khktmd 2015
Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015
Cổ tích Thạch Sanh (bổ túc)- Tác giả Bùi Bảo Trúc
Một cuốn truyện cổ tích Việt Nam dành cho thiếu nhi do nhà xuất bản Kim Đồng tái bản vừa được lệnh tạm ngừng phát hành vì nội dung cần phải thẩm định và điều chỉnh lại.
Cuốn sách này được in lại hồi Tháng Mười, 2014 nhưng mãi đến ngày 21 Tháng Ba năm nay mới có quyết định tạm ngừng phát hành. Như vậy, cuốn sách sau một lần in và phát hành rộng rãi đến nỗi phải tái bản và đến sau lần in lại này người ta mới thấy nội dung có những điểm cần thẩm định và điều chỉnh lại. Mà cũng chỉ tạm ngưng phát hành chứ không bị thu hồi hay cấm phổ biến nên nếu thiếu nhi quàng khăn đỏ muốn đọc những đoạn cần thẩm định và điều chỉnh lại thì vẫn có thể mua về đọc chơi cho đỡ buồn.
Nội dung cần phải được thẩm định và điều chỉnh lại chắc là không hợp với các độc giả thiếu nhi. Báo Dân Trí cho biết nhiều độc giả đã phàn nàn về một số chi tiết trong truyện Thạch Sanh, nêu ra những điều không thích hợp với các thiếu nhi.
Truyện Thạch Sanh kể rằng Thạch Sanh và mẹ sống với nhau trong một hoàn cảnh rất cùng quẫn phải trông nhờ vào sự giúp đỡ của xóm làng. Họ nghèo đến độ người mẹ và cậu con trai chỉ có một cái quần duy nhất. Một hôm, mẹ Thạch Sanh biết là mình yếu sức sắp chết nên gọi Thạch Sanh đến bên giường, cởi chiếc quần đang mặc trên người đưa cho Thạch Sanh trao cho con và nói rằng Thạch Sanh đã lớn, cởi truồng người ta cười cho, giữ lấy cái quần mà mặc. Nói xong mẹ Thạch Sanh cho con chiếc quần. Nhưng Thạch Sanh không nỡ để cho mẹ chết trần truồng nên chỉ xé lấy một chiếc ống quần để che thân thể cho mình, chiếc ống quần kia Thạch Sanh dùng để bó xác mẹ đem chôn. Ở một đoạn khác, là cảnh Thạch Sanh đánh nhau với trăn tinh. Sau một ngày một đêm giao tranh, Thạch Sanh giết được trăn tinh bằng một nhát búa đánh trúng đầu khiến trăn tinh vỡ đầu phọt óc ra chết tươi.
Đó có thể là những chi tiết đưa tới quyết định cần phải thẩm định và điều chỉnh Thạch Sanh.
Bây giờ hãy xem lại mấy điều mà Cục Xuất Bản ở Hà Nội muốn nhà xuất bản Kim Đồng thẩm định và điều chỉnh truyện Thạch Sanh. Những chi tiết về truyện cổ tích Thạch Sanh đều ghi rằng Thạch Sanh mồ côi cha mẹ lúc 7 tuổi, hay 15 tuổi theo vài bản khảo dị. Có lẽ 15 thì hợp lý hơn vì ở tuổi đó thì Thạch Sanh mới có thể sống một mình được sau khi mẹ chết. Thêm nữa là ở tuổi 15 thì mẹ Thạch Sanh mới bảo Thạch Sanh đã lớn không nên cởi truồng kẻo làng xóm cười cho. Chứ nếu chỉ 7 tuổi thì chưa đủ lớn để sợ làng xóm chê cười nhất là trong một cái xóm nghèo mà ai cũng rách rưới như mẹ con Thạch Sanh.
Nhưng để cho Thạch Sanh 15 tuổi mà cứ cởi truồng trước mặt mẹ thì không nên chút nào, nhất là trong cái khung cảnh cổ xưa của ngôi làng của hai mẹ con Thạch Sanh. Ở tuổi ấy, Thạch Sanh phải đủ lớn để biết tránh cảnh thân thể lõa lồ đi ra ngoài đường, và ở nhà với mẹ thì cũng lại càng phải tránh. Sigmund Freud chỉ kể lại kinh nghiệm một lần nhìn thấy mẹ lõa thể để nói rằng ở một tuổi nào đó, người con trai bắt đầu có những ý tưởng dục vọng khi nhìn người mẹ không mặc quần áo để giải thích mặc cảm Oedipe mà ông dùng trong phân tâm học của ông mà cũng bị chống và chỉ trích đưa tới việc Jung và Adler bất đồng nặng với ông.
Chử Đồng Tử là chuyện khác. Cha con họ Chử không có xóm giềng và cả hai đều là đàn ông với nhau cả nhưng mẹ con Thạch Sanh thì khác. Chi tiết hai mẹ con khỏa thân trước mặt nhau có thể lờ mờ gợi ý cho những tình cảm không trong sạch. Nhưng những ý kiến đọc được trên những tờ báo trong nước thì lại không thấy đưa ra những nhận xét như trên. Trong khi đó, người ta nói tới cảnh Thạch Sanh búa vỡ đầu của trăn tinh và cho rằng hình ảnh hung bạo đó không thích hợp với tâm hồn của trẻ thơ.
Trong hai điều nêu trên thì chi tiết mẹ Thạch Sanh cởi quần cho con là chi tiết nên bỏ. Các truyện Thạch Sanh đọc hay nghe được trước đây đều không có chi tiết mẹ Thạch Sanh cởi quần cho con trai. Không có chi tiết đó, truyện Thạch Sanh vẫn là một câu truyện lý thú rất được yêu thích của nhiều thế hệ tuổi thơ.
Tại sao phải thêm cái chi tiết không cần thiết, thừa thãi đó?
Còn chuyện chém trăn tinh phọt óc thì có gì là bạo động tạo ảnh hưởng tiêu cực với tuổi thơ? Chém trăn tinh thì nhằm nhò gì! Muốn xem bạo động thì tới Bắc Ninh xem chém lợn, đi Đồ Sơn coi chọi trâu, tới trường coi nam nữ học sinh quàng khăn đỏ cháu ngoan bác Hồ tung chưởng, xé quần áo đánh ghen với nhau... hà cớ phải đọc cuốn truyện cổ tích của nhà xuất bản Kim Đồng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét