khktmd 2015
Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015
Tình Trại- Tác giả Jennifer Trần
"Tình Trại" là một trong những cuộc phỏng vấn những kẻ sống sót từ trại tù Norilsk.
Angus Macqueen, tác giả-người phỏng vấn, là một nhà làm phim tài liệu (phần lớn cho đài BBC), chuyên về Liên-bang Xô-viết và Đông-Âu. Bài viết lấy từ tạp chí Granta 64, Winter 98, đặc biệt về Nga-xô: Miền Đông Hoang Dã.
Một xứ sở rộng lớn nhất: một phần sáu đất đai địa cầu. Nơi máu đổ nhiều nhất: Trước tiên, là cách mạng 1905, bị đè bẹp bằng máu. Tới cách mạng 1917, thành công, cũng bằng máu. Rồi thời đại Stalinism, với hàng triệu mạng người bị giết, bằng tống xuất, diệt chủng, trại tù; địch thủ của nó: cuộc xâm lăng của Nazi, đã lấy đi chừng 20 triệu công dân Xô-viết. Như Anatol Lieven, tác giả cuốn sách vừa xuất bản, viết về cuộc chiến Chechnya: Bia mộ của Quyền lực Nga: Đối với hầu hết cư dân của nó, Liên-bang Xô-viết (là một điều gì) còn hơn cả một nền văn minh. Còn hơn cả một ấn bản méo mó, hư ruỗng của điều gọi là hiện đại tính. Đây thực sự là một thế giới. Thế giới độc nhất mà cư dân của nó hiểu, và có được. Và theo như tiền nhân của họ: Đây là đỉnh cao lịch sử, sự hiểu biết, và thành tựu của nhân loại.
St. Petersburg của miền bắc: Norilsk. Angus Macqueen đã từng mơ tưởng, thăm viếng nó: một thành phố ở giữa chốn không đâu (this town in the middle of nowhere). Nhưng theo ông, dưới chế độ Xô-viết, nó là một thành phố kín, "gia tài" của nó, ngoài tù nhân ra, còn là mỏ kim loại, hai vốn quí trong toan tính kỹ nghệ hóa xứ sở. Trại tù chết theo Stalin vào năm 1953 nhưng Norilsk vẫn tiếp tục tăng trưởng: Tù nhân, không còn một nơi chốn để đi, hoặc quê hương để về, đành chọn nó: chốn lưu đầy biến thành quê nhà.
Như một người con gái của một tù nhân, nói: "Chúng tôi không có một nơi nào để đi, và chẳng có gì để mang theo. Chúng tôi lại ở trại."
Khi còn là một đứa nhỏ mười mấy tuổi, Jadwiga Malewicsz chứng kiến quân đội Xô-viết xâm lăng Ba-lan; rồi tới Đức Quốc-xã. Qua lớp cỏ dầy, cô cũng đã nhìn cảnh tàn sát tập thể người Do-thái địa phương. Khi Hồng quân trở lại vào năm 1945, cô bị bắt vì "phản bội đất mẹ". Mười năm tại Norilsk.
Tôi lấy người cai tù. Một người cai tù có gốc. Tôi thực không biết chuyện đó xẩy ra như thế nào. Anh ta luôn nhìn tôi. Đăm đăm nhìn. Trong lúc đưa chúng tôi đi lao động, anh ta nói: "Đội Trưởng, tôi sẽ lấy cô". Tôi trả lời: "Vô lý, quản giáo. Anh không thể làm điều đó". "Để rồi coi". Bạn tưởng tượng nổi không? Anh ta cai tôi hai năm trời. Và tôi không hề đáp lại. Tôi thực không thích bạn. Anh ta đợi tôi thêm ba năm. Tôi vẫn quay lưng. Rồi cái ngày ấy tới. Lao động về, tôi nhìn thấy giấy ra trại trên chiếc gối. Đau đớn làm sao. Tôi nghĩ: Đi đâu bây giờ? Họ đưa bạn tờ giấy, dẫn bạn ra ngoài, và bạn chẳng có một căn phòng, chẳng có gì hết. Muốn đi đâu thì đi, nếu có thể. Chuyện như vậy đó, bạn biết không. Nếu tôi có một nơi để mà đi... nhưng làm sao tôi rời đi. Tôi ngồi trên giường, gỡ băng "Đội Trưởng" đưa cho người khác. Tôi bảo cô ta đừng nói cho anh cai tù mê tôi, tôi được thả. Nhưng tới cổng, anh đợi tôi ở đó. Tôi ôm cái bị nhỏ, món quà mừng ngày được tha. Gia tài chút xíu. Anh trờ tới: "Đội Trưởng, để tôi mang giùm." "Tôi đâu còn là đội trưởng nữa", nhưng tôi đưa anh cái bị, và bạn biết đấy, ngu đần như con cừu, tôi đi theo anh. Anh đã xoay xở được một căn phòng. Khi tới, úi trời, tôi thấy người quản giáo. Ông mướn phòng chung sống với người đàn bà quản trại tôi. Bà ta nói: "Lúc nào cũng nghe anh khoe, anh chài được cô gái xinh đẹp, bây giờ cô ta đây này!" Họ bắt đầu uống. Những ngày đó, ngoài uống ra đâu còn gì. Họ uống. Tôi không làm sao uống nổi: họ đưa tôi nhấp thử một hụm và tôi gần nghẹt thở. Họ cười nhạo tôi. Người đàn ông "của tôi" kiếm chỗ nằm, và người đàn bà nói: Còn cô này nữa, ngồi đây làm gì? "Bà nói chi?"
Tôi ngồi bàn suốt đêm. Nhưng, là anh ta. Biết làm sao khác? Tôi cũng quen dần. Tôi chịu đựng cắn rứt, dằn vặt ròng rã ba mươi năm. Cuối cùng ly dị. Anh tìm về làng cũ ở vùng Trung Nga, và chết ở đó. Anh uống tới chết. Còn trơ tôi ở đây.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét