khktmd 2015
Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015
Tấm lòng Tô Thị...- Tác giả Lương Tất Đạt
“Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị ,có chùa Tam Thanh...”
Nhớ năm xưa thuở nhỏ, vào những buổi trưa hê oi ả, hay trong những đêm trường tĩnh mịch nằm nghe tiếng ru hời của Mẹ tôi với những câu ca dao, hay những bài thơ ngắn ngủi rất nhiều, và thật nhiều, cùng những tiếng võng đưa kẽo kẹt vang lên đều đặn mỗi ngày, tất cả đã tạo thành một giai điệu buồn não nuột, nhưng rất dễ ru ngủ... Và có lẽ, hằn sâu nhất trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn là những điệu ru về câu chuyện nàng Tô Thị chờ chồng đến hóa đá. Tuy vậy, nhớ thì nhớ rõ lắm, nhưng cảm xúc dạo ấy thì thật sự trong tôi không hề có đến một chút mảy may, bởi vẫn nghĩ đó chỉ là huyền thoại...
Thế nhưng, huyền thoại ấy trong tôi đã bắt đầu thay đổi, từ huyễn hoặc đã biến thành sống thật, từ phủ định đã nghiễm nhiên phải xác nhận. Bởi vì, bóng dáng người thiếu phụ trung trinh năm xưa ôm con đứng mỏi mòn với nỗi chờ mong chinh phu trên dãy núi Lạng Sơn đến hóa thạch đã thật sự kết thành hằng triệu, hằng triệu những hình ảnh của các Nàng Tô Thị luôn bàng bạc và lấp lánh trước mắt tôi và các tù nhân trong các ngục tù đọa đày dành cho những người vừa mất tổ quốc...
Năm ấy, sau lời tuyên bố thất thủ của viên đại tướng một dạ hai lòng, hằng triệu những quân nhân và công nhân viên chức từng một thời chiến đấu để bảo vệ quê hương dưới mầu cờ phục vụ cho Tự Do-Dân Chủ-Công Bình và Nhân Ái đã phải đau đớn xót xa đành đoạn những công lao họ đã có... để cúi đầu chấp nhận giam mình trong những năm dài khổ ải đầy tủi nhục...
Ba lô đã được các bà mẹ, hay những người vợ hiền thay thế bằng những túi xách tay gọn nhẹ với những vật dụng cá nhân được trang bị đầy đủ cho con, cho chồng với hy vọng đường xa cho mười ngày tạm vắng rồi tái ngộ...Và tôi đã có mặt với họ trên đường xa hôm ấy...
Mười ngày rồi ba tháng, rồi một năm, rồi đến bao giờ... Sự chờ đợi trong niềm tin ngây thơ của người tù mất tổ quốc đã thực sự rã rời theo những ngày tháng khổ cực trong rừng sâu nước độc. Nỗi nhớ gia đình với cha mẹ, vợ con trong tâm tư của từng người tù đã mỏi mòn từng đêm hòa với tiếng chép miệng não nuột của đám tắc kè xanh đỏ đang bám víu trên cây cao đã vô tình biến thành những điệp khúc quen tai ru ngủ cho hàng triệu tù nhân tự an ủi lòng thôi đi những “sắp về, Tết về, hết về hay... chết về!”
Thời gian vẫn trôi trong lặng lẽ, những công việc nặng nhọc và nguy hiểm cộng với những đói khát và thiếu thốn nhân lên từng ngày đã thật sự đè nặng trên đôi vai và tâm tưởng của tù nhân. Thân thể đã nhen nhúm những vết thương làm độc không có thuốc chữa bịnh tê phù đồng loạt xuất hiện cùng với các triệu chứng ghẻ ngứa đầy mình. Tận đáy lòng từ một số anh em chúng tôi đã nhen nhúm lên một chút gì thất vọng cho ngày về?
Giữa lúc ấy, những lá thư và những gói quà nhỏ như mong mỏi đã được phép gởi đi từ những địa chỉ thân quen của những người mẹ nhân hậu, những người vợ hiền, và những đứa con ngoan trong mỗi gia đình tù nhân. Gói quà nhỏ theo quy định khắt khe của nhà cầm quyền được gia đình tù nhân chọn lọc từ sự dành dụm, chắt chiu khi mua sắm. Tuy ít mà đầy đủ cho những gì chúng tôi cần. Ðặc biệt, đọc những lá thư ân cần, âu yếm và động viên từ tấm lòng cha mẹ, vợ con và anh chị em gói ghém trên những lá thư khổ nhỏ, tất cả đã nhanh chóng biến thành những luồng gió mát dịu, hay những hơi ấm nồng nàn trong tâm hồn chúng tôi. Lời thư viết chứa chan niềm thương nhớ, đong đầy tình yêu thương và sắt son mầu chung thủy... Sẽ nhớ mãi đoạn cuối thư trước khi ngừng, tất cả đã không quên lời tái bút: Cha, Chồng, Con ơi đừng tuyệt vọng...
Sau lần nhận thư và quà gởi từ gia đình, dẫu chưa được đối diện tương phùng với những người thân sau hơn 1 năm không gặp, nhưng tận đáy lòng tù nhân chúng tôi như đã vươn lên những ủi an và hy vọng. Niềm vui ấy đã được thể hiện qua những món quà nhỏ bé ít oi mà gia đình đã gởi, tất cả đã được chia nhau cho cả nhóm vui cùng.
Dạo ấy, dường như trong các trại tù gần xa lớn nhỏ, ngoài những luật lệ chung của nhà cầm quyền phân chia các trại tù đông đến gần ngàn người thành những nhóm nhỏ từ Nhóm (A), đến Ðội (B), rồi Khối (K) hay Ðoàn (T) để dễ bề kiểm soát và điều hành. Nhưng trong lòng sinh hoạt thân thương của những người tù năm ấy, tất cả chúng tôi đã âm thầm kết đoàn với nhau thành những nhóm nhỏ tùy theo sở thích và những lý do riêng tư. Có nhóm 2 người, nhóm 3 hay 4, hoặc lên đến 5 người.
Ngày vào tù, tôi độc thân một mình vì tuổi đời tuổi lính còn rất trẻ. Xa nhà, nếu có nhớ thì chỉ biết mong về người cha già và một đàn em nhỏ nhưng nhóm tù vui chung với tôi đại đa số đều đã yên bề gia thất. Họ đã có cả cha mẹ nguyên vẹn và một bầu đoàn thê tử thật hạnh phúc dễ thương. Bữa cơm chung mỗi trưa, chiều đến, chuyện tôi kể thì chẳng có gì thích thú, nhưng chuyện nhà các anh thì dài hơn cả Tờ Sớ Táo Quân tường trình cuối năm với nhiều tình tiết kỳ thú và thơ mộng...
Qua từng ngày tháng ăn chung, vui ké trong những năm dài sống cận kề bên nhau, nhóm chúng tôi đã trở nên thân thiết và gũi gần hơn từ những câu chuyện gia đình của đôi bên đem ra nhau kể. Nguyễn Minh Ðức thăm nuôi lần nào cũng đem cuốn nhật ký viết tay trong những chiều rỗi rảnh cho người vợ hiền mới hứa hôn chưa đầy ba tháng đã phân ly. Lúc chia tay vợ hiền về trại, quà cáp chất đầy đến 3 bao tải nặng trĩu, vác đến tận nhà là cái lưng chàng muốn sụm...
Anh Ba già đầu đàn thì đủng đỉnh nụ cười với nhiều niềm vui vì vợ con báo tin anh sắp thành ông nội, ông ngoại. Người vợ hiền đứng tuổi vẫn không quản đường xa từ Lục Tỉnh lên thăm chồng với bao nặng bao vơi quà với cáp cho chồng chia sẻ, lại còn ân cần nhắc anh đừng quên thuốc bổ...
Anh Hiệp Rhade thì lúc nào cũng vui như pháo Tết, vợ chồng đều chung một tâm hồn nghệ sĩ, tuổi sắp tứ tuần với con cái đang ngưỡng tuổi dậy thì... mà vợ vợ chồng chồng vẫn còn thơ phú cầm kỳ viết tặng cho nhau. Lúc ra về, chị nhà luôn căn dặn anh đừng đốt phổi nhiều bằng những điều thuốc, nhưng thuốc hút chị mua gởi chồng thì hút hoài không hết!
Bên cạnh tình yêu sôi nổi của vợ chồng anh Hiệp, người vợ mới cưới của Anh Nguyễn Mộng Hùng lại trầm lắng sâu đậm trong những lần gặp gỡ. Anh và chị chỉ đan tay nhau với những nỗi thương nhớ quấn quýt và tấm tức giọt lệ ngắn, giọt dài.
Còn cặp tình nhân Ngô Thụy Chương thì lần nào cũng trẻ trung, lạc quan và yêu người yêu đời thắm thiết. Năm nào cũng thế, mỗi lần tái ngộ là trong tay của Chương cũng phải có một cuốn Agenda mới tinh thật dầy với nhiều ô vuông trống dành cho từng ngày nhật ký của Chương tha hồ mà thủ thỉ...
Còn anh Tư Võ Hữu Cường thì diễm phúc nhất trong nhóm với một người tình thủy chung chờ đợi gần cả 10 năm. Chị là cô giáo cấp 1 và còn nhiều biệt tài khác trong nhiều ngành nghề. Tính thầm lặng và hay e lệ như cô nữ sinh thời trung học. Lần thăm nuôi nào cũng thế, chị luôn luôn là một trong những người vào thăm trại tù sớm nhất...
Anh Tư Cường dáng mảnh khảnh mình dây, nhưng giọng thì trầm và thật vang vọng, đêm xuống một mình anh thường đàn và hát thầm cho chị nghe và hy vọng từ căn nhà xa tít Thị Nghè chị sẽ nghe và cảm nhận được...
Những năm tháng của nhọc nhằn, khổ ải và tủi nhục vẫn thản nhiên trôi theo dòng đời mặc những thăng trầm của cuộc sống ở thế giới bên ngoài ra sao. Chắc chắn trong bốn bức tường sắt kín mít đầy ngạt thở dạo ấy, có lẽ chúng tôi cũng chưa thể biết hết và ngờ được những gì đã xảy ra cho người thân của mình. Những lần thăm nuôi ra về, nhóm cơm chung nào cũng vậy, và bạn tù nào cũng thế, tất cả đều đón nhận những tin tức lạc quan với một cuộc sống tương đối có sức khỏe dồi dào cho cha mẹ, vợ con và toàn thể thân nhân...
Nếu có một thoáng gì bối rối và khó trả lời trước những câu hỏi thật lòng từ trước mặt người tù, thì cha già bảo chẳng sao, mẹ hiền cười phủ nhận, vợ con lảng tránh với những cử chỉ âu yếm và trấn an. Nhìn những món quà chất đầy trong các bao tải lớn nhỏ trước mặt trong những đợt thăm nuôi phải chăng tất cả nhiều ngần ấy đã quá đủ để xác nhận những gì người thân mình đã nói đúng theo sự thật?
Sáu năm sau tôi về. Bạn và các huynh trưởng cũng lần lượt tiếp nối nhau ra trại trong cùng một ngày vui như hội lớn... Những bước chân vội vã bước nhanh, thật nhanh, vừa cười vừa nói trong tâm trạng vui tươi hớn hở, nhưng chắc chắn chẳng một ai sẽ buồn ngoảnh mặt lại để chào tạm biệt nơi chốn ấy, dù vẫn biết... đằng sau cánh cửa sắt khóa kín im lìm kia, bạn bè thân thiết vẫn còn người ở lại...
Bao nhiêu nỗi háo hức mong chờ khi nhìn lại mái nhà xưa sau một thời gian xa cách tưởng như nghìn trùng. Cánh cửa bật mở, những nụ cười hớn hở, những vòng tay ôm ấm áp cuồng nhiệt. Câu nói mừng vui nào và ý nghĩa hơn bằng những giọt nước mắt của cha mẹ già, của vợ hiền con ngoan, và anh chị em thân ái. Nhưng khi bước sâu vào trong gian nhà quen thuộc, cảnh trí đã thay đổi thật nhiều, khác hẳn với những gì khang trang, đẹp mắt và ấm cúng mà 6 năm, 10 năm trước hơn người tù đã đi xa tưởng như không hẹn ngày trở lại.
Căn nhà đã không còn bộ sofa đủ cặp mới mua năm nào khi vợ chồng mừng ngày mua nhà mới. Cái giường kiểu có chăn êm và nệm ấm, bàn máy may cho vợ hiền mừng ngày sinh nhật, cái tủ chè, quạt máy, chiếc máy truyền hình và biết bao vật dụng năm xưa hai vợ chồng ký cóp mua về,... tất cả đã tuần tự ra đi sau những lần thăm nuôi người tù. Ngay cả những đồ chơi cho con trẻ cũng không còn la liệt trong phòng của chúng. Biết bao nhiêu và bấy nhiêu đã theo những khó khăn nhọc nhằn và chịu đựng của vợ con và gia đình lần lượt âm thầm đi không trở lại...
Trong ánh sáng lung linh của ngọn bạch lạp được thắp sáng vào bữa cơm chiều đầu tiên mừng người tù trở lại, bàn ăn được bày lên với những món ăn và thức uống mà tự lâu anh đã không có dịp được thưởng thức. Chung quanh vợ con và cha mẹ già cùng anh em tất cả đang quây quần nhìn anh với ánh mắt rụt rè, e ngại và ngầm mong đợi sự cảm thông nào đó từ người tù đang chậm rãi gắp thức ăn. Hôm nay người tù đã nhìn được khuôn mặt thật của vợ hiền và vóc dáng của đàn con ngoan, cũng như tất cả những khuôn mặt thân quen qua ánh sáng leo lét của ngọn đèn cầy đang đùa vui trong gió. Tất cả dường như đang phảng phất những nét buồn u uẩn, cùng sự mỏi mệt đã trĩu nặng bao năm dài chịu đựng. Anh chợt nhìn thấy thật rõ những vệt thâm quầng đậm trên mí mắt, vũng tối trên đôi gò má hóp như trũng sâu thêm trên khuôn mặt của mọi người... Cổ họng anh nghèn nghẹn và một cảm giác xót xa khó diễn tả khi anh vừa thoáng thấy những giọt nước long lanh trên đôi mắt của vợ hiền và người mẹ già ngồi kế cận...
Trong những đôi mắt ấy, tận trong những giọt lệ đang chực chờ muốn trào tuôn dưới ngọn đèn bạch lạp lung linh mà anh vừa bắt gặp, biết bao những hình ảnh thương tâm và đau lòng đã xảy ra trong cuộc sống của mỗi người thân của anh đã âm thầm chịu đựng trong suốt những năm dài anh sống thản nhiên với các bạn tù trong các khu “cải tạo.” Ở đấy, đã có những hình ảnh xa xăm năm nào mà anh không hề tưởng tượng được. Cảm xúc y hệt ngày xưa anh đã từng nghe mẹ ru hời về câu chuyện nàng họ Tô chờ chồng hóa đá... mà anh chỉ biết nghe não nuột buồn với cảm giác rất dễ ru anh ngủ...
Ðang miên man với những cảm xúc buồn vui lẫn lộn, như mặt hồ thoáng gợn trước những cơn gió mạnh vừa ùa đến, bất chợt, cô gái út ngoan xinh từ vòng tay mẹ lao xuống, sà vào lòng anh, ỏn ẻn cười... Anh cũng thấy những nụ cười hòa theo trên môi đấng sinh thành, trên môi người vợ hiền trung trinh và can đảm, trên môi các con ngoan và tất cả mọi người thân thiết. Một ý nghĩ thoáng qua, hay chính một điều an ủi tự lâu anh phải biết: “Vật chất chỉ là phù du, con người mới là đáng quý.” Sau bao nhiêu sóng gió phũ phàng và chua xót, tình yêu của người bạn trăm năm với anh vẫn không hề suy giảm. Trước bao nhiêu nghịch cảnh đầy khó khăn và thử thách, người vợ hiền vẫn trung trinh dài năm mong đợi đón anh về.
Giây phút thiêng liêng này, anh thầm cám ơn mẹ với những câu ru hời năm xưa ru anh và các em anh ngủ, lời ru ấy luôn luôn hữu hình và sống thật. Và, hình bóng nàng Tô Thị ôm con chênh vênh trên dãy núi sẽ muôn đời sừng sững với tấm lòng trung trinh của vợ hiền ngàn năm vẫn đợi sẽ lưu truyền bất tận...
Cám ơn những người vợ hiền chung thủy và đảm đang của những người tù mất Tổ Quốc...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét