khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Tình Bidong -- Nguyễn thị Hải Hà



Đảo Bidong, Mả Lai

Khi tôi thức giấc bác Hải đã đi rồi vì tôi thấy xe của Bác không còn đậu trước sân. Tôi hỏi mẹ.

- Mẹ có thấy bác Hải hơi weird không?

- Kỳ cục như thế nào? Đêm qua con và bác thức khuya quá, to nhỏ cả đêm. Thế con có ghi nhận được gì để viết không?

- Weird ở chỗ bác thoa kem dưỡng da lên mặt lên cổ, cả bàn tay nữa. Móng tay của Bác cũng được cắt và sơn bóng nữa. Từ trước đến nay Bác là người đàn ông đầu tiên con biết làm đẹp kỹ như thế.

- Thoa kem dưỡng da thì có ăn nhằm gì. Chẳng những nhuộm tóc, bác còn cắt mỡ mi mắt, chích Botox, nip and tuck nữa chứ. Bác cố giữ cho trẻ mãi không già.

- Bác vẫn chưa lập gia đình hả mẹ?

- Chưa. Bác chẳng chịu ai mà cũng chẳng ai chịu Bác.
 
Bác Hải có họ hàng xa với gia đình tôi nhưng tôi chẳng biết quan hệ như thế nào. Người Việt tôn ti trật tự đủ thứ kiểu xưng hô, tôi chỉ biết Bác là uncle vì mẹ tôi bảo thế. Bác Hải tính ra có lẽ đã hơn sáu mươi, nhìn Bác khó mà đoán tuổi. Tóc bác đen nhánh nhưng đã thưa. Da mặt Bác không có nếp nhăn nhưng không còn trẻ khỏe. Bác trắng đến nhợt nhạt, tuy thế nhìn Bác vẫn thấy được một người đã có một thời tuấn tú. Trông Bác tôi tưởng tượng Keanu Reeves khi về già cũng sẽ giống như Bác. Tôi muốn tìm hiểu về boat people, về cuộc sống của thuyền nhân ở trại tị nạn. Mẹ tôi không muốn nói chuyện quá khứ, “vì nó u tối, buồn bã, và mẹ không đủ tiếng Anh để nói.” Mẹ đề nghị tôi nói chuyện với bác Hải vì chẳng những Bác đã từng sống ở đảo Bidong, Bác còn có thể kể có ngạnh có nguồn vì bác thường hay viết văn viết báo. Tối qua bác Hải đến thăm gia đình tôi và mẹ tôi mời Bác ăn cơm tối.
 
Bác Hải ra sân sau ngồi hút thuốc. Tôi giúp Mẹ sắp chén đĩa vào máy rửa chén. Sau đó tôi mang chai wine còn hơn phân nửa ra ngồi nói chuyện với Bác. Để tránh muỗi tôi nhóm lửa trong cái chậu sành to, và để có thể ngồi lâu, tôi mang ra lạc rang và mực sấy. Bác Hải ôm cây đàn gỗ của tôi khảy chập chùng một bản nhạc quen thuộc.

- Bài gì thế bác?

- Biển Nhớ.

Bác rít một hơi thuốc. Đốm lửa làm mặt bác ửng hồng trong bóng tối. Sau lưng bác là rừng, mấy bụi hoa kim ngân vừa bắt đầu nở, hương thơm dìu dịu trong đêm hè. Đom đóm bắt đầu bay lập lòe.

- Chắc Bác có nhiều kỷ niệm với bài hát này, nhất là thời gian bác ở đảo Bidong? Cháu muốn tìm hiểu về cuộc sống của những người ở đảo bác có thể kể cháu nghe không?

- Chuyện dài lắm kể bao giờ cho hết. Những chuyện thật sự đáng kể lại cho con cháu nghe là những chuyện đã nằm dưới lòng biển sâu. Còn chuyện của bác thì chỉ là kỷ niệm riêng tư nhỏ bé.
Bác Hải kể. Tôi chép lại trí nhớ của bác Hải theo trí nhớ của tôi. Nếu đây là một câu chuyện có thật thì sự thật này đã bị méo mó theo thời gian và trí nhớ của người kể cũng như người nghe. Tôi tên là David, sinh năm 1981.
 
*****
 
Bidong là một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Mã Lai, diện tích chừng một kí lô mét vuông. Cuối thập niên bảy mươi đầu thập niên tám mươi, có lúc đảo chứa độ bốn mươi ngàn người tị nạn. Có khi hơn. Mật độ đông người hơn cả Thượng Hải hay thành phố New York gấp mấy lần. Đi đâu cũng thấy người chen chúc. Đảo được chia ra nhiều khu. Khu A, B, C, và D  có bãi biển cát trắng, cạn và lài có thể tắm được. Khu A và B có chỗ cho tàu chở người tị nạn, xà lan chở thức ăn và thuốc men cập bến. Dọc theo bãi biển khu A và B, dẫn đến chỗ ở của Cao Ủy có hàng dừa rợp bóng. Dưới hàng dừa này người ta họp chợ bán cá tươi mới vừa lưới được. Trên đảo có bệnh viện do các bác sĩ ngoại quốc và Peace Corp đến giúp. Khu C và D có nhiều hàng quán cà phê, cửa hàng bán vải. Trên đảo có chùa, nhà thờ, thư viện chứa một số sách tiếng Anh, và một xưởng kỹ thuật dạy nghề cho dân sống trên đảo chờ ngày đi định cư. Dù cuộc sống tạm bợ và thiếu thốn, người tị nạn cố gắng thiết lập một xã hội nho nhỏ mô phỏng cái xã hội miền Nam họ vừa bỏ lại sau lưng.
 
Từ ngoài khơi nhìn vào, đảo được viền bằng những cái hộp vuông nhiều màu phần lớn là màu xanh. Xanh dương đậm ngã sang tím sẫm, xanh nước biển, xanh aqua, xanh turquoise, xanh da trời, xanh trứng sáo, và xanh của lá cây đậm nhạt. Lên đảo mới thấy đó là màu của những tấm vải bạt bằng nhựa dày, mái che những túp lều cất bằng cành cây, gỗ vụn, và tre của người tị nạn. Đa số những túp lều này là những căn nhà sàn cách mặt đất chừng một thước nước mưa nước biển và cũng để tránh chuột.
 
Khu F ở tuốt trên cao, gần đỉnh của đảo. Đó là một dãy nhà dài vách gỗ mái tôn, ngăn ra thành những căn nhỏ, đủ cho một gia đình. Mỗi căn có một gác lửng và một cái divan ở tầng dưới. Dãy nhà dài này chưa hoàn tất khi tôi đến nhà không có điện, phía sau nhà vẫn chưa được lắp gỗ nên có thể nhìn thấy những căn nhà phía dưới. Trước nhà, chỗ đáng lẽ là sàn gỗ thì chỉ có mấy cái khung và nền đất. Vài tháng sau chúng tôi có điện khi trời vừa sụp tối và điện sẽ cúp vào giờ đi ngủ. Trên đảo chẳng mấy ai có đồng hồ hay chú ý đến thì giờ. Bây giờ nhớ lại có lẽ khoảng mười giờ tối thì cúp điện.
 
Tôi được cho ở căn thứ nhì của dãy nhà dài thứ nhất kể từ đỉnh đồi đếm xuống. Căn thứ nhất có tấm bạt che làm cửa nhà của cặp vợ chồng trẻ. Anh chồng gốc Hoa con nhà giàu, chị vợ là vũ nữ được anh trốn nhà dẫn đi. Căn thứ nhì của hai cô gái đến trước tôi. Căn thứ ba của một nhóm thanh niên rất đông. Họ có thể chia thành những nhóm nhỏ và dọn sang những căn bên cạnh nhưng họ thích ở chung với nhau. Đứng ở cửa tôi có thể nhìn thấy con đường đất nhỏ đủ một người đi. Con đường nằm trên cao hơn cửa vào nhà chừng hai ba bước chân. Bên trên, đi một đỗi nữa mới đến đỉnh đồi. Chung quanh vẫn còn rừng với rất nhiều cây cao.
 
Hai cô gái đến trước tôi chiếm căn gác, còn tôi ngủ ở divan tầng dưới. Mấy hôm sau một cô dọn nhà xuống khu C ở chung với người yêu. Khu C ở ngay dưới chân đồi. Đứng ở sau nhà tôi có thể nhìn thấy khu C, nơi đó có giếng nước ngọt nên nhiều người trồng được rau. Chẳng hiểu nhờ đâu mà có rau muống, còn rau dền dại thì mọc nhiều, chỉ cần tưới nước là có rau để ăn. Lang thang  một vài nơi còn nhiều cây rậm rạp tôi thấy mấy cây muỗm trái thật sai. Những người không leo cây được nhặt muỗm rụng về ngâm muối hay nước mắm hay nấu canh. Cô gái ở lại, có lẽ trẻ hơn tôi. Cô có giọng nói rất khó nghe. Cô nói nhanh tôi chỉ nghe tiếng líu ríu trầm bổng như tiếng chim. Ban đầu tôi tưởng cô nói tiếng ngoại quốc, nhưng lắng tai nghe kỹ và khi cô nói chậm lạ, tôi đoán cô ở một nơi nào đó thuộc miền Trung. Tuy nhiên giọng miền Trung của cô không giống bất cứ giọng miền Trung nào tôi đã từng nghe qua. Cô có mái tóc rậm, những lọn tóc trên trán loăn xoăn, da sậm, thoạt nhìn trông cô giống thổ dân Phi. Tóc chỉ chấm vai, nhưng cô thường cột búi phía sau nên trông cô già trước tuổi. Khi tôi thắc mắc về thân thế cũng như giọng nói, cô trả lời một hơi như đã quen bị phỏng vấn như thế này:

- Em ở đảo Phụng Quì. Em đi chung với mấy người trên đảo ở căn bên cạnh. Tụi em ở cùng làng, cùng đảo, đi biển đánh cá từ khi còn nhỏ nên như là người trong gia đình. Anh tên gì?

- Hải. Còn em?

- Em tên Biển.

Cô cười. Nụ cười của cô làm tôi nghĩ cô vừa bịa ra cái tên để trêu tôi. Cô xưng em ngọt quá làm tôi thấy dạn dĩ hơn, nên ghẹo cô.

- Ừ! Anh cũng là Biển. Đây là biển lớn, đó là biển nhỏ. Cuộc sống ở đây như thế nào vậy em?

- Ở đây người ta phát gạo, dầu ăn, nước mắm, muối, đường, đậu xanh. Thỉnh thoảng có thịt gà tươi hay cá hộp. Kem đánh răng, xà bông, nhiều lắm xài không hết. Có người dùng kem đánh răng để gội đầu, cho mát. Có anh về đây ở chung đỡ sợ ma. Củi thì vào rừng nhặt cành cây khô.

- Ở chung với người lạ như thế này có phiền em không?

Cô hướng mặt ra cửa, tay dang ra chỉ về hướng bên phải.

- Trên kia có cái nghĩa địa chừng bốn năm ngôi mộ. Một chị treo cổ tự tử khi mới vừa lên đảo, một ông cụ bị dừa rơi xuống trúng đầu, còn mấy ngôi mộ kia em không biết. Người ta nói ở đây có ma. Không phiền đâu. Có anh đỡ sợ ma. 
 
Độ hơn một tuần sau khi tôi dọn vào tôi bị đau mắt cấp tính. Trước khi tôi lên tàu cả Sài Gòn đang có dịch đau mắt cấp tính. Cả chuyến tàu tôi đi, khi lên bờ người nào cũng bị mắt đỏ. Có lẽ trẻ và khỏe mạnh hơn nên mãi hơn một tuần sau tôi mới bị đau mắt, nhưng bị rất nặng. Mắt tôi đổ ghèn, sưng húp. Từ trưa tôi đã bị sốt và đến tối thì run cầm cập. Chiều hôm ấy có cơn dông. Gió thổi thốc từ đằng trước ra đằng sau nhà, lộng mái rung rinh. Lúc mới lên đảo, tôi ngủ không cần đắp chăn. Những người đi trước có để lại cái chăn mỏng cũ sờn. Tôi chê dơ chê hôi không dùng. Biển nhúng khăn ướt đắp lên trán tôi. Trong cơn sốt, tôi cầm tay Biển thấy mát rượi. Tôi áp tay nàng lên má tôi. Người tôi càng sốt tôi càng run. Biển lấy mền đắp cho tôi. Tôi nói:

- Lạnh quá! Ôm anh cho ấm chút được không?

Biển lên divan ôm tôi. Gần sáng cơn sốt hạ đi tôi tỉnh giấc trong vòng tay Biển, người tôi lăn tăn cảm giác thèm muốn. Tôi vuốt ve lần lên ngực nàng và thì thầm:

- Cho anh nhé?

Biển không kháng cự khi tôi cởi áo quần của nàng. Tuy nhiên, dù rất thèm muốn thằng bé không chịu vâng lời tôi, nên hì hục mãi tôi vẫn không thể nhập vào bên trong của nàng. Có lẽ cơn sốt và nhiều ngày thiếu ăn khiến tôi yếu đi. Tuy nhiên vài ngày sau tôi lại gõ cửa vườn đào và lần này tôi thành công.

Dân Bidong có một câu nói lề: Tình Bidong có lít thì dông. Có lít tức là có tên trong danh sách (list) người đi định cư. Câu nói hàm ý tình yêu ở Bidong thường tan rã khi người ta rời đảo. Có danh sách đi định cư như là một cơ hội cho người ta cao bay xa chạy chấm dứt những ân tình giả trá. Thật ra, việc định cư nằm ngoài sự quyết định của hầu hết dân tị nạn. Nhiều khi đôi bên yêu nhau thành thật nhưng bị đưa đi định cư mỗi người một ngã. Rồi thì xa mặt cách lòng. Tôi không phủ nhận cũng có những trường hợp lừa dối.

 
Nghĩ cho cùng, Bidong là nơi thuận tiện để người ta yêu nhau. Nắng hạ ươm vàng, biển xanh bất tận, sóng hôn bờ cát trắng muôn đời. Thời giờ trên đảo có thừa, ngoài một số ít thời gian học Anh ngữ, lãnh thực phẩm, chờ đợi nghe tên mình trên loa phóng thanh để được Cao ủy phỏng vấn, người ta không có gì giải trí ngoài việc yêu nhau. Người ra đi lúc bấy giờ thường là những người trẻ và khỏe để có thể chịu đựng những ngày lênh đênh sóng gió trên biển và có thể gầy dựng tương lai ở xứ người.

Trẻ nên cơ thể phát triển, háo hức, thèm muốn, đòi hỏi. Thêm vào đó là thiếu vắng sự kiểm soát kềm chế của gia đình. Tôi với Biển, vừa là lửa vừa là rơm.
 
Tôi không phải là người lãng mạn thiếu thực tế. Gia đình tôi là công chức nghèo phải tom góp vơ vét hết tiền bạc trong nhà, thậm chí bán cả bát đĩa sứ, để cho tôi vượt biên. Tôi muốn dùng tất cả khả năng của tôi để kiếm sống và gửi tiền về giúp gia đình. Tôi không thể nghĩ đến tương lai xa vời trong lúc này. Điều quan trọng nhất là đi định cư càng sớm càng tốt, vướng vít thê nhi lại càng không nên.
 
Bidong, như Pleiku, đi năm phút đã về chốn cũ. Không tiền, xa gia đình, thì ai cũng thấy may mà có em đời còn dễ thương. Người ta chỉ khai thác mặt trước của đảo. Tôi dùng chữ mặt trước để chỉ phần đảo đối diện với đất liền của Mã Lai. Các khu A. B, C, D đều nằm ở mặt trước của đảo. Khu F ở gần chóp đỉnh của đảo. Nếu đứng ở khu F hướng mặt lên đỉnh đồi, khu G nằm bên tay trái, tôi không dám nói chắc nhưng đoán nó nằm ở hướng Bắc của đảo. Từ khu F có con đường núi dẫn khu G. Có rất nhiều nơi trên đảo không có người ở và không có đường đi. Tôi không còn nhớ chính xác vị trí nhưng có một nơi ở mặt sau của đảo, không được đặt tên chia khu, sau cơn mưa là xuất hiện ra một cái thác nhỏ tiếp theo dòng thác là một con suối nước rất mát và trong. Vượt qua đỉnh đồi khu F hướng về mặt sau của đảo là nơi có rất nhiều gành đá. Gió ngoài biển vào ngay mặt sau của đảo, nên gió mạnh, nhiều sóng lớn. Biển ở đây sâu người ta có thể từ trên gành đá nhảy xuống, hoặc chờ thủy triều lên ngồi trên gành đá thả chân xuống khuấy nước. Bên ngoài gành đá, không xa lắm, độ chục cái bơi sải là đến một hòn đá lớn hai ba người đứng lên được khi thủy triều rút. Khi nước dâng đứng trên gành đá có thể nhìn thấy hòn đá màu tím sẫm vì rong rêu và chung quanh hòn đá nước biển màu aqua vì ánh sáng mặt trời có soi tận đáy cát trắng. Nơi đây có rất nhiều cá đủ thứ màu, những con cá to chừng bàn tay bơi từng đàn.
 
Hôm ấy tôi đi bơi với Biển. Nàng mặc áo cánh màu sậm có hoa to, quần ngắn màu đen. (Cao ủy có nhiều quần áo cũ còn tốt, và những người biết may có thể đến xưởng may, sửa quần áo cho vừa người. Nhiều cô ăn mặc áo đầm và quần jean rất đẹp.) Biển nhảy xuống, thả ngửa bơi ra hòn đá. Cái áo trông quê mùa kín đáo nhưng khi thấm nước thì lộ liễu vô cùng. Hai trái ngực căng tròn trôi lấp lửng giữa những vòng nước tròn lan rộng ra, mặt trời sáng lung linh giữa những vòng tròn làm chói mắt. Tôi chỉ biết bơi chập chửng, kết quả của những ngày bơi chó trong hồ tắm với đám bạn học, nhưng những vòng tròn đầy mời gọi khiến tôi không thể nhịn thèm bèn lao theo nàng. Tôi tưởng tượng ở phía sau nàng, như hai con rắn biển giao nhau dưới nước. Không dễ. Khi tôi áp người nóng hổi vào phía sau nàng, Biển bơi ra xa. Dọc nước mãi cho đến khi chiều xuống, thủy triều lên, sóng đánh mạnh. Tôi bị sóng đẩy vào, lôi ra, dập tôi vào gành đá. Biển nói: sóng lớn, mệt rồi, thôi lên. Biển gối sóng leo lên gành đá dễ dàng, còn tôi loay hoay mãi không lên bờ được. Tay chân tôi cóng lại. Mặt môi tôi cũng tím đi. Biển lại nhảy xuống biển đỡ tôi từ phía sau, theo cơn sóng đưa vào, đẩy tôi lên gành đá. Mãi giúp tôi, những con hàu đóng trên gành đá cắt chân nàng chảy máu đầm đìa.
 
Một trong những cử chỉ yêu chìu của tôi mà Biển rất hài lòng là tôi thường mang nước giếng từ chân đồi khu C lên đỉnh đồi khu F cho nàng tắm. Nước giếng vừa mát vừa ngọt, chìu nàng cũng là chìu mình vì sau khi tắm nước giếng chúng tôi làm tình và ngủ rất ngon. Hình ảnh nàng tắm dưới ánh trăng trên đảo cũng là một hình ảnh rất gợi tình.
 
Biển là người xương to, có lẽ vì là dân làng chài nên cơ thể rắn chắc. Nàng không cao hơn tôi nhưng nhìn riêng người ta dễ có cảm giác vóc dáng nàng cao lớn hơn tôi. Có thể nói Biển không phải là mẩu người lý tưởng của tôi nhưng tôi tin tôi là mẩu người lý tưởng của nàng. Biển cho tôi cái cảm giác trong mắt nàng chỉ có tôi. Mỗi khi gặp tôi đứng chung với ai đó trên những con đường ở Bidong, mắt nàng như sáng lên và chỉ nhìn thấy tôi. Nàng yêu mến tôi một phần vì tôi đã làm thông dịch viên giúp những người đánh cá của đảo Phụng Quỳ ở kế bên.
 
Họ là một nhóm thanh niên đánh cá, cả chục người ở chung với nhau. Người lớn tuổi nhất tên là Nhất, chừng hai mươi lăm tuổi. Nhất chững chạc, có vẻ đầu đàn, khi anh nói những người kia vâng theo. Người nhỏ nhất là Chút, chừng chín tuổi. Họ ở cùng đảo Phụng Quỳ. Họ hiền lành, dễ thương, tính tình rộng rãi, nhưng họ hơi ồn ào và chửi thề dòn như bắp rang. Học vấn của họ rất ít. Nhất là người biết chữ nhiều nhất chỉ học hết lớp ba trường đảo. Họ nói cùng giọng với Biển và nhờ trò chuyện với Biển nhiều nên tôi hiểu được họ. Tôi thường làm thông dịch viên cho họ, vì những người thông dịch viên của Cao Ủy không hiểu cái tiếng Việt của đảo Phụng Quỳ. Với họ học tiếng Anh là chuyện rất khó khăn. Nhiều lần, anh Nhất nói đùa, “Phải chi anh Hải đi học giùm tui, tui đánh cá dùm anh.”
 
Để trả công tôi thông dịch, Nhất thường cho tôi cá. Ban đầu Nhất mướn thuyền của ngư dân Mã Lai. Mướn thuyền trả bằng cá. Dân Mã Lai biết mấy người ở đảo chẳng trốn đi đâu được nên bằng lòng cho mướn. Cá câu được, lưới được, họ đem bán, còn dư họ đem cho những người chung quanh. Nhất và các bạn dặn, đừng ăn những con cá màu, có vân hoa đẹp ở khu F, coi chừng ngộ độc. Họ thường câu loại cá có mũi kim dài độ hai ba tấc tùy theo cá lớn nhỏ, thân cá hơi dẹp và dài, có khi dài hơn một sãi tay. Cá có thịt trắng, trong xanh. Thiếu gia vị chỉ cần luộc cá cho chút muối, đôi khi nấu chung với muỗm hoang, vậy mà ăn rất ngon. Nhóm thanh niên đảo Phụng Quỳ được nhận đi định cư ở Úc. Họ rất sợ bị “xù” vì ít học và chỉ biết nghề đánh cá, nên được đi định cư họ rất mừng. Trước khi rời đảo họ tổ chức ăn mừng bằng cách đánh bài, uống nước lã, và ca hát và chửi thề rất nhộn nhịp.

Để tránh ồn ào, Biển rủ tôi đi ngắm trăng ở khu G. Đường đến khu G khó đi và người ta lại đồn đãi là ở đó có ma nên ban đêm chắc chắn là không ai đến. Biển khu G rất sạch, cát trắng có trộn lẫn nhiều mảnh vỏ sò, tuy đã bị sóng nhồi vỡ nát nhưng không đủ mịn. Những nơi không có vỏ sò thì lại có rất nhiều san hô trắng chìm lập lờ dưới nước. Không phải là chỗ tắm lý tưởng nhưng là chỗ ngắm trăng lên rất tuyệt. Tôi mang theo một cây guitar cũ của một thằng bạn đi định cư để lại. Dù tôi không giỏi đàn hát, nhưng có cây đàn cũng giúp không khí tăng thêm phần lãng mạn.
 
Đêm tháng Sáu, trời rất ấm và biển êm. Chúng tôi ngồi là một mõm đá, mặt phẳng rộng, nhô ra bãi biển. Bên trên cao hơn một chút có một mõm đá khác nhỏ hơn ngắn hơn, che mõm đá chúng tôi ngồi như một mái nhà. Biển nói:

- Tháng này, ở quê em trăng màu vàng sậm như mật ong.

- Anh tưởng mặt trăng chỉ sáng màu trắng thôi chứ.

- Không đâu anh, có một đôi lần trăng mới lên to, đỏ sậm như gạch nung rồi khi lên cao biến thành màu nâu.

Tôi đàn bâng quơ một vài bản vụng về, rồi cất đàn sang một bên. Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau và có cảm giác thời gian như ngừng lại. Mặt trăng màu vàng sậm treo lửng lơ bên dưới những ngọn cây rừng và nằm mãi ở đó chứ không chịu lên cao.

- Em có thuộc bài hát nào về trăng không?

- Cô kia tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.

- Hay đó. Câu này nói trăng có màu vàng nhưng không nói là vàng như mật hay vàng như đường mía.

- Ai mua trăng tôi bán trăng cho, trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ. Ai mua trăng tôi bán trăng cho. Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.

- Em có biết bài này của ai không?

- Không biết. Em nghe trong một bài hát. Anh biết không?

Tôi cũng không biết nhưng nói liều. Nghĩ rằng cứ nói một cái tên người nào đó thì cô gái dân chài này cũng chẳng biết đúng hay sai.

- Của Hàn Mặc Tử đó em.

- Anh giỏi quá ha. Em còn thuộc vài câu nữa, có mấy bà cụ trên đảo thỉnh thoảng hát ru trẻ con. Vầng trăng ai xẻ làm đôi. Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường.

- Câu này ở trong truyện Kiều. Các cụ xưa, cả mẹ anh cũng thế, hay đọc thơ Truyện Kiều, gọi là lẩy Kiều. Anh có biết hai câu này: Trăng nằm sóng soải trên cành liễu. Đợi gió đông về để lả lơi.
Hai câu thơ này gợi lên hình ảnh của xác thịt. Tôi ôm Biển, chúng tôi cùng quàng tấm chăn mỏng nàng mang theo. Thường khi Biển đáp ứng cơn ham muốn của tôi nhưng đêm nay nàng từ chối. Thôi anh. Em chỉ muốn ngồi chơi ngắm trăng. Tôi nói vào tóc Biển.

- Không làm tình cũng được, nhưng anh thích nhìn em khỏa thân giữa biển trăng. Em cởi áo quần cho anh ngắm rồi anh sẽ hát em nghe.

Nàng ngần ngừ một chút rồi cũng chìu ý tôi. Cởi quần áo, dường như Biển cũng cởi bỏ lớp vỏ của một cô gái làng chài. Nàng đá nước tung tóe. Nước biển ngời lân tinh lóng lánh giữa hai đùi. Trông nàng đẹp hơn bình thường, không biết vì tôi đã quen mắt với nàng hay vì ánh trăng giữa khung cảnh núi đồi và sóng biển đã mở đôi mắt tôi.

Tôi hát cho nàng nghe một bài nhạc Pháp tôi đặt lời Việt.

Nếu em sẽ ra đi, giữa nắng hạ lung linh. Khác gì em mang theo, cả bầu trời mông mênh. Và những cánh chim âu, gãy cánh trong mây sầu. Hạt tình vừa mới ươm. Tim đôi ta đắm say.  Ngày vừa mới rạng đông. Đêm dài như dòng sông. Ánh trăng thề đứng yên. Lời tình ca triền miên …

Nếu em ở lại đây, anh dệt áo bằng mây, nhưng dứt áo ra đi, xin để lại tình yêu, vương trên những ngón tay và trên mắt môi cay…

Biển đấm nhẹ vào vai tôi. Thôi ông ơi, trước sau gì cũng phải đi. Nghe lời anh ở đây hoài có mà chết đói. Chúng tôi nằm úp thìa trên tảng đá nói chuyện vu vơ. Mặt trăng vẫn yên lặng với màu mật ong óng ả. Khi tôi thăm dò lần nữa thì Biển ưng thuận. Tôi yêu cầu:

- Yêu nhau xong rồi em đừng đẩy anh ra, cứ để yên trong đó nhé, anh thích thế.
Chúng tôi yên lặng yêu nhau. Biển không nói nhưng tôi nghĩ nàng biết tôi không thể cho nàng những thứ nàng mơ ước. Chúng tôi không thề thốt hứa hẹn điều gì. Khi hôn nàng, trên má nàng những hạt nước biển chưa kịp khô.

Khi tôi tỉnh dậy chân trời đã có ánh hồng. Xa xa những chiếc thuyền đánh cá của Mã Lai túa ra giống như những con chim én màu đen bay sà trên mặt nước. Không thấy Biển đâu, tôi chạy vội về căn nhà ở khu F thì hay tin Biển đã rời đảo Giọng hát của Lệ Thu với bài Biển Nhớ bay lãng đãng trên những ngọn cây cao còn ướt hơi sương. Dù đã nhiều lần nghe Lệ Thu hát trước và bài Biển Nhớ hầu như hàng ngày khi ở trên đảo, lần đầu tiên bài hát làm tôi chảy nước mắt.

 
Bác Hải ngừng kể, giọng nói có phần xa vắng. David, khơi lại ngọn lửa, rót thêm wine vào ly của ông Hải. Im lặng chờ đợi.
 
Tôi trở lại căn nhà ở khu F thấy có một tờ giấy gấp lại theo hình phong bì. Bên trong là một tờ giấy năm đồng Mã Lai và bốn câu thơ:

Thuyền về Đại Lược,
Duyên ngược Kim Long.
Đến đây chỗ rẽ giữa dòng,
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào.

Bài thơ được viết bằng nét chữ ngay ngắn, đẹp nắn nót. Tôi đoán, Biển nhờ người nào đó viết dùm, chứ có lẽ nàng không biết mấy câu thơ này, vì chính tôi cũng không biết những câu thơ rất hay này. Tôi không nghĩ là Biển viết chữ thành thạo như thế dù tôi chưa hề nhìn thấy nét chữ của nàng. Ở câu thứ ba chữ nhòe đi như được viết trên giấy hơi ướt, tôi đoán là chữ giữa dòng, nhưng rất có thể đó là hai chữ của lòng.

Ngày được tin tôi được Mỹ theo sự bảo lãnh của chú tôi, hai đứa tôi nấu chè đậu xanh ăn mừng. Tôi viết cho Biển địa chỉ nhà chú tôi, cũng như địa chỉ nhà tôi ở Việt Nam. Dù chúng tôi chưa hề hứa hẹn chuyện lâu dài, tôi biết Biển mến tôi. Thật ra tôi còn nghĩ là nàng yêu tôi nhiều hơn tôi yêu nàng. Nếu muốn, chúng tôi có thể gặp lại nhau. Biển nói vì nàng ở đảo xa xôi, trên đảo không có Bưu điện, chưa có chỗ ở cố định ở Úc, khi cuộc sống ổn định sẽ liên lạc với tôi.

- Em sẽ viết thư cho anh địa chỉ và số điện thoại của em.
 
Sau khi Biển đi rồi, tôi ở lại Bidong thêm bốn tháng. Người Mỹ có câu sự vắng mặt làm tình cảm gắn bó hơn câu nói này đúng với tình cảm của tôi. Biển đi rồi nhưng hình ảnh của nàng càng ngày càng đậm nét và tràn đầy trong tư tưởng tôi. Những đêm khuya gió lộng tôi nhớ hai đứa ôm nhau đắp cái chăn vừa cũ vừa bẩn. Tôi dọn đến ở với đám bạn vì căn nhà trở nên trống vắng quá nhìn chỗ nào cũng thấy bóng dáng nàng. Có một kỷ niệm mỗi lần nghĩ đến là tôi buồn cười. Giữa trưa hai đứa tôi đang quấn lấy nhau, môi tôi dán chặt môi nàng để khóa khẩu, cố tránh gây tiếng động. Chợt Biển ngừng lại đẩy tôi ra. Ngó chung quanh chẳng có gì ngoài cái lon nhôm uống nước, nàng cầm lấy cái lon nhôm ném mạnh lên vách gỗ ngăn với căn gác của đám con trai đảo Phụng Quỳ. Thì ra đám con trai nhà bên cạnh biết những trò giải trí của hai chúng tôi nên lén xem qua khe vách.
 
Trước ngày tôi đi định cư tôi tình cờ gặp Thanh ở gần trường Huấn Nghệ. Thanh là một trong đám thanh niên đảo Phụng Quỳ, bị hoãn định cư vì trước ngày rời đảo đã đánh nhau với một người đánh cá Mã Lai. Trong khi các bạn Thanh đều được nhận đi Úc thì Thanh vẫn chưa biết sẽ về đâu. Tôi hỏi về cuộc sống của Thanh ở đảo Phụng Quì.

- Thanh có ở gần nhà Biển không?

- Không. Trước kia ba má chị Biển ở trên đảo nhưng sau đó dọn về Phan Thiết để chị đi học. Nhờ vậy mà chị được học đến hết lớp mười hai chứ nếu ở đảo chắc cũng chỉ học đến hết lớp hai lớp ba như tụi em. Chị Biển nhờ có học nên được phái đoàn cho đi Mỹ chứ không bị Mỹ xù như em. Chị giả bộ tên Biển để chọc anh chơi chứ tên thật của chị là Ngò, họ Bùi. Tụi em hay gọi chị là bụi ngò. Đưa tay mà ngắt bụi ngò. Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ. Chị nói đứa nào nói thật tên tau, tau xui ông nỏ lờm thông dịch cho tụi mi là tụi mi rồi đời, ở làm chúa đảo luôn.
 
Tôi ngỡ ngàng nhưng không muốn nói thêm vì sợ Thanh biết là tôi mù mịt về thân thế của nàng, thậm chí tôi còn ngờ là cô là người ít học, và hiểu lầm cả nơi định cư. Một phần Biển ít nói, một phần tôi ít khi ở nhà. Tôi chỉ về nhà để ăn ngủ và làm tình. Tôi mất liên lạc với Biển từ đó. Sang Mỹ tôi ở với chú tôi một thời gian. Hằng ngày tôi trông đợi một lá thư hay một cú điện thoại của cô nàng sống chung với tôi như vợ chồng suốt hai tháng trời ở Bidong. Theo đúng như lời Thanh nói thì Biển cũng ở Mỹ như tôi thì chuyện liên lạc thăm hỏi nhau không phải là chuyện khó. Thế mà nàng biệt tăm, như một cánh chim bay mất vào cuối trời.
 
Có lẽ nàng giận tôi. Có lần tôi rủ đám bạn đến nhà tôi ở khu F chơi. Biển chiên cơm mời tôi và các bạn. Chúng tôi đứng chung quanh bàn ăn, và chỉ có hai cái ghế, một cái dành cho Biển với tư cách chủ nhà. Tôi nghịch ngợm kéo lùi cái ghế trong khi Biển đang ngồi xuống làm nàng té ngồi trên đất. Biển cười gượng, ánh mắt nàng tối lại. Một lần khác tôi dẫn Hà về ăn chè đậu xanh Biển nấu. Hà là học trò tôi dạy kèm Toán Lý Hóa ở Sài Gòn. Biển dặn tôi về ăn chè đậu xanh Biển chờ. Hôm ấy tôi về trễ Biển đã đi ngủ sớm. Tôi biết nàng chỉ nằm im trên gác giả vờ ngủ. Tôi nằn nì mời Hà vào ăn chè dù cô học trò nhỏ nhắn và xinh xắn ấy từ chối mãi. Ăn xong tôi đưa Hà về. Đêm đó khi tôi đòi yêu, Biển chìu tôi trong im lặng. Tôi có cảm giác má nàng ướt không phải chỉ bởi mồ hôi của đêm hè trên đảo. Cũng có thể nàng giận vì đêm cuối cùng ở biển, trong lúc tâm tình tôi tò mò hỏi, trong chuyến đi nàng có bị hải tặc xâm phạm không? Biển làm thinh rất lâu không trả lời mà nói sang chuyện khác.

Tôi chờ cú điện thoại của Biển, hay lá thư của nàng kể từ khi tôi sang Mỹ. Một tuần, rồi một tháng, rồi một năm. Năm năm. Mười năm. Ba chục năm.  Càng lâu ngày, nỗi chờ đợi càng nung nấu trong tôi. Đi đâu tôi cũng lục trong quyển điện thoại niên giám tìm tên nàng. Ở bất cứ nơi nào có người Việt tôi đều để ý tìm kiếm một bóng dáng, một mái tóc, cái eo, và bờ vai giống với Biển trong trí nhớ của tôi.

Không ngờ, mấy chục năm sau nhìn lại, chuỗi ngày ở đảo Bidong là thời trăng mật hạnh phúc nhất đời tôi. Thời gian trôi qua, tôi quen người khác, nhưng không bao giờ tôi có lại niềm vui, hay sự thỏa mãn tưởng có thể chết ngất đi trong cảm giác của những ngày xưa ấy. Tôi tìm kiếm trong những người đàn bà có dáng dấp của Biển sự hưởng thụ lạc thú một cách carefree như nàng, hưởng thụ mà không đòi hỏi một sự đền đáp hay ràng buộc. Tôi cố tìm lại cái cảm giác hai cá thể nhập thành một giữa không gian hoang dã với vầng trăng màu mật, sóng biển có lân tinh, trong tiếng sóng vỗ vào gành đá của mấy chục năm về trước. Thời gian càng trôi qua tôi càng gán tặng cho Biển những đức tính và cái đẹp mà trước kia tôi không nhìn thấy. Tôi không tìm thấy ở những người đàn bà đến với tôi sau này, cái nhìn dành cho tôi đầy say đắm và ngưỡng mộ như Biển. Một trong những bức ảnh tồn tại trong trí nhớ của tôi là Biển nằm nghiêng mặt trên divan,tóc xỏa, một chân co lên đến ngực, lặng lẽ ngắm tôi cười đùa ca hát với đám bạn. Ngày ấy tôi thấy Biển là một cô gái si tình trong im lặng. Năm đồng Mã Lai Biển để lại cho tôi, tôi lộng kính để dành. Tờ giấy chép bốn câu ca dao được cất chung với giấy tờ quan trọng như giấy thông hành, giấy chủ quyền nhà và xe . Tôi cố bảo toàn hình dáng để nếu có khi nào gặp lại nhau trên đường phố Biển có thể nhìn ra tôi ngay tức khắc.

Tôi kể lại vắn tắt những chuyện bác Hải kể đêm qua.

- Theo lời Bác kể thì đảo Bidong rất đẹp và thơ mộng, chứ không bẩn thỉu tồi tệ đầy rác rến, kém vệ sinh như con đã nghe nói. Theo Bác, Bidong đầy hạnh phúc như một thiên đường, như một chỗ hưởng tuần trăng mật chứ không phải là trại tị nạn. Tôi nói.

- Hạnh phúc là cái nhìn tương đối. Với những người đàn ông trẻ tuổi thời ấy, thoát cuộc sống nghèo đói ở VN, thoát cảnh bị bắt đi nghĩa vụ đánh Kampuchia và Trung quốc, thoát cảnh bị bắt đi thanh niên xung phong, có cơm đủ ăn có mái nhà che trên đầu, nhất là có một cô gái để ôm ngủ mỗi đêm thì dĩ nhiên thấy cuộc sống là hạnh phúc. Mới chui ra từ địa ngục thì đâu cũng là thiên đường. Vả lại ai cũng biết những khổ sở ở trại tị nạn chỉ là tạm thời. Được đi định cư ở nước ngoài, được đi học Đại học, được sống tự do không sợ tù tội hay chết chóc, là tương lai tươi đẹp. Theo mẹ, chưa chắc là bác Hải yêu cô gái ấy, Bác yêu hình ảnh của Bác trong đôi mắt của cô gái ấy. Mẹ nghĩ là nếu bây giờ người đàn bà ấy đứng ngay trước mặt Bác chưa chắc Bác đã nhìn ra. Khi Bác đi tìm, Bác tìm một cô gái trẻ lúc tuổi đôi mươi, nhưng cô gái ấy bây giờ ít ra cũng hơn năm mươi, tóc đã hai màu, nặng hơn ngày xưa cả chục kí. Mẹ ngạc nhiên là Bác không hề tự hỏi, liệu cô ấy khi rời đảo có mang trong người đứa con của Bác? Có lẽ cô gái ấy, bà ấy, là người khôn ngoan, biết người biết ta, nên không tìm cách liên lạc với Bác, để giữa hai người chỉ là một thứ tình Bidong có list thì dông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét