khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Chuyện 'ăn vụng' trong mắt nhìn y học, tâm lý học



Trước hết, để “đả thông tư tưởng” và để “rộng đường dư luận”, phạm vi của bài viết nầy sẽ chú trọng đến những lý do về khoa học, và một chút về tâm lý học, hơn là nhìn từ góc độ đạo đức, luân lý đối với việc “ăn hàng”. Tôi sẽ không bàn về khía cạnh, bạn nên hay không nên “ăn phở” thay vì “ăn cơm nhà”.
 
Dựa trên nhiều nghiên cứu thống kê, 91% người Mỹ cho rằng việc ngoại tình là chuyện không đúng, tuy nhiên có đến 1/3 người có bạn đời đã thú nhận là mình đã từng ngoại tình, vụng trộm. Con số ước tính thật ra còn hơi thấp. Nghiên cứu cũng cho thấy là ở tuổi trẻ hơn 40, khả năng ngoại tình của một người đàn bà cũng ngang bằng đàn ông. Nhiều người đã từng bị “ăn gian”, và cũng có bấy nhiêu người đã “ăn gian” trong quan hệ tình cảm.
 
Trên “phố rùm” reddit.com, người ta đặt câu hỏi đến những người tham dự dựa trên kinh nghiệm đã từng trải: “Tại sao bạn lại ăn vụng?” Những câu trả lời của “người thật, việc thật”, có khi rất quen thuộc mà cũng có điểm cũng rất ư là bất ngờ:
 
1. Vì muốn trả thù
Ở đây khi người ta ghét một người nào đó, thí dụ như ông chủ hay bà chủ, hay người hàng xóm đáng ghét… Người ta bèn đi dụ dỗ vợ hay chồng của người mình ghét cho bỏ…ghét!

2. Vì tánh trẻ con
Nghiên cứu cho thấy, trẻ con thường hay ăn gian, nói dối hơn là người lớn. Bản tánh trẻ con này đôi khi kéo dài vào tuổi thành niên của nhiều người.

3. Vì rất hồi hộp và “phê”
Giống như mèo và chuột. Người “tham dự cuộc chơi” thích sự hồi hộp của trò chơi cút bắt. Người ta thích cảm giác lạ, có khi lên ruột của một sự phiêu lưu mạo hiểm.

4. Vì muốn khoe, trổ tài với bạn bè như một sự thách đố đi chinh phục trái tim của người khác.
 
5. Vì nghĩ có thể làm được mà không bị bắt quả tang
Giống như người lái xe quá tốc độ hay vượt đèn đỏ, vì xem thường, nghĩ mình có thể không bị bắt. Nếu có, thì người lái xe bên cạnh, không phải mình!

6. Vì không được hạnh phúc trong quan hệ tình cảm
Có thể vì không có sự cảm thông về tâm hồn giữa hai người đang sống chung, hay không được thoả mãn về nhu cầu sinh lý, hoặc cả hai. Khi có một bóng hình khác, con người ta dễ bị sa ngã.

7. Vì sự quyến rũ không thể cưỡng lại được
Trong những môi trường xúc tác như âm nhạc, thơ phú, văn chương, và gần đây là mạng xã hội như facebook, người ta dễ sa ngã vì sự cuốn hút cả về tài năng, tánh tình và vóc dáng của một đối tượng nào đó.

8. Vì khó chia tay với người hiện tại, và “ăn vụng” đột xuất có vẻ dễ dàng hơn.

9. Vì muốn làm “chuyện ấy”, “tìm của lạ” nhưng vẫn muốn giữ quan hệ lâu dài đang có.

10. Vì trái tim có nhiều ngăn, có thể yêu nhiều người cùng một lúc.
 
Quan hệ tình cảm của mỗi cặp có thể khác nhau, nhưng khi chất vấn ở tận đáy mù mờ của con tim, thì hầu như mọi người đều nhất trí với quan điểm, ngoại tình là điều không đúng. Công bằng mà nói, khi chuyện xảy ra, tình cảm và lý trí của mỗi người trong cuộc đều bị tổn thương trầm trọng, kể cả người “vi phạm”, đi “ăn ngoài”.
 
Biết là không muốn chuyện ấy xảy ra nhưng tại sao người ta lại đặt mình vào trong tình huống khó xử như vậy? Có thể người ngoại cuộc dễ dàng kết tội người trong cuộc là không có giá trị đạo đức. Tuy nhiên, hai tiến sĩ về nhân chủng học, Dr. David Barash và Dr. Helen Fisher, đề nghị ta nên suy xét một số giả thuyết khoa học dựa trên cơ bản của một con người “trần trụi” để hiểu thêm về những động cơ tại sao người ta lại “ăn gian”.
 
Thứ nhất, theo Tiến Sĩ Barash, con người ta, là một sinh vật, sinh ra từ căn bản không phải được định hướng chỉ có một vợ một chồng, hay một cặp. Từ man sơ, để sống còn, loài người tập kết bạn, trong đó có thể có nhiều “bạn đời”, và từ từ tiến đến một xã hội có trật tự. “Thói quen” một vợ, một chồng, một bạn tình là một thói quen được rèn luyện học hỏi qua bao nhiêu năm chứ không phải sanh ra là có như vậy. Nói như vậy có nghĩa là về phương diện sinh lý học, con người không nhất thiết sanh ra để chỉ có một cặp đôi, nhưng, chuyện “một vợ một chồng, một cặp đôi” là một lựa chọn tùy theo ưu tiên của mỗi cá nhân.
 
Thứ nhì, tập hợp gene di truyền trong con người chúng ta có ghi rõ mật mã cho chuyện “ăn gian”, không khác gì gene chi phối từ màu mắt, trí thông minh, cho đến khả năng về âm nhạc, thể thao. Mọi người đều có gene di truyền DRD4, là gene kiểm soát cho sự sản xuất hormone dopamine. Trong bài viết về âm nhạc, tôi có trình bày, dopamine là hormone làm cho ta biết sung sướng khi nghe nhạc, khi ăn đồ ăn ngon, hay khi làm “chuyện ấy”... Một số người có gene DRD4 yếu hơn những người khác, và những người này thường có khuynh hướng tăng gấp đôi về chuyện “tình một đêm”, tình cảm vu vơ, và kể cả việc thường xuyên ngoại tình.
 
Ngoài ra, còn một gene khác, tên là AVPR1A, chi phối việc sản xuất ra hormone arginine vasopressin, là hormone kiểm soát cân bằng của nước trong cơ thể, nhưng cũng giúp tăng sự tin cậy, cảm tính, và sự vững bền về quan hệ tình dục. Một nghiên cứu cho thấy 40% phụ nữ bị khiếm khuyết về gene nầy thường dễ có quan hệ ngoại tình hơn.
 
Thứ ba, trong bộ não của chúng ta, định hướng “một vợ một chồng” không được chi phối từ một trung tâm duy nhất. Cụ thể, ba yếu tố liên đới trong một quan hệ vợ chồng như: việc ham muốn tình dục, cảm tính yêu thương lãng mạn, và nhu cầu gần gũi một người khác như một người bạn chẳng hạn, được kiểm soát từ ba trung tâm khác nhau trong não bộ. Nói dễ hiểu, chúng ta như có 3 bộ não khác nhau, một để yêu một người nào đó vì tính cách lãng mạn, một để thích được gần gũi một người khác, và một để ham muốn thể xác với một người thứ ba. Đây cũng là lý do, “thói quen” chung thủy là một thói quen ràng buộc về lý trí để kiểm soát, kiềm chế cho được cả ba trung tâm nầy.
 
Nói như trên đây không phải là để biện minh cho việc mọi người chúng ta sanh ra là để “ăn gian”. Nhưng để hiểu trước khi phán xử một người nào đó, vì có lẽ, có rất nhiều yếu tố chi phối, mà ngay chính cá nhân ấy cũng không cưỡng lại được. Và cũng nên hiểu, trong quan hệ tình cảm, chúng ta không có một thiết bị định hướng GPS chính xác. Rất có thể, bất kỳ một ai cũng có thể dễ dàng… đi lạc.
 
Tuy nhiên, cho dù vì bất kỳ một lý do nào đi nữa, nếu mình “ăn gian”, sự thật vẫn là sự thật, là mình không yêu và không tôn trọng người bạn tình của mình. Người ta có thể phạm nhiều lỗi lầm trong cuộc đời, nhưng ngoại tình là một lỗi lầm nên tránh khi mình thực sự yêu quý người bạn tình của mình.
 
Hy vọng bài viết có thể giúp bạn đọc hiểu thêm những yếu điểm của mình mà tránh. Hơn nữa, bạn không thể “ăn vụng” lâu dài được. Không thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét