ẩn đã gây nhiều tranh luận về chính bản thân ông cũng như những tổ chức đã xử dụng ông.

Dưạ trên tài liệu của tình báo Pháp và VNCH (Việt-Nam Cộng-Hòa) mà chúng tôi đã đọc được trước năm 1975, khi xuất bản cuốn “Những bí ẩn đàng sau những cuộc thánh chiến tại Việt-Nam” vào năm 1994, chúng tôi đã tiết lộ nhiều chi tiết bí ẩn về cuộc đời và những hoạt động của ông, khiến nhiều người ngạc nhiên.

Người ta thường nói “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng Thích Minh Châu vừa là một nhân vật tôn giáo vừa là một nhân vật chính trị, những gì ông đã làm hay để lại, đã và đang gây khá nhiều hậu quả tang thương cho Phật Giáo và cho đất nước, nên chúng tôi thấy cần phải đưa ra ánh sáng những sự thật lịch sử để rút kinh nghiệm và tránh đi vào vết xe cũ.
 
Vài nét về quê quán:
 
Ở Việt-Nam, ít ai biết đến hành tung của Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Viện trưởng Học Viện PGVN (Phật giáo Việt-Nam)…. vì ông giấu rất kỹ. Một người ở cùng làng với ông và rất thân với gia đình ông khi còn nhỏ, đã nhận ra ông khi ông về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, đã tìm đến thăm ông và hỏi han về gia đình của ông ở miền Bắc, nhưng ông chối dài và nói anh ta đã nhận lầm. Đến khi anh ta nhắc tới tên đứa con trai của ông và cho biết chính anh là người đã dạy đứa con đó, ông mới chịu xuống giọng.

Hòa Thượng Thích Minh Châu có tên thật là Đinh-Văn-Nam, sinh ngày 20/10/1918. 

Tài liệu VNCH ghi ông sinh ở làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nhưng các cơ quan truyền thông trong nước nói ông sinh ở Quảng Nam. Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay nói rõ hơn ông sinh tại làng Kim Thành ở Quảng Nam, nguyên quán ở làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Chúng tôi biết ở Quảng Nam có làng Kim Thành thuộc huyện Điện Bàn. Như vậy, có thể cụ Đinh-Văn-Chấp đã sinh ra Đinh-Văn-Nam khi đến làm quan ở Điện Bàn.
Gia đình Hòa Thượng Thích Minh Châu thuộc dòng dõi khoa bảng. Thân phụ ông là cụ Đinh-Văn-Chấp, Tiến sĩ Hán học của nhà Nguyễn, thân mẫu là bà Lê-Thị-Đạt. 

Ông là con thứ ba của gia đình có 8 con, theo thứ tự như sau: Đinh-Văn-Kinh là con trưởng, đến Đinh-Văn-Quang, Đinh-Văn-Nam (tức Hòa Thượng Minh Châu), Đinh-Văn-Linh, Đinh-Văn-Phong, Đinh-Thị-Kim-Hoài, Đinh-Thị-Kim-Thai và Đinh-Thị-Khang. 

Báo Đạo Phật Ngày Nay cho biết gia đình ông có đến 11 anh em và ông là con thứ tư. Như chúng ta đã biết, những người giàu có thời đó thường có nhiều vợ. Cụ Đinh-Văn-Chấp cũng có nhiều vợ thứ. Trước khi cưới vợ chánh là bà Lê-Thị-Đạt (mẹ của Thích Minh Châu), ông đã cưới một người vợ thứ rồi, vì thế anh chị em nhà này rất đông. Nếu tính cả con vợ thứ, con số 11 có lẽ cũng đúng.
 
Đại đăng khoa và tiểu đăng khoa:
 
Anh chị em gia đình Thích Minh Châu rất thông minh, được học cả Hán học lẫn Tây học. Năm 1940, khi 22 tuổi, Đinh-Văn-Nam đậu bằng Tú tài toàn phần, tại trường Khải Định, Huế (nay là trường Quốc Học).

Người Việt ngày xưa theo tục lệ của Trung-Hoa, Đại đăng khoa rồi Tiểu đăng khoa. Đại đăng khoa là tiệc mừng tân khoa thi đỗ về làng, còn Tiểu đăng khoa là tiệc cưới mừng tân khoa thành lập gia thất. Cũng trong năm 1940, Đinh-Văn-Nam đã lập gia đình với cô Lê-Thị-Bé, con của một gia đình khoa bảng khác ở cùng làng là cụ Lê-Văn-Miến. Cụ Miến là một người vừa đậu Tây học vừa thông Hán học nên làm giáo sư Hán văn và Pháp văn, sau vào dạy ở Quốc Tử Giám (đại học của triều đình) ở Huế.

Đinh-Văn-Nam ở với vợ là Lê-Thị-Bé được 3 năm, sinh được hai người con, một trai và một gái. Người con trai đầu lòng tên là Đinh-Văn-Sương. Người con gái tên là Đinh-Thị-Phương (chúng tôi không nhớ tên lót chính xác).

Năm 1943, Đinh-Văn-Nam trở lại Huế và xin làm thừa phái (Thư ký) cho tòa Khâm Sứ của Pháp ở Huế. Từ đó, ông rất ít khi về Nghệ An thăm vợ con. Vợ ông phải làm việc rất vất vả để nuôi con.
 
Khi thời thế đổi thay:
 
Theo hồ sơ của mật thám Pháp để lại, Hoà Thượng Thích Trí Độ, Giám Đốc trường An Nam Phật Học ở Huế gia nhập Đảng Cộng Sản năm 1941, còn Đinh-Văn-Nam và Võ-Đình-Cường năm 1943. Như vậy Đinh-Văn-Nam đã vào Đảng Cộng Sản sau khi bỏ Nghệ An trở lại Huế.

Sau khi Việt Minh cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945, cụ Đinh-Văn-Chấp, thân phụ của Đinh-Văn-Nam, đã tản cư từ Huế về Nghệ An và được Việt Minh mời làm Chủ Tịch Ban Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác-Lê. Sau khi cụ Đặng-Hướng, Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt tỉnh Nghệ An lên làm Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt Liên Khu IV, cụ Đinh-Văn-Chấp thay cụ Đặng-Hướng làm Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt tỉnh Nghệ An. Còn cụ Lê-Văn-Miến, nhạc phụ của Đinh-Văn-Nam, là người liêm khiết nên rất nghèo. Khi cụ trở về quê ở Kim Khê thì không có nơi cư ngụ. Các học trò của cụ phải góp mỗi người 5$ làm cho cụ một căn nhà lá nhỏ ở tạm. Vốn là thầy giáo, không quen các nghề bằng tay chân và nhất là với sĩ diện của một nhà Nho, cụ không có kế gì để sinh nhai. Nghe nói về sau cụ bị chết đói.

Hai huyện Nam Đàn và Nghi Lộc là nơi Đảng Cộng Sản Đông Dương lập các cơ sở đầu tiên của họ. Gia đình cụ Nguyễn-Sinh-Sắc (cha của Nguyễn-Sinh-Cung, tức Hồ-Chí-Minh) ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, nên Hồ-Chí-Minh quen biết rất nhiều trong vùng này. Ông cho người đi móc nối các sĩ phu, thuyết phục họ tham gia Cách Mạng. Trong hai huyện Nghi Lộc và Nam Đàn, không ai lạ gì gia đình của Hồ-Chí-Minh. Anh của Hồ-Chí-Minh là Nguyễn-Sinh-Khiêm, một người mắc bệnh tâm thần, không có nghề nghiệp, thường lui tới các gia đình của những người quen biết ở hai huyện Nam Đàn và Nghi Lộc để xin ăn. Chị của Hồ-Chí-Minh là Nguyễn-Thị-Thanh, trước có làm liên lạc cho cụ Phan-Bội-Châu, sau bị mật thám Pháp theo dõi, phải trở về làng sống trong một túp lều tranh nhỏ bé và xiêu vẹo, rất cơ cực. Sĩ phu trong hai huyện Nam Đàn và Nghi Lộc gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương khá nhiều. Đinh-Văn-Nam cũng ở trong trường hợp đó.

Trần-Điền, người ở cùng làng với Thích Minh Châu, một đảng viên cao cấp của Việt Cộng, đã xin cuới cô Đinh-Thị-Kim-Hoài, em của Thích Minh Châu, nhưng bị từ chối. Tuy không được làm rể nhà họ Đinh, Trần-Điền vẫn giữ liên lạc tốt đẹp với gia đình Thích Minh Châu. Trần-Điền đã làm Đại Sứ của Hà-Nội tại Nam-Vang, Cao-Miên, trong thời kỳ Sihanouk chấp chánh. Đây là một đường dây liên lạc tốt của Thích Minh Châu.

Sau này, cô Đinh-Thị-Kim-Hoài làm vợ bé của Thiếu Tướng Nguyễn-Sơn khi Tướng này về làm Chủ Tịch Ủy Ban Kháng Chiến Liên Khu IV, một Liên Khu vững vàng nhất của Việt Cộng thời đó.
Nguyễn-Sơn là một Tướng tài, đẹp trai và lịch thiệp, nên đi đến đâu đều được các cô các bà bám chặt. Ông ở nơi nào ít lâu là có vợ ở nơi đó. Cuộc đời của ông có khoảng 15 bà vợ. Khi ông vào Nghệ An, cô Đinh-Thị-Kim-Hoài rất thích ông. Ít lâu sau, hai người lấy nhau, mặc dầu lúc đó ông đã có khoảng 13 hay 14 bà vợ rồi. 

Đinh-Văn-Linh, em của Thích Minh Châu, là một Đại Tá trong bộ đội Việt Cộng, từng làm Đại Sứ của Hà-Nội ở Bắc Kinh và sau về làm Chủ nhiệm nhật báo Quân Đội Nhân Dân của Việt Cộng. Khi Dương-Văn-Minh tuyên bố đầu hàng, Đinh-Văn-Linh là người đầu tiên được Việt Cộng đưa vào Sài-Gòn để tiếp thu.

Một người ở làng Kim Khê cho biết Thích Minh Châu đã gia nhập Mặt Trận Việt Minh vào đầu thập niên 1940, khi Mặt Trận này mới thành lập. Nhóm của ông thường họp tại chùa Cẩm Linh, Diệc Cổ Tự hay trụ sở của Hội Nghiên Cứu Phật Học Trung Kỳ ở trong nội thành của thành phố Vinh.

Một tăng sĩ Phật Giáo đã công khai phản đối việc dùng chùa để làm nơi hội họp bí mật của nhóm nói trên là Hòa Thượng Thích Tuệ Chiếu. Hòa Thượng Thích Tuệ Chiếu tên thật là Trương-Thế-Giám, trụ trì ở chùa Phước Hòa, Sầm Sơn, Thanh Hóa, là người thông thạo cả Hán học lẫn Tây học. Ông biết chuyện một số người đã dùng chùa và trụ sở của Phật Giáo hội họp làm chính trị, nên lên tiếng phản đối. Năm 1954, khi Hiệp Định Genève ký kết, ông đã liên lạc với các làng công giáo chung quanh để tìm cách di cư vào Nam nhưng đi không lọt. Trong cuộc đấu tố năm 1957, ông bị chôn song.

Chúng tôi ghi lại những chi tiết này để giúp đọc giả hiểu được tại sao Đinh-Văn-Nam đã gia nhập Đảng Cộng Sản và trở thành một đảng viên trung kiên của đảng này.

Trong số tới, chúng tôi sẽ nói về những gay cấn trong việc đưa Thượng Tọa Thích Minh Châu về làm Viện Trưởng Viện Đại Học và chuyện gặp gỡ vợ con của Thích Minh Châu sau 30/04/1975.
 
 
Trong phần trước, chúng tôi đã trình bày qua lý lịch của Hoà Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, với nhiều bí ẩn về gia tộc, vợ con và con đường hoạt động chính trị của ông. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn con đường dẫn ông đến với Đảng Cộng Sản, chuyện ông xuất gia để phục vụ Đảng, áp lực đưa ông về ngồi chổm chệ giữa Sài-Gòn “Tiền đồn chống cộng ở Đông-Nam-Á”, hoạt động của Việt Cộng trong Viện Đại Học Vạn Hạnh, sự lộ diện của ông ngày 30/04/1975, chuyện ông gặp lại vợ con, chuyện ông đưa GHPGVNTN vào cửa tử và “Những ngày vinh quang” của ông. Đây là những chuyện rất ly kỳ.
 
Câu hỏi thứ nhất:
 
Một câu hỏi được đặt ra là Pháp biết Hoà Thượng Thích Trí Độ, Giám Đốc trường An Nam Phật Học, đã vào Đảng Cộng Sản năm 1941, Đinh-Văn-Nam (tức Thích Minh Châu) và Võ-Đình-Cường năm 1943, tại sao họ không bắt?
 
Như chúng tôi đã chứng minh trong cuốn “Những bí ẩn đàng sau những cuộc thánh chiến tại Việt-Nam” xuất bản năm 1994, vào thập niên 1930, Toàn Quyền Pasquier đã đưa ra chủ trương thành lập các phong trào thể thao và “Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo” để vô hiệu hóa các cuộc nổi dậy chống Pháp. Nhiều viên chức cao cấp đã được Pháp giao cho thực hiện công tác này như Trần-Nguyên-Chấn ở miền Nam, Lê-Đình-Thám ở miền Trung và Lê-Dư ở miền Bắc. Ngoài ba nhân vật chính này, còn rất nhiều viên chức khác tham gia như Trần-Trọng-Kim, Bùi-Kỷ, Nguyễn-Đỗ-Mục, Dương-Bá-Trạc.... và nhiều nhân vật Phật Giáo đã công nhận đây là thời kỳ cực thịnh của Phật Giáo Việt-Nam. Biết rõ chủ trương của Pháp, Đảng Cộng Sản Đông Dương cũng dựa vào Phật Giáo để xây dựng các cơ sở Đảng.
 
Sở dĩ mật thám Pháp biết Hòa Thượng Trí Độ, Đinh-Văn-Nam và Võ-Đình-Cường vào Đảng Cộng Sản nhưng không bắt vì lúc đó Pháp muốn dùng lực lượng của Cộng Sản để chống Nhật. Nhiều đảng viên cao cấp của Cộng Sản bị bắt đã được thả ra.
 
Chúng tôi xin nhắc lại rằng năm 1944, Hoa-Kỳ đã phối hợp với Pháp và chính phủ Tưởng-Giới-Thạch, thành lập một toán do Hồ-Chí-Minh lãnh đạo, đưa từ Liễu Châu về Pác Bó. Toán này được huấn luyện và trang bị vũ khí để chống Nhật. Nhờ vậy, khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Việt Minh đã cướp được chính quyền ở Hà-Nội vào tháng 08 năm 1945.
 
Câu hỏi thứ hai:
 
Bác sĩ Lê-Đình-Thám, Hội Trưởng Hội An Nam Phật Học, người dẫn dắt Đinh-Văn-Nam và Võ-Đình-Cường, đã vào Đảng năm nào mà sau khi Việt Minh cướp chính quyền, ông được cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ ở Liên Khu V từ 1946 đến 1949?
Quả thật, Bác sĩ Lê-Đình-Thám đã giấu tông tích của ông rất kỷ, ông lại là người được Pháp giao nhiệm vụ “Phật giáo hóa” tại miền Trung, nên mật thám Pháp không nghi ngờ gì về ông. Dĩ nhiên, ông phải là đảng viên cao cấp mới được Đảng Cộng Sản cho giữ một chức vụ quan trọng như vậy. Lần theo những bước chân của ông, chúng ta có thể tìm ra con đường Thích Minh Châu đã gia nhập vào Đảng Cộng Sản.
 
Con đường Thích Minh Châu đi:
 
Bác sĩ Lê-Đình-Thám sinh năm 1897 tại Quảng-Nam, tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Y Khoa Đông Dương Hà-Nội năm 1916. Năm 1932, ông thành lập Hội An Nam Phật Học tại Huế, trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm. Bên ngoài ông thuyết giảng và truyền bá Phật Giáo, nhưng bên trong hoạt động cho Cộng Sản.
 
Đinh-Văn-Nam (tức Thích Minh Châu) và Võ-Đình-Cường là hai “đệ tử ruột” của Bác sĩ Lê-Đình-Thám, nên thầy đi đâu, trò theo đó. Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay của báo trong nước đã nói rất rõ:
Phong trào học Phật do Bác sĩ Lê-Đình-Thám tổ chức có "Nhiều trí thức yêu nước" tham gia như: Ngô-Điền, Phạm-Hữu-Bình, Võ-Đình-Cường…. Đinh-Văn-Nam và em là Đinh-Văn-Linh đến với phong trào học Phật từ năm 1936. Đinh-Văn-Nam đã đảm nhận chức vụ Chánh Thư Ký của Hội An Nam Phật Học. Kể từ đó, ông "Gắn liền với Hội và là hạt nhân nòng cốt phát động phong trào yêu nước chống Pháp".
 
Năm 1940, Bác sĩ Thám cho thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục do Phạm-Hữu-Bình làm Trưởng Đoàn, Đinh-Văn-Nam (tức Thích Minh Châu) làm Phó Đoàn, Ngô-Điền làm thư ký. Trong các nhân viên  của Đoàn, người ta thấy có Đinh-Văn-Linh và Võ-Đình-Cường.
 
Năm 1944, tại đồi Quảng Tế ở Huế, Bác sĩ Lê-Đình-Thám thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ. Người ta thấy Đinh-Văn-Nam và Võ-Đình-Cường trong đại hội này. Tổ chức này sau được biến thành Gia Đình Phật Tử do Võ-Đình-Cường lèo lái.
 
Tháng 10 năm 1945, Pháp trở lại Đông Dương, Việt Minh hô hào tiêu thổ kháng chiến và tản cư. Các tăng sĩ và cư sĩ Phật Giáo ở Huế cũng đi tản cư. Ngày 07/02/1947, Pháp chiếm lại Huế, đa số dân chúng, kể cả các tăng sĩ và cư sĩ Phật Giáo đều hồi cư. Một số tiếp tục hoạt động cho Việt Minh bị Pháp bắt, nhưng nhờ bà Từ-Cung, mẹ của Hoàng Đế Bảo-Đại, can thiệp Pháp đã thả ra, trong đó có Thượng Tọa Thích Đôn Hậu.
 
Xuất gia năm nào?
 
Tài liệu của báo nhà nước cho biết Đinh-Văn-Nam xuất gia năm 1946. Nhưng chúng tôi không tin. Lúc đó Huế đang có lệnh tản cư và tiêu thổ kháng chiến, mọi người đều lo tản cư. Bác sĩ Lê-Đình-Thám đi vào Quảng-Nam và được cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ ở Liên Khu V. Không lẽ trong tình trạng hổn loạn đó, Đinh-Văn-Nam lại đi vào chùa?
Cuối năm 1947, Hội An Nam Phật Học hoạt động trở lại và đặt trụ sở tại số 1b đường Nguyễn-Hoàng, Huế. Việt Minh đã giao cho Võ-Đình-Cường và Phan-Cảnh-Tú vận động tái lập Gia Đình Phật Hóa Phổ để làm cơ sở hoạt động của Việt Minh. Tổ chức này đã mượn trụ sở Hội An Nam Phật Học làm nơi sinh hoạt tạm thời. Ngày Chúa Nhật 18/01/1948, Võ-Đình-Cường chính thức làm lễ ra mắt tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ mới tại chùa Từ Đàm, người ta thấy có mặt của Đinh-Văn-Nam, Tống-Hồ-Cầm, Hoàng-Thị-Kim-Cúc, Cao-Chánh-Hựu, Văn-Đình-Hy,..v.v...
 
Một tài liệu khác cho biết Đinh-Văn-Nam xuất gia năm 1948. Tin này có vẽ hợp lý hơn, vì năm 1948 các chùa ở Huế mới hoạt động trở lại. Có lẽ Bác sĩ Lê-Đình-Thám đã phân công cho Võ-Đình-Cường hoạt động trong giới Phật tử, còn Đinh-Văn-Nam hoạt động trong giới tăng sĩ.
 
Lúc đó Đinh-Văn-Nam đã 30 tuổi, xin đầu sư với Hoà Thượng Thích Tịnh Khiết ở chùa Tường Vân. Năm 1949, Hoà Thượng Tịnh Khiết cho ông thụ giới “Cụ túc” tại giới đàn Hộ Quốc, chùa Bảo Quốc với pháp danh là Minh Châu. Giới “Cụ túc” là những giới luật mà hàng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni phải thọ trì. Tỳ kheo là tên gọi những người xuất gia đã thụ giới Cụ túc.
 
Năm 1952, ông được cho đi Sri-Lanka học tiếng Pali rồi qua Ấn-Độ học tại đại học Bihar và năm 1961 ông đậu Tiến sĩ Phật Học. Cùng đi với ông có Nguyễn-Đình-Kỳ. Nguyễn-Đình-Kỳ chỉ lo tu học về Phật Giáo và đã chết ở Ấn-Độ.
 
Nếu chuyện chỉ như thế, chẳng ai để ý làm gì!
 
Đưa Cộng Sản vào Sài-Gòn:
 
Câu chuyện đã đổ bể khi Viện Hoá Đạo của GHPGVNTN đề nghị với chính phủ Nguyễn-Khánh cho ông về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh của Phật Giáo.
 
Kinh Phổ Diệu của Đạo Phật nói “Xuất gia tứ nguyện”. Xuất gia là rời bỏ gia đình, rời bỏ cảnh giới thế tục để tu tịnh hạnh. Tứ nguyện là bốn nguyện của người xuất gia: (1) Nguyện tế độ chúng sinh khỏi nguy khốn tai ách. (2) Nguyện trừ hoặc chướng cho chúng sinh. (3) Nguyện đoạn trừ tà kiến giúp chúng sinh. (4) Nguyện độ chúng sinh khỏi vòng khổ ải.
 
Nhưng Hòa Thượng Minh Châu xuất gia không phải để thực hiện những điều kinh Phật dạy, mà thực hiện những điều Đảng dạy!
 
Năm 1964, khi GHPGVNTN mới được thành lập, Viện Hoá Đạo của Giáo Hội này đã viết văn thư xin chính phủ Nguyễn-Khánh cho Thượng Tọa Thích Minh Châu ở Ấn-Độ được về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh sắp được thành lập. Tướng Nguyễn-Khánh yêu cầu cơ quan an ninh sưu tra lý lịch.
 
Cơ quan an ninh đã sưu tra hồ sơ và tìm thấy Đinh-Văn-Nam và Võ-Đình-Cường đã vào Đảng Cộng Sản năm 1943. Đinh-Văn-Nam có vợ và hai con đang ở miền Bắc.
 
Cơ quan an ninh liền liên lạc với Tòa Đại Diện VNCH ở Ấn-Độ và xin cho biết trong thời gian ở Ấn-Độ, Thích Minh Châu đã sinh hoạt như thế nào. Toà Đại Diện cho biết trong thời gian ở Ấn-Độ, Thích Minh Châu đã hoạt động cho Hà-Nội. Tòa Đại Diện đã cung cấp nhiều bằng chứng về sự kiện này. Chúng tôi chỉ nhớ hai bằng chứng chính:
 
- Bằng chứng thứ nhất: Năm 1952, Trung Cộng đã mở Hội Nghị Hòa Bình Châu Á và Thái Bình Dương ở Bắc Kinh. Đảng Cộng Sản Việt-Nam đã gởi một phái đoàn tới tham dự. Phái đoàn do Luật sư Nguyễn-Mạnh-Tường làm Trưởng đoàn. Thích Minh Châu từ Ấn-Độ đã lén qua Bắc Kinh tham gia phái đoàn. Sau hội nghị, phái đoàn đã đưa ra một bản tuyên bố trong đó có đoạn như sau: “Nhân dân thế giới đều đồng tình, đòi quân đội ngoại quốc xâm lược phải rút ra khỏi ba nước Việt-Nam, Cao-Miên, Lào. Ba nước Việt-Nam, Cao-Miên, Lào độc lập hoàn toàn và thực sự”.
 
- Bằng chứng thứ hai: Ngày 10/02/1958 Hồ-Chính-Minh qua Ấn-Độ vận động thống nhất Việt-Nam, đòi tổng tuyển cử. Công việc tiếp đón đều do Thích Minh Châu phụ trách. Hà-Nội có cho ông Nguyễn-Di-Niên đi theo làm thông dịch. Nhưng khi đến Ấn-Độ, Thích Minh Châu là thông dịch viên chính của Hồ-Chí-Minh. Toà Đại Diện có gởi về một tấm hình Thích Minh Châu chụp chung với Hồ-Chí-Minh tại Red Fort ở thủ đô Delhi, trong một phiên họp do Thích Minh Châu tổ chức....
 
Tướng Nguyễn-Khánh đã thông báo các tài liệu này cho Viện Hóa Đạo biết và nói rằng chính phủ rất tiếc không thể cho Thích Minh Châu trở về Việt-Nam được, vì ông đang hoạt động cho Việt Cộng ở Ấn-Độ.
 
Vốn tự coi mình là một tổ chức quyền lực tối cao, sống trên và ngoài luật pháp quốc gia, GHPGVNTN liền gởi cho Tướng Nguyễn-Khánh một văn thư nói rằng ngoài Thích Minh Châu ra, hiện tại không tăng sĩ Phật Giáo nào có đủ khả năng làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, vậy xin cứ để cho Thích Minh Châu về, Giáo Hội bảo đảm sẽ không cho Thích Minh Châu hoạt động cho Việt Cộng nữa.
 
Thượng Tọa Thích Trí Quang còn đe doạ rằng nếu Tướng Nguyễn-Khánh không đáp ứng nhu cầu chính đáng của Phật Giáo, Phật Giáo bị bắt buộc phải hành động. Trong thông báo gởi cho các viên chức Hoa-Kỳ ở Hoa-Thịnh-Đốn (Washington) ngày 11/05/1964, Đại Sứ Cabot Lodge đã có nhận xét như sau:
 
“Đã lật đổ được một chính phủ, ông ta (Thượng Tọa Thích Trí Quang) nghĩ rằng có thể làm như thế để chống lại Khánh.” 

(Having overthown one government, he may feel like trying again against Khanh.) 
[FRUSS 1964 – 1968, Volum I, Vietnam 1964, tr. 304 – 305, Document 147].
 
Sợ Phật Giáo gây khó khăn, Tướng Khánh đã phê lên hồ sơ: “Cho về và theo dõi”. Ngày 13/11/1964 Viện Hoá Đạo của GHPGVNTN đã ban hành Quyết Định số 156-VT/QĐ cử Thượng Tọa Thích Minh Châu làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét