khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

MƯỜNG CHIỀNG, tỉnh Hòa Bình, Viet Nam


 
Trong kí ức người Mường trên đất Hòa Bình, những cái tên luôn “mập mờ” nằm giữa đời thực và thần thoại. Như những địa danh trong "Đẻ đất đẻ nước" với Rậm,Thàng, Trẳm, Tró, Bói… của đất Mường hôm nay.
 

Nhưng, nếu muốn tìm đến những nơi mà cảnh vật vẫn còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên của bàn tay tạo hóa sắp đặt, nơi cảnh đã tự nên thơ thì phải là đất mường Chiềng với bao nhiều nét kĩ vĩ.
 
Khám phá "đất lạ" Mường Chiềng - 1
Xóm bè

Xưa kia, dòng sông Đà hung bạo là con đường thủy duy nhất nối liền một dải Tây Bắc. Từ Thác Bờ con sông miệt mài bám lấy những dãy núi cao mà ngược lên mạn Bắc, thọt thỏm giữa đại ngàn. Nhưng từ khi dâng nước tích năng lượng cho hồ thủy điện Hòa Bình, những làng bản trên núi cao đã mấp mé mặt nước. 
 
Vách đá thành bến sông, đỉnh cao mây mù bao phủ thành những dấu mốc cho tàu, thuyền định hướng. Người dân bấy lâu chỉ quen ăn rừng, ngủ rẫy giờ đã tập tành chài lưới, ghép bè làm lồng nuôi cá. Nghe kể thế, tôi quyết theo người bạn dẫn đường lên với Mường Chiềng một lần cho thỏa.
 
Khám phá "đất lạ" Mường Chiềng - 2
Bến sông Mường Chiềng
 
Giờ đã có thêm tỉnh lộ 433 từ thành phố Hòa Bình dẫn vào các xã xa xôi của huyện miền núi phía Bắc sông Đà (huyện Đà Bắc) nhưng người sành ngắm cảnh thì vẫn chuộng đường sông. 
 
Những kí ức thác ghềnh giờ chỉ còn trong câu chuyện xưa của các bác lái đò. Mặt hồ giờ mênh mang, sóng cuộn, gió thổi. Bốn xung quanh vô số những ốc đảo khiến cảnh vật tựa như một Hạ Long trên 500m so với mực nước biển. 
 
Thuyền cập bến, chẳng có bãi bồi phù xa, đê kè, bãi dâu đồng lúa… mà đập ngay vào mắt là những sườn đồi dốc với nhà sàn cầu thang dốc đứng. Những biến cố của lịch sử đã tình cờ đặt hai mảng ghép ấy vào một bức tranh lạ lẫm trong mắt du khách. Bàn chân còn chưa ráo nước sông Đà, chỉ bước mấy bước chân thì mắt đã gặp con sóc chuyền cành, tai vẳng tiếng gà rừng gáy trưa xa vắng. 
 
Mường Chiềng nổi tiếng không hẳn vì có những thứ lâm sản quý hiếm để hút khách đồng bằng những cuộc săn tìm hương sắc lạ. Đất này cũng chưa nhuần nhuyễn trong cách làm du lich như Bản Lác, Đồng Văn. Nhưng sức hút lại toát lên từ sự vô tư trong cuộc sống chứ không hề bài trí, sắp đặt. 
 
Những phiên chợ vội vàng mở khi tàu hàng ghé qua, trong veo những đôi mắt trẻ trên khung cửa voóng nhà sàn, những bà mế hiền từ đem bán răm ba con chuột hun gác bếp, bắp ngô mới bẻ còn tươi nhựa, đôi ba mảnh thổ cẩm còn thơm mùi vải mới… Những cuộc gặp gỡ văn hóa ấy tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến khách lãng du có dịp biến đến một góc về đời sống vật chất của đồng bào nơi đây.
 
Khám phá "đất lạ" Mường Chiềng - 3
Chợ Mường Chiềng
 
Ngày nắng là vậy, ngày mưa đất Mường Chiềng chìm trong sương khói mịt mù như sa khơi. Trong bếp lửa nhà sàn, cái lạnh đã bị lửa than xua tan, những bắp ngô nếp nướng thơm lừng. Từ những khe hở của bức tường gỗ thưng nhìn ra tứ bề đều mờ đục như giữa chốn thần tiền. Nước mưa rừng chảy trên mái hiên trong những đêm mưa như kể với người lạ về một huyền tích của núi rừng, như cố cản ngăn lại giấc ngủ sau một ngày mệt nhọc.
 
Những ngày đông giá, thuyền bè ít ghé lên đây thì lại là dịp để gia chủ nhớ ra những món thức ăn đã được tích trữ như một thứ lương khô hấp dẫn. Những chum ủ măng váng trắng sữa, những tảng thịt khô trên gác bếp, những con cá suối bắt vội từ đêm qua được nướng lên thơm nức. 
 
Mường Chiềng còn được biết đến với cái tết cơm mới được tổ chức rất có tầng bậc lớp lang của trầm tích văn hóa. Từ cuối mùa Thu, các chàng trai của mường bản đã phải đặt bẫy chuột, sóc rồi sấy khô (một vật tế lễ bắt buộc). Kế đến là đan mâm , làm những đôi đua hoa. Trong mâm cỗ cúng còn có cả mía, khoai lang, quả cọ…
 
Đây cũng là dịp để những ai đam mê những điệu múa vùng Tây Bắc được thưởng thức những tiết tấu lạ lẫm của điệu múa gõ máng (keng-loóng), múa hoa. Các cô gái Tày với váy hoa, áo đỏ sặc sỡ dùng chày gõ vào máng tạo thành những nhịp điệu rộn rã vui tươi. 
Chỉ được tận mắt chứng kiến những điều ấy, ta mới nhận ra điệu thức vui tươi nhất trong đời sống tinh thần của đồng bào miền núi lại là những khi được mùa để đầu mường, cuối bản cũng rộn rã tiếng chày giã gạo. Thanh âm ấy dường như cũng là nhịp đập của trái tim trong lồng ngực căng đầy sức sống mỗi độ xuân về.
 
Mỗi vùng đất luôn giữ trong mình những điều bí mật, chỉ với những ai dám băng qua đường xa, đèo dốc lên tới nơi và trải lòng mình mới cảm nhận hết điều đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét