khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Việt Nam, cái gì cũng hơn Mỹ




Tui có người em dâu, mới qua sau này, mẹ tôi mất sớm, nhà có hai chị em, nên em trai (và giờ thêm em dâu) ở chung với gia đình tôi. Cô ấy thì hiền lành dễ thương, chỉ có một thứ mà tôi không chịu nổi là, cái gì cũng khen Việt Nam, từ giáo dục, y tế, hàng hóa, thức ăn... Cô ấy chê tất cả những món ăn Việt Nam, tại Mỹ. Cô ấy cho là nấu không đúng cách. Đi coi hát thì cô ấy cho là ca sĩ ở Mỹ hát không được đào tạo tại trường lớp.

Thậm chí con gái tôi hiếm muộn, muốn đi bác sĩ nhờ chữa, thì cô ấy khuyên nên về Việt Nam, chữa rẻ mà hữu hiệu. Vì Việt Nam đã làm thống kê, số thành công rất cao.

Tôi cần phải mổ mắt và đang chờ bảo hiểm cho phép, thì cô ấy khuyên, bỏ tiền mua cái vé về Việt Nam, chẳng cần chờ đợi gì, vừa đi chơi vừa được chữa bệnh.

Cô ấy ca ngợi đủ thứ, nào là Việt Nam cái gì cũng có mà cái gì cũng rẻ mạt. Ở Mỹ chỉ có hàng Mỹ, còn ở Việt Nam thì hàng hóa của khắp nơi đổ về. Thức ăn thì cái gì cũng tươi rói... Muốn hàng hiệu thì ê hề, hiệu gì cũng có...

Tôi điên lên vì nghe cô ấy ca ngợi Việt Nam. Chỉ muốn nói thẳng thừng: Việt Nam tốt, hay, thì về Việt Nam mà ở! Nhưng đâu được nói vậy, còn em trai mình nữa, tôi thương em tôi nên cắn răng mà nghe những điều ngu ngốc kia. Rồi ở lâu cô ấy có đỡ bớt những ngu ngốc đó không? Sau này cô ấy có con, lúc đó đứa bé là cháu tôi, liệu cô có dạy cho nó những điều như cô ấy hiện có không? Em trai tôi có khi nào vài năm nữa trở thành một bản sao của cô ấy không?

Chuyện chưa xảy ra mà sao thấy kinh quá!


Góp ý:

HueMai:

Những gì cô em dâu chị nhận xét cho thấy trình độ hiểu biết của cô ấy rất thấp, thật tội nghiệp cho người em trai của chị. Nếu tôi ở địa vị của chị, mỗi khi cô em dâu mở miệng khen Việt Nam cái gì cũng hay, cũng tốt hơn Mỹ, tôi sẽ nghiêm mặt lại, nói rõ ràng: "Chị hoàn toàn thấy ngược lại, đó là lý do chị chọn sang Mỹ sinh sống; Chị không muốn tranh luận với em về vấn đề này, và chị có một yêu cầu, em đừng bao giờ nói đến chuyện này khi có mặt chị." Chấm hết.

 Chú Hai:

 Em dâu của chị nói đúng. Việt Nam ta có đủ mọi thứ, mọi dịch vụ, nhập khẩu nhiều, mà xuất khẩu cũng nhiều (kể cả người). Việt Nam bây giờ không cần có nghề chuyên môn, không cần phải sản xuất chỉ cần giỏi lèo lách môi giới là sống được. Hàng hóa thì thiệt có, giả có. Nói chung, giá nào cũng có.

Thật ra, còn nhiều... nhiều nữa!

Chứ không như cái xứ Hoa Kỳ! Mỗi người đều phải đi làm để có cái ăn cái mặc. Trong khi đó Việt Nam chỉ cần có con gái gả được cho người Đài Loan, Đại Hàn là cứu nghèo hay tệ chút nữa là có chồng Việt Kiều Mỹ như cô ấy là kiếm cơm được rồi.

Cái xứ sở gì kỳ! Làm gì ra cũng phải đóng thuế, nghề gì cũng phải cần có bằng. Trong khi ở Việt Nam ta đa số, thì không!

Chính phủ Mỹ, người Mỹ thậm chí đến người Mỹ gốc Việt cũng ngu luôn. Lớn ngu theo lớn, nhỏ ngu theo nhỏ, không cần biết có dư ăn dư để hay không, hoặc còn mắc nợ hay không, khi cần thì cứ làm từ thiện. Còn Việt Nam thì ít khi thấy, mặc dù giàu nức tường đổ vách!

Còn lắm cái kỳ khác nữa!

Thay Ba

Có lẽ cô ấy bị thất vọng khi phải đối diện với một thực tế hơi phủ phàng, không như lúc còn ở Việt Nam chờ đi Mỹ, chỉ cần một cú phone cho vị hôn phu ở Mỹ là cô ta có đủ mọi thứ.

Biết giúp chị thế nào bây giờ! Chắc phải chờ thời gian cho cô ấy quen dần với môi trường mới này. Vì Việt Nam ta có câu: "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Lo gì đến em trai hoặc cháu kêu bằng cô của chị sau này bị cô ta "Việt Nam hóa!", chắc "Mỹ hóa" thì có. Nói theo kiểu đao to búa lớn một tí "chủ nghĩa lỗi thời, xa xưa đó sẽ bị nghiền nát bởi bánh xe lịch sử trong hiện tại".

Tóm lại, vấn đề quan trọng là do ở em trai của chị: Đón vợ về để xây dựng tổ ấm hay rước bông về để chưng mà thôi!

 Van Nguyen:

Cháu cũng có vài người quen lúc mới qua Mỹ cũng có cách nói chuyện như cô em dâu của cô. Đúng là khi mình nghe thì thấy chướng tai lắm, nhưng những chuyện nhỏ nhặt như vậy đâu có đáng để cho mình gây gỗ gây mích lòng phải không. Từ từ rồi thời gian sẽ làm cho cô em dâu thay đổi cách suy nghĩ, bây giờ cổ nói gì thì cô cũng chỉ nên cười cười thôi.

Chú Xem:

Nếu ai đó cho rằng "Việt Nam cái gì cũng tốt hơn Mỹ" thì mình phải hỏi lại là có biết nhiều chưa mà nói! Vì trên đời này không có cái gì là tuyệt đối cả. Ở đâu cũng có cái tốt, cái xấu. Có bề mặt cũng phải có bề trái. Miễn được cái này thì mất cái kia... Như vậy mới gọi là cuộc đời, có phải là thiên đường đâu!

Thật ra nghe chuyện chướng tai này nghĩ cũng bực nhưng thôi chị phải thương cô em dâu hơn là buồn. Cứ xem như cô ấy sống ở Mỹ mới đầu hôm sớm mai, chẳng khác nào con ếch đang ngồi ở đáy giếng, nên mới dám nói là bầu trời chỉ bằng cái miệng giếng thôi! Hoặc biết mà vốn dĩ con người có tính hay đứng núi này trông núi nọ.

Theo tôi, những lúc cô ấy ra rả ca ngợi như thế thì cứ nói thẳng mà chẳng sợ mất lòng gì cả: Con người ta không thể lựa chọn nơi sinh, nhưng có quyền chọn nơi để mà sống. Như em muốn có chồng Mỹ, đi sống ở Mỹ, từ một nước CS còn vẫn được, thì bây giờ em ráng làm có tiền cho nhiều đi, mai kia mốt nọ muốn về Việt Nam để huởng thụ những cái tốt đó, lúc nào lại chẳng được. Chắc mới qua nên em chưa được nghe, chứ chị đã nghe người ta nói nhiều và rất nhiều cái xấu ở Mỹ nữa chẳng hạn như đi làm gọi là đi cày cực như trâu, nửa đêm gà gáy phải thức dậy đi làm, trời đổ tuyết băng giá cũng phải đi, làm thì ăn đứng ăn ngồi, bệnh đau nhiều lúc không dám nghỉ cũng phải mang thuốc vô hãng để uống vì sợ nghỉ nhiều quá chủ đuổi, đã vậy còn phải è cổ ra đóng thuế,... Còn ở Việt Nam dân lao động cũng sáng cà phê, chiều nhậu, hoặc khá tí nữa là có nguồn viện trợ nước ngoài sống sung sướng hơn ở đây nhiều...Thành ra chị nghe quá đủ rồi em ạ!

Thiện:

Tôi thấy trường hợp như em dâu cô xảy ra nhiều nhất là ở mấy người mới qua, cái gì cũng chê. Theo tôi, họ chê chỉ vì thiếu tự tin, sợ người bên Mỹ chê họ, nhà quê, hai lúa, tư ếch... nên họ vội “xù lông nhím” để tự vệ trước, bằng cách cái gì cũng chê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét