khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Nguyễn văn Hoàng nhắn gửi K1 :"Quyển "Gió heo may đã về" dựa theo các bài hát của Trịnh Công Sơn bàn về tuổi khi gió thu về như anh em mình, Như bài viết của một người nó về Bác sĩ Đổ Hồng Ngọc như sau: "





Đón tuổi già êm ả
Nguyễn Vũ Tiến (Theo báo Đoàn Kết, 1.10.2012)


“Già ơi… chào bạn!”, “Gió heo may đã về…”, bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc có những cuốn sách, bài viết, đề tựa khá hóm dành cho những ai muốn chào đón tuổi già của mình. Đối với ông, tuổi già là bạn nên phải chào đón nó! Bao nhiêu tuổi là già? Có người cho rằng trên 50 tuổi là già, có người bảo 70 tuổi mới là già vì “thất thập cổ lai hi” (người 70 tuổi xưa nay hiếm). Thế nhưng, theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, có người mới 20 tuổi đã “rất già” vì suốt ngày ngồi ở quán xá, rầu rĩ, buồn chán cuộc sống, nhưng có người 70, 80 tuổi vẫn “rất trẻ” vì họ giữ được cuộc sống năng động, tinh thần lạc quan.


Tôi tâm đắc điều mà vị bác sĩ này trực diện với tuổi già khi ông bảo: “Che giấu nó, trốn chạy nó, dối gạt chính mình hay chấp nhận nó , mỉm cười với nó, điều chỉnh mình… là tuỳ mỗi chúng ta, tùy mỗi cá tính và tùy mỗi nền văn hóa. Nơi người ta tôn trọng người già, người ta hãnh diện vì già, muốn mau già. Nơi người ta tôn trọng tuổi trẻ, hất hủi tuổi già thì người ta có khuynh hướng trốn chạy, xua đuổi tuổi già. Nhưng dù muốn hay không muốn, tuổi kiểu gì cũng cứ đến, lù lù đến, xồng xộc đến”.


Kỹ năng sống tuổi nào cũng cần học, đâu phải chỉ tuổi trẻ. Biết một lại muốn biết hai, vì mỗi người đều có quyền chọn lựa cách sống của riêng mình. Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất mà theo bác sĩ Ngọc, nếu giải quyết được sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”. Tôi đã học những kỹ năng cơ bản đón già mà ông bác sĩ này chỉ dạy, thấy khá thú vị. Mỗi lúc chợt quên lại mở sách ra… học lại.


Ba nỗi khổ già, như đã nói trên, một là thiếu bạn, thứ hai là thiếu… ăn! Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động! Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Vậy tại sao người già lại không học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Về chuyện thiếu ăn, thiếu năng lượng, phần lớn là do sợ bệnh nên không dám ăn, ăn thiếu dinh dưỡng khiến sức khỏe mệt mỏi, dễ dẫn đến nhăn nhó. Chuyện ăn uống vì vậy nên lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Miễn đừng quá mặn, quá ngọt… là được. Cách ăn cũng vậy. Cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chứ không chỉ từ bao tử. Việc vận động thì cần làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng … kỹ thuật, để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh…! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ… Bác sĩ Ngọc nhắn nhủ: “Giải quyết được “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng vậy”. Và mỗi người hãy tự chăm sóc sức khỏe của mình ngay từ hôm nay chứ không phải đợi đến khi tuổi già.


Quanh tôi có những người tuổi cao vẫn bị cái nghèo bủa vây. Vẫn chính là cách sống, cách suy nghĩ lạc quan quyết định quãng đời còn lại. Tinh thần phải được đặt lên trước thể chất vì tuổi già khó tránh được bệnh tật. Giàu nghèo đều có thể tham gia sinh hoạt cộng đồng để giữ các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội, sống gần gũi thiên nhiên… Sẽ không thiếu cơ hội gặp gỡ, sẻ chia, để thấy “nghèo như mình vẫn còn khỏe chán”, còn bạn hữu sẻ chia, cháu con hiếu thảo…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét