Dù không phải nhà nghiên cứu về ngôn ngữ mà chỉ là người thường hay đọc báo giấy cũng như báo mạng nhưng không ai là không nhận thấy đang có một sự lãng phí lớn trong cách chế tác và sử dụng từ ngữ. Người ta lãng phí một cách rất vô tư, vô tội vạ ngôn ngữ, một tài sản chung mà bây giờ thì “cha chung không ai khóc” đã là khá phổ biến. Lãng phí ở đây không chỉ là xài thừa mứa mà còn là keo kiệt nữa.
Về sự thừa mứa tức là sử dụng từ ngữ quá mức cần thiết, quá yêu cầu của nói và viết. Trung tâm giáo dục thường xuyên thì tỉnh nào cũng có, nó chỉ là nơi dạy bổ túc văn hóa kiểu…1 năm 3 lớp cho cán bộ để họ có cơ đi tiếp lên đại học loại tại chức theo nghĩa đen của danh từ là có bằng để...tại chức, thì sao cần đến một cái tên nhiều chữ như thế? Nhiều chữ, bảng tên phải lớn, tốn tiền làm bảng và tiền sơn vô ích! Đã tốn kém lại nghịch lý bởi theo nghĩa “thường xuyên” này thì các trường phổ thông là không thường xuyên, chỉ mở ra theo thời vụ, giai đoạn? Nên chăng là...Trường Bổ túc văn hóa? Trong sự thừa này còn có Cửa hàng may đo mà lẽ ra chỉ là Tiệm may bởi muốn may quần áo lẽ tất nhiên không thể không đo, đo chỉ là một khâu trong quy trình làm ra áo quần!
Cũng có khi chế ra từ để xài mà không ai hiểu nghĩa của nó là gì, Nhà Đại thể ở BV tỉnh tôi cứ làm cho tôi ngẩn ngơ mỗi khi vào đó (để khám bệnh chứ không phải đã chết) cho đến một ngày có người dẫn giải cho biết chớ vào vì đó là... nhà xác! Có một mâu thuẫn, trong khi hô hào Việt hóa thì lại chế ra những từ rất dài dòng. Việt hóa thành Người Việt sống ở nước ngoài (6 chữ) trong lúc Việt kiều chỉ mất có hai chữ và còn có thể dùng song song với Pháp kiều, Úc kiều, Hoa kiều...
Thế nhưng có những từ tiếng nước ngoài như type hoàn toàn có thể dịch ra là “loại” thì lại nửa để nguyên nửa phiên âm sai thành tuýp (tube = ống). Nói cách khác, tự tạo ra mâu thuẫn và giải quyết kiểu mạnh ai nấy làm! Từ Hán Việt rất nhiều, đó là niềm tự hào về sức đồng hóa của người Việt, nó lại có sức cô đọng cao và trang nhã, chẳng hạn phu nhân giám đốc hơn là vợ giám đốc, sản phụ dễ nghe hơn bà đẻ và nhất là kinh nguyệt nếu dùng từ khác thì rất khó nghe. Trong các BV có những tấm bảng Khoa Nhi, Khoa Sản, Khoa Nội...tự nhiên thấy một sự dùng chữ "cẩu thả" bởi những từ đó là từ Hán mà đã là từ Hán thì tính từ phải đứng trước như Nhi khoa, Sản khoa, Nội khoa mới thực sự là ...Hán! Tương tự, nói đại lộ chứ ai lại nỡ nói lộ đại bao giờ! Và không hiểu nghĩ thế nào mà lại nói trang trí nội thất của xe hơi khi mà thất nghĩa là cái nhà! Các vị Nguyễn Du, Nhất Linh, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn...là những tác giả nghiệp dư theo cách gọi phân cấp bây giờ, các vị ấy chưa phải nhà văn, nhạc sĩ chuyên nghiệp lý do không phải hội viên Hội Nhà văn hay Hội Âm nhạc VN!
Phụ nữ VN lấy chồng người nước ngoài bèn được gọi là hôn nhân có yếu tố nước ngoài, nói và viết đều dài dòng một cách không cần thiết. Tương tự, thời xưa ai có đất đều có Bằng khoán thì nay là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất nghe dài dòng và dễ thiếu dễ sai mà người dân gọi đại là sổ đỏ (quyền SD đất) và sổ hồng (sở hữu nhà)! Lãng phí quá có khi lại thành thiếu, lấy nhau thì làm Hôn thú nhưng lại chỉ là làm Giấy đăng ký kết hôn, đăng ký chưa thực sự là đã lấy nhau bởi về nguyên tắc đăng ký mới chỉ là... ghi tên!! Gà, vịt và các loại chim nuôi gọi là gia cầm nhưng con vịt có lúc xếp loại thủy cầm tuy trứng của nó lại vẫn là trứng gia cầm! Tùy tiện làm cho lộn xộn tung cả lên.
Tôi không biết có nước nào mà khen, chê (ca tụng, chửi bới) quá tay quá mạng như ở Việt Nam này không? Mới tham dự một lớp bồi dưỡng chính trị có vài ngày mà khi báo cáo tổng kết đã thấy nói “nhận thức được nâng cao một bước” thì thánh thật! Và cũng...giả dối thật! Một kỳ thi vừa kết thúc đã vội vã khen hết sức hoa mỹ nhiều tính mèo khen mèo dài đuôi “thành công tốt đẹp” để rồi đâu đó phát hiện ra những tiêu cực có khi động trời! Chê ai mà mình cho là “người tốt” về trình độ còn kém thế nào cũng là “trình độ còn...hạn chế” mà không nói thực nói thẳng ra khiến chi ngôn ngữ trở thành công cụ che đậy dù biết không thể lấy thúng úp voi thậm chí nói láo!
Không thể quên trường hợp hai từ cùng một nghĩa hoặc gần nghĩa với nhau nhưng vẫn đi đôi với nhau. Vu cáo ai thì úp chụp người đó trong khi cả úp và chụp cùng có nghĩa tương đồng. Có một lần tới nói chuyện với hội đồng giáo viên, quan chức dùng từ chòi đạp để khen quý thầy cô đã phấn đấu làm thêm để...khỏi đói. Chòi và đạp cùng là động tác của chân và cùng gợi cảm giác hơi thô thô đem gán cho các cô giáo mảnh mai xinh xắn thì nỡ lòng nào! Bác sĩ kêu bệnh nhân vào khám chữa bệnh cho họ. Khám mà không chữa bệnh chẳng lẽ lột áo người ta nhìn một cái rồi cho về? Chữa bệnh mà không khám thì làm sao biết bệnh gì để chữa? Nói về nông nghiệp, người ta hay dùng mùa vụ lúa e rằng đã lãng phí một trong hai chữ! Mỗi khi có bão, sẽ có việc trong đất liền gọi điện thoại báo cho các thuyền bè còn trên biển biết những nơi cần tới để tránh trú bão, có thừa một chữ không?
Giá mà cứ dùng thừa, dùng lãng phí một chữ sẽ mất 10 calorie ( hay thiết thực hơn, mất 1.000 VND) thì e rằng người Việt Nam (nhất là cán bộ) sẽ ốm nhom như que củi! Nói cho công bằng thì trong chế tác từ ngữ cũng có nhiều khi rất hay. “Vòng 1, 2, 3” quả là nghe vui vui và...ấn tượng so với nói ngực eo và mông! (*)
************************************************************************
(*) Nhất trí với thi sĩ Cao Thoại Châu ! E hèm, mấy từ này được "chế tác" từ hồi năm 1966 khi đài Truyền hình VN băng tần số 9 tổ chức thi Hoa Hậu ở Saigon, VN vào lúc bấy giờ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét