Với hình dáng giống như những chiếc hamburger đầy màu sắc, macaron (hay còn được viết là macaroon) từ lâu đã trở thành loại bánh được yêu thích đặc biệt tại Pháp. Được tạo nên từ hai miếng bánh mỏng úp lại, bên trong là lớp nhân dẻo mềm, thơm ngọt và có nhiều hương vị khác nhau như socola, hạnh nhân, dâu, cam, quế, chanh… những chiếc macaron thật sự hấp dẫn thực khách ngay khi họ mới vừa nhìn thấy chúng. Và nếu nếm thử, bạn sẽ cảm nhận được ngay sự giòn tan của hai lớp bánh và vị béo ngậy của lớp kem bên trong cùng những mùi hương riêng của từng loại nhân.
Theo một vài thông tin cho thấy chiếc bánh này có tên gọi xuất phát từ tiếng Ý “maccarone” hay “maccherone” (có nghĩa là nghiền nát). Từ những câu chuyện kể về nguồn gốc của macaron thì công thức của macaron bắt đầu từ cách làm món bánh nướng với bột hạnh nhân và trứng do hai nữ tu từ nước Ý sang vùng Nancy ở Pháp để cư trú (vào khoảng cuối thế kỉ 18), ngờ đâu chính những chiếc bánh này lại mang đến cho họ thu nhập trong thời gian khó khăn đó. Nhưng cũng với câu chuyện về hai nữ tu, theo một nguồn thông tin khác về câu chuyện tại thị trấn Nancy này lại được kể lại như sau: Người ta nói rằng, nữ tu viện trưởng của Remiremont gửi một đơn đặt hàng cho các nữ tu gọi là “Dames du Saint-Sacrement” với các quy định nghiêm ngặt chế độ ăn uống cấm sử dụng thịt. Hai chị em Marguerite và Marie-Elisabeth được chỉ đạo để tạo ra những chiếc bánh macaron phù hợp với yêu cầu chế độ ăn uống của nữ tu. Họ được gọi là chị em Macaron và năm 1952, được cư dân thành phố Nancy vinh danh như những người tạo ra loại bánh hàng đầu nước Pháp.
Có một vài tài liệu cho thấy macaron được tạo ra từ năm 1791 trong một tu viện gần Cormery. Lại có một vài thông tin khác cho rằng những chiếc macaron đến từ nước Ý và được giới thiệu bởi các đầu bếp của công nương Catherine de Medici vào năm 1533 khi bà kết hôn với Henri, người đã đăng quang thành vua Henri II năm 1547, con trai thứ hai của vua Pháp Francois I và hoàng hậu Claude. Theo đó, những chiếc bánh ban đầu chỉ được làm từ hạnh nhân, bột và lòng trắng trứng rất đơn giản. Tại Nancy (Pháp), cháu gái của Catherine de Medici đã được thoát khỏi chứng bệnh biếng ăn nhờ những chiếc bánh macaron. Vào lễ kỉ niệm đám cưới của Louis XIV và Marie – Therese năm 1660, các đầu bếp cũng đã dâng lên món bánh tráng miệng này. Trong những năm 1830, macaron thường được phục vụ kèm mứt, rượu mùi và gia vị.
Một mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi của macaron chính là vào khoảng đầu thế kỉ XX, khi macaron lần đầu trở thành chiếc bánh “hai tầng”, do Pierre Desfontaines, cháu trai của Louis Ernest Laduree, chủ tiệm bánh Ladurée ở Paris từ một chuyến đi Thụy Sĩ đã nảy sinh ý tưởng phết thêm kem sô cô la vào giữa hai lớp bánh rồi dính chúng lại với nhau. Kể từ đó, macaron trở nên phổ biến ở Pháp và trở thành loại bánh bán chạy nhất tại các cửa hàng bánh ngọt, thậm chí chúng được nướng ngay tại gia đình với các công thức đơn giản.
Bắt nguồn từ công thức chế biến giản đơn nhưng những đầu bếp Pháp với sự sáng tạo của mình đã dần biến món bánh bình dân thành món ăn tao nhã và cao cấp. Tại một số thành phổ ở Pháp, macaron được tôn vinh và mỗi nơi, loại bánh này được tạo ra với những biến thể khác nhau. Chiếc bánh với nhiều mùi hương và màu sắc khác nhau. Dưới bàn tay của những nghệ nhân làm bánh người Pháp, chiếc bánh macaron bé nhỏ đã làm mê hoặc bao nhiêu quốc gia khác nhau. Trong số những nghệ nhân đó không thể không nhắc tới nghệ nhân Pierre Herme, ông được coi là một bậc thầy trong việc chế biến macaron, những chiếc macaron của ông là sự pha trộn giữa những hương vị sắc màu và cảm giác. Không ít người đã phải bất ngờ trước sự sáng tạo của ông, hương bưởi được kết hợp với rượu Campari, socola kết hợp với muối – đường caramen, vải và trái phúc bồn tử… đều tạo nên một hương vị độc đáo, vô cùng hấp dẫn.
Tuy rằng công thức làm macaron khá đơn giản, nhưng để tạo ra những viên macaron ngon như người Pháp thì không dễ tẹo nào, người làm bánh phải chú trọng tất cả các công đoạn từ khâu quấy bột đánh lòng trắng trứng sao cho bông đều lên, lúc cho bột hạnh nhân và đường vào thật khẽ rồi quấy đều tay để lòng trắng trứng vẫn giữ được độ xốp và quyện vừa đủ. Nếu quấy ít quá, macaron sẽ không có lớp chân giòn xốp hay phía trên mặt không bằng phẳng và mịn như lụa. Còn nếu quấy bột quá mạnh tay, macaron sẽ phẳng dẹt, bánh sẽ cứng và dễ gãy. Những người đầu bếp có tay nghề làm macaron lâu năm thường mách nhỏ với nhau rằng bột phải được quấy cho đến khi chúng chảy mềm quánh như dòng nham thạch mới làm ra món macaron hảo hạng. Bột bánh phải được đưa vào lò ngay sau khi cho ra khay, lò nướng phải có độ nóng đều hai mặt, thời gian nướng phải thật chính xác. Kỳ công là thế nên từng mẻ nhỏ macaron thường được giao cho người làm bánh có tay nghề cao thực hiện.
Tại Pháp, ở Montmorillon, có hẳn một bảo tàng Macaron và Maison Rannou-Métivier là loại bánh macaron lâu đời nhất ở Montmorillon, có niên đại từ năm 1920. Công thức truyền thống cho montmorillon macarons vẫn không thay đổi trong hơn 100 năm qua.
Cùng những nguyên liệu giống nhau nhưng với một vài phương pháp khác nhau đã dễ dàng tạo ra những chiếc bánh macaron khác nhau, hiện nay, ngoài loại bánh macaron được chế biến theo phương thức của người Pháp, macaron còn rất nhiều biến thể khác nhau. Tại Thụy Sĩ, những chiếc macaron được làm nhẹ hơn và lớp nhân có phần ít sánh hơn so với macaron tại Pháp. Đến Nhật Bản, macaron thường được biết đến với tên gọi là “makaron”, hạnh nhận sẽ có thể được thay thế bằng đậu phộng và hương vị mang đậm phong cách wagashi. Ở Hàn Quốc, macaron rất phổ biến với nhiều màu sắc khác nhau và hương vị gần giống như hương vị macaron truyền thống mà ta có thể tìm thấy ở Pháp.
Những chiếc “hamburger” sắc màu không chỉ thu hút lòng người với màu sắc hấp dẫn, bắt mắt mà còn bởi chính hương vị tuyệt vời của chúng, cùng bạn bè nhâm nhi tách trà, cà phê với chiếc bánh xinh xinh ấy thật không còn gì bằng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét