khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Những chuyện ngắn đầy nhân bản



Ước mơ
Mẹ nghèo đi ở mướn. Con nhỏ chạy chơi với "cậu chủ" cùng lứa. Chơi trò cưỡi ngựa: nó luôn làm ngựa, cậu chủ cưỡi lên lưng. Ngựa phi, ngựa phi vòng vòng, tấm lưng nhỏ oằn cong. Mẹ nhìn rưng rưng nước mắt. 
Đêm về, thoa lưng con, mẹ hỏi: 
- Sao con không đổi làm chủ ấy ? 
Đứa trẻ bảo: 
- Con thích cưỡi ngựa thật chứ không thích cưỡi ngựa người. 
Mẹ ừ mà lòng chạnh xót xa
.




Điều không đơn giản 

Chị lấy chồng. Anh là người thành đạt và giàu có. Thời gian rảnh, chị chỉ lo giữ gìn vóc dáng và săn sóc sắc đẹp. Bạn bè ai cũng ganh tị với anh. 
Cơm tối. Anh cười: " Lâu quá rồi thấy thèm món bó xôi xào của em". 
Chị nhìn anh, giật mình. Món bó xôi hồi xưa chị xào, mềm mụp. Lâu rồi chị chưa vào bếp




Đổi thay 

Năm nhất:
Cả khu nhà trọ sinh viên chỉ có vài chiếc xe máy. Chị vui vẻ đi xe đạp, quần áo giản dị và chơi với đám bạn “đồng hội đồng thuyền”.
Năm hai:
Xe máy rẻ, khu nhà trọ có vài người đã không đi xe đạp nữa. Chị vẫn như cũ.
Năm ba:
Chỉ còn hai đứa đi xe đạp. Chị chỉ mỉm cười.
Năm tư:
Chị có xe máy. Nhưng không còn chơi với người bạn “đồng hội đồng thuyền” ngày xưa và ăn bận thật “mốt”. Chị không còn là chị nữa…




Đành thôi 

Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi còn giữ đến tận bây giờ.
Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ định viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ…






Chồng mất. Vốn kiến thức đã mai một không kiếm đủ việc làm. Chị xin vào làm công cho một cửa hàng bánh ngọt trong thành phố. Khách ra vào tấp nập, người chọn kiểu này, kẻ chỉ kiểu kia. Mệt, đói, nhưng chị vẫn phải tươi cười.
Khuya, chị trở về nhà. Bếp núc lạnh tanh. Đứa nhỏ hâm hấp nóng… Thằng anh nghèn nghẹn: ”Buổi chiều con đưa em đi công viên, hôm nay sinh nhật em”.
Chị ôm con vào lòng, rơi nước mắt. Từ ngày anh mất, gia đình chưa có một bữa cơm chung.




Sợ 

Anh lớn hơn nàng trên con giáp. Sợ nàng sau này ngán ngẩm cảnh chồng già vợ trẻ, anh dằn lòng nói lời chia tay. Nàng nước mắt lưng tròng.
Ba năm sau, nàng lên xe hoa. Chồng nàng bằng tuổi anh.
- Sao ngày xưa em không giữ anh lại?
Giọng anh đầy tiếc nuối, trách móc. Nàng nhìn anh trân trối:
- Cứ nghĩ anh không muốn cưới em...




Quà sinh nhật 

Hôm đó, có việc không vui ở cơ quan, tôi bực dọc ra về. Thằng Tí hớn hở chạy ra :
- Ba cho con xin mười nghìn.
- Không có! 
Tôi quát, nó thút thít chạy vào nhà.
Bữa cơm tối chẳng ngon chút nào. Tôi đi ngủ sớm nhưng vẫn trằn trọc mãi với chuyện bực dọc ở cơ quan. Cu Tí lặng lẽ đến bên: 
- Con mừng sinh nhật ba, con không có tiền...  
Nó ngập ngừng đưa gói quà - một cái thiệp giấy vẽ lem luốc với hàng chữ nắn nót : “Happy Birthday”.




Phần cô 

Sinh nhật cô giáo, học sinh tặng cô nào hoa, nào vải may áo dài...
Mở gói quà của Hằng ra, cô ngạc nhiên thấy một củ khoai và một bông hồng. Hồn nhiên, Hằng bảo:
- Ngày nào em cũng ăn khoai lang nướng, ngon lắm cô ạ! Chắc cô chưa ăn bao giờ?
Hỏi dò mới biết ba mẹ Hằng mất sớm, nhà em phải ở ngoài triền đê, một mình vất vả nuôi hai em. Quà của Hằng là bữa trưa mà em dành phần cho cô.



Ngày thứ Bảy 

Thuở bé, tôi luôn luôn chờ đợi ngày thứ bảy. Vì đó là ngày ba tôi thường đưa cả nhà đi ăn tối, đi xem phim. Đến tuổi dậy thì, ngày thứ bảy càng đáng yêu hơn, vì đó là ngày tôi đến nơi hẹn với người yêu. Khi lập gia đình, tôi cũng mong ngày thứ bảy để được nghỉ việc, được giặt ủi quần áo, dọn dẹp nhà cửa… Và bây giờ, tôi sợ ngày thứ bảy! Đó là ngày chồng tôi họp bạn nhậu, con tôi hẹn với người yêu, tôi hoàn toàn cô đơn....




Nắm tay 

Con gái đi chơi tối về muộn, chị mắng, nó chỉ cúi đầu tỏ vẻ hối lỗi, nhưng lại cười tủm tỉm. Chị ngạc nhiên. Tối, nó rúc đầu vào lòng chị, khẽ bảo:
- Mẹ ơi, con đã nắm tay một người.
Chị gật đầu:
- Phải nắm chặt nghe con, nếu bạn trai con là một người tốt.
Ngày xưa, cũng bằng tuổi con, chị yêu và đã được yêu. Chị cũng đã biết cái cảm giác lần đầu tiên nắm tay người khác phái. Cảm giác run rẩy nhưng hạnh phúc đến rạng ngời mà sau này không bao giờ thấy lại. Anh còn bảo:
- Đã nắm tay em rồi, anh sẽ nắm thật chặt. Anh sẽ giữ em cho riêng mình.
Lúc đó, chị đã khóc...
Bây giờ, chị lại nghĩ về anh. Anh nắm tay chị chặt quá, chặt quá... làm chị bức bối. Chị phải tự buông lỏng tay mình, để đến ngày lên xe hoa, nắm tay chị lại là một người khác.
Con gái chị vẫn còn cười rạng rỡ, hai tay cứ đan vào nhau như muốn tìm lại cảm giác được nắm tay. Thương mình rồi thương con, quay sang phía tường trắng, chị khẽ thở dài muốn nói với con:
- Nhưng đừng nắm chặt quá! Mẹ sợ...




Lý Do

Nó thấy trong ví anh có tấm ảnh mờ nhạt của một phụ nữ, tuổi khoảng chừng 25. Nó cầm lấy và nhận xét:
- Bạn anh đấy à! Xấu quá...
Anh không nói gì, nhét vội tấm ảnh vào ví và ra về với dáng điệu buồn bã.
Mười ngày, hai mươi ngày và cả tháng, anh vẫn không đến nhà nó, nó chẳng hiểu lý do gì? Giận anh nhưng nhớ anh. Nó quyết định tìm đến nhà anh.
Vừa vào đến cửa nhà, nó chợt giật mình vì tấm ảnh thân thuộc kia nằm ngay trên bàn thờ với khói hương nghi ngút. Nó như hiểu ra vì sao anh không bao giờ nhắc đến Mẹ trước mặt nó. Nó ôm lấy mặt mà khóc vì ân hận.



Ba Và Mẹ 

Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhà nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói: “Đúng! Ông nói đúng…”
Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.

KHẨU PHỤC hay TÂM PHỤC ?

Đôi vợ chồng mới cưới, đêm tân hôn, vợ giấu đôi giày của mình đi, đợi chồng bỏ giày lên giường liền giẫm vào giày chồng. Chồng nhìn thấy cười “xùy, xùy” . Cô dâu mới bảo, mẹ dặn đêm tân hôn giẫm vào giày chồng thì cả đời không bao giờ giận chồng. Chú rể mới thì bảo, mẹ dặn nếu vợ giẵm vào giày chồng thì cả đời sẽ đồng cam cộng khổ với chồng.

Vợ bắt đầu quản chồng, bắt đầu từ cái nhỏ. Bảo chồng đổ bô nước giải, chồng cũng làm. Ruộng của nhà, vợ bảo trồng gì chồng trồng nấy. Các cô hàng xóm bảo tránh xa cô nào, đi gần cô nào chồng cũng làm theo. Chồng đang tán phét với mọi người, chỉ cần vợ gọi một tiếng là cum cúp như trâu bị dắt mũi về nhà ngay. Chồng uống rượu với bạn, vợ kéo tai là theo vợ về nhà.

Có người kích:
- « Đàn bà 3 ngày không đánh là vênh như miếng ngói lợp nhà. Anh cũng là đàn ông, sao lại để vợ quản không còn ra hồn thằng đàn ông thế. Nó mà là vợ tôi, tôi chẳng cho vài cái đế giày ấy chứ! »
 
Chồng cười bảo:
- « Đưa vợ anh lại đây, tôi cũng quạt nó vài cái đế giày! »

Người bạn nọ cáu:
- « Thật kiếp trước làm hoà thượng chưa bao giờ nhìn thấy đàn bà! Không ai giống anh, đồ sợ đàn bà! »

Việc trong thôn cần mọi người bàn bạc, tất cả đàn ông đều đến, mọi người khích bác:
- « Việc này anh cũng không quyết được cơ à, hay là phải gọi vợ đến? »
 
Chồng đưa vợ đến dự thật!

Vợ quản được chồng rất là đắc ý, đến một ngày, vợ thủ thỉ với chồng về những điều không phải của mẹ chồng.

Chồng thở dài bảo vợ:
- « Em biết vì sao anh không đánh em không? Vì mẹ anh đấy. Cả đời mẹ khổ sở vì tính bố thô bạo, chỉ có điều không hài lòng là câu trước câu sau ông đánh mẹ. Mẹ anh bị bố đánh đến nỗi gãy cái gậy to bằng cổ tay, gãy cả ghế. Mẹ anh vì các con mà chịu nhịn cả đời. Mỗi lần nhìn mẹ bị bố đánh, anh tự thề với lòng mình, lấy vợ sẽ không làm vợ đau một đầu ngón tay. Không phải anh sợ em, vì anh không quên được lời mẹ, là đàn bà sinh ra là để đàn ông yêu thương chứ không phải sinh ra để đàn ông đánh! »
 
Vợ ngây người, không tưởng tượng chồng lại rộng lượng đến thế. Chồng uống rượu con cà, con kê với bạn, vợ không gọi cũng không nắm tai kéo đi, đôi lúc còn bưng nước cho chồng uống.

Có người hỏi chồng, dạy vợ cách gì thế?
 
Chồng nghiêm túc trả lời:
- « Đánh đàn bà sẽ dạy đàn bà khẩu phục.  Yêu thương đàn bà sẽ dạy đàn bà tâm phục! »



Bố là mẹ 

Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Hôm nay, sau giờ giảng, tôi hát cho các em nghe: “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi…” 

Tôi nói với các em: “Chúng ta thật hạnh phúc khi được ở trong vòng tay mẹ”.

Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi:
- Sao con khóc?
- Con nhớ Mẹ! - Đứa bé đáp ngập ngừng.
- Mẹ đâu?
Nhìn theo tay đứa bé, tôi thấy một người đàn ông nước da đen sạm đang đứng trước cổng trường.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét