khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Thói Xưa Quen Nếp --Nguyễn Ngọc Hoa . Mời quí bạn K1 đọc một chuyện ngắn mới nhất của thầy Hoa kể về chuyện mua xe củ cho đứa con trai. Bài này đã được chọn đăng trên nhật báo Việt Báo tại quận Cam, California, Hoa Kỳ, cho giái thưởng Viết Về Nước Mỹ năm 2014




Đầu tháng Bảy 2013, Thiên Ân – con thứ hai – dạy Anh văn ở Bắc Kinh gọi vê

“Hợp đồng hàng năm cuối tháng này chấm dứt, và con quyết định không tái tục.”

Châu, vợ tôi, mừng húm chớp lấy cơ hội mong đợi hai năm nay, từ khi Ân tốt nghiệp và ký hợp đồng đi Tàu,

“Con muốn về ngày nào, ba lấy vé máy bay cho?”

“Con chưa về nhà ngay mà ghé lại San Francisco thăm em Diễm Lệ và ở chơi vài tuần.”

Diễm Lệ, con út và con gái duy nhất trong ba đứa con, vừa đổi sở làm và dọn nhà từ New York sang đó tháng trước. Châu chiều con,

“Muốn sao cũng được, về nhà nghỉ ngơi ít lâu rồi tìm việc mới. North Dakota đứng đầu toàn quốc về vấn đề công ăn việc làm đó con.”

Gác ống nói, Châu chép miệng lập lại câu nói đầu môi trong hai năm qua,

“Tội nghiệp thằng Ân hiền lành ít nói dễ bị ăn hiếp, không lanh lợi như thằng Mạc lại kém tháo vát hơn con em.”

Qua giọng nói của nàng, tôi biết ngoài khoản tiền vé máy bay sẽ phải chi thêm một món tiền lớn khác nên cố cãi,

“Thằng nhỏ ít nói chứ con em đứa nào mà khờ? Còn gì nữa em?”

“Anh coi mua xe để con có chân đi. Phải chi hồi đó giữ lại chiếc Saturn, đừng bán đổ bán tháo...”

Chiếc Saturn (của hãng General Motors hay GM) đời 2007 mua cho Ân dùng khi học ở Đại học Minnesota. Trong một chuyến nghỉ Giáng sinh về thăm nhà, Ân thắng gấp trên đường tuyết trơn khiến xe trượt xuống khoảng đất giữa hai chiều xa lộ, xoay đầu quẹt đuôi vào rào cản vỡ một góc. Ân bảo hư hại tô vẽ bề ngoài không cần sửa, trước khi đi Tàu mang về giao cho cha. Chiếc xe thành của nợ, bỏ thì thương vương thì tội – giữ mà không dùng thì không có chỗ để, phải đóng bảo hiểm, và phải bảo trì, mà bán thì xe... hư không ai mua. Một hôm nhân Châu đi xa một mình, tôi gọi anh bạn nông dân ở cách hơn một tiếng đồng hồ tỏ ý tặng không. Anh bạn nhận, nhưng tôi phải giao xe tận nơi. Tôi nói với Châu là bán rẻ được mấy trăm, tống khứ cho rảnh nợ.

Sau khi khơi dậy “mặc cảm tội lỗi” của chồng, Châu đề nghị,

“Anh mua xe mới cho con chứ? “

“Sao em hỏi?” tôi chưa hiểu ý nàng,

“Tháng Mười chúng mình về Texas ở qua mùa đông, con ở nhà một mình. Xe cũ sợ hư không có tiền sửa.”

Lý do của vợ tôi thật chính đáng; mua xe mới khỏi lo vấn đề bảo trì trong thời gian đầu tiên, ba năm hay trước khi tới 36,000 dặm chẳng hạn. Hãng chế tạo cung cấp bảo đảm toàn diện, thường gọi là bảo đảm từ cản trước đến cản sau, trả hết chi phí sửa chữa khi xe hư. Mặt khác, mua xe cũ thường phải điều đình với cá mập – những người bán xe ngày nay gọi là cố vấn mãi vụ, tương tự như xe cũ gọi là xe tiền sở hữu. Chuyện khôi hài Mỹ hỏi rằng làm sao biết ba hạng người – chính trị gia, luật sư, và người bán xe cũ (thứ tự tùy theo người kể) – nói dối? Trả lời: khi thấy môi họ mấp máy!

Tôi vốn kinh sợ màn trả giá cò kè bớt một thêm hai bên xứ mình. Ngày học đệ nhất niên trường kỹ sư (năm đầu tiên xa nhà), lên đường Lê Lợi Sài gòn mua đôi giày ở sạp hàng bán đồ Tết ngoài trời. Mặc cả chán chê và làm bộ bỏ đi vài lần, được bà chủ hàng “thương tình” bán “rẻ” cho. Về nhà mới biết không những đã trả mắc gấp đôi mà giày thì hai chiếc hai thứ. Đem lên nằn nì xin đổi hai chiếc giống nhau thì bà chủ chửi mắng tơi bời, vuốt mặt không kịp bèn để lại giày chạy thoát thân.

Do đó, từ ngày đặt chân lên thành phố này năm 1975, ngoài chiếc xe cũ đầu tiên không phải đi mua, khi cần tôi mua xe mới cho “an toàn trên xa lộ.” Dạo ấy, đến nơi chưa được một tuần thì nhận việc ở công ty tiện ích; anh bạn ngồi cạnh vừa mua xe mới và tặng chiếc Chevrolet Chevelle (của GM) cũ đời 1967 to gần bằng chiếc tàu đánh cá. Tôi nhận nhưng đến cuối tháng lãnh lương trả bạn 100 đồng.

Chiếc “phi thuyền” (các bạn Việt tỵ nạn gọi) vậy mà được việc. Xe tám máy chạy ào ào, chở người và dụng cụ đi câu cá hay cắm trại, dọn nhà giùm chở bàn ghế tủ giường như không, cõng nguyên con bò khi ra nông trại giết thịt và nổi lửa làm bê thui, và lái líu lo vào rừng vào ruộng mà không ngần ngại xót xa. Có điều phiền là máy xe cũ đốt nhớt như điên; các bạn đùa: tôi ghé trạm xăng bảo tiếp viên “đổ đầy nhớt, kiểm mực xăng” thay vì “đổ đầy xăng, kiểm mực nhớt” như mọi người. Nhưng không hề gì, chờ K-mart bán nhớt hạ giá mua nguyên két để sau thùng xe, thỉnh thoảng châm nhớt vào máy. Mùa đông năm sau, gặp trận bão tuyết lớn bánh xe mòn không bám đường quay vòng vòng chứ không chịu lăn ra khỏi lõm tuyết. Gọi sân xe phế thải cho xe cần trục tới kéo; tôi đưa tờ giấy chủ quyền cho không chiếc xe.

Đó là chuyện xưa! Nay đã về hưu sau gần băm bảy năm làm kỹ sư kế hoạch cho công ty tiện ích, từng thương lượng nhiều hợp đồng mua bán điện và quản trị các dự án gọi thầu cung cấp điện trị giá cả trăm triệu, tôi tin mình đủ khả năng đương đầu với... cá mập. Ngày nay có nhiều luật lệ bảo vệ người tiêu thụ và vài phương tiện giúp người mua xe cũ khỏi bị hố. Ví dụ có thể đòi đại lý bán xe cung cấp CARFAX®, bản phúc trình chi tiết về quá khứ như xe đã có bao nhiêu chủ trước, bị tai nạn hay không và lúc nào, được sửa chữa bảo trì ra sao, v.v.

Đã đến lúc tôi muốn thử mua chiếc xe cũ nên nói xa nói gần,

“Xe hơi ở Mỹ là một thương phẩm sụt giá nhanh nhất; mua xe mới lái ra khỏi bãi là giảm giá mấy ngàn đồng. Em biết không?”

“Mua xe tốt cho con đi, có bán lại đâu mà sợ mất giá?” Châu trả lời.

“Nhưng bây giờ mình lợi tức cố định; bớt ra tiêu đồng nào hay đồng đó,” tôi gắng gượng bào chữa.

“Con đi làm trả lại cho mình, mất đâu mà lo?” nàng tưởng thật an ủi.

“Không lo nhưng thời buổi kinh tế khó khăn biết đâu mà lường. Vả lại, anh không muốn để hai đứa kia nghĩ mình thiên vị thằng Ân,” tôi lúng túng giải thich.

Châu chiều theo chồng,

“ Anh tính sao ổn cho con thì thôi, ông già bao giờ cũng đúng!”

Mỗi tuần hai buổi tôi tụ họp ăn trưa với các nhóm cựu đồng nghiệp hồi hưu. Câu chuyện chính trị (nói xấu đảng “kia”), kinh tế (càu nhàu khi biến cố thị trường khiến quỹ hưu giảm giá), y tế (than phiền triệu chứng... tuổi già), và xã hội (“giải quyết” mọi vấn đề khác trên... thế giới) nay lái sang mục cố vấn mua xe. Bạn tôi giới thiệu các đại lý tin cậy được và các người bán xe quen, và nhất là chia xẻ kinh nghiệm thực tế về cách mua xe cũ và những lối bảo đảm xe quảng cáo trên đài truyền hình.

Với xe mới, ngoài bảo đảm toàn diện, nhà chế tạo còn bảo đảm giới hạn bộ phận chuyển vận (làm xe chạy) gồm máy xe và hộp số trong thời gian dài hơn như 5 năm/60,000 dặm. Tuy nhiên, với xe cũ bảo đảm này không có giá trị mấy vì máy xe và hộp số ít khi hư, và nếu hư vì không bảo trì thích nghi (như xe cháy máy hay lột vên vì thiếu nhớt) thì hãng chế tạo không trả tiền.

Nếu xe không cũ lắm, dưới ba năm chẳng hạn, phần bảo đảm còn lại của nhà chế tạo vẫn có hiệu lực. Ngoài ra, nhiều đại lý bán hợp đồng bảo đảm gia hạn tiếp nối phần bảo đảm hiện có với giá từ hai đến ba ngàn đồng, hứa bảo bọc từ cản trước đến cản sau. Tuy nhiên, hợp đồng loại này được phát hành bởi các công ty độc lập và có thể chứa các điều kiện in bằng chữ nhỏ mà không đọc kỹ thì tiền mất tật mang – mang xe đi sửa mới khám phá ra vụ hư hỏng không được hợp đồng bảo bọc.

Khi thăm viếng các đại lý trong thành phố, tôi đi một vòng quanh bãi đậu xem qua các xe cũ trong bãi rồi rồi mới nói chuyện với người bán xe, duyệt danh sách xem gíá cả, số dặm đã chạy, và tình trạng bảo đảm. Nhưng không lái thử hay giao ước điều gì vì Châu đã dặn đi dặn lại,

“Phải để con quyết định; gì chứ xe cộ thì thằng nhỏ khó tính khó nết lắm.”

Từ năm lên ba, cu Ân đã đặc biệt ưa thích các loại xe, tàu, máy bay, v.v., cả dân sự lẫn quân sự. Quà sinh nhật hay Giáng sinh, thằng bé nằng nặc xin cho được mẫu hình (giống như thực) hay sách bách khoa xe tàu, và ngồi nghiền ngẫm những trang sách ghi đặc tính kỹ thuật của các loại xe tàu hàng giờ mà không chán. Lên năm, cu Ân có thể nói ngay chiếc xe chạy ngang qua hiệu gì, ai sản xuất, năm nào, và khác với đời năm trước hay năm tới chỗ nào.

Sau hai tuần lễ nghiên cứu thị trường, tôi đề nghị mua chiếc xe hành khách cỡ trung, đã chạy khoảng 30,000 dặm, và giá từ 12,000 đến 13,000 đồng – chưa tính thuế mãi vụ, lệ phí đăng bộ, v.v. cộng thêm vào khoảng 6 đến 7 phần trăm của giá xe. *

Ân về nhà giữa tháng Tám. Tuần lễ đầu tiên thằng bé ngủ vùi vì bị chênh lệch giờ (sau khi đáp máy bay phản lực); qua tuần thứ nhì tôi giục đi coi xe thì Châu ngăn lại,

“Anh cho con nghỉ ngơi vài bữa!”

Không phải tôi nóng lòng tiêu mười mấy ngàn đồng bạc mà muốn sớm chấm dứt việc Ân dùng chiếc minivan của tôi. Thằng bé cao gần 6 feet (hơn 1 mét 80) nhờ những viên multivitamin và calcium thuở bé bắt uống hàng ngày. Đôi chân dài ngoằng, mỗi lần lên xe Ân điều chỉnh ghế tài xế hết cỡ ra đằng sau và xoay trở ba chiếc kính chiếu hậu vào vị trí thích hợp với chiều cao quá khổ. Ngày trước dạy các con lái xe, tôi nhấn mạnh vì lý do an toàn đó là việc cần làm trước tiên. Bây giờ, mỗi khi dùng xe tôi mất năm phút điều chỉnh lại ghế và kính chiếu hậu cho vừa tầm – vừa loay hoay vừa cố không bực mình!

Trên minivan, thay vì nghe radio đài địa phương hay CD, tôi nghe nhạc Việt nam bằng USB chứa gần 5,000 bài hát dưới dạng MP3 phát liên tiếp theo thứ tự ABC tên ca sĩ rồi tên bài hát. Trước ngày Ân về, tôi nghe tới gần cuối 150 bài Thái Thanh hát. Sau mỗi lần Ân dùng xe, tôi phải nghe lại bài hát đầu tiên trong USB – bài “Ai Lên Xứ Hoa Đào” do Ánh Tuyết ca. May là không phải nghe đĩa CD nhạc noise pop của thằng bé nằm trong máy stereo!

 

Chịu bực bội cả tháng mới lôi được Ân đi xem xe, nhất định mua xe trong vòng một tuần. Nơi đầu tiên là đại lý Honda (kiêm Hyundai và Nissan), hiệu xe ưa chuộng của thằng bé, mặc dù không ở trong danh sách đề nghị. Người bán xe tên Eric mặt non choẹt, khoảng ngoài hai mươi, nhưng mồm mép trơn tru, tỏ ra có bản lãnh. Chàng để nguyên mười phút giảng cho chúng tôi chính sách bán chắc giá của đại lý, cố vấn mãi vụ không ăn huê hồng trên mỗi dịch vụ bán xe mà được trả lương căn cứ theo tổng số mãi vụ.

Ân tìm lựa được hai chiếc tạm nằm trong tiêu chuẩn mong muốn: chiếc Hyundai Accent đời 2010 đã chạy 37,000 dặm gíá 10,000 đồng và chiếc Honda Civic đời 2006 đã chạy 41,000 dặm giá 11,000 đồng. Cả hai chạy thử tốt nhưng đã quá thời gian bảo đảm của hãng chế tạo, nghĩa là sẽ phải chi thêm ít nhất là hai ngàn đồng mua hợp đồng bảo đảm gia hạn.

Tôi đề cập đến giá cả phải chăng của chiếc Hyundai nhưng Ân không thích vì xe hầu như không có trang bị tuyển chọn (các dụng cụ chọn mua và trả tiền thêm khi mua xe mới). Chủ trước đã thay cái radio đơn giản nguyên thủy bằng máy stereo Sony rẻ tiền có khả năng chạy CD mua trong tiệm bán đồ điện tử. Ân cũng không bằng lòng với chíếc Honda vì cách sắp xếp bảng đồng hồ (trước mặt người lái) không thanh nhã và nệm ghế đã sờn.

Tôi thắc mắc tại sao chiếc Honda mua từ năm 2005 mà chạy có 41,000 dặm, trung bình khoảng 5,000 dặm một năm, Eric được dịp đía với hai anh Á châu nhà quê nhà mùa,

“Xe chỉ một đời chủ là bà cụ già chỉ dùng xe đi nhà thờ ngày Chủ Nhật, chạy ít và giữ kỹ; ông khỏi lo.”

“Hiển nhiên câu chuyện bà già đi nhà thờ còn nằm trong cuốn Cẩm Nang Bán Xe Cũ; bốn mươi năm qua tôi đã nghe hàng chục lần rồi,” tôi tủm tỉm cười.

Đại lý kế tiếp là Toyota, hiệu ưa chuộng của tôi. Người bán xe tên Dave còn trẻ và liến thoắng chẳng khác gì anh chàng Eric ở đại lý Honda, niềm nở hơn khi biết tôi là khách hàng quen thuộc của đại lý hơn hai mươi năm qua. Chọn chiếc Toyota Corolla đời 2010 đã chạy 32,000 dặm giá 12,750 đồng tôi để mắt từ trước. Tuy hết hạn bảo đảm nhưng là xe “tiền sở hữu có chứng nhận” nên hãng Toyota cung cấp riêng bảo đảm 1 năm/12,000 dặm. Để “chứng nhận” chiếc xe cũ, thợ máy đã kiểm soát hơn 160 điểm trong xe. Nhưng điều này không phải cho không; bạn tôi nói đại lý cộng thêm từ 500 đến 1,000 đồng vào giá xe mà chưa chắc đã sửa chữa các nơi nghi ngờ bị hư hỏng.



Lái thử xe chạy tốt; bên trong xe không có gì đáng than phiền. Dave ba hoa,

“Chúng tôi luôn luôn giữ xe có phẩm chất cao; thí dụ khi chứng nhận chiếc xe này, thấy các vân nổi trên lốp xe không hội đủ tiêu chuẩn nên đã thay bốn cái lốp mới.”

Biết thay lốp mới là thói quen thông thường để bán xe cũ, nhưng tôi vờ gật đầu cảm kích. Nếu chịu mua và đặt cọc ngay (để người khác khỏi mua giành), Dave hứa bớt 200 đồng,

“Đấy là giá thấp nhất, chúng tôi lời có 200 đồng.”

Xuýt nữa tôi xiêu lòng! Nhớ lời dặn, “đừng nghe những gì dân bán xe cũ nói, mà hãy nhìn kỹ những gì dân bán xe cũ làm,” tôi ra xe kiểm soát lại và gọi Dave tới chỉ vào lốp xe,

“Nhìn lốp xe mới của anh; vừa mua chúng ở sân xe phế thải hở?”

Dave xin lỗi rối rít bảo minh nhầm, tôi chỉ lên vè xe bùn đất bám đầy,

“Chắc xe này vừa ra nông trại gặp trời mưa?”

Ngày thứ ba hai cha con viếng thăm đại lý Chevrolet (của hãng GM) mà bạn tôi cho biết là đứng đắn, bán chắc giá, và có người bán xe quen tên Keith tin cậy được. Lần trước tôi đã nói chuyện với anh và xem giá chiếc Chevrolet Sonic đời 2011 chưa về. Keith hẹn sẽ gọi tôi ngay khi xe về tới, nhưng không thấy.

Vừa bước ra khỏi cửa để ra bãi đậu xe, Keith biểu diễn màn nổ máy xe từ xa. Đối với dân xứ lạnh miền Bắc, trang bị tuyển chọn này khá thông dụng vì tiện lợi vào những ngày đông buốt giá: trước khi tan sở đứng trên lầu bốn bấm nút cho máy nổ để máy sưởi hoạt động, mười phút sau xuống tới thì xe đã ấm, thoải mái lái về nhà. Ân thích những trang bị tuyển chọn của chiếc xe, nhưng tôi ngạc nhiên,

“Chiếc xe tôi coi đâu phải màu đen, và cũng không phải đời 2012!”

“Chiếc đó về tới có người mua tôi bán rồi,” Keith cười giả lả.

“Tại sao anh không gọi tôi?” tôi hỏi vặn.

“Tôi làm mất số điện thoại của ông; xin lỗi.”

Chính mắt tôi thấy Keith đánh số điện thoại và địa chỉ vào máy điện toán, làm sao mất được? Anh cho chúng tôi xem phúc trình CARFAX® chiếc Sonic đời 2012 và hãnh diện, “Chỉ một đời chủ, thành tích bảo trì hoàn hảo!” “Chủ là hãng cho thuê xe; một đời trên giấy tờ, nhưng thực ra mỗi tuần có một tài xế mới,” tôi chỉ vào dòng chữ nhỏ ở cuối trang. Chiếc xe đã chạy 30,000 dặm giá 13,000 đồng, cao hơn chiếc trước một ngàn đồng – lý do Keith bán ngay mà không gọi tôi – và được GM bảo đảm đến 5 năm/60,000 dặm nên phần còn lại cũng dài hơn các xe đã xem.

Những ngày kế tiếp tôi đưa đi Ân xem xe ớ đại lý Chrysler, Kia, Subaru, và một đại lý GM khác nhưng không tìm thấy chiếc nào vừa ý và hợp với số tiền đã định. Trong bữa cơm chiều thứ Sáu tôi bảo Ân,

“Ba vậy là xong rồi; con quyết định chọn chiếc Corolla hay Sonic đi, thứ Hai mình mua.” *

Trưa thứ Bảy, chờ Châu dọn cơm trưa, Ân lục lại các giấy tờ và ghi chép của tôi rồi hỏi,

“Chiều nay đi xem chiểc Ford Fiesta này được không?”

“Đại lý Ford gần nhà mà ba không đưa con đi vì xe giá cao, đến 13,500 đồng,” tôi nhớ lại.

“Ba cho con xem cho biết,” Ân nằn nì.

“Chiều thứ Bảy ba mẹ đi xi-nê,” tôi kiếm cớ từ chối.

“Hai cha con xem xe đi. Mẹ nợ nần viết lách lung tung, không đi xi-nê đâu,” Châu chiều con.

Anh bán xe tên Darrell người cao lớn phục phịch mà nói năng nhỏ nhẻ như con gái. Anh cho biết đại lý Ford đang bán hạ giá, chiếc Fiesta đời 2011 đã chạy 26,000 dặm nay hạ xuống còn 11,900 đồng. Tôi mừng thầm, đây có thể là chiếc xe mong đợi: giá thấp nhất, số dặm đã chạy ít nhất, và chạy tiết kiệm xăng nhất trong số các xe đã xem. 

Ford Fiesta 2011

Sau khi Ân lái thử, tôi đòi xem phúc trình CARFAX®, nhưng Darrell chậm rãi nói, 

“Chúng tôi dùng thứ mới và hay hơn là AutoCheck®.”

Tuy không quen thuộc nhưng tôi nhận ra bản phúc trình AutoCheck® không ghi chi tiết bảo trì xe; hỏi thì anh trả lời,

“Tôi cũng không rõ tại sao.”

Phúc trình ghi rõ xe chỉ một đời chủ mà lại có hai lần vay nợ trả góp – tôi thắc mắc tại sao. Lần này, anh phải chạy vào văn phòng hỏi viên giám đốc mãi vụ trước khi ấp úng,

“Có thể chủ xe vay tiền lại để được lãi suất hạ hơn.”

Vẫn nghi ngờ, nhưng tôi chấp nhận lời giải thích. (Tuần sau, lúc “ván đã đóng thuyền,” đi ăn trưa với bạn mới biết đại lý xe có lẽ đã “chế biến” bản phúc trình AutoCheck®.)

Chiều thứ Hai cuối tháng Chín, ngày cuối cùng xe bán hạ giá, chúng tôi trở lại đại lý Ford lấy chiếc Fiesta. Trước khi đặt bút ký nhận mua, tôi hỏi Darrell,

“Xe thay nhớt lần cuối vào lúc nào?”

“Để tôi ra xe xem lại,” anh ta đứng dậy.

Tôi ra hiệu cho Ân đi theo xem cho... yên bụng. Darrell trở lại,

“Còn khoảng hai ngàn dặm nữa mới cần thay nhớt.”

“Thẻ bảo trì dán trên kính xe ghi 25,000 dặm,” Ân xác nhận.

“Hãng chế tạo khuyên cứ 5,000 dặm thay nhớt một lần, nhưng chúng tôi muốn chắc ăn nên chỉ khuyên 3,000 dặm,” Darrell nói thêm.

Kế tiếp là phần quan trọng nhất: ký giấy trả tiền với viên giám đốc tài chánh, một người trung niên ăn mặc bảnh bao nói năng lịch sự. Tôi muốn trả trước bằng tiền mặt một nửa, phần còn lại vay trả góp. Ông ta cho biết,

“Nhờ điểm số tín dụng tuyệt hảo, ông được Bank of the West chấp thuận cho vay với lãi suất 1.5 phần trăm. Trả góp 4 năm hay 48 tháng, mỗi tháng 120 đồng; đồng ý thì ký vào đây.”

Tôi chưa tin, lấy máy tính trong cặp ra tính lại – con số đúng chóc. Đưa ra một tờ giấy in chữ rất nhỏ có bốn cột, mỗi cột là một loại hợp đồng bảo đảm gia hạn với điều kiện khác nhau, vừa dùng đầu ngòi bút chỉ chỏ vừa giải thích lia lịa.

“Ông chọn loại nào thì ký vào bên dưới.”

“Hợp đồng này thì trị giá bao nhiêu?” tôi chỉ vào cột cuối cùng có con số thấp nhất.

“Mỗi tháng ông chỉ phải trả thêm 125 đồng cùng với tiền vay trả góp,” không cho biểt trị giá thực.

Tôi làm tính thầm trong đầu, giá hợp đồng rẻ nhất cũng cao hơn món tiền tôi vay nợ, tức là hơn một nửa trị giá tổng cộng chiếc xe. Tôi cám ơn và từ chối,

“Có lẽ con tôi không kham nổi.”

“Cũng được, xin ông ký tắt vào những chỗ đánh dấu X và ký tên vào những chỗ khoanh tròn...”

Ông ta liền tay đưa ra nhiều mẫu giấy, tờ nào tờ nấy dài ngoằng cả sải tay, giục ký lia lịa. Nhưng, theo thói quen nghề nghiệp... cũ, tôi kiên nhẫn đọc qua mọi điều khoản trước khi ký. Bất ngờ khám phá mẫu giấy ghi điều kiện bảo đảm có điều khác lạ: Nằm khuất trong cuộn giấy khoanh tròn là hai ô vuông, một ô ghi “Thấy sao mua vậy” và ô kia là “Có bảo đảm”; ô đầu tiên được đánh dấu X thật đậm. Tôi không chịu,

“Sao như thế này? Xe còn hạn bảo đảm của nhà chế tạo mà!”

Không những đòi đánh dấu vào ô “Có bảo đảm,” tôi còn yêu cầu ghi rõ chi tiết phần bảo đảm còn lại của hãng Ford. Tôi chỉ tay vào mẫu giấy nói với Ân bằng tiếng Việt,

“Suýt nữa là ba ký cho không phần bảo đảm chiếc xe!”

Xong xuôi ông ta bỏ các bản sao giấy tờ vào phong bì, trịnh trọng đưa cho tôi, và bắt tay chúc mừng. (Tối về nhà xem lại, không thấy mẫu giấy bảo đảm đã được sửa lại đâu cả.)

Việc đầu tiên sau khi lấy xe ra khỏi bãi là ghé trạm xăng vì bình xăng cạn khô. Hai cha con tới văn phòng bảo hiểm xe quen thuộc để ghi danh và đóng tiền bảo hiểm cho Ân. Trên đường về nhà, tôi tình cờ nhìn xéo qua tấm thẻ bảo trì dán trên góc kính xe phía Ân ngồi lái: “Lần bảo trì tới” 25,000 dặm, nghĩa là xe cần thay nhớt trước đây 1,000 dặm.

Tôi tức tốc bảo Ân lái xe trở lại đại lý xe, gọi anh bán xe ra chỉ vào chiếc thẻ bảo trì. Darrell làm bộ ngờ nghệch, đọc mặt trái từ bên ngoài,

“Tôi thấy có vẻ như là 28,000 dặm!”

“Nếu thế, anh làm ơn kiểm soát với xưởng bảo trì và cho tôi xem tờ phúc trình,” tôi không tin.

Darrell chạy vào trong nói chuyện với xếp là giám đốc mãi vụ và trở ra thều thào,

“Xin lỗi, chúng tôi quên thay nhớt khi xe chạy đến 25,000 dặm. Tôi đã hẹn cho ông thay nhớt miễn phí vào 9 giờ rưỡi sáng mai, chỗ trống sớm nhất.”

“Nếu biết các anh bỏ luống xe như thế này thì tôi đã không mua,” tôi giận dữ nhưng không muốn làm to chuyện. *

Thời gian này trong năm, xe đời 2013 bán hạ giá để lấy chỗ cho xe đời 2014 vừa ra. Nếu mua một chiếc Fiesta mới toanh tại cùng một đại lý tôi chỉ phải trả 15,750 đồng, cao hơn xe cũ có bốn ngàn mà lợi hơn nhiều mặt nên tính ra sẽ rất đáng... đồng tiền bát gạo!

Sau gần ba tháng vật lộn với việc mua xe, tôi khám phá ra vài “triết lý” của cuộc đời. Trước hết, câu phương ngôn “nhất vợ, nhì trời, thứ ba mới đến Tổng thống... Obama (ngày xưa là TT Thiệu)” khi nào cũng đúng. Phải chi nghe lời Châu từ đầu thì đã khỏi chuốc bực bội vào thân!

Thứ hai, bọn nói láo vô cùng thông minh; nếu không phải là kẻ nói láo thực sự ta không thể khám phá hết những điều dối gian. Chẳng thế các chính trị gia Hoa kỳ liên tục được tái cử từ năm này sang năm khác; cử tri bầu xong mới biết là lầm. (*)

Cuối cùng, để trả lời thắc mắc của Châu sao tôi luôn luôn dự trù tính toán đâu ra đấy mà rốt cuộc “bon chen cho lắm, tắm cũng ở truồng,” tôi bắt chước châm ngôn của Thủy quân Lục chiến Hoa kỳ,

“Một khi là kỹ sư, muôn đời là kỹ sư.” Thói xưa quen nếp, tật cũ khó chừa! 

Nguyễn Ngọc Hoa 


(*) Ngò Gai xin đan cử một số liệu thống kê từ viện Gallup ở Hoa Kỳ để củng cố nhận xét trên của thầy Hoa







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét