khktmd 2015
Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015
MẢNH ĐỜI H.O. TRÊN ĐẤT MỸ- Tác giả Nhất Hướng Nguyễn Kim Anh
Tôi vào tù cộng sản năm 30 tuổi ra tù năm 43 tuổi. Bác Tâm ở cạnh nhà thấy con người tôi còn gân guốc nên cho tôi thuê chiếc xích lô đạp để kiếm sống hằng đêm. Tối tối tôi mặc bộ đồ lính năm xưa đạp xích lô “hành quân” theo mấy con đường dọc theo hai bờ sông Hàn. Sáng ra tôi mặc bộ đồ sạch nhất lang thang theo từng con phố buồn then cài cửa đóng. Một hôm có một người đàn bà trông lam lũ ngồi bán gánh bún sau lưng nhà thờ con gà gọi tên tôi. Đó là chị Oanh người bạn học cùng lớp năm xưa. Tôi theo chị về nhà thăm chồng chị là một người lính mà tôi cũng quen biết.
Chị gọi con gái đầu lòng của chị ra chào tôi và nói nhỏ: ”Em có thích nó không thì chị gã nó cho em!”. Con bé trông ngây thơ mà lại đẹp khủng khiếp. Lòng tôi mừng rỡ mà miệng chẳng dám hở môi. Chị hiểu lòng tôi nên gọi chồng ra để cùng xác nhận. Nhưng thực tại với tấm thân mình chẳng thể lo được làm sao tôi dám đèo bồng nên chỉ cười cười: ”Anh chị đùa giỡn hơi quá đáng nhe! “
Một lần khác, tôi đến thăm một người bạn, gặp lúc bạn mình đang xoa mạt chược với mấy ông già trong xóm. Tôi ra về thì một ông già bỏ chơi bài, đi theo nắm chặt lấy tay tôi kéo vào căn nhà cạnh đó: ”Ông vào đây, tôi giới thiệu cho ông con cháu của tôi”. Lần này thì tôi ”chết chắc” bởi lẽ thằng đàn ông nào mà ở tù lâu năm như tôi thì nhìn đàn bà nào cũng thấy đẹp cả và mau cảm động hoặc mau quýnh lên, nhất là nàng không chê bai thằng lính “Ngụy” trên dăng dưới dế chẳng có chút tương lai!
Đúng ra là tôi có tương lai, nhưng vì mới ra tù nên tôi chưa biết! Những người lớn tuổi rành rõi đã biết chương trình H.O. cho phép những quân dân cán chính MNVN ở tù trên 3 năm được định cư tại Hoa Kỳ sắp được thi hành nên muốn gởi cho tôi một đứa con, một đứa cháu đến đất Mỹ để đổi đời. Như thế, nhờ có chương trình H.O. mà thằng tù xơ xác như tôi có được vợ.
Vợ chồng chúng tôi đến đất Mỹ vào tháng 7 năm 1990 và cư ngụ tại thành phố North Hollywood. Mỗi tháng, chính phủ Hoa Kỳ cho chúng tôi trên 500 đô để trả tiền thuê nhà và 150 tiền tem phiếu để mua đồ ăn. Mỗi tuần, vợ chồng tôi bồng đứa con nhỏ vừa mới sanh ra trên đất Mỹ lên xe buýt xuống phố Tàu đi chợ, xe chạy đi và chạy về tổng cộng mất 4 tiếng đồng hồ. Vợ tôi cất đồ mua ở chợ vào tủ lạnh xong thì ói ra hết đồ vừa ăn ở phố tàu trong bụng, nàng không chịu được mùi khói của dầu Diesel chạy máy của xe buýt.
Phải gần 2 năm, tôi mới may mắn mượn được số tiền 2.000 đô để mua một chiếc xe truck cũ. Tôi mua luôn mấy cái máy cắt cỏ rồi rải giấy mở dóp làm vườn. Công việc bề bộn nên tôi cần người phụ giúp. Người phụ giúp của tôi chẳng ai xa lạ chính là bạn cùng trại tù, Đại Úy Nguyễn Đình Thái, một H.O đến Mỹ sau tôi hai năm. Tôi sai gì, anh làm nấy rất nhanh nhẹn và không bao giờ giận tôi dù tôi luôn miệng gọi anh là Thái Dịt. Anh ta có một đám con trai đã lớn, tung ra làm đủ nghề kiếm tiền, và một đứa con gái út sinh ra sau khi anh được bọn cộng sản trả tự do. Đã mười mấy năm, tôi không gặp lại anh, nghe đâu đám con trai đã tậu một căn nhà và mở một cái tiệm bán nước lọc cho vợ chồng anh ở thành phố Long Beach. Đứa con gái út anh nay làm nghề y tá trong nhà thương.
Một hôm, tôi nhận được thiệp của bạn cùng trại tù, Trung Úy Võ Công Minh, mời vợ chồng tôi sang thành phố Atlanta dự đám cưới thằng con đầu của anh ta. Vợ tôi phê bình chú rể đẹp trai, cao ráo nhưng quá bay bướm, dám để cô dâu đứng một mình rồi đi lờn vờn nói chuyện với các bạn gái khác trong bàn tiệc. Tôi nói nhỏ: ”Cha nào con nấy, em ạ!” vì tôi biết anh Minh rất rõ. Anh dẫn vợ chồng tôi đi thăm những bạn cùng trại tù H.O. khác như anh Thanh, anh Phong, anh Ninh, anh Luyến v.v… Tôi thấy người nào cũng có xe có nhà và có công việc rất ổn định dù họ đến đất Mỹ sau tôi đến vài năm.
Tôi quyết định không nương nhờ vào sự trợ giúp của chính phủ Hoa Kỳ nữa và bỏ công việc làm vườn, dẫn vợ con lên xe rời miền Tây, chạy hơn 3.000 miles băng ngang nước Mỹ, đến miền Đông lập nghiệp. Thành phố Atlanta khác với thành phố Los Angeles ở chỗ bầu trời màu xanh có mây bồng bềnh và bầu trời màu xám xịt mà không bao giờ có mây. Những năm 1997, thành phố Atlanta rộn rịp nhiều công ăn việc làm nên chỉ trong 6 tháng mà tôi đổi đến 4 chỗ làm để mong tìm cho ra công việc tốt mà yên thân. Trời không phụ lòng người, cuối cùng tôi cũng có được một công việc vừa ý nên tôi giữ gìn làm cho đến 13 năm.
Nhờ vợ tôi biết tiện tặn và nhờ sự trợ giúp của chính phủ Hoa Kỳ lúc ban đầu nên vợ chồng tôi có đủ dư một số tiền để mua trả góp một căn nhà nhỏ. Tôi đi làm hãng, vợ tôi đi làm nail, con gái tôi có xe buýt đưa đón tận nhà đến trường. Cuộc đời chúng tôi êm đềm trôi theo dòng đời trên đất nước Hoa Kỳ tạm dung mà tôi xem như quê hương của mình. Đất nước Việt Nam đầy khốn nạn của tôi nằm bên kia nửa vòng trái đất xa vời vợi mờ dần trong trí óc mỗi ngày mỗi già của tôi, đôi lúc nó cũng bùng lên trong những giấc mơ đầy hoảng hốt và uất ức.
Cộng đồng người Việt ở thành phố Atlanta có khoảng 70.000 người. Tôi có tham dự không thường xuyên lắm những buổi họp của vài hội đoàn, nhờ đó mà gặp lại nhiều người bạn cùng khóa Thủ Đức năm xưa và cùng chỗ làm trước năm 1975 như anh Đối, anh Phố, anh Cảnh, anh Năng v.v… họ cũng đến đất Mỹ qua chương trình H.O. và sống đâu đó quanh thành phố.
Mấy ngày trước, tôi nhận được điện thư lẫn điện thoại của các bạn tù năm xưa, rủ sang California tham dự buổi họp mặt 25 năm H.O. và gia đình cám ơn nước Mỹ. Tôi giật mình nhận ra rằng chính mình cũng là một H.O. và mới ngày nào đó vừa đặt chân vào nước Mỹ mà nay đã 25 năm qua rồi. Tôi chưa quyết định sẽ đi hay không đi tham dự buổi họp mặt đó nhưng tôi muốn có vài hàng về một H.O. không thể đến gặp mặt anh em vì anh ta đang bị buộc phải đi đến một miền xa xôi; miền ấy, các H.O. niên trưởng cấp Tá đã rủ nhau đi trong mấy năm qua, nay đến phiên những H.O. cấp Úy, để rồi nay mai, không xa lắm, không còn H.O. nào đến gặp mặt nhau nữa, rồi đóng lại một trang sử của một thế hệ oai hùng nhưng lắm đau thương.
Anh ta tên là Hiệp, chúng tôi thường gọi là Hiệp Không Quân, Hội trưởng Hội Ái hữu Không quân Georgia. Tôi đến thăm anh, anh cầm lấy tay tôi và nói thều thào: ”Tao cám ơn mày đến thăm tao!” rồi nhắm mắt lại lịm dần vào mê man. Vợ anh nhìn tôi mắt đỏ hoe. Con trai anh cao to, hùng dũng giống anh, nhìn tôi không nói năng. Tiếng tụng kinh trong cái máy cassette làm cho căn nhà thêm ảm đạm. Mới tuần trước, anh còn ngồi đánh cờ tướng với tôi ở quán café; tuần này, anh phát hiện đau bụng, đưa vào nhà thương, bác sĩ cho biết gan và thận đều bị ung thư quá nặng, không còn chữa được nên cho về nhà chờ ngày ra đi.
Trước năm 1975, anh lái trực thăng, một lần bị bắn rơi rồi bị cầm tù. Tôi quen anh vì cái hãng anh làm bị đóng cửa, cái hãng tôi làm di chuyển quá xa. Hai ông già H.O. bị lay off không thể xin việc khác nên hay ra quán café Kinh Đô ngồi bên nhau điều binh khiển tướng để giết thời gian. Tuy mới quen nhau nhưng tôi mến anh ở cái tính thẳng thắn kiểu nhà binh. Anh là biểu tượng H.O. thành công trên đất Mỹ. Cái nhà anh ở to thênh thang, lại thêm có nhà cho thuê, con cái anh làm chủ vài tiệm nail tận South Carolina. Tôi không biết anh giàu có bao nhiêu chỉ thấy anh ăn tiêu cũng rộng rãi.
Có lần ngồi đánh cờ anh buộc miệng than thở:
- Tao tính sai một nước cờ!.
- Cờ mày đang thượng phong mà sai chỗ nào?
- Ý tao nói tao ham vui ham tiền nên tụi con tao chẳng đứa nào học hành nên hồn cả!
Chuyện con cái thành công trên đường học vấn là đề tài của các ông già H.O. ngồi khoe nhau trong các quán café. Hiệp là Hội trưởng Hội Ái hữu Không quân, hay tiếp xúc với các hội viên, nghe các hội viên khoe con cái đậu bằng này, bằng nọ nhiều quá nên buộc miệng than thở.
Đi sâu vào việc học hành của tụi nhỏ, chúng ta mới thấy môi trường gia đình là yếu tố quan trọng nhất. Các H. O. đến đất Mỹ không có tiền nên phải cư trú trong các khu ổ chuột kém an ninh, trường học từ ngoài nhìn vào thấy đen thui (Mỹ đen) mà những cám dỗ bên quanh trường như ma túy và băng đẳng thì đầy dẫy. Đi học có nhiều điều không hiểu về nhà chẳng biết hỏi ai. Gia đình thiếu thốn muốn bỏ học để kiếm tiền giúp gia đình và bà con nghèo khổ bên Việt nam.
H.O Nguyễn Đối tâm sự:
- Tao cày hai dóp. Tao có biết tụi nó học cái gì đâu mà muốn biết cũng không đủ khả năng để biết. Nhưng tao áp dụng luật nhà binh, thằng nào bị điểm B là tao đá dít. Đứa con gái lớn của tao học giỏi nhất nhưng nó hy sinh nghĩ học đi làm để phụ tao nuôi 3 thằng em. Nay 2 thằng là tiến sĩ một thẳng là nha sĩ nuôi lại nó cho nó đi học mà nó không thể học được nữa.
- Tụi nó nuôi vợ chồng mày nữa phải không?
- Nuôi cái con mẹ gì! Nhà của tao và đồ của tao là nhà của nó và đồ của nó, nhưng nhà của nó và đồ của nó là của nó mà thôi, mày cũng biết rồi! May mà có chính phủ cho vợ chồng tao vài trăm một tháng cũng đỡ!
Văn hóa phương Tây đang làm cho hai thế hệ của 300.000 gia đình H.O. rời xa nhau. Thế hệ thứ hai đang vươn lên rất cao trong xã hội Mỹ, chúng vừa khác ngôn ngữ vừa chẳng biết chút gì về nhị thập tứ hiếu và Mục Kiền Liên đang chờ ngày chôn những H.O già nua để sang trang sử.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét