khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Chiếc ống điếu thuốc lào ---- Tác giả : Phan Nhật Nam

 
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương..
(Chinh Phụ Ngâm - Đoàn Thị Điểm )


Dọc theo chiều dài Tiểu Bang California có những thành phố lớn, địa danh quan trọng không chỉ riêng đối với nước Mỹ, nhưng mang tầm vóc của thế giới –  Một thế giới thu nhỏ, với những khu vực điển hình khác biệt môi trường, khí hậu, sinh thái, địa thế đa dạng, phong phú.. Vùng bờ biển phía Nam với Thành Phố San Diégo, địa vực có khí hậu tốt nhất thế giới; Los Angeles phi trường lớn, rộng với mực độ phi cơ lên xuống bận rộn liên tục, để không thể gọi là một phi trường, nhưng phải hình dung đấy là một thành phố phi cảng với Xa Lộ 105 - Xa Lộ Thế Kỷ -  Đúng ra là một chiếc cầu dài nổi trên mặt đất chạy song song với Đại Lộ Thế Kỷ, Century Boulevard, chuyên chở lượng xe luôn di chuyển ở tốc độ dưới mức 65 dặm/giờ được ấn định; dẫu với mười-hai tuyến đường xe chạy khiến luôn xẩy ra tắc nghẻn cho dầu đang lúc nửa đêm về sáng. Tiếp miền sa mạc Mojave đông Đường Số 5 với những khu quân sự ẩn mật mà chắc đại đa số người Mỹ bản địa cũng chưa hề đi đến, nghe tới; địa danh Bakerfield, trung tâm động đất toàn thế giới.  Và nơi San Francisco với những cầu treo nổi danh, Golden Gate, Bay Bridge xuyên vịnh cảng nối Châu Mỹ và miền Viễn Đông; Thủ Đô Sacramento tiếp vùng rừng sát các Tiểu Bang Oregon, Washington, bắc Đường Số 5, nơi có mực độ mưa cao quanh năm gây mây mù, không khí ẩm ướt.  Cuối cùng, cũng tại Tiểu Bang Cali: Vùng đất tập trung hơn hai-trăm ngàn người Việt với hai thủ phủ người tỵ nạn, Orange County phía Nam và San José phía Bắc. Có những chuyến xe đò do người Việt khai thác chạy đường Nam-Bắc trên: Xe Đò Hoàng, Xe Khách Việt Nam..  Người viết do một xếp đặt tự nhiên đã có mặt trong những chuyến xe đầu tiên kia (chỉ là một chiếc van gia đình mười-hai chỗ ngồi do chính chủ nhân Công Ty Xe Đò Hoàng sau nầy cầm tay lái) khi mới đến nước Mỹ, 1993.  Nay, mười-hai năm sau, vì lớn tuổi phản ứng lão hóa trì chậm, phần do sức khỏe suy kém sau cuộc đại phẫu nên không thể lái xe, phải thường có mặt trên những chuyến xe mang đặc thù Việt Nam, hiện diện bền bỉ một cách tự nhiên nơi đất Mỹ theo lộ trình vừa kể.  Từ đó, có cơ hội tiếp xúc, nghe ra những câu chuyện của nhiều người, nhiều giới người, nhiều lứa tuổi trao gởi trên đường xa.. Những câu chuyện bình thường, đơn giản của mỗi người Việt, của mỗi cá nhân thuộc nhiều sắc dân của Bán Đảo Đông Dương; những người hằng sống qua, rời bỏ những nơi chốn gọi là Sài Gòn, Mỹ Tho, Nam Vang, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng.. trong những tình huống khác biệt. Câu chuyện về những người đã qua ngưỡng cửa tử-sinh một cách lặng lẽ, tự nhiên như đã sống, như đã chết.  Người viết tường thuật lại với tính trung trực hẳn có đối với công việc của một người dụng văn, nếu cần thiết, chỉ thay đổi phương danh, địa danh để tránh những ám chỉ, đụng chạm vô tình có thể xẩy ra.

                                                        Chiếc ống điếu thuốc lào 



                                                          


Chiếc xe đò vừa ngừng trước khu Chợ ABC, Đường Bolsa, Thành Phố Westminster, nam Cali, đám hành khách vội vã bước lên. Mỗi người ngoài ghế cơ hữu sát cửa sổ thuộc những hàng ghế đầu, còn chiếm dụng thêm một chỗ ngồi bên cạnh (như thể để giành cho thân nhân, người quen sẽ cùng đi theo chuyến xe).  Nhưng thực ra không là như vậy, mà chỉ do ý hướng muốn có thêm chỗ ngồi rộng rãi, trường hợp hành khách không mấy đông vào những ngày trong tuần. Xong, tất cả lại tuần tự bước xuống xe với vẻ mặt bình an, hài lòng như vừa thủ đắc được một điều hợp ý nguyện. Hóa ra những người Việt luôn cầu một nguồn vui.  Ông khách nhận ra điều nầy khi chậm rãi lên xe tìm chỗ ngồi nơi những hàng ghế cuối.  Thì ngồi đâu cũng được, rồi thế nào cũng tới, không cần gì phải vội.  Ông hiểu ra và áp dụng điều đơn giản nầy như một cách khôn ngoan sau nhiều lần thất bại (cũng có tính tất nhiên, không thể nào từ chối, điều chĩnh) vào buổi cuối đời.-  Tôi có thể ngồi đây không?  Ông chỉ vào chiếc ghế trống bên cạnh người đàn ông ước chừng cùng lứa tuổi. -  Bác cứ ngồi. Không có ai.  Người khách đồng hành đáp gọn, sau khi xếp lại hai chân, nới rộng khoảng trống giữa hai người.  Khi đã yên chỗ, ông bắt đầu gợi chuyện do người kia có nét mặt bình thản, vui hòa; tóc hớt ngắn, động tác nhanh gọn của giới quân nhân, kẻ quen nghề chỉ huy, và sẵn lòng tuân lệnh.  Ông có ngay nhận xét và tin vào suy đoán của mình.  Cũng bởi, ông với họ vốn có những liên hệ sâu xa từ thuở xa xưa.. -  Bác đi San José?- Thì xe nầy chỉ chạy đến đấy. Người đồng hành trả lời mau mắn, tỏ ý buồn cười vì câu hỏi dư thừa, vô ích.- Nó còn chạy đến Sacramento. Ông khách điều chỉnh.- Chiếc khác chứ không là chiếc nầy. Đến San José, khách đi Sacramento sang xe nhỏ hơn.  Người đồng hành giữ chắc ý kiến.  Chiếc nầy chỉ tới San José thôi. - Vậy bác thường đi xe đò nầy? Ông chuyển câu hỏi để tránh điều không cần bàn cải.  Cách né tránh của người ngại đụng chạm.- Ông bạn tôi trên kia nói vậy. Tôi lên San José tìm ông ta sau mấy mươi năm. Người đàn ông tỏ ý muốn chấm dứt câu chuyện bằng cách ngó mông ra ngoài xe. Đám hành khách lần lượt lên...  Từ tốn, chậm rãi bởi tất cả đã giành sẵn những chỗ tốt (có thêm chỗ ngồi trống bên cạnh)…  Mời cô bác lên xe, còn mười phút nữa xe chạy. Anh tài phụ nói to nhắc nhở... Tài xế cho nổ máy, động cơ chạy đều, khí lạnh lan tỏa.  Người tài phụ bắt đầu phát những phần thức ăn...  Bánh mì kẹp thịt, chả lụa, hoặc xôi của hàng thực phẩm khô nổi tiếng, Lee’s Sandwich. ...  Xe chạy thì mở băng ca nhạc nghe chú mà phải là băng hài mới được! Một bà khách lên tiếng sành sõi.  Phụ tài đáp nhanh...  Có liền dì hai, để con chia bánh và nước xong.  Ông khách có cảm giác gần gũi, ấm áp thân tình như đang sống lại sinh hoạt của những chuyến xe đò đi lục tỉnh miền Nam từ bến xe Petrus Ký Sàigòn ở những năm 60, trước khi chiến tranh trở nên nặng độ.  Ông liếc sang người bạn đồng hành, muốn chia sẻ ý nghĩ, nhưng người nầy đã úp chiếc nón lưỡi trai lên mắt.  Xe chạy ra Xa Lộ 405 North, những rèm cửa che nắng kéo xuống, những màn ảnh ti-vi treo cao trước hàng ghế ngồi bắt đầu hoạt động..  Đám hành khách chăm chú theo dõi, thỉnh thoảng rộ cười thích thú khi những vai hài bắt đầu màn lắc lư, nhún nhẩy theo điệu nhạc disco với y phục áo dài, khăn đóng cổ truyền người Việt.  Ông khách muốn tiếp tục câu chuyện với người đồng hành vì nhớ lại câu nói.. ”mấy mươi năm nay không gặp..”, cũng do đang nhìn lên màn ảnh vô tuyến với những vai nam, nữ vui nhộn, nên ông thấy lại cảnh tượng danh hài Thanh Việt ngồi rũ bên ly rượu trong quán Thanh Thế Đường Nguyễn Trung Trực Sài Gòn sau ngày Ban Mê Thuộc bị Bắc quân chiếm đóng (10 tháng Ba, 1975).  Hôm ấy, bộ râu đen dày của Thanh Việt không còn là nét sinh động kích thích cơn cười vỡ như mỗi khi anh nhếch mép, diễu màn vui trên sân khấu, hoặc màn ảnh, nhưng đã là dấu hiệu một sự sống đang dần bị đe dọa, suy hoại, vất bỏ...  Thêm chiếc đầu cạo trắng loang lỗ. Thanh Việt sụp xuống thảm hại trông như bức tranh Anh Hề Thảm Thiết của Rouault (*).  Hề thì vui thiệt, nhưng khi buồn thì hề trông tội hơn ai hết .  Ông cũng nhớ món đồ chơi nhỏ nhận được vào dịp lễ Giáng Sinh đầu đời lính ở quân trường...  Một con lật-đật tượng hình thằng hề, và cảm giác hiu hắt khi mân mê hình thằng hề trên tay.  Hình như sau đó mình gởi cái ấy kia về cho em.  Em anh, đứa nhỏ không hề có đồ chơi từ tấm bé.  Trí nhớ vụt chuyển qua một tình thế bất ngờ, ông không muốn nhớ thêm những điều khó khăn, nên quay mặt về phía người bạn đồng hành.  Đúng lúc người nầy cất chiếc nón lưỡi trai ra khỏi mặt.- Bác dễ ngủ quá há! Ông nói bâng quơ làm như không để ý, và tiếp vào câu chuyện đang muốn theo dõi.. Bác lên chơi trên ấy, bạn bè lâu lâu gặp lại chắc vui lắm.  Ông nhấn mạnh chữ “lâu lâu gặp lại” một cách cố ý.

Người đồng hành có ngay phản ứng.. Lấy đâu mà gặp lại, đợi từ năm “bảy-lăm ” tới giờ mới đi gặp được.  Tính chính xác của người thuộc giới nhà binh càng được xác định.  Ông khách cười thầm thích thú, tiếp tục câu chuyện với cách thân tình.  Ông hỏi không ngần ngại,- Ông đi HO mấy?  Bác được chuyển qua ông một cách cố ý.- Đúng là HO12, nhưng rốt cuộc cứ trầm trầy, trầm trật miết sau nầy mới đi RD4 ngang với HO22. Vi-xi chơi khó thiệt.  Lời đánh giá mang ý vui khách quan chứ không là phê phán tức bực.

Được thúc dục bởi cách nói cởi mở, thẳng thắn từ người đồng hành, ông khách vào thẳng vấn đề muốn nghe đến.. Vậy tại sao ông với ông ở trên San José không gặp được nhau.. Đi tù về, ông nào cũng chân trong, chân ngoài, phe ta tập trung suốt ngày trước công viên Dinh Độc Lập bàn chuyện đi Mỹ..- Tôi đi tù về chưa bao lâu thì giả đã vượt biên, thêm cảnh vợ con quá kẹt nên tôi xuông làm rẫy dưới Suối Nghệ, Bà Rịa để có cái ăn, đâu lên Sài Gòn gặp giả được.  Gia đình tôi chạy từ Quảng Trị vào đó từ “bảy-hai”..- Ông người Quảng Trị hay sao, tôi ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Ông khách bày tỏ cảm thông, gần gũi, bắt đầu với những địa danh miền Trung- Không, tôi người Bình Dương, dạy ở Búng, năm Mậu Thân bị động viên đổi ra Sư Đoàn I, gặp bà xã tôi ngoài đó.  Bả là em của ông kia.  Giả ngầu lắm, trong nhảy dù, mấy đơn vị bộ binh, thiếp giáp ngoài Huế, Quảng Trị nghe đến tên giả ai cũng kính nể.. Đây, tôi cho ông coi cái nầy.  Người đồng hành mở chiếc xắc cầm tay để dưới chân.  Ông khách không ngờ được mau chóng dự phần vào câu chuyện, hăm hở nhìn xuống chiếc xắc đang được day day mở ra. ..Thấy chưa, cái điếu đẹp không?  Người bạn đồng hành chuyển cho ông chiếc điếu cầy hút thuốc lào bằng ống tre vàng óng, đầu và cuối ống bịt vòng kim loại, thân ống chạm trỗ huy hiệu các quân binh chủng quân lực miền Nam. Nét khắc tinh xảo chứng tỏ người tạo hình có tính thẩm mỹ cao, và lòng nồng nhiệt yêu quý quân đội.- Tôi cũng đã thấy nhiều ống điếu loại nầy, nhưng quả tình cái điếu nầy đẹp thật, khắc họa đủ hết các quân, binh chủng chiến đấu.. À mà có đến cả huy hiệu đơn vị tiểu đoàn của bên nhảy dù.  Ông khách nhận ra khi đọc đến lời trang tặng.. Trung Tá Sông Lô, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù. KBC 4919.- Thì giả là tiểu đoàn trưởng dù mà.. Nhưng cái điếu nầy còn cứu mạng được bốn ông thần liều nữa!  Người đồng hành vuốt vuốt dọc thân ống như đang cầm vật linh thiêng, quý giá. Đáng lẽ tôi gữi trả bằng đường bưu điện, nhưng tiện dịp đi Cali, nên nay đem trả luôn tiện để gặp mặt giả.  Ông ấy gởi người đem về Bà Rịa cho bà xã tôi giữ từ khi ra trại; cuối năm 1988 ông ấy ra trại là tính chuyện vượt biên liền.  Một anh, một em, gia đình không còn ai.  Để tôi kể cho ông nghe, bốn giờ chiều mới tới San José, bây giờ mới mười-hai giờ kém hai-mươi.  Sự chính xác thời giờ được lập lại như bảo đảm tính thật của câu chuyện.  Sáng 29 tháng Tư, 1975, Trung Tá Lê Lô, danh hiệu truyền tin “Sông Lô ”, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7 Dù, kiêm nhiệm chức chỉ huy Chiến Đoàn Đặc Nhiệm Số 7 gồm những đơn vị pháo binh, thiết kỵ do Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III tăng phái có nhiệm vụ chận hướng tiến của những sư đoàn Bắc quân theo trục Xa Lộ Biên Hòa- Sài Gòn.  Danh xưng một chiến đoàn nhưng thật sự chỉ là những thành phần không còn hệ thống chỉ huy của Quân Khu III, nay viên tư lệnh quân đoàn giao hẳn cho lực lượng nhảy dù điều động vào những giờ phút cuối cùng của trận chiến.  Sông Lô vừa chận địch vừa lui binh về gần Sài Gòn với lời gầm quyết liệt: “Thằng nào chết để tại chỗ, thằng nào bị thương sống được thì bò theo đơn vị.  Không tản thương.  Không tiếp tế.  Không tăng viện.  Không yểm trợ.” Mười giờ mười phút sáng ngày 30, khi nghe lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh, Sông Lô đứng trên cầu xa lộ nhìn suốt bình nguyên, những dãy đồi thấp từ Thủ Đức đến Biên Hòa, Long Thành qua những vị trí hằn sâu vào thị giác, lên khối não bộ..  Trường Bộ Binh, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 2 Dù, Nghĩa Trang Quân Đội Long Bình, doanh trại hậu cứ tiểu đoàn ở Tam Hiệp, và đằng xa phi trường Biên Hòa bốc khói mù.. Mười hai năm kể từ ngày ra trường, ông đã sống với vùng đất nầy không một giờ khắc vắng mặt.  Lê Lô thấy cái chết thực dần xâm chiếm từng phần thân xác một cách cụ thể. Ngày 15 tháng 6, 1975 cùng những người bạn lính, Trung Tá Lô đi trình diện cơ quan quân quản theo lệnh gọi tập trung cải tạo với thái độ bình tỉnh, thản nhiên.  Không gia đình, không tài sản.. Ông đã mất tất cả từ buổi sáng ngày 30 tháng trước, nay không còn gì để phải mất thêm.  Tháng 6, 1976 Lô đến Sơn La với tâm trạng cùng đành sau chuyến đi địa ngục từ Tân Cảng, nơi chân cầu Sài Gòn đến Hải Phòng bằng tàu Sông Hương.  Năm ngàn con người ngồi nêm cứng trong hầm chứa than; đại tiểu tiện tại chỗ suốt hai ngày đêm di chuyển.  Tiếp chuyến xe lửa từ Hải Phòng lên vùng thượng du xuyên miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong toa dùng chở than đá và súc vật nay đóng kín để nhồi nhét 200 con người xếp đứng, ép khít vào nhau.  Chiều ngày 23 tháng 6, 1976, Trung Tá Lê Lô cùng những người bạn tù đến ga Yên Báy với hơi người chết, phân, nước tiểu từ những thây người chung quanh lấm loét, đọng nghẹt hơi thở, dưới lớp da, sâu chân tóc.  Từ tình trạng sống trong cảnh chết chịu đựng từ ngày trình diện đi tù tại Trường Lê Văn Duyệt, Gia Định suốt hai năm qua, nên khi qua phà Âu Lâu trên Sông Hồng vào hẻm núi Hoàng Liên Sơn, đi giữa hai hàng dân quân (gồm cả đàn bà, trẻ con) với những viên đá ném dày, tiếng chưởi không ngắt nhịp, Lô chấp nhận, đồng thuận với cái chết ắt sẽ đến như một điều tự nhiên, hợp lý nơi hẻm hốc núi rừng xa xôi u thẩm xa lạ nguy biến nầy.  Thế nên, vào buổi học tập toàn trại do cán bộ chính trị cấp trung ương từ Hà Nội phái đến (phụ trách giảng huấn hệ thống trại cấp tá), Lô cáo bệnh, buông màn nằm ngủ.  Ông bị dẫn giải đến giữa hội trường với lời chất vấn: “Tại sao anh trốn tránh học tập ?” Trung Tá Lê Lô trả lời dứt khoát cụ thể: “Tôi chẳng có gì để học hết, các ông chỉ nói đi nói lại những điều đã nghe nhiều lần từ trong Nam.  Tôi đã đem thân đi trình diện ở tù, các ông muốn làm gì thì làm.”  Lô bị tống giam vào nhà kỹ luật vô thời hạn với vị thế thân người kéo căng cứng bởi một hệ thống cùm đục thủng từ những khúc cây.  Tay, chân, phần bụng đồng bị siết chặt giữa những vòng khớp gỗ sù sì thô nháp. Con người tênh hênh, trần truồng phơi trên nền đất nện với khí lạnh miền thượng du Bắc Việt đóng băng mờ kín ô thông hơi chắn nan tre tô đất sét.  Hai tháng sau, trước mặt hội trường đông người ngồi im lặng để đợi nghe kiểm điểm, Lê Lô vẫn chắc giọng: “Tôi không có điều gì phải học.  Cũng không có điều chi phải kiểm điểm.”

Để áp dụng một biện pháp mà ban giám thị xét ra là khôn ngoan, trại viên Lê Lô được chuyển vào đội nhà bếp với điều kiện: Không được ra khỏi phạm vi khu vực nhà giam - Bởi ban giám thị trại đã hiểu rõ một điều: Hệ thống hàng rào trại, rừng núi Hoàng Liên Sơn, thượng du Bắc Việt không ngăn nổi ý định sẽ trốn trại của Lô đã hiện thực qua hành vi kiên trì không khuất phục.  Những ngày bị giữ chân trong đội nhà bếp không hoàn toàn vô ích: Lô được anh em cựu tù nhân, những biệt kích quân hoạt động trên đất Bắc bị bắt giữ trước 1975 hết lòng bảo vệ và bồi dưỡng, ông lấy lại sức lực sau hai tháng nằm hầm kiên giam cấm cố.  Hơn thế nữa, ông còn nhận được những chỉ dẫn cần thiết về địa thế rừng núi miền Bắc, đường đi qua Lào mà các biệt kích quân vốn quen thuộc từ thập niên 60, 70.  Và quan trọng nhất, ông có cơ hội lén lút tích trữ muối và ngô, khoai, sắn khô.  Cũng trong dịp nầy, chiếc điếu hút thuốc lào được viên chỉ huy trưởng toán biệt kích (đang giữ nhiệm vụ trưởng toán nhà bếp) trao tặng với lời kính trọng: “Ông thầy rửa mặt cho tụi em!  Ông thầy rửa mặt cho cả quân đội để chúng nó không thể coi thường anh em mình.”  Lê Lô nhận ống điếu, hút hơi mở đầu xong trả lại: “Cám ơn anh em, tôi giữ không tiện.  Sau nầy sẽ hay, bây giờ không nên”.  Viên trưởng toán biệt kích dẫu không hiểu hết ý của Lô, song với phản ứng sắc xảo của người quen trận chiến bí mật, đơn độc, anh nhận lại chiếc điếu với lời cẩn mật: “ Khi nào ông thầy muốn thì em đưa lại.  Bây giờ em giữ cho ông thầy.”

Một tháng sau, Lô vượt trại với bốn người bạn chiến đấu, hai trung tá, Khôi và Bằng; hai thiếu tá Hạnh và Thức (mà mỗi người lại là một câu chuyện kể khác).  Vụ vượt ngục rúng động toàn bộ hệ thống trại tù miền Tây-Bắc và đã minh chứng: Người lính quân lực miền Nam có đủ ý chí cao hơn những đỉnh núi hiểm nghèo ẩn trong mây, vùng rừng nguyên thủy chưa hề có dấu chân người của hệ thống Hoàng Liên Sơn trùng trùng cao ngất từ Vân Nam đổ xuống.  Người lính miền Nam có năng lực vượt qua nỗi đọa đày, hoàn cảnh lăng nhục thậm tệ được thực hiện một cách có hệ thống qua phân công những viên sĩ quan cấp tá vào đội trồng rau xanh mà không có một vật dụng canh tác nào ngoài hai bàn tay trần với những thúng phân người – Phân người được gọi bằng một danh từ chính xác: Phân Bắc.

Những người tù sống trong mối phấn khởi hãnh diện âm thầm ngày mỗi lên cao, khi qua hơn một tuần, ban giám thị trại, bộ đội an ninh canh gác dẫu đã phân công lùng sục khắp toàn vùng, đường lên Sơn La, Nghĩa Lộ, xuôi về đồng bằng, vẫn không tìm ra dấu tích toán vượt thoát.  Nhưng đến tuần thứ hai, đám cán bộ, và vệ binh trại như được uống chất lên men cực mạnh.. Bắt được chúng nó rồi! Bắt được chúng nó rồi!  Những viên đạn súng tay bắn liên hồi trong lũng núi; kẻng trại đánh dồn; tập thể tù được lệnh bỏ bãi lao động, khẩn cấp tập trung vào hội trường chứng kiến cảnh nhục hình: Năm thân con người bị đánh dập bởi hai-mươi lăm cây nứa do một trung đội lính thay phiên trừng trị.  Thân nứa đập vào thân người đến độ vỡ toang, bẹp dúm.  Viên trưởng trại chắc giọng thách thức: “Các anh trông đó làm gương .  Tôi đố các anh trốn được tai mắt nhân dân!”  Ông ta nói thật, bởi toàn thể dân chúng trong vùng kể từ ngày năm người vượt trại đã ra đồng, vào rừng với cuộn giây thừng và ống tù và, vì họ được hứa hẹn: “Nếu bắt được năm người tù sẽ được miễn thuế nông nghiệp năm năm, thưởng năm mươi cân thóc, và năm lít nước có vị mặn gọi là nước mắm!”  Tổng cộng số lượng hiện vật thưởng nếu tính ra tiền Mỹ không vượt quá vài đô-la lúc ấy hay thời giá hôm nay, đầu thế kỷ 21.  Năm thân người, đúng ra năm chiếc thây bị kéo lê vào phòng kỹ luật, nay được khoét sâu trong sườn núi đợi ngày ra cột xử bắn.  Nhưng sau vài tuần giam giữ, có đêm, toàn trại đang yên lặng như khối mồ lớn thì nghe ra tiếng gọi đùa cợt trao đổi từ những căn hầm kỹ luật.. Hê, hê.. Nhảy Dù! Nhảy Dù! Cố gắng! Cố gắng!.. Đường trường xa ta quyết đi cho tới cùng..  Muôn đời Lục Quân Việt Nam!!  Buổi hành quyết được tổ chức nơi sân tập họp chính của trại.  Trại viên được lệnh nghỉ lao động, thay đồng phục tù mới phát.  Viên trưởng trại còn ra lệnh giết heo để ăn mừng thành quả cải tạo giáo dục của trại – Lá cờ đầu của phong trào Học Tập Tốt-Lao Động Tốt-Kỹ Luật Tốt của hệ thống bảy liên trại giam giữ toàn bộ Ngụy quân - Ngụy quyền miền Nam tập trung nơi đất Bắc.  Năm quan tài được lệnh đóng khẩn cấp; trưởng trại còn có ý tốt “khoan hồng nhân đạo” nên cho lệnh chuẩn bị những chén cơm gạo tẻ (không độn ngô, khoai, sắn), và những cây hương để cắm lên quan tài sau khi hành quyết, trước khi đem chôn.  Có người nhắc nhở với ông ta: Theo lễ tục người miền Nam, phải có quả trứng gối đầu đặt trên những chén cơm kia.  Trại không nuôi gà, vịt nên không thể kiếm đâu ra những quả trứng, trưởng trại bèn có sáng kiến táo bạo: Lấy những quả bóng bàn thay thế quả trứng, chôn xong lấy bóng chơi lại!  Sau khi đã chuẩn bị đủ “nghi lễ” cho cuộc xử bắn, năm tử tội được đưa ra trước hội trường để nghe đọc lời tuyên án: “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc..  Xét bốn tiêu chuẩn của tập trung cải tạo, các tên Lê Lô, Trần Đình Khôi, Phạm Công Bằng, Trần Quang Hạnh, Chế Đức Thảo can tội ngụy quân..  Không thành tâm hối lỗi, học tập lao động cải tạo; không chấp hành kỹ luật trại giam, âm mưu thực hiện trốn trại.. Tuyên án: Tử Hình!”  Toán tử tội được dẫn đến trước những chiếc cột.  Các anh có muốn nói điều gì không? Trưởng trại thoáng bối rối trước sự im lặng bình thản của năm người.  Không một ai có dấu hiệu sợ hãi.  Không có gì? Lô thay mặt các bạn trả lời (Bởi khi chấp cung, Lô đã xác nhận ông là người trách nhiệm độc nhất tổ chức vụ trốn trại). Nhưng đột nhiên, ông cười nhẹ..  Nếu cho hút điếu thuốc lào thì tốt lắm! Trưởng trại trầm mặt nghĩ ngợi (không hiểu Lô có ẩn ý gì vì yêu cầu quá nhỏ nhoi, bất ngờ) trước khi chấp thuận.  Lô biết ý, giải thích: “Tôi có cái điếu mới, gởi ở các anh BK (đọc là Bê-Ka, Biệt Kích), tôi muốn hút cái điếu đó một lần chót!” ..Có đây! Có đây! Thưa ban (Ban giám thị), chúng tôi hiện giữ cái điếu của anh Lô. Viên trưởng toán biệt kích mau lẹ đứng dậy từ đám tù ngồi chật hội trường.  Chiếc điếu được đưa tới, Lô cầm lấy ung dung.. Mình chơi một điếu nghe mấy ông. Những người bạn đưa mắt nhìn nhau.. Hạnh nói nhỏ chán nản: Hút làm gì Lô?  Thì cứ hút đi, trước sau cũng chết!  Lô ngồi xuống, cho thuốc vào nỏ điếu, châm cây đóm, kéo sâu hơi thuốc, thở khói lên trời.  Ông cười nhẹ, đứng dậy, trao điếu cho các bạn..  Làm một bi đi!  Trung Tá Lê Lô nhìn quanh hội trường, đến với mỗi người tù, mặt ông không biến sắc.. Ấp Bắc, 1963; Pleime, 1965; Cầu An Hòa Huế, Tổng Công Kích đợt 2, Nghĩa Trang Người Pháp, Ngã Tư Bảy Hiền, Sàigòn, Mậu Thân, 1968; Hạ Lào, Động Ông Đô, Chu Pao, La Vang, Quảng Trị, 1972; Long Khánh, tháng 4, 1975.. Đoạn đường mười-hai năm một đời chiến đấu kể từ ngày mãn khóa sĩ quan ông đi qua không một lần yếu đuối.  Vậy coi đây chỉ là trận chiến cuối, trận đánh không vũ khí, chỉ với những người bạn từng sống-chết, và những người bạn tù ngồi im lặng dưới xa.  Lê Lô thở hắt như lần trái đạn 57 ly bắn tung chiếc chiến xa và thân hình ông trước Thánh Đường Đức Mẹ La Vang, nơi quê hương Quảng Trị, chiều tháng 7, mùa Hè 1972.  Ngày ấy, cũng nắng như hôm nay.  Nhưng nắng miền Nam ấm, vàng tươi, sáng rỡ hơn.  Có chiếc xe đổ nhanh dưới lưng đồi, trước bộ chỉ huy trại. Bóng người chạy vội lên hội trường.. Dừng lại! Dừng lại!  Lô tỉnh lạnh bảo Hạnh, Bằng, hai người bạn đứng gần.. Cứ hút đi, đừng để ý làm gì. Xe bỏ Tỉnh Lộ 152 nhập vào Xa Lộ 101, địa giới giữa Gilroy (thủ phủ tất cả sản phẩm tỏi của Mỹ) và San José. Người bạn đồng hành chấm dứt câu chuyện: Tôi phải đưa cái điếu tận tay ông ấy vì như vừa kể, nó cứu đến năm mạng người lận.  Ông khách im lặng, gật đầu đồng ý, nhưng thật ra có ý nghĩ khác: Có thể cán bộ cộng sản bày ra vụ xử bắn để hù dọa mà thôi..  Bởi họ vốn rất tinh xảo dàn dựng nên nhiều “biến cố để đánh lạc cả lịch sử, lừa được toàn thế giới”, chứ ăn nhằm gì vài trăm anh tù khổ đã bó tay hàng phục.  Điều đáng nói là cách hút điếu thuốc trước cái chết của Sông Lô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét