khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Những kẻ may mắn đáng trách (hay là những lời lẽ láo khoét của Nick Út) - Tác giả Mai Loan


Không ai phủ nhận sự kiện là có những người may mắn hưởng được lợi từ những tình huống khổ đau thiệt hại của người khác. Chiến tranh hoặc thiên tai kinh hoàng có thể gây ra đau khổ cho hàng ngàn gia đình nhưng đồng thời cũng khiến cho nhiều nhà quàn và nhà thương bận rộn, làm ăn “khấm khá”, tuy rằng chẳng mấy ai muốn tỏ ra sung sướng và hãnh diện để khai thác về những điều lợi đầy may mắn này.

Trong chiến tranh, nhiều nhà báo và phóng viên chiến trường cũng dễ nổi tiếng nhờ vào những tác phẩm của họ ghi lại những nỗi đau thống khổ của người khác, dù rằng họ không phải là kẻ có trách nhiệm gây ra những thiệt hại này. Trong nhiều trường hợp, sự nổi tiếng có thể đến vì những cơ duyên may mắn bất ngờ. Một trong nhưng người nổi tiếng có có số may rất lớn là phóng viên chiến trường Nick Út.

Ông Nick Út có một người anh trai là Huỳnh Thanh Mỹ là một phóng viên chiến trường được người trong giới coi là một phóng viên tài ba, gan dạ và can trường, từng làm cho hãng truyền hình CBS trước khi được trưởng nhóm phóng viên của hãng thông tấn AP là Horst Faas chiêu dụ về đầu quân cho AP từ năm 1963. Khi ông Huỳnh Thanh Mỹ bị tử nạn khi đang thi hành công vụ vào ngày 10-10 năm 1965, ông Huỳnh Công Út là người em ruột lúc đó mới có hơn 14 tuổi đang còn học nghề trong phòng tối, tập sự chụp ảnh cho AP. Có lẽ xúc động trước cái chết của một đồng nghiệp dưới quyền và cũng để trả ơn cho người anh ruột, ông Faas đã nhận Huỳnh Công Út vào thế chỗ để trở thành phóng viên chiến trường sau này. Cái tên “Nick Út” là biệt danh do một đồng nghiệp dễ thương cũng của hãng AP là Henri Huet tặng cho cậu nhóc tì mới bước vào nghiệp vụ săn ảnh.

Tuy được mang tiếng là một phóng viên chiến trường của một hãng thông tấn lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới, nhưng suốt trong thời gian dài từ năm 1965 đến 1972 giữa lúc chiến trường sôi động tại nhiều mặt trận khác nhau, Nick Út cũng chẳng tạo được những hình ảnh chiến trường nào đáng kể so với những đồng nghiệp khác người Việt cũng như ngoại quốc, để ghi lại những nét hào hùng và bi thảm của cuộc chiến tranh nghiệt ngã. Phải chăng vì anh ta không có được cái máu gan dạ và liều lĩnh, sẵn sàng phiêu lưu vào chốn nguy hiểm mà chỉ có những phóng viên say mê với nghiệp vụ mới thích lao đầu vào, như trường hợp của Huỳnh Thanh Mỹ, Henri Huet, Larry Burrows và nhiều tên tuổi khác đã bỏ mình trong cuộc chiến tại Việt Nam?

GIẢI PULITZER VỀ HÌNH ẢNH CHIẾN TRƯỜNG.

Nhưng vận may đã đến với Nick Út vào ngày 8 tháng 6-1972 khi anh ta theo chân giới phóng viên đến thu hình trận chiến trên Quốc lộ 1 tại Trảng Bàng để chụp hình được tấm ảnh “ăn tiền” là cô gái 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc bị phỏng cháy hết quần áo do bom napalm đổ xuống của một phi vụ oanh kích vào một làng có Việt Cộng ẩn náu. Bức hình cho thấy nhiều em nhỏ đang vừa khóc vừa chạy loạn, nói lên hình ảnh khốc liệt của chiến tranh, và đã bị phe phản chiến lợi dụng vào mục đích tuyên truyền để lên án các phi vụ thả bom của Hoa Kỳ và đồng minh. Nhưng nó cũng đồng thời đưa tên tuổi của Nick Út nổi danh một sớm một chiều vào năm 1973 với giải thưởng Pulitzer cao quí nhất của ngành truyền thông, cùng với một lô các giải thưởng nhiếp ảnh khác như World Press Photo, Sigma Delta Chi, Overseas Press Club và giải thưởng của các chủ biên AP.

Nhưng điều may mắn là trong số nhiều nhiếp ảnh gia khác cũng có mặt tại hiện trường lúc đó ngay trên Quốc lộ 1 ở Trảng Bàng, chỉ có anh Nick Út là phóng viên của hãng AP, và do đó khi AP đưa bản tin thời sự đi cùng với tấm ảnh để minh hoạ, họ đã lựa chọn tấm hình của anh cho tiện việc vì đỡ phải tốn thêm tiền trả cho nhiếp ảnh gia khác, đồng thời cũng tạo thêm uy tín cho hãng mình. Thế là Nick Út trở thành nổi tiếng, tuy rằng từ đó cho đến lúc tàn cuộc chiến khi anh được di tản vào cuối tháng 4-1975, anh cũng không cung cấp được những tấm hình nào đáng nói liên quan đến cuộc chiến.

 

Bức hình chụp Kim Phúc trên Quốc lộ 1 ở Trảng Bàng vào tháng 6-1972.
 
Nói theo lời nhận định của ông Nick Út sau này là “chiến tranh bao giờ cũng là ‘thiên đường’ của nhà báo, vì chiến tranh dễ làm cho một nhà báo nổi tiếng”, thì tuy cuộc chiến Việt Nam đã để lại nhiều hệ quả khốc hại cho hàng triệu gia đình ở hai miền nam bắc cũng như hàng trăm ngàn gia đình ở Hoa Kỳ có con em phải bị đưa ra chiến trường, nhưng nó cũng đem lại cho ông Nick Út và cô Kim Phúc rất nhiều may mắn vì được nổi tiếng và họ đã không ngần ngại lợi dụng sự nổi tiếng này để được hưởng lợi riêng, cho dù có phải làm công cụ tuyên truyền cho nhà cầm quyền Việt Cộng.
 
Nick Út được hãng thông tấn AP bốc ra từ Trại Pendleton ở miền nam California sau một tháng tạm cư ở trại để đưa sang làm việc tại văn phòng ở Tokyo. Hai năm sau đó, anh ta được đưa trở về định cư tại Hoa Kỳ cùng với vợ con và tiếp tục làm việc cho AP tại vùng Los Angeles trong tư cách một phóng viên thường trực của AP, có thời gian chụp trong lãnh vực thời sự thể thao nhưng cũng chẳng tạo được thành tích gì nổi trội đáng kể. Một chi tiết nhỏ đáng nói là trong suốt nhiều thập niên sau khi cuộc chiến tại Việt Nam kết thúc, quân đội Mỹ vẫn tiếp tục tham gia vào nhiều trận chiến khốc liệt khác tại các vùng đất xa xôi khắc nghiệt không thua gì chiến trường Việt Nam năm xưa, điển hình là các trận chiến tại vùng Vịnh trong hai lần dưới thời của hai tổng thống Bush Cha và Bush Con cũng như tại A Phú Hãn. Nhưng người ta lại không thấy hình ảnh của một phóng viên chiến trường Nick Út lăn xã vào các nơi lửa đạn này để ghi lại những chứng tích của lịch sử để chứng tỏ khả năng và lòng yêu nghề thực sự của một người có tâm nguyện dấn thân trong ngành truyền thông.  
 
Nhưng lịch sử đầy may mắn lại tái diễn lần nữa đúng 35 năm sau với Nick Út. Đó là tấm hình của anh chụp cô đào Paris Hilton con gái một giòng họ tỷ phú đang ngồi khóc lóc phía sau chiếc xe tuần cảnh ở Los Angeles khi bị cảnh sát đưa về bót khi bị toà xử vì đã vi phạm án tù treo cho một tội hình sự say xỉn trước đó. Nhiều người nhấn mạnh đến hai tấm hình chụp hai thiếu nữ đang khóc lóc trong một tình huống đau khổ xảy ra cách nhau đúng 35 năm. Trong thực tế, một nhiếp ảnh gia khác cùng chụp tấm hình này là ông Karl Larsen và hai tấm hình tương tự được đưa ra, tuy rằng tấm hình của Larsen rõ nét hơn vì đèn flash trên máy hình của Nick Út không bật cháy. Tuy vậy, cái tên Nick Út lại được ghi lầm là chủ nhân của tấm hình nổi tiếng này và ông Larsen đã nộp đơn kiện hãng ABC News vì đã ghi chú thích lầm này.
 
THÁI ĐỘ VONG ÂN BỘI NGHĨA.
 
Nhưng điều đáng nói hơn là thái độ bội bạc của Nick Út đối với lý tưởng và chính nghĩa quốc gia, một thái độ vong ân bội nghĩa, và đón gió trở cờ, khi được nhà cầm quyền Việt Cộng cho trở về hành sự tại Việt Nam, một từ ngữ mà họ gọi là đang “tác nghiệp”. Trên trang mạng Vietnamnet.vn của Bộ Thông Tin và Truyền Thông có đăng bài phỏng vấn của ký giả Hoài Hương, người đọc cũng được cho biết tin rằng vào tháng 5 sắp tới, ông Nick Út sẽ là một trong những phóng viên nhiếp ảnh quốc tế về tham dự một buổi “workshop” về ảnh báo chí tại Hà Nội do quỹ IMMF, hãng Canon và báo điện tử Vietnamnet đồng tổ chức.
 
Khi được hỏi rằng “ngoài tấm ảnh chụp Kim Phúc đã quá nổi tiếng, ông còn có những kỷ niệm nào về những bức ảnh chiến tranh Việt Nam, những kỷ niệm không bao giờ lãng quên trong hồi ức”, ông Nick Út sau khi đã khoe lại thành tích tấm hình của mình được trường Đại học Columbia chọn là ảnh thứ 41 trong số 100 bức ảnh được ghi vào lịch sử có ảnh hưởng đến thế giới, đã phát biểu: “Những bức ảnh chiến trận thì nhiều lắm, nhưng phần lớn là những cảnh tàn phá của cuộc chiến ở các xóm làng Việt Nam. Những bức ảnh không cần ngôn ngữ vẫn làm rung động những trái tim yêu hoà bình, phản đối cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam. . Làm phóng viên nhiếp ảnh ngoài chiến trường, bây giờ còn sống là phước lắm rồi. . . Lần nào thoát chết cũng nhớ dai! Nhớ có lần, cũng vùng tôi chụp cô Kim Phúc, xe tôi là mục tiêu cho pháo kích từ trong rừng rậm, xe chạy thục mạng; càng chạy, đạn pháo càng pháo theo. . . Đố làm sao quên.
 
 
Hình Nick Út đang “tác nghiệp” trở lại tại Việt Nam.
 
Chỉ trong một đoạn văn ngắn ngủi như trên, người ta đã thấy rõ ngay Nick Út đang lập lại những lời lẽ tuyên truyền láo khoét mà ngay cả những người phản chiến năm xưa giờ đây cũng ngượng mồm để không lập lại vì biết rằng mình đã bị phía Hà Nội lừa gạt cho mục đích tuyên truyền. Bởi vì cuộc chiến rõ ràng không phải là “một cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam” như lời nói hàm hồ của Nick Út, mà nó là một cuộc chiến tương tàn giữa hai phe nam bắc đều lệ thuộc vào các thế lực ngoại bang để quay ra bắn giết lẫn nhau: một miền Bắc nghe theo lệnh của hai quan thầy Liên Sô và Trung Cộng quyết hy sinh để thoả mãn giấc mơ nhuộm đỏ toàn cõi đất nước dưới chủ nghĩa cộng sản, và một miền Nam quyết chí đấu tranh để bảo vệ tự do nhưng cũng nằm dưới sự điều khiển của quan thầy “đồng minh” Hoa Kỳ khiến cho lý tưởng và chính nghĩa của miền Nam bị lu mờ.
 
Khi mở lời phát ngôn như trên, rõ ràng là Nick Út đã phản bội và chà đạp lên sự hy sinh của nhiều người cùng chiến tuyến, trong đó có cả người anh ruột mình là nhiếp ảnh gia Huỳnh Thanh Mỹ, đã chết vì bị bắn bởi đạn của Cộng quân trong lúc đang chờ được di tản khi bị thương tại chiến trường. Vì là một nhiếp ảnh gia chính thức của hãng AP, rõ ràng là ông Huỳnh Thanh Mỹ không bị bắn bởi lằn đạn của các quân nhân Hoa Kỳ hoặc của VNCH.
 
Và Nick Út cũng tự vả vào mặt mình với câu nhận định như trên khi tường thuật lại cảnh mình có lúc đã phải chạy thục mạng vì đang là “mục tiêu cho pháo kích từ trong rừng rậm, xe chạy thục mạng; càng chạy, đạn pháo càng pháo theo. . .” Ký giả Hoài Hương làm việc ở trong nước nên ắt hẳn không có thói quen dám đặt những câu hỏi thuộc loại follow-up hơi nhức nhối, nhưng những độc giả bình thường cũng có thể đặt lên những câu hỏi rất thông thường để tìm hiểu về nguồn gốc của những đợt pháo kích này. Nếu như anh Nick Út là phóng viên nhiếp ảnh của AP, thì rõ ràng là không có đạn pháo kích nào từ trong rừng rậm của hoả lực thuộc về quân đội Hoa Kỳ hoặc của VNCH. Chỉ có đạn của Việt Cộng núp trong rừng, trong các làng mạc khi ẩn náu trong nhà của thường dân như cha mẹ của Kim Phúc, để lâu lâu bắn sẻ hoặc tấn công lực lượng quốc gia khi đi hành quân tảo thanh.
 
Nhà báo của Vietnamnet.vn  thuộc cơ quan tuyên truyền của nhà nước là Bộ Thông Tin và Truyền Thông có lẽ chỉ nhìn về khía cạnh tích cực khi thấy Nick Út chịu về hợp tác và đưa ra những lời lẽ chỉ trích phía Hoa Kỳ nên đã không chịu để ý để thấy rằng những lời lẽ sau đó của ông ta cũng đã nói lên đầy đủ những cái hay và dở của giới truyền thông và chính phủ Hoa Kỳ, và lý do nào mà tại sao ngày nay nhiều gia đình có thế lực của tập đoàn cầm quyền hiện nay ở Việt Nam đều tìm cách đưa con em sang du học hoặc định cư tại Hoa Kỳ, quốc gia luôn bị thoá mạ là đế quốc xâm lăng. Khi được hỏi là “Thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông được xem là người của phía Mỹ. Ngoài những bức ảnh chụp cảnh bom đạn, hoang tàn, thương vong, chết chóc, ông có bức ảnh nào về ‘chiến công’ của quân đội Mỹ”, ông Nick Út đã trả lời rất bộc trực và thẳng thắn:
 
Thiếu gì! Ôm máy, phim lúc nào cũng dồi dào, chuyện xảy ra trước mặt, chụp lia lịa. Những hình này có gởi đi, vô ích vì báo Mỹ đâu thèm xài. Báo Mỹ không phải là cơ quan tuyên truyền của chính phủ. Lính Mỹ đánh nhau, chụp chiến công của lính Mỹ, chỉ có ‘nhân viên’ của chính phủ chụp đăng trên báo quân đội; chứ nhà báo chụp, chỉ để lãnh lương không nổi tiếng được. . .
 
Qua câu trả lời trên, người ta thấy rõ ngay là Nick Út cũng rút tỉa được kinh nghiệm rằng muốn nổi tiếng, người phóng viên không nên chụp những tấm hình chiến công của lính Mỹ vì báo Mỹ không thèm đăng. Phải chăng ông ta muốn ngụ ý rằng nên chụp những tấm hình có nội dung phản chiến, hoặc đưa ra những hình ảnh tàn bạo do quân đội Mỹ gây ra, như tấm ảnh mà ông là tác giả chụp bé gái Kim Phúc bị phỏng chạy nạn? Nhưng cũng nhờ vậy mà người ta mới biết rằng ở một xứ xở bị kết tội là có tham vọng đế quốc, báo chí lại có quyền tự do rộng lượng đến mức không thèm làm cơ quan tuyên truyền cho chính phủ. Chớ đâu như cái nền báo chí tại Việt Nam ngày nay mà người ta cũng không dám cho đăng những bài viết hay hình ảnh nói về những đề tài nhạy cảm như chuyện Trung Cộng lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa hoặc khai thác bauxite tại vùng Tây nguyên.
 
 
NHỮNG LỜI “NỔ” LÁO KHOÉT.
 
Nhưng nói là nói vậy thôi, vì ông Nick Út có thể đang hứng chí để “nổ” trước một ký giả ở trong nước ít có dịp được tìm hiểu rộng rãi về kho tài liệu thông tin như người ở nước ngoài. Trong thực tế, báo chí Mỹ đã đăng rất nhiều những tấm hình ghi chiến công của quân đội Mỹ, như tấm hình bất hủ của nhiếp ảnh gia Joe Rosenthal chụp cảnh những anh lính Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ đang dựng cờ trên đồi Suribachi trong trận chiến tại Iow Jima đánh dấu sự chiến thắng của phe đồng minh vào năm 1945. Tấm hình này đã đem lại giải Pulitzer cho anh Rosenthal, xét ra xứng đáng hơn nhiều so với trường hợp của Nick Út. Trong thời gian Đệ Nhị Thế Chiến, cũng có 6 nhiếp ảnh gia khác của hãng thông tấn AP cũng giành được giải Pulitzer về những tấm hình phóng sự chiến trường.
 

Tấm hình dựng cờ tại Iwo Jima.      
 
Có lẽ cũng biết mình đang nói chuyện với ký giả tại Việt Nam thay vì với giới nhà báo tại hải ngoại nên có thể tha hồ vung vít mà không sợ bị “bể mánh”, ông Nick Út đã tiếp tục “nổ” mạnh bạo để gián tiếp khoe về thành tích và kinh nghiệm chuyên môn của mình. Khi được hỏi về lý do vì sao có cái “nickname” Nick Út và vì sao ông lại chọn làm phóng viên chiến trường, ông nhiếp ảnh gia đầy may mắn này đã trả lời:
 
Năm 1965, anh tôi Huỳnh Thanh Mỹ, đang làm cho AP đã bỏ mình trong một chuyến đi tác nghiệp. Lúc đó tôi 16 tuổi, đang làm việc trong phòng tối, tập sự chụp ảnh cho AP, được đánh giá tốt. Khi người anh mất, AP cho thế chỗ và trở thành phóng viên chiến trường. Ở Sàigòn, AP chỉ có vài người Việt. Tên Út rất khó gọi đối với mấy đồng nghiệp người Mỹ. Có một phóng viên của AP người Pháp tên Henri Huet, sinh tại Đà Lạt (mẹ người Việt Nam), một phóng viên nổi tiếng, yêu quý tôi, thấy tôi nhỏ bé nên cho cái tên biệt danh ‘Nick” – bé nhỏ.
 
Cuối năm 1969, trong một kỳ nghỉ ở Hồng Kông, tôi đã nhường suất của mình cho Huet, ai dè đó là chuyến bay định mệnh, máy bay bị nổ ngay khi chưa ra khỏi không phận Việt Nam. Tôi đã lấy cái nickname – ‘bé nhỏ’ đó làm tên của mình từ khi ấy để kỷ niệm về người bạn. Và đó là một cái ‘nick’ rất hên với sự nghiệp của tôi.
 
Đọc xong đoạn văn này, nhiều người có thể cảm động trước cái vận hên đầy huyền thoại của nhiếp ảnh gia Nick Út, tình cờ được một nhiếp ảnh gia nổi tiếng là Henri Huet “chết thay” cho mình. Nhưng nhà báo Ngy Thanh, phóng viên và nhiếp ảnh gia chiến trường của nhật báo Sóng Thần nổi tiếng với loạt bài về “Đại Lộ Kinh Hoàng” ghi nhận những cái chết thảm thương của hàng ngàn đồng bào bị đạn pháo của Việt Cộng nhắm bắn vào trên đường bỏ chạy Cộng sản khi mặt trận Quảng Trị bị đổ vỡ vào đầu mùa hè năm 1972, cho biết những chi tiết ông Nick Út kể lại về chuyện này hoàn toàn sai trật.
 
Ngy Thanh cũng làm việc cho hãng thông tấn AP nhưng vì ông còn là một quân nhân của quân lực VNCH, nên tuân theo quân luật lúc bấy giờ, không thể trở thành nhân viên chính thức của một hãng thông tấn ngoại quốc. Tuy vậy, những đóng góp của ông cũng được các đồng nghiệp, các sếp cũ và ban giám đốc của hãng AP ghi nhớ nên chính ông Tổng Giám đốc Louis Boccardi của hãng AP đã gửi thư riêng cho ông Nguyễn Cơ Thạch là phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng của Việt Cộng vào ngày 6 tháng 3-1989 (14 năm sau ngày tàn cuộc chiến) để xin cho 9 cựu nhân viên của AP (trong đó có Ngy Thanh) được xuất cảnh cùng với gia đình sang Hoa Kỳ sau khi họ đã được chính phủ Mỹ đồng ý cấp chiếu khán nhập cảnh. Có thể xem phóng ảnh bức thư này qua link: http://www.pbase.com/ngythanh/image/90817552. Dẫu rằng phía nhà cầm quyền Việt Cộng đã không cho ông Ngy Thanh và gia đình ra đi ngay vào lúc đó, nhưng bức thư này cho thấy đó là một phần thưởng cao quý mà ông đã đóng góp với hãng AP, mà không phải ai cũng có được. Có thể xem giấy chứng nhận của Richard Pyle, trưởng phòng AP tại Sàigòn vào thời ấy qua link: http://www.pbase.com/ngythanh/image/90776993.
 
Nhưng sau đó, ông Thanh cũng là người đầu tiên trong nhóm được đi chính thức, tuy rằng ông được đi định cư theo diện tị nạn, vì không là nhân viên chính thức của hãng. Hãng AP đã theo rõi diễn tiến và liên lạc với ông sau khi đến định cư tại Hoa Kỳ để thăm hỏi, với bức thư vấn an của Denis Gray, trưởng phòng AP, viết năm 1991 sau khi vừa rời khỏi công tác tại Saudi Arabia: http://www.pbase.com/ngythanh/image/90826652.
 
 
PHI VỤ TỬ NẠN CỦA NHIỀU PHÓNG VIÊN.
 
Vì cũng làm việc cho hãng thông tấn AP, ông Ngy Thanh cũng biết rõ về cái chết của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Henri Huet cũng của hãng AP, và những chi tiết về cái chết của ông vì công vụ, nhưng nó hoàn toàn khác với những gì mà ông Nick Út đã kể với ký giả của báo VietNamnet.vn. Nhưng chi tiết này cũng được nhà báo Richard Pyle, phục vụ tại Việt Nam từ năm 1968 và làm trưởng phòng AP tại Sàigòn từ năm 1970 đến 1973, tường thuật lại đầy đủ trong một bài viết dài đăng trên tạp chí Vanity Fair số ra vào tháng 12-1999 (có thể vào link: http://www.vanityfair.com/magazine/archive/1999/12/burrows199912?printable=true&currentPage=all).
 
Nói chung, bài báo này, cũng như tin tức có thể tìm thấy trên mạng thông tin Wikipedia về cái chết của Henri Huet, hoàn toàn trái ngược với những gì mà ông Nick Út kể với ký giả của báo Vietnamnet.vn ở trong nước, khác biệt từ ngày giờ tới những chi tiết về nguyên do gây ra cái chết, một sự sai biệt khó thể giải thích được là vì lầm lẫn hay sơ ý, không còn nhớ rõ chi tiết qua thời gian.
 
Ông Huet không phải chết vào năm 1969 và trong một chuyến đi thế chỗ của Nick Út, trên một chiếc máy bay đã nổ khi chưa ra khỏi không phận Việt Nam như lời kể. Thật ra cái chết của ông là trên chiến trường Hạ Lào vào ngày 10 tháng 2-1971 giữa lúc chiến dịch Lam Sơn 719 đang lên cao điểm khốc liệt nhất. Cái chết của vị nhiếp ảnh gia chiến trường nổi tiếng này là một biến cố thời sự lớn trong giới truyền thông vì cùng tử nạn với ông còn có 3 nhiếp ảnh gia chiến trường hàng đầu khác lúc bấy giờ, cùng với hai vị đại tá trong bộ tham mưu của Quân đoàn I đang tháp tùng với trực thăng của Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn I và đồng thời cũng là tư lệnh của chiến dịch hành quân này.
 
Chiến dịch Lam Sơn 719 là một cuộc hành quân của quân lực VNCH nhằm đánh thẳng vào hậu cần tiếp tế của bộ đội Bắc Việt tại đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào. Việc thanh sát của Tướng Lãm đến ngay tại mặt trận rất nguy hiểm nên được giữ kín và giới hạn phương tiện di chuyển vì biết rằng phòng không của địch đang chờ đợi sẵn. Tuy nhiên, lần đó Tướng Lãm quyết định làm một việc mà không một vị tướng Mỹ nào dám làm, đó là cho phép giới truyền thông ngoại quốc đi tháp tùng trong phái đoàn 4 chiếc trực thăng UH-1 Huey trên đó một có chiếc được cho phép chở theo giới nhà báo. Vì không phải bất cứ nhà báo hoặc phóng viên nào cũng được tháp tùng với vị tướng lãnh tư lệnh nên 4 phóng viên chiến trường nổi tiếng hàng đầu vào lúc đó được ưu tiên lên chiếc trực thăng.
 
Chiếc trực thăng định mệnh chở ông Henri Huet cũng mang theo 3 nhiếp ảnh gia nổi tiếng khác là Larry Burrows, người Anh, làm việc cho tạp chí LIFE, Ken Potter người Mỹ của hãng thông tấn UPI và Keizaburo Shimamoto của tạp chí Newsweek. Về sau đó, trong số các vị đại tá tháp tùng Tướng Lãm có hai người phải qua trực thăng cùng với những phóng viên này, trong đó có 1 vị mang theo bản đồ hành quân của Bộ Tư Lệnh. (Xin mở một dấu ngoặc ở đây để nói về phóng viên Larry Burrows, một trong những phóng viên chiến trường nổi tiếng hàng đầu lúc bấy giờ với nhiều tấm ảnh được dùng làm bìa cho tạp chí LIFE, với tấm hình chụp một quả phụ trẻ khóc than như điên dại trên bãi cát trước xác chết của chồng được bó trong một túi ni-lông tại Phú Thứ sau khi được khai quật từ những nấm mồ tập thể do Cộng quân chôn giấu sau khi giết chết hàng ngàn thường dân ở Huế vào dịp Tết Mậu Thân, một hình ảnh nói lên đầy đủ hình ảnh bi thảm của cuộc chiến).
 
 

Một quả phụ khóc than trước xác chết chồng được khai quật từ những nấm mồ tập thể tại Huế (Hình của Larry Burrows).
 
Nhưng chẳng may chiếc trực thăng này và một chiếc khác bị lâm nạn trên không phận của Lào bởi hoả lực đạn phòng không 37 ly dữ dội của bộ đội Bắc Việt đã được chôn chặt từ lâu trên các chốt nguỵ trang trên đồi núi. Hoả lực này quá hùng hậu và nguy hiểm nên các phi vụ để lấy xác những người tử nạn cũng phải bị dẹp bỏ. Nhưng nhờ có một phóng viên khác của AP là Michael Putzel đã liên lạc được với một phi công Mỹ là thiếu tá James Newman tình cờ chứng kiến các trực thăng này lâm nạn nên đã không ngại hiểm nguy để tình nguyện chở anh bay trở lại để chụp hình nơi lâm nạn. Và mãi đến năm 1996, một cuộc đi tìm lại xương cốt người đã mất trong cuộc chiến mới được thực hiện, phần lớn nhờ vào hình ảnh đã chụp được từ phóng viên Putzel và cố gắng của ông Richard Pyle.
 
Cả hai vị sếp cũ của hãng AP là Richard Pyle và Horst Faas đều có mặt tại chỗ vào năm 1998 trong chuyến theo chân toán tìm xác Mỹ JTF-FA tới địa điểm 2062 nằm sâu trong lãnh thổ Lào ở vùng đông bắc Tchepone để đào xới và tìm hài cốt 4 phóng viên chiến trường. Cả hai vị này cũng là đồng tác giả của cuốn sách “Lost Over Laos: A True Story of Tragedy, Mystery and Friendship” do nhà xuất bản Da Capo Press ấn hành vào năm 2003, nói về cái chết của những đồng nghiệp này. Đây là một biến cố lớn và được coi như là một ngày đại tang cho giới truyền thông quốc tế vào thời ấy, chứ không phải chỉ là một tai nạn bình thường như hàng trăm vụ khác. Vào ngày 3 tháng 4-2008, một buổi lễ được tổ chức tại thư viện Newseum ở thủ đô Washington để làm lễ chính thức chôn cất hài cốt của các nhiếp ảnh gia Huet, Burrows, Potter và Shimamoto cùng với 7 người Việt Nam cùng tử nạn trên chiếc trực thăng.
 
Xem như thế, người ta tự hỏi vì sao nhiếp ảnh gia Nick Út lại có thể bạo phổi để có thể nhớ lộn một cách tai hại về cái chết của phóng viên tên tuổi Henri Huet với những chi tiết đưa ra hoàn toàn láo khoét. Phải chăng ông Nick Út quá coi thường trình độ hiểu biết của độc giả khắp nơi, mặc dù mọi người biết rằng với tình trạng phổ biến rộng rãi và nhanh chóng hiện nay qua mạng thông tin Internet, những điều láo khoét và dựng đứng có thể được vạch mặt và phản biện cấp kỳ.
 
Một câu nói khác của Nick Út trong bài phỏng vấn giành cho tờ Vietnamnet.vn cũng đáng được để ý đến khi ông ta nhận định: “Mỗi người có suy nghĩ khác nhau về cuộc chiến. Với tôi, dựa vào kinh nghiệm bản thân, có thể sự suy nghĩ của tôi sẽ khác nhiều người, mỗi lần chụp là một lần nghĩ. Trong chiến tranh Việt Nam, phóng viên chúng tôi được tự do đi lại bất cứ nơi nào của quân đội Mỹ, quân đội Sàigòn, kể cả vùng do “Việt Cộng” kiểm soát.” Điều nhận xét của ông ta có thể đúng (để khoe là giới phóng viên thời đó được tự do hành sự mọi nơi chứ không bị gò bó, kiểm soát), nhưng người ta đã không bao giờ thấy phóng viên Nick Út vào vùng do Việt Cộng kiểm soát như trường hợp cá nhân của một phóng viên chiến trường là Ngy Thanh đã “dại dột” làm vào ngày 15-3-1973.
 
Đó là khi ông đang làm phóng sự cho hãng AP để theo rõi tình hình chiến sự từ Sa Huỳnh, Quảng Ngãi cho đến vùng phi quân sự tại Quảng Trị. Khi Hiệp ước Hoà bình tại Ba Lê được ký kết vào ngày 27-1-1973, tình trạng ngưng bắn được thiết lập trên lý thuyết. Trong thực tế, tình hình chiến trường vẫn còn đẫm máu với hai bên quyết chiến đấu để tiếp tục lấn đất giành dân. Có một lúc, phía Việt Cộng quyết định cho phép các phóng viên ngoại quốc được vào vùng do họ kiểm soát. Ông Ngy Thanh được tình cờ bốc thăm nằm trong số những phóng viên này vì ông là nhân viên duy nhất của hãng AP tại vùng này. Bước vào vùng do địch kiểm soát là một công tác vụ đầy nguy hiểm bởi vì không ai có thể tin tưởng vào lời hứa của bọn họ, đã không ngần ngại lừa bịp bao lần cộng đồng thế giới qua những vụ vi phạm lệnh ngưng bắn như vào dịp Tết Mậu Thân, xá gì lời hứa với đám nhà báo ngoại quốc tại chiến trường. Tuy nhiên, có lẽ do bản tính gan lì và hiếu động của tuổi trẻ thuộc loại “điếc không sợ súng”, nên phóng viên Ngy Thanh đã tình nguyện đi cùng với các đồng nghiệp của các hãng truyền hình ABC, NBC và CBS cùng vào chiến khu của Việt Cộng, một việc làm mà sau này ông gọi là “dại dột”. Có thể vào link sau đây để xem hình: http://www.pbase.com/ngythanh/image/78972088.
 

Ngy Thanh (thứ hai từ trái) trong nhóm phóng viên  ngoại quốc tại chiến khu Việt Cộng ngày 15-3-1973.
 
Nhưng phóng viên nổi tiếng thế giới Nick Út thì chẳng bao giờ dám làm chuyện này, mà phải chờ đến cả chục năm sau đó khi được nhà cầm quyền Việt Cộng cho phép an toàn thì mới dám trở lại “tác nghiệp” tại Việt Nam, như từ ngữ trong nước dùng để mô tả việc hành sự chuyên môn. Phải chăng ông ta cũng đủ trí khôn để suy nghĩ trước khi làm một chuyến công tác chuyên môn đi săn ảnh, để biết rằng chớ có lỡ dại mà vào vùng của Việt Cộng khi mình là một người Việt cho dù có mang thẻ hành sự của hãng thông tấn ngoại quốc. Nếu đã có đủ trí khôn để suy nghĩ về sự ác độc của Việt Cộng, tại sao sau này ông lại đành quay ra tiếp tay cho chính sách tuyên truyền của Việt Cộng như trong bài phỏng vấn trên báo Vietnamnet.vn để lên án chiến tranh chỉ từ một phía Hoa Kỳ, mà không đá động gì đến hành động tàn ác của Việt Cộng trong thời chiến?
 
 
LƯƠNG TÂM CỦA MỘT NHÀ BÁO.
 
 
Trong phần cuối của bài phỏng vấn trên báo Vietnamnet.vn, Nick Út tiếp tục khoe ngầm về hành động của mình đã tìm cách cứu cô bé gái Kim Phúc sau khi đã chụp được tấm hình, bằng cách tìm một chiếc xe nhà binh để chở vào bệnh viện để chữa trị. Kim Phúc sau này cũng trở thành công cụ tuyên truyền cho nhà cầm quyền Việt Cộng trước khi đào tỵ sang thế giới tự do nhân một chuyến bay ghé ngang Cuba và sau đó được cho đi định cư tại Gia Nã Đại. Nick Út nói rằng ông ta đã khóc và rất muốn lo cho gia đình cô ấy sau khi chụp tấm ảnh. Từ 30 năm qua, ông đã là bạn của gia đình Kim Phúc. Ông Nick Út phát biểu tiếp: “Những người mong muốn nổi tiếng từ ‘thảm hoạ’ của người khác, thì suốt đời họ không được bình yên tâm trí. Và sẽ chết trong đau đớn bởi sự hối hận muộn màng. Tôi không muốn nhắc nhưng đó là trường hợp xảy ra gần nhất với tác giả bức ảnh nổi tiếng chụp cảnh con kên kên đang đứng rình trước một bé trai sắp chết đói ở Somalia.
 
Phải chăng đối với phóng viên chiến trường Nick Út, việc ông ta tìm cách cứu sống nạn nhân Kim Phúc bằng cách đưa cô ta vào bệnh viện để được điều trị là một việc làm trọn vẹn để tránh cảnh suốt đời không được bình yên tâm trí sau khi đã làm xong nhiệm vụ chuyên môn của mình? Thật ra ông cố tình quên một hình ảnh về một việc làm cao đẹp và đầy đủ hơn của một phóng viên chiến trường để tránh cho “suốt đời họ không được bình yên tâm trí”.
 
Đó là trường hợp của phóng viên chiến trường nổi tiếng Eddie Adams cũng của hãng AP, thành danh với một bức ảnh “ăn khách” trong cuộc chiến và cũng giúp đem về giải Pulitzer vào năm 1969 cho ông ta. Đó là bức hình chụp Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn chết tay đại uý đặc công của Việt Cộng là Nguyễn Văn Lém trên đường phố tại Sàigòn trong trận chiến Tết Mậu Thân ngay trước mặt một tay quay phim của đài NBC và ông Adams. Bức hình gây công phẫn cho giới phản chiến vì cho rằng Tướng Loan đã vi phạm vào Công ước Geneva ngăn cấm việc hành hạ tù binh chiến tranh. Nhưng ít ai biết được tay Lém này trước đó đã ra lệnh sát hại nhiều sĩ quan và nhân viên cảnh sát (trong đó có trung tá Nguyễn Văn Tuấn, phụ tá của Tướng Loan) cùng với gia đình khiến cho Tướng Loan phải tức giận để trả thù ngay lập tức cho những người lính dưới quyền ông.
 
Vì thế nên tuy được nổi tiếng nhờ giải thưởng Pulitzer nhưng về sau này ông Adams đã tỏ ra hối hận về hậu quả do tấm hình này gây ra. Sau đó, ông đã viết trên tạp chí Time vào ngày 27-7-1998: “ Tôi thắng giải Pulitzer vào năm 1969 nhờ một tấm ảnh chụp một người bắn một người. Nhưng có hai người chết vì tấm hình đó: người bị viên đạn vào đầu và tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ông tướng đã giết một người Việt Cộng, nhưng tôi là người đã giết ông tướng bằng cái máy chụp hình của tôi. Những tấm hình quả là những vũ khí mạnh bạo nhất trên thế gian này. Thiên hạ tin vào những tấm hình, nhưng nó cũng biết nói láo, cho dù không được dàn dựng hay ghép sửa. Những tấm hình chỉ đưa ra một nửa sự thật. . . Cái nửa kia, phần tấm hình của tôi đã không nói lên, là “Anh sẽ xử sự ra sao nếu anh đặt mình trong vị thế của ông tướng vào lúc đó ở thời điểm dầu sôi lửa bỏng, khi mà anh bắt được một tên khốn kiếp sau khi hắn đã bắn nát đầu một, hai hay ba quân nhân Mỹ? Tướng Loan đáng là người để bạn gọi là chiến binh đích thực, được quân nhân dưới trướng ngưỡng mộ. Tôi không bảo rằng điều ông ấy làm là đúng, nhưng chúng ta cần đặt mình trong cương vị của ông.
 
Về sau này, phóng viên Eddie Adams đã đích thân đến gặp Tướng Loan để ngỏ lời xin lỗi ông và gia đình về những hậu quả tai hại đến uy tín của họ do bức hình gây ra. Khi Tướng Loan qua đời vào năm 1998 vì căn bệnh ung thư tại tiểu bang Virginia, chính ông Adams là người lên tiếng ca ngợi tướng Loan với câu phát biểu: “Ông ta là một người anh hùng. Nước Mỹ này cần phải khóc thương cho một người vừa nằm xuống. Tôi rất ân hận nhìn thấy ông ra đi như vậy, khi mà nhiều người vẫn còn không biết gì nhiều về ông ta.
 
Nhiều người có thói quen bình phẩm rằng người Mỹ thường quá duy vật, không có tình cảm và biết cư xử tế nhị như người Á Châu. Tiếc thay, trong vụ này phóng viên chiến trường Eddie Adams đã hành xử quá tuyệt vời, đáng để mọi người trọng nể trong khi đồng nghiệp Nick Út lại cư xử quá tệ bạc, với vong linh của người anh ruột của mình, cũng như đối với bao triệu đồng bào nạn nhân cộng sản đã bỏ mình trong cuộc chiến vừa qua.
 
Vì thế nên mới có thể gọi ông Nick Út và những người có hành động tương tự là những kẻ đáng trách.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét