"Chiến tranh giữa lòng Paris"
Paris vừa trải qua một đêm kinh hoàng. Nhiều vụ tấn công khủng bố gần như đồng loạt tại quận 10 và 11 Paris và sân vận động Stade de France (ngoại ô Paris) là chủ đề chính trên hai nhật báo Le Figaro và Libération và trên website của Le Monde.
Trang nhất của Le Figaro là một màu đen với hàng tựa : « Chiến tranh giữa lòng Paris » với hình ảnh hiện trường tan hoang cùng với nhiều thi thể nạn nhân trước quán bar “La Belle Epoque” tại phố Charonne, quận 10 Paris. Le Figaro đăng lời kể của một nhân chứng : « Người dân thả khăn trải giường từ cửa sổ để phủ những thi thể dưới đường ». Còn tại sân vận động Stade de France nơi diễn ra trận đấu giao hữu Đức-Pháp, thì ban đầu là « bình tĩnh sau đó là sợ hãi ». Tại nhà hát « Bataclan là cảnh tượng hãi hùng ».
Cũng trên trang nhất, nhật báo Libération chạy tựa lớn : « Hàng loạt vụ tàn sát ngay tại Paris ». Bên trong là lời tường thuật của một số nhân chứng từ ba điểm bị tấn công. Tại nhà hát Bataclan ở quận 11 nơi diễn ra buổi trình diễn của một nhóm nhạc rock từ California tới, có « ba người bắt đầu bắn xối xả vào đám đông ». Một nhân chứng kể lại : « Có một kẻ bắn súng ở trong phòng và một tên khác mặc trang phục mầu đen đứng trên ban công và xả súng tự động vào đám đông ở phía dưới ».
Tại sân vận động Stade de France (ngoại ô Paris), Libération đăng hình ảnh cổ động viên Pháp hoảng loạn bỏ chạy. Tuy nhiên, theo hình ảnh được công bố trên truyền hình, 80.000 cổ động viên được sơ tán trong trật tự và cùng hát vang quốc ca Pháp. Một nhân chứng kể lại : « Khi tiếng nổ đầu tiên vang lên, những người có mặt trên sân vận động tưởng là tiếng pháo do một cổ động viên nào đó ném. Khoảng 2 đến 5 phút sau là những tiếng nổ tiếp theo, rất lớn và tới lúc nghỉ giữa hai hiệp đấu, chúng tôi nhận thấy đang có chuyện gì đó xẩy ra. Nhân viên an ninh của sân vận động yêu cầu chúng tôi không được tới gần cửa ra vào và ở lại bên trong khán đài. Sau đó họ chạy khắp nơi. Chúng tôi hiểu là tình hình trở nên nghiêm trọng khi một chiếc máy bay trực thăng lượn vòng trên sân vận động ».
Tại phố Charonne ở quận 11, nơi có rất nhiều quán bar và nhà hàng thường được người dân lui tới, một nhân chứng đi ô tô tới đúng lúc hai người đàn ông nổ súng, cho biết « họ đi trong một chiếc xe berline mầu đen. Một người cầm súng AK bắn thẳng vào quán bar “La Belle Epoque”. Chúng bắn xối xả tới 100 viên đạn. Lúc đó khoảng 21 giờ 35 ».
Tổng cộng có ít nhất 128 người chết và hơn 200 người bị thương, trong đó có 80 người trong tình trạng nguy kịch. Tổng thống Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp. Le Figaro cho biết thế giới xúc động trước những gì xảy ra tại Paris. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định các vụ tấn công này đánh “vào nhân loại và giá trị phổ quát của nhân loại”. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã chia buồn với nước Pháp và bày tỏ sự ủng hộ sát cánh cùng với lãnh đạo Pháp.
Pháp tăng cường hiện diện tại Trung Đông để bán vũ khí
Phát biểu ngày vào đêm hôm qua, Tổng thống Pháp cho biết : « Chúng ta biết vụ tấn công từ đâu tới, và những kẻ khủng bố này là ai ». Phải chăng đây chính là hậu quả mà nước Pháp đã dự đoán được, song không biết thời điểm cụ thể, do chính sách xoay trục chiến lược sang Trung Đông ?
Nhật báo The Straits Times, phát hành tại Singapore, trong số ra ngày 26/10/2015, cho rằng các chiến lược mà Paris tiến hành đều nhằm mục đích gây ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông và phát triển ngành công nghiệp vũ khí. Nhận định trên của bài báo được tờ Le Courrier international trích dịch trong số ra tuần này.
Tác giả Jonathan Eyal nhận định khó có thể đoán trước được tương lai của khu vực Trung Đông, nơi các mối quan hệ đồng minh cũ đang bị cắt đứt để hình thành những mối quan hệ mới. Pháp là nước đang dày công đúc kết một chiến lược ổn định hơn để hưởng những mối lợi về kinh tế và chính trị tại khu vực này. Điều này được khẳng định qua những hoạt động mà Paris đang tiến hành với sự sáng suốt và quyết tâm cao.
Giống như Anh, Pháp đã từng có nhiều thuộc địa trong khu vực. Phần lớn các thuộc địa cũ của Anh Quốc “ngồi” trên các mỏ dầu và khí đốt rộng lớn. Trong khi đó, các thuộc địa cũ của Pháp, là Syria và Liban, lại có những bãi biển đẹp và đồi núi hùng vĩ. Thế nhưng, theo phân tích của tác giả bài báo, Anh và Pháp lại có cách duy trì quan hệ với các thuộc địa cũ hoàn toàn khác nhau. Nếu như người Anh tìm cách điều hành các thuộc địa cũ thông qua hệ thống quốc vương và hoàng thân địa phương, thì người Pháp lại muốn điều hành từ Paris.
Song chiến lược hậu thuộc địa của Anh hoàn toàn hiệu quả hơn : Đa số các gia đình hoàng tộc sống tại Anh Quốc vẫn nắm quyền lực. Ngược lại, các nhà lãnh đạo mà Pháp “dựng lên” trước khi rời thuộc địa hoặc nhanh chóng bị ám sát, hoặc bị lật đổ hay chiến bại. Chính vì vậy, Anh Quốc vẫn giữ được mối quan hệ chặt chẽ và đầy lợi nhuận với các vương quốc Ả Rập giầu có nhất.
Thế nhưng, Pháp không hoàn toàn vắng bóng tại khu vực Trung Đông. Paris vẫn giữ được mối quan hệ chặt chẽ về văn hóa và kinh tế với Liban và Syria. Ngoài ra, Pháp là nước có cộng đồng người Do Thái đông nhất Châu Âu nên vẫn duy trì được mối quan hệ ưu việt Israel. Trong thập niên 1950 và đầu những năm 1960, Pháp là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu và là “thầy dạy” công nghệ hạt nhân cho quốc gia Do Thái này.
Hiện nay, Pháp muốn đảo ngược tình thế với tham vọng để lại dấu ấn ngoại giao rõ nét hơn tại thế giới Ả Rập, vượt qua cả Anh và thậm chí sánh ngang với Mỹ. Chính những “điểm yếu” trước đây của Pháp bỗng chốc trở thành điểm mạnh. Một trong những lý do chính là lời từ chối tham chiến tại Irak với quân đội Mỹ của Tổng thống Jacques Chirac vào năm 2003. Quyết định này không chỉ được đánh giá cao về khả năng độc lập trên phương diện ngoại giao của Paris, mà còn tránh cho nước Pháp gánh nặng nếu tham chiến.
Trong những năm gần đây, dấu ấn của Pháp tại khu vực Trung Đông và Châu Phi ngày càng trở nên ấn tượng. Ngoài Libya, Pháp còn can thiệp quân sự tại Mali vào năm 2013 và hiện nay là tại khu vực sa mạc Sahel. Paris cũng đã tham gia không kích chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria. Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp quân sự, Paris còn “tham chiến” trên mặt trận ngoại giao và kinh tế.
Tổng thống François Hollande là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tham dự Thượng đỉnh khối Hội đồng hợp tác vùng Vịnh. Chỉ trong vòng sáu tháng gần đây, Pháp đã ký hàng loạt hợp đồng có giá trị cao: 3 tỉ đô la với Ả Rập Xê Út để giao vũ khí cho quân đội Liban, 7 tỉ đô la với Qatar, 5 tỉ đô la với Ai Cập để bán chiến đấu cơ Rafale và cuối cùng là nhiều hợp đồng với tổng trị giá 10 tỉ euro vừa được ký kết vào tháng 10 vừa qua với Ả Rập Xê Út.
Một số người cáo buộc các kế hoạch điều chỉnh chiến lược của Paris là vô trách nhiệm : Người Pháp chỉ tranh thủ cơ hội để bán vũ khí trong khi đó vẫn trông cậy vào người Mỹ để giải quyết các vấn đề mấu chốt trong khu vực. Một số khác thì lại khẳng định là Pháp chỉ lên giọng trong các bài diễn văn nhưng sức mạnh quân sự lại không xứng tầm với tham vọng của nước này.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là Paris đang tìm cách khẳng định vị thế trong bối cảnh cảnh quan chiến lược thế giới thay đổi. Pháp đang cảm thấy tự tin hơn trước khả năng Hoa Kỳ sẽ “chán” việc đảm bảo quốc phòng của Châu Âu và đã đến lúc người Châu Âu phải gánh trọng trách này ; ý nghĩ này đã được Tổng thống Obama “úp mở” ít nhiều. Các vụ khủng bố xẩy ra vào tháng 01/2015 tại Paris cũng đã khẳng định mối liên hệ giữa các mối đe dọa trong và ngoài nước.
Tóm lại, sự hiện diện và can dự ngày càng rõ rệt của Pháp tại Trung Đông dựa trên một điều tất yếu là khu vực này không chỉ quan trọng về tiềm năng kinh tế, mà còn là một nguồn đe dọa đối với an ninh mà nước Pháp hay toàn bộ Châu Âu không được phép lơ là.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét