khktmd 2015
Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014
Ca sĩ Hoàng Oanh nói về bài hát Ai Ra Xứ Huế cũa nhạc sĩ Duy Khánh
Tôi sinh trưởng tại miền Nam. Quê tôi ở tỉnh Mỹ Tho.
Năm lên mười một tuổi, khi học đệ thất trường Gia Long, tôi có mấy cô bé bạn học người Huế. Không thân lắm nhưng tôi để ý đến giọng nói trọ trẹ. Lần đầu tiên tiếp xúc với bạn mới, phải để ý lắng tai nghe mới hiểu được bạn tôi đang nói gì. Nhưng đến khi các cô bé xúm lại nói chuyện với nhau thì tôi đành chịu, không làm sao xen vô câu chuyện với họ được.
Năm lên đệ tam, tôi có thêm mấy người bạn miền Trung khác. Tuy quen lần với giọng Huế lơ lớ, nhưng thú thật khi bạn tôi lên trả bài, tôi nghe tiếng được tiếng mất.
Qua bạn bè cùng lớp, bắt đầu biết đôi chút về miền Trung, về Huế, tôi tưởng tượng những cô gái Huế ngoài kia với mái tóc thề xõa bờ vai trong một thành phố thơ mộng, cổ kính. Bao nhiêu đó đã kích thích trí tò mò của tôi về xứ Huế với tâm tình lắng sâu nhưng nhạy cảm của những cô gái Huế. Bạn bè tôi thường tả là Huế đẹp, Huế thơ. Tôi thích hát những bản có âm hưởng miền Trung. Không những thích, tôi thấy hình như có gì hợp với tâm hồn mình lúc đó. Những bài ca Huế tôi hát dễ dàng, hồn nhạc thấm vào hồn tôi tự nhiên mà tôi không nhận ra.
Cơ hội tốt lành đã đến khi hãng dĩa Việt Nam mời tôi thu băng bài Ai Ra Xứ Huế của Duy Khánh. Tôi nhận lời ngay, không do dự. Dường như với tuổi trẻ mộng mơ, trong lòng tôi có sẵn cảm tình với Huế. Hôm đó tôi hát Ai Ra Xứ Huế với tâm hồn mình, với lòng tha thiết, mến yêu như một ca sĩ hát cho quê hương chôn nhau cắt rốn. Anh Duy Khánh nghe xong rất vui thích vì theo lời anh, tôi diễn tả đúng lời ca, ý nhạc anh muốn gởi gắm cho thành phố thân yêu anh vừa từ giã. Anh Duy Khánh nhường tôi thâu bản nhạc này, một hân hạnh đối với tôi, cô nữ sinh đang tập tễnh vào ngưỡng cửa nghiệp cầm ca. Dĩa hát thâu bài Ai Ra Xứ Huế của tôi được phổ biến, được nhiều thính giả gởi lời khen ngợi, khuyến khích. Cô nữ sinh - ca sĩ có mặt với sân khấu kể từ buổi đầu lưu luyến.
Không bao giờ tôi quên được hôm đó, ngày 06 tháng 11 năm 1964 tại phòng thâu băng trên đường Võ Di Nguy (Chợ Cũ). Trong lúc tôi đang dợt với ban nhạc của nhạc sư Nghiêm Phú Phi, nhà văn Lê Thanh Thái chụp mấy bô hình tặng tôi kèm theo bài thơ mà lâu ngày tôi quên tuốt luốt, chỉ còn nhớ được mỗi hai câu:
“Vượt núi tiếng hò ra xứ Huế
Oanh vàng dìu dặt gợn dòng Hương…”
Cũng vào năm đó, tôi được mời đi trình diễn đại nhạc hội ở Huế. Còn gì vui hơn, còn gì thỏa thích hơn, tôi nhận lời liền, mặc dù lúc ấy tôi rất bận rộn chuyện học hành, thi cử liên miên.
Chương trình lưu diễn gồm cả Đà Nẵng, Qui Nhơn, nhưng tôi chỉ nôn nao chờ đợi chuyến đi Huế, thành phố tôi biết nhiều bằng tưởng tượng của tuổi trẻ mới lớn lên. Trong đoàn lưu diễn có chị Bạch Yến và Phương Dung. Chúng tôi không đi một mình mà có má đi theo. Việc này đã tạo cơ hội cho một số bạn bè lớn tuổi trong nghề thích vui đùa, chọc phá hay chế nhạo. Họ đùa nghịch, giỡn chơi bằng cách thêm vào chữ “má” trước tên ca sĩ. Còn nhỏ, chưa quen với lối đùa nghịch của lớp bạn bè lớn tuổi, tôi hơi mắc cỡ nhưng không biết làm thế nào, nghĩ rằng có má đi cùng tôi đỡ lo nhiều chuyện. Người sẽ lo lắng cho tôi, lỡ có đau ốm hay chuyện gì xảy ra bất thần.
Và Huế không phải bằng tưởng tượng, mà Huế thật sự với dòng sông Hương thơm mát, với cảnh đẹp thiên nhiên đã ở trước mắt tôi. Có ra đến đây nhìn cảnh, nhìn người mới thấy Huế gợi cảm có sức thu hút, quyến rũ du khách. Nhìn cầu Tràng Tiền bắt ngang sông Hương. Nhìn những đoàn học sinh đồng phục trắng từng bước nhẹ nhàng thanh thoát như chim. Nhìn phong cảnh Huế, không phải ai ra xứ Huế nữa, mà chính tôi, tôi đang sống, đang có mặt trên thành phố nên thơ này.
Người Huế hiếu khách và rất tình cảm. Trong suốt thời gian ở Huế, ngày nào tôi và má tôi cũng được hướng dẫn đi thăm thành phố, di tích và thắng cảnh. Chưa được đi thăm lăng tẩm vì nghe nói đẹp lắm, nhưng chúng tôi được đưa đi đèo Hải Vân. Rất tiếc hôm đó vì đi nhiều nơi, vừa đến chân đèo thì trời sụp tối phải trở về cho kịp giờ trình diễn. Bù lại, chúng tôi được đi đò trên sông Hương một buổi tối. Huế có những quán hàng rong đặc biệt, không những hàng quà trên bờ, mà cả dưới nước. Đò chúng tôi thả trôi theo dòng nước, không xa cầu Trường Tiền lắm, bỗng nghe những tiếng rao dài từ trên những chiếc thuyền nhỏ không mui. Món ăn cũng đặc biệt: Cơm hến. Người Nam ăn hủ tiếu, người Bắc ăn phở, người Trung ăn bún bò món ăn quốc hồn, quốc túy của ba miền. Ra Huế tôi biết thêm một điều, ngoài bún bò, Huế có thêm cơm hến. Gồm đủ mùi vị cay, mặn, nồng, the the vì có khế chua, nhưng dư vị sau cùng là mặn mà tình quê.
Có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi là hôm đầu tiên mới đến Huế, đang từ cửa sổ khách sạn nhìn ra ngoài chờ đợi ban tổ chức đã có hẹn trước thì một nhóm mấy chị nữ sinh Đồng Khánh đến thăm. Sáu cô nữ sinh tha thướt trong áo dài màu trắng, nón bài thơ, cặp sách cầm tay. Mặc dù chưa gặp nhau lần nào nhưng chúng tôi vui vẻ chuyện trò như những người bạn quen từ lâu. Chuyện trời mưa trời nắng, chuyện Sài Gòn, chuyện Huế, chuyện hát hò… Vui thật là vui.
Hình ảnh áo dài trắng, nón lá, cặp sách đối với tôi chẳng có gì xa lạ vì tôi cũng mang những thứ ấy ngày ngày hai buổi đến trường. Nhưng hôm ấy tự nhiên tôi thấy nôn nao “chi lạ”. Vừa bạn, vừa khách, vừa xa, vừa gần. Lần gặp gỡ đầu tiên này với mấy chị nữ sinh Đồng Khánh làm tôi nhớ mãi.
Cầm tay nhau sắp ra về, một “cô bé” có lẽ cũng trạc tuổi tôi, không hiểu sao rất mến tôi, hẹn sẽ viết thơ cho tôi. Trở về Sài Gòn, rất nhiều lần tôi nhận được thơ của người bạn mới, lần nào thơ viết cũng thật dài, hai ba tờ giấy đôi. Mến thương nhất là lần nào cũng vậy, ba tờ giấy được nhuộm thành màu tím rất đẹp, màu tím Huế, thật dễ thương và viết lên trên bằng loại chữ màu trắng nguyên cả bức thơ. Vừa vui mừng, vừa ngạc nhiên thích thú, tôi biên thơ hỏi thăm cách làm để cố gắng đáp lại lòng mến thương của người bạn Huế. Mặc dù đã được chỉ dẫn cẩn thận, tôi thí nghiệm nhiều lần nhưng lần nào cũng vụng về không làm sao có được màu trắng trong và màu tím trinh nguyên như bức thơ tôi nhận được. Không đáp được tâm tình người bạn mới, tôi đành tự an ủi rằng không phải là cô nữ sinh tình tứ sông Hương núi Ngự, không ai đủ nhẫn nại làm được.
Không biết bây giờ “cô bé” ấy ở đâu, trong nước hay tỵ nạn xứ người. Hoàng Oanh vẫn nhớ chị mãi, nhớ những bức thơ màu tím, mực trắng, nhớ mãi kỷ niệm xưa với chị.
Chỉ đến thăm Huế một lần và một lần thôi vì sau đó phải bỏ nước ra đi, tưởng tượng nếu có dịp ra Huế thêm nhiều lần sẽ còn chồng chất bao nhiêu kỷ niệm khó quên khác.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét