khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Lênh đênh nỗi niềm 30 năm cùng mì gói- Tác giả Mặc Lâm



Mì gói, một thuở chúng tôi lang thang với nó như người lính không thể thiếu cây súng bên mình.

Súng thì nhiều loại nhưng mì gói thì chỉ một thể duy nhất, khô khốc, giòn rụm thơm lừng và khi nấu chín lại sần sật, đậm hương của ngũ vị và hay nhất là nó có thể làm mình... ghiền.

Ghiền cái không khí khi ăn nó hơn là cái ngon thật sự của một tô mì gói.

Thật vậy, mì ăn liền là đứa con của nhà nghèo. Khi cùng ăn với nhau thì chổng mông húp cho tới giọt nước cuối cùng mới đã! Mà cái chất nước của mì gói nào có xương cốt gì cho cam, chỉ là nước sôi, cùng lắm thêm chút bột ngọt vào chờ cho cọng mì mềm hẳn rồi húp. Vậy mà nó trôi tới đâu bụng dạ vỗ tay đến đó. Những sợi mì loăng quăng không cơ hội dính răng làm cho thằng người sững lại một giây khi đôi đũa đưa nhúm đầu tiên vào miệng.

Có người khi ra nước ngoài mới biết tới nó. Có người biết từ khi Saigon chuyển mình vào tay người khác, và cũng không ít người biết hương vị khó cưỡng của mì gói sau khi ăn sạch các thứ cao lương mỹ vị của đất Saigon để rồi cuối cùng chuyển sang tô mì gói thời thượng chỉ dành cho những người chỉ thích xài bạc lẻ.

Một gói mì giá 200 đồng bạc vào năm 1980 bán đầy ở các tiệm tạp hóa. Nhãn hiệu nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là mì Vị Hương của công ty Thiên Hương, Vifon rồi Miliket của hãng Colusa.

Thập niên 70 có lẽ là lúc mì ăn liền bùng nổ khi thương gia người Hoa du nhập cách chế biến mì của Nhật Bản qua công ty thực phẩm Nissin mà cha đẻ của món mì này là Ando Momofuku. Hãng làm mì ăn liền đầu tiên tại Saigon là Vifon với gói mì có bao bì khá lạ trong thời ấy. Nhiều học sinh sống ở Saigon làm quen gói mì này rất sớm vì chiến tranh ngày một đến gần hơn, chuẩn bị một buổi ăn sáng cầu kỳ không phải là giải pháp thông minh của các bà nội trợ.

Mì ăn liền được làm từ bột mì hay bột gạo, qua chế biến cho thành sợi, cuối cùng được chiên lên trước khi đóng gói. Vì đã được chiên nên người ta không lạ gì khi thấy bợm nhậu sau năm 75 thường ngồi với bạn bên xị rượu đế với gói mì được bẻ ra ăn sống bên cạnh.

Sang hơn một chút là cái lẩu loăng quăng trong một quán cóc với ba bốn người bạn thân tình. Một gói mì có khả năng gây sóng gió cho chiến trường khi được ngâm vào nước sôi, nêm tí bột ngọt và nếu sang trọng hơn thì vài tóp mỡ đã đủ để hạ gục bao chàng Kinh Kha nằm ôm hận khi không giết được vua Tần.

Mì ăn liền cũng mang số phận của kẻ bại trận. Khi không còn bột mì tinh hay bột bột gạo chính phẩm thì mì cũng sẽ thích nghi với cuộc đời mới của nó bằng bột khoai mì. Từng đoàn xe kìn kìn chở mì tươi từ Ðồng Xoài, Bình Long hay Long Khánh, Ban Mê Thuột về nhà máy để rồi sau đó người ăn dần dần quên cái hương vị trời Tây để chiếc lưỡi làm quen với bụi mì quê hương đào lên từ những vùng đất bazan đỏ thắm.

Và như một phép lạ, mì theo chân người tỵ nạn đi khắp bốn phương sống đời lưu vong và nhanh chóng thích nghi cuộc đời mới với hương vị mới cũng như cách ăn cũng mới.

Do sống đời sống công nghiệp chạy đua với thời gian người ta nấu mì với nước sôi qua microwave, nhanh và tiện hơn nhưng lại thiếu cái hồn, cái tình của tô mì gói.

Ừ, thiếu tình nhưng lại thừa tiền. Một tô mì ăn liền ở nhà bằng mười tô phở ở tiệm. Có khi còn hơn thế, và bù vào cái trống vắng của thịt, của nước lèo, của rau giá các loại,... không hiếm các bà nội trợ nghĩ ra cách làm cho tô mì trở nên hấp dẫn dễ ăn hơn bằng các loại phụ liệu có sẵn trong tủ lạnh gia đình. Trứng, thịt băm, xúc xích, thịt nguội, thịt hộp,... tất cả đều có thể hợp cạ với gói mì ăn liền và nếu không lười thì một nhúm hành ngò xắt nhỏ, vài lát hành tây trắng ngần hay dăm lá xà lách tươi xanh sẽ làm tô mì đậm đà bắt mắt thua gì bát phở ở tiệm?

Người độc thân có lẽ là bạn trung thành nhất với các nhãn hiệu mì gói. Từ mì chua ngọt theo kiểu Tom Yum Thái Lan cho tới mì Ramen tròn trĩnh của Nhật hay nhờn nhợt mì ly của Hàn Quốc hoặc trắng bệt mì Mỹ với vài viên cà rốt, đậu que làm dáng. Mỗi người một hương vị, mỗi cách ăn là một câu chuyện thường nhật khó thể bỏ do thói quen để lại.

Cái thói quen phần đông do lập đi lập lại nhưng cũng có thói quen do ý thức việc làm của mình vì một lý do nào đó.

Bạn tôi, một chàng độc thân suốt gần ba mươi năm chỉ ăn mì gói do vợ chuẩn bị sẵn sau khi nàng đã ra đi vĩnh viễn không còn ở lại để nhìn chàng hì hục húp tới giọt cuối cùng của tô mì ăn liền được chàng trân quý.

Buổi sáng nào trước khi đi làm, nàng cũng chuẩn bị sẵn cho chàng một tô mì gói chưa đổ nước sôi nhưng vài lát thịt bò tươi, một ít tóp mỡ và hành ngò, hành tây sắt sợi đã được chu đáo hòa lại với nhau, cũng không quên rắc tiêu lên cùng với vài lát ớt tươi đỏ thắm.

Tô mì được đậy kỹ lại bên cạnh là một đĩa rau tươi ngăn ngắt sẵn sàng cho người đàn ông của mình một niềm yêu thương ngập tràn chỉ bằng tô mì thanh đạm.

Rồi một hôm, nàng dậy muộn, nhưng trước khi ra xe vẫn cố ghi lại cái note cách làm một tô mì cho ngon rồi dán trên tủ lạnh với lời xin lỗi và chiếc hôn nồng nàn. Buổi sáng hôm ấy là buổi sáng cuối cùng khi chàng ngồi ăn tô mì được nấu theo sự chỉ dẫn của nàng thì cảnh sát gõ cửa nhà, báo tin nàng không còn nữa.

Từ đó bạn tôi không bao giờ ăn mì gói do người khác nấu. Công thức ấy ba mươi năm sau vẫn không thay đổi chỉ có điều càng lớn tuổi thì chàng càng ít ăn mì gói. Có khi một tuần một lần có khi cả tháng, nhưng chàng không hề bỏ thói quen ăn mì gói một mình, nấu mì gói một mình và dĩ nhiên là nhớ vợ cũng một mình.

Câu chuyện của bạn mỗi lần nghĩ tới lại đọng trong tôi niềm trắc ẩn khó phai. Tại sao người ta lại bất hạnh như thế để cuối cùng thì cái gói mì đơn sơ hiền lành lại là chiếc cầu nối duy nhất cho một cuộc tình quá đẹp đến vậy.

Thì ra món ăn cũng có cái duyên với con người. Chính nó làm cho đời sống thêm hương vị mặc dù một gói mì ăn liền thì có hương vị gì đâu mà nhớ?


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét