khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

The Sympathizer: Trận hỏa mù và tuổi trẻ Việt Nam - Tác giả Trùng Dương



Vào giữa tháng 4, năm thứ 41 kỷ niệm ngày 30 tháng 4, 1975 cộng đồng Việt hải ngoại, đặc biệt tại Mỹ, nhận được một ngạc nhiên vô cùng thích thú, nếu không là ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai. Đó là tin cuốn tiểu thuyết “The Sympathizer” (Cảm Tình Viên - CTV) của Nguyễn Thanh Việt, một người trẻ Việt thuộc thế hệ 1.5 hiện là giáo sư chuyên ngành văn học và sắc tộc tại trường đại học University of Southern California, được giải thưởng Pulitzer về văn chương.
Giải Pulitzer, năm nay vừa tròn 100 tuổi, là một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất của Hoa Kỳ, có thể nói đây là một giấc mơ của bất cứ người cầm bút nào, và đã từng được trao tặng cho những tác phẩm nổi tiếng của Mỹ, như “Gone With The Wind” của Margaret Mitchell, “The Old Man and the Sea” của Ernest Hemmingway, hay “To Kill A Mockingbird” của Harper Lee. Giải Pulitzer, do ông Joseph Pulitzer, một nhà báo gốc Hungary sáng lập vào năm 1917, thoạt đầu dành cho báo chí sau mở rộng ra bao gồm cả các bộ môn văn chương, kịch nghệ và âm nhạc. Về ba bộ môn sau tác giả phải có quốc tịch Hoa Kỳ. Riêng bộ môn báo chí, tác giả có thể là người ngoại quốc nhưng tác phẩm đoạt giải phải đã xuất hiện trên các cơ quan truyền thông Mỹ.

Vào tháng 4 năm ngoái, khi cuốn tiểu thuyết “The Sympathizer,” do nhà xuất bản Grove Press ở New York xuất bản lần đầu, chào đời, một vài người bạn tôi sau khi đọc vài trang hay chương đầu, điện thư, giọng như có vẻ nhớn nhác nữa, hỏi tôi, thế là thế nào, có phải nhân vật ấy nhân vật nọ là ông này ông kia trong cộng đồng người Việt. Có chị bạn, khi nghe tôi vừa bắt đầu kể đây là cuốn truyện về một gã Việt Cộng nằm vùng, chị bật lên câu hỏi ngắt ngang lời tôi, thế anh ta sau có... hồi chánh không. Các bạn tôi hoang mang phần lớn vì cuốn truyện vốn lấy góc nhìn (point of view) của một gã Việt Cộng nằm vùng từ trước 1975 ở Miền Nam và cả trong cộng đồng người Việt tại Mỹ vào thời điểm giữa thập niên 1980. Tôi không trách được họ, vì chính bản thân tôi cũng hơi bị “choáng váng” ở vài trang đầu. Nhưng vì hiếu kỳ, và cũng vì đã đọc một số nhận định phần lớn là ca ngợi của một số nhà điểm sách của những tờ báo lớn của Mỹ, nên tôi đọc tới, rồi dần bị lôi cuốn bởi văn phong phóng khoáng, tài kể chuyện duyên dáng, có khi rí rỏm, có lúc châm biếm, và cách xây dựng nhân vật linh động, dàn dựng cốt truyện chặt chẽ của tác giả. Tóm lại, toàn bộ tác phẩm cũng như góc nhìn được xây dựng “out of the box,” không theo những quy luật thông thường.
 
Tóm tắt truyện
 
“The Sympathizer” mở đầu trong bối cảnh sôi động cùng cực của miền Nam vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, qua nhãn quan của nhân vật xưng tôi, từ đầu tới cuối không có tên và cả tuổi, như phần lớn những nhân vật khác trong truyện. Tuy nhiên, dài theo vài chương đầu thì ta có thể biết Cảm Tình Viên (CTV) có lẽ vào khoảng trên dưới 30 vào lúc miền Nam sắp tan hàng, là một người con lai Pháp, con hoang của một vị linh mục người Pháp và một phụ nữ giúp việc nhà người Việt, lúc nhỏ thường bị đối xử một cách kỳ thị bất công như hầu hết những đứa trẻ hai dòng máu sinh ra ở Việt Nam. Tuy vậy, anh ta cũng được vị linh mục cho theo học trường của ông, và với sự khuyến khích của bà mẹ ít học, anh ta học hành giỏi, và đã được học bổng đi du học tại Mỹ, trong vùng San Francisco. Trong thời gian du học này anh ta được móc nối làm việc cho phía Cộng Sản. Khi về nước (miền Nam), anh ta nhập ngũ và trở thành một đại úy trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, là một thuộc hạ rất được tin cậy của một Ông Tướng, đến độ anh ta được Ông Tướng cho một phòng riêng trong dãy nhà ngang ở sau biệt thự của gia đình ông. Từ vị trí cánh tay mặt thân tín của Ông Tướng, CTV có dịp tiếp xúc và quan sát những nhũng lạm của một số tướng tá, đặc biệt vào những ngày cuối cùng của miền Nam.

Trong khi đó anh ta vẫn tiếp tục làm gián điệp cho miền Bắc. Và người mà anh có phần vụ báo cáo các tin tức thu lượm được của phía Ông Tướng lại là một trong hai người anh em đã cùng cắt máu ăn thề kết nghĩa trọn đời bảo bọc cho nhau, trong truyện có tên là Man, một cán bộ Việt Cộng nằm vùng. Người anh em kết nghĩa kia tên Bon, là một sĩ quan trong quân lực VNCH. Bon là người duy nhất trong ba anh em kết nghĩa này không biết hai người kia cùng là Việt Cộng nằm vùng.

“Tôi là một tên gián điệp, một gã nằm vùng, một bóng ma, một người với hai mặt,” cuốn truyện mở đầu. “Có lẽ cũng không đáng ngạc nhiên là tôi cũng còn là người mang hai bộ óc. Tôi không phải là một thứ biến thái nhìn lầm từ một cuốn sách hí họa hay cuốn phim kinh dị nào, mặc dù có vài người đã đối xử với tôi như thể tôi là mấy thứ đó. Thực ra tôi chỉ là người có khả năng nhìn bất cứ sự việc gì từ hai phía.” (Nguyen, Viet Thanh, 2015-04-02. The Sympathizer: A Novel, Kindle Locations 29-31. Grove/Atlantic, Inc.. Kindle Edition.)

Khi Sài Gòn sắp đầu hàng, với tin Bắc quân với xe tăng đã nằm trấn ở các ngả vào thủ đô, nhân vật Cảm Tình Viên (CTV) tính ở lại, vì anh ta nghĩ đất nước đã tới lúc được giải phóng thì anh ta ở lại để tiếp tay xây dựng. Nhưng tổ trưởng Man ra lệnh cho anh ta theo gia đình Ông Tướng di tản để tiếp tục báo cáo mọi việc làm của Ông Tướng ở nước ngoài. Anh ta đành tuân lệnh. Trong chuyến di tản với gia đình Ông Tướng có cả gia đình Bon, gồm vợ và một đứa con trai nhỏ. Trong lúc chạy vào đuôi chiếc phi cơ vận tải quân sự của Mỹ ở trên phi đạo phi trường Tân Sơn Nhất, vợ con của Bon bị đạn lạc chết. Bon trở thành thất trí, sang tới Mỹ chỉ một hai nung nấu ý định trở về Việt Nam để trả thù và khôi phục lại đất nước. Sang tới Mỹ, Ông Tướng mở nhà hàng sinh sống, tiếp tục tin dùng CTV và bắt đầu thu thập tàn quân nuôi mộng khôi phục đất nước. CTV tất nhiên báo cáo mọi việc cho Man qua những lá thư gửi sang Pháp cho một “bà cô,” kể cả những buổi họp nuôi mộng phục quốc sôi sục đầy khí thế trong cộng đồng người Việt hải ngoại mà những người di tản năm 1975 có lẽ còn nhớ, đã được tác giả mô tả khá sống động như thể đã từng tham dự, mặc dù lúc ấy tác giả chỉ là một cậu bé con.

Tình cờ, và vì sinh kế, CTV được thu nhận vào làm việc với tư cách cố vấn cho cuốn phim về chiến tranh Việt Nam kiểu “Apocalypse Now” được quay tại Phi, nơi các vai Việc Cộng do các thuyền nhân còn ở trong trại tị nạn và là những cựu quân nhân trong quân lực VNCH đóng. Qua tiếp xúc với các thuyền nhân, CTV bắt đầu chất vấn cái gọi là “lý tưởng cách mạng” mà anh ta theo đuổi lâu nay. Trở lại Mỹ, CVT được biết Ông Tướng bắt đầu gửi người về chiến khu hoạt động, và một trong những người tình nguyện về là người anh em kết nghĩa Bon. Sau khi thuyết phục Bon đừng về vì nguy hiểm không xong, CVT cảm thấy, vì đã cắt máu ăn thề đùm bọc lẫn nhau, mình phải xin đi theo để che chở cho Bon. Để được Ông Tướng chấp nhận cho về chiến khu, CTV đã phải giết một cựu sĩ quan mà Ông Tướng tình nghi la “hai mang,” để chứng tỏ lòng chung thủy của mình. Trong một cuộc đụng độ đâu đó trong rừng, nhóm kháng chiến bị lọt ổ phục kích của quân Cộng Sản, một số bị giết và những người còn lại bị bắt, trong đó có Bon và CTV. CTV bị biệt giam, bị tra tấn, phải viết tới viết lui một bản tự kiểm thảo, với kết quả là một tập giấy dầy tới gần 300 trang. Hành trình này - tự kiểm thảo tới lui, bị biệt giam và tra tấn - đã giúp CTV “giác ngộ,” để thấy là các đồng chí của mình “Một khi đã giải phóng chúng ta dưới danh xưng độc lập và tự do - sao tôi mệt vô cùng khi nói tới những chữ này! - chúng ta lại cướp đi chính những thứ này từ những người anh em bị bại trận.” (Kindle Locations 5497-5498)

Qua sự can thiệp và cả hối lộ viên trưởng trại (bằng tiền bạc đút lót của các bà vợ của các tù cải tạo để được thăm nuôi lo cho chồng) của tổ trưởng Man, tình cờ là bí thư của trại tù mà chỉ về sau này mới xuất đầu lộ diện, CVT cuối cùng được phóng thích cùng với Bon, và cả bản tự kiểm thảo, và đó chính là cuốn “The Sympathizer” mà độc giả đang cầm trên tay. Họ được hướng dẫn tới một trạm giao liên, và chờ ngày lên đường vượt biên.
 
Cảm nghĩ
 
Tôi phải mất một thời gian để “tiêu hóa” câu chuyện, mặc dù biết đây chỉ là một truyện sáng tác, dù tác giả công nhận trong phần công nhận (Acknowledgments) ở cuối sách, là “Nhiều sự việc trong cuốn tiểu thuyết thực sự đã diễn ra, mặc dù tôi phải nhìn nhận là đã tùy nghi thay đổi tình tiết và thứ tự thời gian.” (Kindle Locations 5594-5595). Tôi có linh tính về một tầm mức quan trọng của “The Sympathizer” do giá trị văn chương của cuốn truyện, hơn là tính cách chính trị của những vụ việc dù dưa vào sự thực hay có tính cách sáng tạo. Những ghi nhận bên dưới hoàn toàn là của cá nhân tôi, và đã hẳn không phản ảnh suy tư của tác giả, người mà tôi chưa hề trực tiếp tiếp xúc.

Do giá trị văn chương nổi bật của cuốn truyện - cái sức mạnh không thể chối cãi của một tác phẩm văn chương thật sự đã khiến người đọc đọc mà tưởng như đang đọc chuyện có thật - đã khiến đài BBC tiếng Việt đặt thành “vấn đề” bằng tựa đề cho một bài tường thuật gần đây, “Người Mỹ ‘phải nhìn khác về chiến tranh Việt Nam,’” như thể đây là cuốn sách biên khảo về chiến tranh Việt Nam, chứ không phải là tiểu thuyết (fiction). (*)

Cuộc chiến Việt Nam không chỉ là những bàn cãi chưa ngã ngũ giữa các học gia, sử gia và những người còn quan tâm thuộc thế hệ tôi, thế hệ người Việt di dân thứ nhất, mà còn là quan tâm của nhiều người trẻ Việt đặc biệt thuộc thế hệ 1.5, như tác giả “The Sympathizer.” Là những người trẻ lớn lên trong xã hội Mỹ, thụ huấn một nền giáo dục nhân bản và phóng khoáng với tất cả những cơ hội phát triển và tiến thân có thể nói vào bậc nhất thế giới, họ tất nhiên không chấp nhận quan điểm của cha anh mình mà ngược lại, họ chất vấn những tin tưởng, giá trị của tiền bối.

Điều nổi bật nhất nơi những người di dân thuộc thế hệ tôi, đã hẳn, là tinh thần chống Cộng. Và ta phải nhìn nhận là có nhiều thành phần trong cộng đồng hải ngoại đã trở thành chống Cộng hết sức cực đoan, tới độ nhìn đâu cũng thấy Việc Cộng, rồi xoay ra tố cáo lẫn nhau, xảy ra cái cảnh mà một người bạn của tôi đã gán cho nhãn “quân mình đánh quân ta,” tiếp nối một trận hỏa mù đã từng diễn ra ở miền Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh mà nấp phía sau là các đặc công Việt Cộng mà nhiều người miền Nam dạo ấy không thấy, có khi ngay cả chính nạn nhân cũng không thấy và không biết luôn.

Trường hợp điển hình mà tôi biết đích xác là vụ nhà văn/nhà báo Chu Tử bị ám sát hụt vào năm 1966. Cho tới khi chết - Ông Chu Tử bị tử thương trên chuyến tầu di tản ngày 30 tháng 4, 1975 khi tầu còn trong sông Sài Gòn, nhiều người tin là bị B40 của VC - ông có lẽ vẫn tin là mình bị “người anh em quốc gia” thanh toán. Thực tế, ông bị đặc công Huỳnh Văn Long ám sát, nhưng một người nào đó được Việc Cộng dàn dựng là người ám sát ông tới tìm gặp ông, cho biết là cảm tình viên của Thượng tọa Thích Thiện Minh, thấy thầy mình bị ông Chu Tử chỉ trích, tức khí, đi tìm bắn nhà báo để trả thù, nhằm gây chia rẽ đối với tôn giáo.(**)

Kết quả của những vụ “quân mình đánh quân ta” là nhiều người phát chán nản, không muốn dính vào chuyện cộng đồng. Thậm chí còn gọi cộng đồng Việt, đặc biệt ở vùng Orange County, Nam Cali, là chốn “gió tanh mưa máu.” Một số bạn báo chí Việt ngữ của tôi cảm thấy mặc dù mình đang sinh hoạt trong một xã hội mà quyền tự do chí được tuyệt đối bảo vệ qua Tu Hiến Pháp Thứ nhất (First Amendment) nhưng họ không thấy được tự do hành nghề. Rất ít những người trẻ thuộc thế hệ 1.5 còn sinh hoạt trong cộng đồng. Phần lớn hội nhập vào và xây dựng sự nghiệp của mình trong dòng chính. Một số ít đi về Việt Nam làm việc, cả phối hợp với các cơ quan trong nước, để làm những việc mà họ không có được sự hỗ trợ hay tán thành ở hải ngoại. Điển hình là nhiều phim trình chiếu trong kỳ đại hội điện ảnh của Việt Film Fest gần đây xuất phát từ Việt Nam mặc dù do các nhà làm phim gốc Việt tại Mỹ thực hiện.

Phải công nhận là giữa các thế hệ 1 và 1.5 - khoan nói tới thế hệ 2 trở đi, gồm các em sinh ra tại Mỹ - hiện có một hố sâu ngăn cách: Chúng ta không hiểu các con em của ta, và ngược lại. Nhiều bậc cha mẹ còn giữ thói quen “nói xuống” các em, thay vì “nói với.” Bản thân tôi cũng gặp một số trở ngại khi chuyện trò với các con, nhất là cô con gái viết văn, bạn của tác giả “The Sympathizer,” nói chi tới các vị không thông thạo Anh ngữ hoặc không được may mắn có dịp đi học lại để thấm nhuần lối suy nghĩ của đời sống Mỹ.

Tuổi trẻ Việt, qua “The Sympathizer,” theo cảm nhận của tôi, hình như đã tìm được đường ra khỏi trận hỏa mù mà cuộc chiến Việt Nam đã gây ra. Thái độ của tôi là chấp nhận kết cuộc như thế, không nên gán cho nó cái nhãn cuốn tiểu thuyết này “chống Cộng” hay “thân Cộng.” Vả lại, đây chẳng qua chỉ là một cuốn tiểu thuyết. Và cũng có lẽ, chỉ có hình thức tiểu thuyết mới có thể giúp tác giả “giải oan cho cuộc biển dâu” (***) này?

Tôi đọc đâu đó, hình như tác giả Nguyễn Thanh Việt đang viết cuốn “sequel” của “The Sympathizer.” Đã từng thưởng ngoạn tính chất văn chương của “The Sympathizer,” tất nhiên là tôi chờ đợi cuốn kế.
 



Chú thích

(*) “Người Mỹ ‘phải nhìn khác về chiến tranh VN,’”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/04/160418_the_sympathizer_pulitzer_comments

(**) “Báo chí Miền Nam: Nhân 38 năm ngày giỗ Chu Tử, Nhìn lại vụ Chu Tử bị ám sát hụt, ngày 16- 4-1966,”
http://www.diendantheky.net/2013/05/trung-duong-bao-chi-mien-nam-nhan-ky.html.


(***) Thơ Tô Thùy Yên, bài “Ta Về,”
http://poem.tkaraoke.com/10069/Ta_Ve.html 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét