khktmd 2015
Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015
Con cái mấy ông HO (cựu tù nhân chính trị của CSVN) học hành ra sao, và đang làm gì ở Hoa Ky` ?
10 tháng 8, 1990 là “ngày đổi đời” của chàng thanh niên Lê Nguyên Phương.
Lê Nguyên Phương sinh năm 1962, đặt chân xuống nước Mỹ theo diện H.O. ngày 10 tháng 8, 1990, ở tuổi 28. Với $5 trong túi, ý nghĩ trong đầu ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn sau hơn 20 năm: “Ði, và sẽ trở về, để thay đổi đất nước.”
Ngày 15 tháng 3, 1991, một chuyến bay khác, mang theo cậu bé Trần Ngọc Quỳnh 17 tuổi sang Mỹ, cũng theo diện H.O.
Quỳnh bắt đầu “ngày đổi đời” trong một tâm trạng không như Lê Nguyên Phương. Những ngày đầu, thiếu niên Trần Ngọc Quỳnh “sợ xuống Bolsa, sợ đi chợ bằng foodstamp, và sợ bị gọi là ‘con H.O.’”
Lê Nguyên Phương và Trần Ngọc Quỳnh mang hoàn cảnh tương tự hàng trăm ngàn thanh, thiếu niên H.O. khác, đại diện cho lớp tuổi trẻ con em tầng lớp tinh hoa một thời của Việt Nam. Ở độ tuổi vừa bước vào đời, mọi cơ hội khai mở trí tuệ của họ bị đóng kín. Họ là “con Ngụy.” Cha, mẹ họ ở tù Cộng Sản. Và họ phải “gánh” trên vai những khó khăn mà thế hệ đồng trang lứa không phải gánh chịu.
Chương trình H.O. ra đời năm 1989, theo lời một trong những người tham gia vận động chính giới Hoa Kỳ, “là kỷ niệm vui và niềm an ủi lớn nhất, được nhìn thấy anh em cựu tù nhân và con cái đến được bến bờ tự do, làm lại cuộc đời bị đổ vỡ sau chiến tranh, tìm lại được đời sống xứng đáng trong tự do và nhân phẩm sau khi họ chấp nhận rời bỏ quê hương thân yêu mà họ từng hy sinh chiến đấu để gìn giữ từng tấc đất.”
Chương Trình H.O.
Chương Trình H.O. là cuộc vận động dài hơi, và là “giai đoạn chót của quá trình vận động đòi tự do cho tù nhân chính trị Việt Nam.” Theo lời bà Khúc Minh Thơ, người sáng lập Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. Bà Khúc Minh Thơ kể lại những ngày đầu vận động: “Ngay từ lúc hội bắt đầu hoạt động, chúng tôi nhận được đáp ứng tích cực của cộng đồng, qua ‘Bữa Cơm Ðồng Tâm’ tổ chức tại Washington D.C. Cũng trong thời điểm này, qua sự liên hệ và hỗ trợ của Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị, Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị được thành lập gồm bốn khu hội đầu tiên là Houston, Nam California, Bắc California và Dallas. Ông Huỳnh Công Ánh là người lãnh đạo tổ chức này.”
Từ đó, Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị và Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị sát cánh với nhau trong các sinh hoạt và vận động tranh đấu cho tù nhân chính trị ở Việt Nam.
Ðến tháng 10, 2008, các nhân vật, gồm bà Khúc Minh Thơ, ông Huỳnh Công Ánh, ông Nguyễn Văn Sang và ông Thái Hóa Lộc quyết định tổ chức “Ngày Tù Nhân Chính Trị Việt Nam.” Sự kiện này nhằm ghi lại con đường đã đi qua của chương trình H.O. và khép lại hoạt động của Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị.
Nhắc đến chương trình H.O., vốn bắt đầu vào giai đoạn Tổng Thống Ronald Reagan lãnh đạo Tòa Bạch Ốc, không thể không kể đến cuộc vận động với chính giới Hoa Kỳ, trong đó có các nhân vật tối quan trọng, là Nghị Sĩ John McCain và Nghị Sĩ Edward Kennedy.
Bà Khúc Minh Thơ kể lại, cuộc vận động tại Quốc Hội cần có sự hỗ trợ của cả hai đảng, Cộng Hòa và Dân Chủ, của cả hai viện, Thượng Viện và Hạ Viện. “Tại Thượng Viện, Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa) và Nghị Sĩ Edward Kennedy (Dân Chủ) tích cực hậu thuẫn. Ở Hạ Viện, có Dân Biểu Stephen Solarz (Dân Chủ) và Dân Biểu Frank Wolf (Cộng Hòa).”
“Về phía hành pháp, người giúp đỡ nhiều nhất là ông Robert Funseth, phụ tá thứ trưởng Ngoại Giao đặc trách về người tị nạn trên thế giới, đồng thời là người đại diện Tổng Thống Ronald Reagan thương thảo với chính quyền Hà Nội về tù nhân chính trị Việt Nam. Một người khác nữa là ông Shep Lowman, lúc bấy giờ là giám đốc Văn Phòng Việt-Miên-Lào, cũng tận tình giúp đỡ. Không có những trợ giúp này, thật khó mà có thỏa hiệp ngày 30 tháng 7, 1989.”
Chương trình H.O. bắt đầu từ đấy, cũng là thời điểm, theo tâm sự của bà Khúc Minh Thơ, thấy những người cựu tù tìm lại được đời sống xứng đáng trong tự do và nhân phẩm, và “con cái họ bắt đầu có cơ hội học hành để phát triển tài năng và có nghề nghiệp ổn định.”
Kinh nghiệm cuộc sống những năm sau 1975 góp phần tạo nên ý thức dấn thân của một Lê Nguyên Phương sau này.
Gốc Huế, xuất thân trong một gia đình nhà giáo, cuộc đời Lê Nguyên Phương thay đổi khi bước vào tuổi 13, ngày Sài Gòn sụp đổ. Thân phụ anh là nhà giáo, nhà báo Huy Phương, đi tù Cộng Sản hết bảy năm rưỡi. Lê Nguyên Phương ra đời rất sớm.
“Tôi đi làm từ năm 15 tuổi. Từng bán báo, đi bán thuốc tây chợ trời, làm thợ nhôm, thợ chụp hình,” Phương kể lại.
Gia đình lúc đó rất nghèo. “Tôi chỉ có một cái quần jean, loại quần phụ nữ, được người dì sửa lại. Mặc đi học sáu ngày mỗi tuần, đến Chủ Nhật mang giặt. Nếu Chủ Nhật mưa, quần không khô kịp, thì Thứ Hai... nghỉ học,” Lê Nguyên Phương kể, và cười ngất. “Nhưng tôi không mặc cảm. Ngược lại, tôi tự nhủ cần phải học giỏi, nhất là giỏi hơn con cán bộ, để tự hào là con sĩ quan chế độ cũ.”
Tới 18 tuổi, đến kỳ thi tốt nghiệp trung học, Lê Nguyên Phương bị nhà trường cấm thi, lý do: Nghỉ 64 ngày trong một năm trong khi luật của trường cho phép nghỉ tối đa 60 ngày. “Tôi biết tôi chỉ nghỉ có 24 ngày nhưng cô giáo chủ nhiệm và bà hiệu trưởng đã tự sửa lại thành 64 để tôi bị cấm thi. Ban giám hiệu và cô giáo nghi tôi ‘phản động,’ qua các phát biểu của tôi.”
Phải đợi đến năm năm sau, Lê Nguyên Phương mới lấy được bằng trung học, thông qua một kỳ thi “Bổ Túc Văn Hóa.”
Bước chân đến Hoa Kỳ, Phương vừa đi học vừa đi làm, có thời gian một ngày làm đến 3 “jobs.” Anh đi cắt cỏ, bán xe, làm assembler, đưa cơm, courier, thông dịch viên... Phương kể lại, “Ai cũng khuyên tôi qua Mỹ đã lớn tuổi, tiếng Anh làm sao bằng trẻ sinh ra ở đây, nên đi cắt cỏ, học Ðông y, hay có giỏi thì đi học sửa computer. Nhưng bao năm ở Việt Nam tôi đã không được đi học, nay qua Mỹ thì phải sống cho ước mơ của mình chứ.” Anh trở lại trường!
Năm 1999, anh tốt nghiệp Cử Nhân Tâm Lý tại đại học California State University, Fullerton; năm 2002 lấy bằng cao học Tâm Lý Giáo Dục tại California State University, Long Beach; rồi bảy năm sau lấy bằng Tiến Sĩ Giáo Dục tại đại học University of Southern California.
Ngành học và con đường đi học không phải là một tình cờ với người thanh niên này. “Hãy nhìn lại Việt Nam trong thời gian qua. Khi một quốc gia toàn trị bắt đầu mở cửa hội nhập với thế giới, đầu tiên họ sẽ chào mời giới khoa học kỹ thuật, rồi đến kinh tế. Sau cùng mới đến giới khoa học xã hội và nhân văn. Từ lúc rời Việt Nam, tôi biết sẽ không ‘về’ kịp các đợt đầu tiên nên đã chọn học ngành tâm lý giáo dục, đó cũng là ngành tôi yêu thích.” Anh chọn ngành khoa học xã hội này với tâm nguyện “tác động để chuyển hóa xã hội và đất nước.”
Từ năm 2009 đến nay, Tiến Sĩ Lê Nguyên Phương thực hiện nhiều chuyến trở về Việt Nam cùng các bạn là giáo sư và khoa trưởng từ nhiều đại học Hoa Kỳ - Cal State Long Beach, Chapman University, Loyola Marymount, Humboldt State University, the Chicago School of Professional Psychology... với mục tiêu xây dựng ngành và nghề Tâm Lý Học Ðường. Tổ chức do anh sáng lập với các bạn Hoa Kỳ, “Consortium to Advance School Psychology - International,” hiện có tám thành viên đại học Hoa Kỳ và sáu thành viên đại học Việt Nam.
Trong hội nghị và sau đó là lễ ký kết thành lập tổ chức này tại Việt Nam, đại sứ Hoa Kỳ lúc đó, ông Michael Michalak, đã đến tham dự và phát biểu: “Các anh chị đã đề ra kế hoạch, và ý tưởng tổ chức hội nghị này để đáp ứng với nhu cầu của hệ thống giáo dục [của Việt Nam] và trong đời sống của các em học sinh. Ở đây không ai bảo các anh chị phải làm, nhưng các anh chị tự thân muốn làm để cải thiện chất lượng đời sống của học sinh ở Việt Nam. Tôi ca ngợi anh chị đã sáng tạo và chủ động, vì đây là những hành động [tiêu biểu] của một xã hội hiện đại tôn trọng và quan tâm lẫn nhau, và tôi ủng hộ nỗ lực của các anh chị. Các anh chị đang làm một việc quan trọng tại đây.”
Trong 5 năm hoạt động, tổ chức của anh đã thực hiện bốn kỳ hội thảo quốc tế, năm khóa tập huấn, nhiều công trình nghiên cứu, và hiện đang xây dựng chương trình đào tạo ngành Tâm Lý Học Ðường cho bốn đại học tại Việt Nam. Vì những hoạt động này, anh nhận được giải thưởng Outstanding International School Psychology Practice của hiệp hội International School Psychology Association năm 2011. Và gần đây nhất, năm 2014, anh nhận tài trợ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để về làm việc một tháng với Ðại Học Sư Phạm Huế trong tư cách chuyên gia Fulbright.
Tâm Lý Học Ðường là chuyên môn và là đam mê của Lê Nguyên Phương. Có thể nói, anh là người góp phần xây dựng những bước đầu của ngành này cho Việt Nam, chuyên ngành mà theo anh “rất quan trọng cho đời sống tâm lý và học tập của học sinh” vì nó chủ động, “phòng ngừa và can thiệp cho trẻ em-thanh thiếu niên trong các lãnh vực nhận thức, học tập, hành vi, cảm xúc hoặc xã hội trong môi trường học đường, gia đình và cộng đồng.” Tâm Lý Học Ðường vì vậy, theo anh, không phải chỉ dành cho trẻ khuyết tật mà là dịch vụ giúp trẻ phát triển toàn diện để trở thành công dân độc lập, bản lãnh và hữu dụng cho một xã hội dân chủ và nhân bản.
Lê Nguyên Phương không phải là tên tuổi xa lạ với cộng đồng Việt Nam tại Nam California. Trước đây anh tham gia trong nhiều hoạt động xã hội, văn hóa, truyền thông với các cơ quan như VAALA, đài phát thanh VNCR, RFA... Hiện anh là chuyên gia Tâm Lý Học Ðường cho Học Khu Long Beach và giảng dạy trong chương trình Cao Học ngành Tâm Lý và Tham Vấn Học Ðường tại Ðại Học Chapman.
Anh kết luận cho những công việc đang thực hiện hiện nay: “Từ đầu đến cuối, tôi vẫn là người Việt Nam, mang văn hóa Việt Nam, sống và làm việc vì Việt Nam. Có người chọn công việc diệt cỏ dại, tôi đi trồng hoa. Mỗi học sinh được phát triển hài hòa toàn diện sẽ là đóa hoa trong vườn hoa Việt Nam tương lai.”
Trần Ngọc Quỳnh và ước mơ “được thấy quá khứ”
Trần Ngọc Quỳnh nhỏ hơn Lê Nguyên Phương đúng... một con Giáp. Thân phụ Quỳnh là nhà giáo nổi tiếng ở Quảng Nam, ông Trần Huỳnh Mính, nguyên hiệu trưởng Trung Học Trần Quý Cáp, Hội An Thân phụ Quỳnh đi tù Cộng Sản khi anh vừa tròn... một tuổi. Ý thức non nớt của đứa trẻ mới lớn những năm giao thời sau 1975 không để lại điều gì quá rõ nét nơi Trần Ngọc Quỳnh. Nhưng anh có thể “cảm” được những điều bất ổn, và cả những âu lo. “Có một lần ở nhà, thấy ông nội lấy một tấm hình của bác, là anh của ba, lồng vào khung rồi để lên bàn thờ. Lúc ấy bác đang ở tù, năm đó là năm 1979. Còn nhỏ, không hiểu hết chuyện, nhưng biết là bác mất, lòng buồn lắm,” Quỳnh kể lại.
Quỳnh thăm cha trong tù lần đầu tiên khi anh mới ngoài... một tuổi. “Ông nội dắt đi.” Anh kể. Tôi nhớ “tù và thân nhân ngồi hai bên dãy bàn. Tôi còn nhỏ, chạy lăng quăng sang phía cha. Thế là ba bị quản giáo la một trận dữ lắm.”
Hội An, quê hương của Quỳnh, là một thành phố đặc biệt. Thành phố này đa số dân là công chức trước 1975. Do đó, sau 1975 nhiều người đi tù cải tạo. “Cứ đầu tháng, các cô, các dì có chồng đi tù lại tụ tập về nhà Quỳnh, để sáng hôm sau cùng mẹ đi thăm nuôi chồng. Ði mấy tiếng đồng hồ đến nơi, thăm được mấy tiếng thì về. Về là lại lo cho chuyến thăm tháng sau.”
Cuộc sống của người ở nhà cũng đã thay đổi. “Có sự kỳ thị,” Quỳnh kể. “Cứ họp tổ dân phố, họ lại mang chuyện gia đình mình ra nói. Có khi chuyện chẳng đáng gì cả. Ăn gì, mặc gì. Người khác thì không sao, nhưng mình thì bị mang ra nói.”
Rồi vào một buổi trưa, cánh cửa nhà mở toang ra, ba bước vào. Ba về! “Ba đi tù khi tôi một tuổi, ba về lúc tôi năm tuổi. Tôi phải bắt đầu “làm quen” với ba, và ngược lại.” Trong hoàn cảnh như thế, Quỳnh nói rằng anh “kính ba, nhưng gần mẹ.”
Gia đình Trần Ngọc Quỳnh là một gia đình lớn tại thành phố Hội An. Những xáo trộn thời cuộc sau 1975, cho đến quyết định đi H.O. năm 1991 tạo cho cha mẹ anh nhiều băn khoăn. “Trước 1975, gia đình có tư thế. Sau 1975, sụp đổ hoàn toàn. Ðến khi ba đi tù về, bắt đầu gượng trở lại. Ði sang Mỹ lại một lần nữa bỏ hết tất cả để bắt đầu từ đầu.” Anh kể lại tâm trạng gia đình lúc ấy.
Sang đến Mỹ lại gặp một lối “kỳ thị” mới. Quỳnh cười phì, kể lại: “Bị kỳ thị là con cái H.O. Nhớ những ngày đầu đi học, tụi trong lớp nói, 'Thấy thằng nào khù khờ thì biết thằng đó là con H.O.'”
Quỳnh không thoải mái đến trường. Quỳnh sợ cả việc phải “xuống Bolsa,” sợ đi chợ, sợ dùng foodstamps. “Có những lúc, lòng đã định sẽ đi lính hoặc đi làm, vì đó là cách tốt nhất để lấy lại sự tự tin.”
Có lẽ đó là cách suy nghĩ của đứa trẻ mới lớn. Sự tự tin vô hình sau lưng Quỳnh chính là ba, mẹ của Quỳnh. Họ đứng phía sau, thúc đẩy việc học hành.
Quỳnh vào đại học USC, tốt nghiệp ngành Nha Khoa, đi làm và nay đã có một phòng nha riêng của mình.
Nhưng Quỳnh không thuộc hạng chỉ biết đi làm kiếm tiền. Lớn lên trong một gia đình nền nếp, anh biết dung hòa nền văn hóa rất Mỹ của mình với những suy nghĩ rất Việt Nam của thân, phụ mẫu. Và anh biết anh hãnh diện như thế nào về nguồn gốc mình.
“Trái cây có rụng thì rụng gần gốc,” Quỳnh nói. “Ông nội ngày xưa làm Hồng Thập Tự. Ðến ba mẹ làm từ thiện, nay tôi cũng học theo, làm một cách tự nhiên.” Quỳnh tham gia tổ chức từ thiện SAP-VN, giúp xem hồ sơ cho các gia đình nghèo Mexico để giúp họ được hưởng Medical. Mỗi tuần anh bỏ ra vài giờ làm miễn phí cho một số bệnh nhân nghèo.
Quỳnh kể, có lần anh làm răng cho một cựu chiến binh Mỹ từng bị bỏng nặng tại phi trường Ðà Nẵng trong chiến tranh Việt Nam. Khi xong, anh nói với người cựu chiến binh rằng anh xin phép không nhận tiền của ông. Quỳnh nói với người cựu binh, “Ông đã hy sinh thân thể trong một cuộc chiến không phải tại đất nước ông. Tôi chỉ xin làm một nghĩa cử rất nhỏ, để cám ơn ông.”
Quỳnh có một ước mơ và một niềm hãnh diện Ước mơ của anh là được nhìn thấy quá khứ, cái quá khứ cả trước lúc anh sinh ra, để “được biết rõ ngày xưa, trước 1975, cha ông mình đã sống ra sao, đã làm việc ra sao, và tư thế như thế nào.” Còn niềm hãnh diện, “Ngày xưa ngại chữ H.O. Nay thì hãnh diện, rất hãnh diện là con H.O.” Hai chữ HO không phải là viết tắt của “Humanitarian Operation,” cũng không phải là “mã số” của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Sau khi thỏa hiệp về việc di cư cựu tù nhân chính trị Việt Nam được ký ngày 30 tháng 7, 1989, tại Hà Nội, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chuẩn bị thi hành và nhận hồ sơ từ Việt Nam gửi sang với danh sách đầu tiên là H. O1. Khi ấy, những người vận động chương trình H.O. hỏi Văn Phòng Ðặc Trách người tị nạn thì được cho biết “mã số H.O.” là của Việt Nam chứ không phải của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Các bản văn chính thức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi nói đến chương trình này vẫn gọi là “Subprogram Vietnamese political prisoners,” hay “Former Re-Education Center Detainees.”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét