Không ai chối cãi được việc Tổng Thống George W. Bush nặn ra bức tượng "caliphate" Abu Bakr al-Baghdadi, và Tổng Thống Barack Obama đang ra sức đập vỡ bức tượng này. Caliphate tiếng Ả Rập đọc là khilafa, dịch ra tiếng Anh là “successor to Muhammad,” dịch ra tiếng Việt là “truyền nhân của Muhammad,” và dịch thành chữ nho của Xí Xếnh Xáng là “thiên tử”; như vậy thì al-Baghdadi là con trời; một lối xưng vương theo kiểu Ả Rập.
Thiên tử al-Baghdadi lên ngôi lãnh tụ IS ngày 16 tháng 5/2010; anh chào đời tại Iraq vào năm 1971, năm nay 43 tuổi, theo đạo Hồi Giáo, nhánh Sunni, thành hôn với 3 bà vợ -2 bà người Iraq, bà thứ ba người Syria; một trong 2 bà vợ Iraqi của anh -bà Saja al-Duleimi hiện bị cầm tù tại Lebanon cùng với một đứa con gái khoảng 3, 4 tuổi.
Vị trí tỉnh Mosul
Chính phủ Mỹ treo giải $10 triệu cho ai giúp bắt được và đưa thiên tử ra tòa xử, như họ đã từng bắt và xử một thiên tử khác của Iraq -Saddam Hussein. Chưa ai làm được việc đó, nhưng người ta đã hai lần bắt được vợ ông ta -bà Saja al-Dulaimi; lần đầu do chính phủ Syria bắt và giam giữ, rồi đem bà và 149 nữ tù nhân nữa ra trả tự do để trao đổi với việc quân IS phóng thích 13 bà nữ tu Thiên Chúa Giáo.
Nói là được trả tự do, nhưng ra khỏi khám đường Syria, bà Saja al-Dulaimi lại được mời ngay vào khám đường Lebanon. Cuộc "chuyển trại" xẩy ra vào cuối tháng 11/2014 tại biên giới Syria, vùng thung lũng Bekaa; tuy nhiên số phận "chuyển trại" chỉ dành riêng cho bà vợ al-Baghdadi -149 nữ tù nhân khác, và 13 bà sơ vẫn thực sự được trả tự do.
Cuộc trao đổi nữ tù nhân được chính tổng thống Bashar al-Assad thỏa thuận với chính phủ Qatar, và chính phủ này trả ra 40 triệu Anh kim -không rõ tiền từ đâu đến và trả cho ai -chỉ trả riêng cho quân IS, hay chính phủ Syria cũng có nhận một phần.
Hãy tạm quên bà al-Dulaimi và cuộc "chuyển trại" của bà để trở lại với số phận của chồng bà, anh thiên tử đồ tể al-Baghdadi, chuyên viên cắt đầu những con tin Âu, Mỹ; anh bị thương nặng trong cuộc oanh tạc hôm mùng 10 tháng 11/2014, trong lúc di chuyển bằng xe trong vùng Mosul, một tỉnh cực Bắc của Iraq, đã lọt vào tay quân IS. Đoàn xe gồm vài chục chiếc, trong đó có khoảng 10 chiếc thiết giáp quân IS chiếm được của quân chính phủ Iraq; và al-Baghdadi có thể đã tin tưởng lầm vào sự kiên cố của lớp thép bọc quanh xe để chọn ngồi trong một chiếc thiết giáp.
Đoàn xe di chuyển đêm thứ Hai 11/10/2014, nhưng bóng đêm không giúp che dấu họ chống lại kỹ thuật tấn công bằng hồng ngoại tuyến của không quân Hoa Kỳ -cả 10 chiếc thiết giáp, trong đó có chiếc chở al-Baghdadi bị đánh lật; có tin nói anh tử thương, tin khác nói anh bị thương nặng.
Tin do viên chức bộ Nội Vụ Iraq và một sĩ quan cao cấp Iraq cho hãng tin Associated Press biết; giới chức Mỹ không nhận xét vế mức độ khả tín của bản tin, nhưng tối thiểu bản tin đó cũng không được tín nhiệm như bản tin loan báo việc giết bin-Laden, do chính miệng ông Obama công bố.
Dĩ nhiên, cái chết hoặc tình trạng thương tích nặng đến mức bất khiển dụng của al Baghdadi -nếu quả anh ta có bị trúng thương trong cuộc oanh kích của không quân Hoa Kỳ- sẽ tạo nhiều thay đổi trong hàng ngũ IS, như cái chết của bin-Laden đã làm tê liệt hoạt động của al-Qaeda.
Giới tù trưởng bộ lạc Iraq khẳng định là Abdul Rahman al-Athaee -bí danh Abu Saja- cũng bị giết trong cuộc oanh kích này; Abu Saja là phụ tá thân tín nhất của al-Baghdadi, hai người thường đi chung trong mọi cuộc xê dịch, lần này còn có đoàn "ngự lâm quân" -lực lượng vệ binh thân tín của al-Baghdadi tháp tùng bảo vệ thiên tử.
Cuộc không kích hôm 11/10/2014
Xuất hiện trong chương trình Andrew Marr Show của đài BBC, Tướng Nicholas Houghton, tham mưu trưởng quân đội Anh nói ông tin là al-Baghdadi có mặt trong đoàn xe bị không quân tấn công, tuy nhiên Houghton không đặt nặng vai trò của al-Baghdadi trong đà bành trướng của IS.
"Tôi không vội tin là việc loại trừ được một tên trùm khủng bố, giúp giải quyết nạn khủng bố tại Trung Đông," Houghton nói.
Ngũ Giác Đài phổ biến một thông cáo không khẳng định việc giết hay đả thương al-Baghdadi, mà chỉ khẳng định công cuộc không kích vẫn tiếp tục là hình thức tấn công quân khủng bố. Ngày hôm sau, quân chính phủ Iraq tiến được vào thị trấn Baiji, một chiến thắng quan trọng giúp họ kiểm soát vùng dầu hỏa.
Trong dịp này, Tổng Thống Barack Obama ca tụng khả năng rất hữu hiệu của không quân Hoa Kỳ; ông nói, "Chúng ta chỉ còn cần lực lượng bộ binh Iraq đủ mạnh để phối hợp với sức mạnh của không quân."
Độc giả Tây Phương không muốn tin là al-Baghdadi -tên đồ tể lạnh lùng sử dụng chiến thuật cắt đầu con tin và cắm thánh giá vào cổ họng nữ tín đồ Thiên Chúa Giáo- lại cũng có vợ, có con, và cũng thương yêu vợ, con như mọi người khác; nhưng đó là chuyện có thật -al-Baghdadi đã liên lạc với chính phủ Syria, đề nghị nhiều nhượng bộ để đánh đổi việc phóng thích bà Saja al-Dulaimi.
Một cầu thủ, cựu sinh viên trường đại học Adhamiya -ông Abu Ali- cũng khẳng định al-Baghdadi là một thanh niên bình thường, bạn học với ông. Ông nói ông không thể nào tin được là cậu sinh viên al-Baghdadi lại có thể là thủ lãnh lực lượng IS.
"Nó là cầu thủ trong đội bóng của trường," Abu Ali nói, "Đẹp trai, nhưng nhát gái, lại rất hiền từ, rất lễ độ với mọi người;" Ali lắc đầu phủ nhận tên cường đạo, sát nhân không thể nào là người cầu thủ trong đội bóng của trường mà ông quen biết.
Một nhà trí thức Tây Phương -tiến sĩ Theodore Karasik- hiện đang là giáo sư đại học tại Dubai, và là cố vấn cho cả hãng Risk Insurance Management của Mỹ lẫn tổ chức Russian Business Council của Nga tại United Arab Emirates, nhận định là không nên quan trọng hóa việc al-Baghdadi chết hay thoát chết trong cuộc không kích đêm 10 tháng 11.
Bà Saja al-Dulaimi
Karasik nói quân nổi dậy IS -thuộc giáo phái Sunni- cần có một lãnh tụ mà họ gọi là "caliphate" -nhân vật lãnh tụ này trước kia là Saddam Hussein, và hiện nay là al-Baghdadi. Cả hai đều quyền uy và hiếu sát; thế giới phẫn nộ trước những cuộc hành hình con tin của IS vì al-Baghdadi chủ trương biểu diễn cách anh ta giết người hầu tạo áp lực với thế giới Tây Phương, để đòi những số tiền chuộc lớn lao giúp trang trải nhiều chi phí quân sự. Saddam giết nhiều người hơn al-Baghdadi, nhưng không phô trương, nên Mỹ chỉ tấn công ông ta vì tưởng là ông ta đe dọa Mỹ bằng vũ khí nguyên tử.
Chỉ riêng Mỹ và Anh chống lại việc chuộc mạng con tin, nhiều quốc gia khác vẫn âm thầm trao tiền chuộc cho gia đình nạn nhân, để những gia đình này trực tiếp điều đình với quân IS.
Thuyết của ông Karasik là tín đồ Sunni cần một người lãnh đạo -một vị "caliphate"; ông cho là qua quyết định treo cổ Saddam Hussein, tổng thống Bush đã tạo ra khoảng trống vắng quyền lực trong hàng ngũ người Sunni, và tạo ra nhu cầu tìm một vị caliphate khác.
Anh cựu sinh viên đẹp trai al-Baghdadi, nhát gái nhưng vẫn có đến ba vợ, được tuyển lên sân khấu chính trị, đóng vai caliphate; anh chỉ là một hình tượng, được dựng lên thay vào chỗ hình tượng Saddam Hussein bị tổng thống Bush hạ bệ.
Nói Bush nặn ra thần tượng al-Baghdadi cho người Sunni dĩ nhiên là nói quá đáng, ông chỉ tạo ra khoảng trống trên cái bệ đã sẵn có của tín đồ Sunni, để rồi chính tay người Sunny đem al-Baghdadi đặt lên bệ.
Obama cũng không chủ trương đập vỡ bức tượng al-Baghdadi, nếu al-Baghdadi bị giết trong đêm không kích 10 tháng 11 thì đó cũng chỉ là một trong vô vàn chuyện tình cờ của chiến tranh; hơn bất cứ ai, Obama biết việc giết lãnh tụ không giải quyết chiến tranh IS, vai trò lãnh chúa caliphate là một nhu cầu của tín đồ Sunny, giết chết người này, họ thay bằng một người khác.
Nhưng Obama vẫn nắm trong tay quyền lực giải quyết cuộc chiến tranh Iraq, nếu ông tự nêu lên được 2 câu hỏi; câu thứ nhất, "lý do nào khiến Hoa Kỳ phải bênh vực giáo phái Shiite chống giáo phái Sunny?" và câu thứ nhì, "sau ngày 30 tháng Chạp 2006 -ngày treo cổ Saddam Hussein- tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại Iraq có tốt đẹp hơn những năm tháng trước ngày 20 tháng Ba 2003 -ngày Hoa Kỳ xua quân tấn công Iraq, lật đổ và giết chết caliphate Saddam Hussein không?"
Chọn giải pháp trợ chiến cho phe Shiite, Obama chọn giải pháp chiến tranh, chọn kéo dài một cuộc chiến sẽ vẫn còn ác liệt sau ngày ông mãn nhiệm; khả năng quân sự vô cùng lớn lao của Hoa Kỳ cũng không đủ giúp ông đánh xập được cái bệ để dựng thần tượng caliphate; cũng như ông Bush giết caliphate Saddam Hussein, Obama chỉ có thể giết caliphate al-Baghdadi, để rồi lại nặn ra một caliphate khác cho một vị tổng thống khác của Hoa Kỳ tiếp tục đối phó.
Cuộc thử thách tài trí của Obama là trong gần hai năm còn nắm quyền tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, ông có đem được người lính Mỹ dứt khoát ra khỏi chiến trường Trung Đông, ra khỏi cuộc tranh chấp sắt máu giữa tín đồ Shiite và tín đồ Sunni để tranh dành quyền sinh sát vô nhân đạo hay không.
Cuộc chiến tranh tôn giáo đó không trực tiếp liên quan đến Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét