khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Cho Tôi Ngồi Một Toa Tàu Lãng Quên, Nguyễn Tất Nhiên - Tác giả Phạm Hiền Mây

 

Nguyễn Tất Nhiên làm thơ từ năm mười bốn tuổi, và cũng chính năm đó, ông cùng người bạn, ra tập thơ đầu tiên, mang tên Nàng Thơ Trong Mắt với bút hiệu là Hoài Thi Yên Thi.

Nhưng phải đợi đến khi, ông được Phạm Duy phổ một loạt thơ mang bút danh Nguyễn Tất Nhiên, và được ca sĩ Duy Quang hát với chất giọng trẻ trung, trong trẻo của tuổi học trò, tuổi vừa bước vào đường yêu, tình yêu, tuổi của hoang sơ, hoa mộng, tươi mới và không toan tính, thì thơ của ông mới chót vót đứng ở đầu bảng được giới trẻ yêu thích.

Cũng hệt Vũ Hữu Định, Nguyễn Tất Nhiên vắn số. Ông nằm yên ngủ vĩnh viễn trên một chiếc xe hơi cũ dưới bóng mát của sân chùa năm một ngàn chín trăm chín mươi hai, lúc vừa tròn bốn mươi tuổi.

Ông có khoảng hai mươi bài thơ được phổ nhạc, trong đó, có sáu bài do Phạm Duy phổ, gồm: “thà như giọt mưa (khúc tình buồn), cô bắc kỳ nho nhỏ (đám đông), hai năm tình lận đận, em hiền như masoeur (masoeur) anh vái trời (cô bắc kỳ nho nhỏ), hãy yêu chàng (oanh), một bài do Nguyễn Đức Quang phổ: “vì tôi là linh mục”, một bài do Anh Bằng phổ: “trúc đào” (ngọn trúc đào).

******

Dưới đây là một trong những bài thơ, được Phạm Duy phổ thành ca khúc, mang tên “cô bắc kỳ nho nhỏ”:

Đám Đông

1

cô bắc kỳ nho nhỏ

tóc demi-garcon

chiều vui thương đón gió

có thương thầm anh không

cô bắc kỳ nho nhỏ

tóc demi-garcon

cười ngây thơ hết nụ

tình cờ thấy anh trông

khi không đường nín gió

bụi hết thời bay rong

khi không đường nín gió

anh lấy gì lang thang?

cô bắc kỳ nho nhỏ

tóc demi-garcon

chiều đạp xe vô chợ

mắt như trời bao dung

anh vì mê mải ngó

nên quên thù đám đông

2

đời chia muôn nhánh khổ

anh tận gốc gian nan

cửa chùa tuy rộng mở

tà đạo khó nương thân

anh đành xưng quỷ sứ

lãnh đủ ngọn dao trần

qua giáo đường kiếm Chúa

xin được làm chiên ngoan

Chúa cười rung thánh giá

bảo: đầu ngươi có sừng!

đời chia muôn nhánh khổ

anh tận gốc gian nan

cô bắc kỳ nho nhỏ

mắt như trời bao dung

hãy nhìn anh thật rõ

trước khi nhìn đám đông

hãy nhìn sâu chút nữa

trước khi vào đám đông

Nếu mà vào thời này, bảo đảm, anh chàng Nguyễn Tất Nhiên sẽ bị thiên hạ kiện không biết bao nhiêu lần cho vừa, vì cái tội kỳ thị, suốt ngày cứ bắc kỳ, nam kỳ, này nọ.

Nhưng nói đi rồi cũng phải nói lại, hồi xưa, tức là hồi trước năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm ấy mà, nói chuyện với nhau, người ta cũng cứ bắc kỳ này bắc kỳ nọ suốt, hoặc nam kỳ này nam kỳ kia, nhưng không ác ý, chỉ là quen miệng, cũng đôi khi có chút châm chọc, có chút trêu ghẹo, nhưng không vì vậy mà thù oán nhau.

Còn bây giờ, xem chừng người ta phân biệt kịch liệt hơn với chuyện vùng miền, đã không ưa là mỉa mai, châm chọc đến nơi đến chốn, miệt thị, rủa sả nhau bằng mọi từ ngữ ghê rợn nhứt.

Cũng chẳng hiểu vì sao, mọi chuyện, về văn hóa, về lối sống, theo tháng ngày chẳng hề tốt hơn lên, mà dường như, còn thụt lùi về sau dữ tợn.

Ông Nguyễn Tất Nhiên, là ổng khen, ổng gọi bắc kỳ với hàm ý đặc biệt, cô là bắc kỳ, không như tui, nam kỳ, mà cô rất dễ thương.

Cô dễ thương nhờ cô có vóc người nho nhỏ. Cô dễ thương nhờ mái tóc cắt kiểu demi-garcon. Tóc demi-garcon là mái tóc ngắn, cắt theo kiểu chiếc lá cho ôm lấy khuôn mặt, là mái tóc thịnh hành ngày xưa, trông rất dễ cưng, không quá bánh bèo, mà cũng không quá ngỗ ngược. Cô dễ thương là vì cô có nụ cười hết sức ngây thơ. Cô dễ thương là vì cô có đôi mắt rất hiền.

Rồi cái ảnh tán, cô dễ thương như dzậy, thì cô có thương thầm tui hôn. Tán này, rất là dzô dziên luôn. Anh theo người ta, anh cua người ta, mà hỏi người ta có thương thầm anh không.

Rồi than than thở thở: khi không đường nín gió / bụi hết thời bay rong / khi không đường nín gió / anh lấy gì lang thang?

Thiệt đúng là phiền toái. Cái tình yêu ấy mà, khi nhen nhóm, khi bắt đầu, thiệt đúng là phiền toái.

Mà đâu phải chỉ bắt đầu, ngay cả khi nó tới khúc giữa, hay đã đến cái khúc tận cùng rồi, nó vẫn mang lại những rắc rối, muộn phiền, khôn nguôi.

Bởi người ta nói không sai mà. Yêu thì khổ. Mà không yêu thì lỗ. Lỗ đây, có nghĩa là, nếu không yêu thì làm sao mà biết với người ta, biết yêu nó mang hình thù gì, biết yêu nó có mùi vị gì.

Sợ thua người ta, sợ hổng bằng người ta, nên lỗ là vậy đó.

Tán không được, ảnh than khổ. Rồi ảnh lôi cả Phật và Chúa vào. Đương không, ảnh chê cửa Phật, người tà đạo như ảnh, khó mà nương thân. Cái ảnh nói, ảnh chạy qua nhà thờ kiếm Chúa, xin làm chiên ngoan, khiến ông Chúa ổng cười rung cả thánh giá, vừa lắc đầu vừa xua tay, thôi thôi, đầu ngươi có sừng, là đích thị quỷ sứ, ta không nhận, không nhận:

đời chia muôn nhánh khổ

anh tận gốc gian nan

cửa chùa tuy rộng mở

tà đạo khó nương thân

anh đành xưng quỷ sứ

lãnh đủ ngọn dao trần

qua giáo đường kiếm Chúa

xin được làm chiên ngoan

Chúa cười rung thánh giá

bảo: đầu ngươi có sừng!

đời chia muôn nhánh khổ

anh tận gốc gian nan

Nói nào ngay, thơ ở những đoạn này, Nguyễn Tất Nhiên viết rất thật. Thật của những anh chàng, những cô nàng ở lứa tuổi mười sáu đến hai mươi. Táo tợn nhưng có mức độ. Nghịch phá nhưng bản chất hiền lành. Nói hung nói hăng vậy thôi chớ thực chất, đều con nhà ngoan ngoãn.

Giữa một xã hội với nhiều âu lo về một cuộc nội chiến, không biết ngày mai ra sao, thì thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã đưa giới trẻ tới một chốn yên lành. Ở đó, chỉ có thơ. Ở đó, chỉ có tình yêu. Ở đó, chỉ có người với người, thương nhau.

Nó yên ả, nó nhẹ nhàng, và, ngây thơ, đơn giản.

******

Bài thơ kế tiếp đây cũng được Phạm Duy phổ nhạc, được các ca sĩ hát, được khán thính giả nghe, suốt mấy mươi năm qua:

Hai Năm Tình Lận Đận

1

hai năm tình lận đận

hai đứa cùng xanh xao

mùa đông, hai đứa lạnh

cùng thở dài như nhau

hai năm tình lận đận

hai đứa cùng hư hao

(em không còn thắt bím

nuôi dưỡng thời ngây thơ

anh không còn lính quýnh

giữa sân trường trao thư)

hai năm tình lận đận

hai đứa đành xa nhau

em vẫn còn mắt liếc

anh vẫn còn nôn nao

ngoài đường em bước chậm

trong quán chiều anh ngóng cổ cao

2

em bây giờ có lẽ

toan tính chuyện lọc lừa

anh bây giờ có lẽ

xin làm người tình thua

chuông nhà thờ đổ mệt

tượng Chúa gầy hơn xưa

Chúa bây giờ có lẽ

rơi xuống trần gian mưa

(dù sao thì Chúa cũng

một thời làm trai tơ

dù sao thì Chúa cũng

là đàn ông dại khờ)

anh bây giờ có lẽ

thiết tha hơn tín đồ

nguyện làm cây thánh giá

trên chót đỉnh nhà thờ

cô đơn nhìn bụi bặm

làm phân bón rêu xanh

(dù sao cây thánh giá

cũng được người nhân danh)

3

hai năm tình lận đận

em đã già hơn xưa

Thú thật, giờ đây, đọc lại những bài thơ như thế này, tôi thấy, miền nam, trước một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, người ta tự do ghê, nhất là trong lĩnh vực sáng tác.

Một bài thơ như vậy, được xuất bản bình thường. Một ca khúc, hát lên những câu như vậy, bình thường. Những câu như là: tượng Chúa gầy hơn xưa / Chúa bây giờ có lẽ / rơi xuống trần gian mưa / (dù sao thì Chúa cũng / một thời làm trai tơ / dù sao thì Chúa cũng / là đàn ông dại khờ).

Nguyễn Tất Nhiên cho Chúa rơi xuống, rồi biến Chúa thành trai tơ, rồi gán cho Chúa sự dại khờ. Có sao đâu?

Viết như thế, thì có sao đâu?

Có bất kính gì với Chúa đâu. Chẳng qua, con chiên của ngài, đôi lúc, cũng rất cô đơn, đôi lúc, cũng rất lo sợ, nhất là khi bước vào đường yêu. Biết cầu cứu ai bây giờ trong lúc tâm trạng con đang rối bời, biết ai là người có thể sẻ chia cùng con những ưu tư nặng trĩu. Quay đi quay lại, con chỉ có Chúa thôi, con chỉ còn mỗi Chúa thôi.

Phải thế không Chúa, phải Chúa đã từng đau khổ như con, Chúa đã từng tuyệt vọng như con, Chúa đã từng cùng khốn như con.

Phải thế không Chúa ơi.

Phải có con mắt nhìn đời bao dung, phải có tấm lòng tử tế nhận ra người giỏi và cảm hiểu họ, thì mới có thể trân trọng, mới có thể tìm kiếm ra những tài năng kiệt xuất. Chớ mà ke re cắc rắc quá, chuyện gì cũng nhìn qua đủ loại lăng kính, thì ai mà còn dám viết lời thật, thì sao mà thỏa sức sáng tác, sao mà văn chương, mà thi ca có thể phát triển huy hoàng, rực rỡ được.

Còn nếu như, sáng tác, mà cứ theo kiểu dè chừng, cẩn trọng, sợ phạm húy, sợ này sợ kia, thì đương nhiên rồi, nền văn chương đó cũng chỉ là một nền văn chương dè chừng, lửng lửng lơ lơ, không ra con bay lượn mà cũng chẳng ra con bơi dưới nước.

Mới có hai năm buồn đau thôi, mà cái ông Nguyễn Tất Nhiên này, ổng than quá là than. Người ta còn buồn đau cả đời kia kìa. Ai nói nhỉ, ai nói, yêu là bể khổ, tình là dây oan. Yêu với chả đương. Tình với chả ái. Đút đầu vô rồi lại kêu khổ kêu đau.

Nhưng nói là nói vậy thôi. Chớ cái lúc mười tám, hai mươi, chưa trải đời, sức chịu đựng có hạn, cũng phải khen Nguyễn Tất Nhiên, lúc ấy, còn trẻ thế mà đã diễn tả được nỗi đau rất hay, rất thơ. Tài lắm đó, chớ không dễ chi đâu: hai năm tình lận đận / hai đứa cùng xanh xao / mùa đông hai đứa lạnh / cùng thở dài như nhau / hai năm tình lận đận / hai đứa cùng hư hao.

Tả cuộc tình buồn, tả cuộc tình đau bằng những từ như lận đận, xanh xao, mùa đông lạnh, cùng thở dài, hư hao - tính ra, là cũng giỏi lắm lắm.

Và cũng chính vì ở cái tuổi còn non nớt, nên chàng xem ra, khi tình đau, chỉ thấy toàn cay đắng, và đôi lúc, như sự hơn thua trẻ con, nên mới cuối bài thơ là: hai năm tình lận đận / em đã già hơn xưa.

Kiểu như, phải mà còn yêu anh, phải mà đừng tính toán nọ kia, thì em bây giờ, đâu già như thế.

Thật ra, trong cuộc tình ấy mà, ai cũng chỉ đứng một chiều để ngó, để nhìn về người đối diện. Ít ai đủ bình tĩnh, đủ hiểu ra, đủ nhân hậu, để thử đặt mình vào người khác, để có hiểu được người khác như mình đang hiểu chính mình.

Thì tình yêu, đã không phải chịu nhiều nỗi oan ức đến thế.

******

Bài này, cũng được Phạm Duy phổ, hát theo điệu valse, hồi tụi tôi còn thơ, tối tối, tụ tập dăm bảy đứa, không khi nào thiếu bản “em hiền như ma soeur”:

Ma Soeur

đưa em về dưới mưa

nói năng chi cũng thừa

phất phơ đời sương gió

hồn mình gần nhau chưa?

tay ta từng ngón tay

vuốt lưng em tóc dài

những trưa ngồi quán vắng

chia nhau tình phôi thai

xa nhau mà không hay

(hỡi em cười vô tội

đeo thánh giá huy hoàng

hỡi ta nhiều sám hối

tính nết vẫn hoang đàng!)

em hiền như ma soeur

vết thương ta bốn mùa

trái tim ta làm mủ

ma soeur này ma soeur

có dịu dàng ánh mắt

có êm đềm cánh môi

ru ta người bệnh hoạn

ru ta suốt cuộc đời

(cuộc đời tên vô đạo

vết thương hành liệt tim!)

đưa em về dưới mưa

xe lăn đều lên dốc

chở tình nhau mệt nhọc!

đưa em về dưới mưa

áo dài sầu hai vạt

khi chấm bùn lưa thưa

đưa em về dưới mưa

hỡi em còn nít nhỏ

chuyện tình nào không xưa?

vai em tròn dưới mưa

ướt bao nhiêu cũng vừa

cũng chưa hơn tình rụng

thấm linh hồn ma soeur

Rất hay.

Hay ở chỗ nào ư. Các bạn đọc cùng tôi nhé, khổ thơ này: vuốt lưng em tóc dài / những trưa ngồi quán vắng / chia nhau tình phôi thai / xa nhau mà không hay.

Tình mới vừa phôi thai. Phôi thai có nghĩa là mới đậu, mới bám, mới bắt đầu, mà nào hay, ta, chính lúc ấy, là lúc xa nhau.

Cuộc tình mới vừa chớm bắt đầu, mà đã: đưa em về dưới mưa / xe lăn đều lên dốc / chở tình nhau mệt nhọc.

Một báo hiệu cho một kết cục chẳng vui.

Nguyễn Tất Nhiên có những ý tưởng thơ, có những câu thơ, rất thơ, ví dụ: đưa em về dưới mưa / áo dài sầu hai vạt / khi chấm bùn lưa thưa.

Ngày xưa, nữ sinh đi học, mặc áo dài trắng tinh. Trời mưa, chở nhau bằng xe đạp, khó mà tránh lắm những vũng nước trên đường. Xe sụp vào, nước dưới đường, bắn lên, lấm tấm hột đen, tài nào mà không buột miệng xuýt xoa, lo lắng.

Nhưng xuýt xoa thì xuýt xoa, lo lắng thì lo lắng, sợ giặt không ra, sợ mẹ mắng. Nhưng làm gì mà phải đến nỗi sầu? Chỉ có thể là, cuộc tình không vui, nên tình mới sầu như thế.

Một nỗi sầu rất dài, chia đôi, đều, hai đứa.

Và cái câu hỏi được đặt ra gần cuối bài: chuyện tình nào không xưa? - của chàng trai đôi mươi, đã khiến tôi thảng thốt, anh hoa phát tiết thế này, tâm tính khinh bạc thế này, thân thể yếu đuối thế này, làm sao mà không yểu mệnh cho được.

******

Có người nói, thơ Nguyễn Tất Nhiên, quanh đi quẩn lại chỉ là chuyện tình yêu thời học trò, hoặc thất tình, hoặc buồn rầu, hoặc đau khổ, chớ không nói được, không chạm được, không đưa mọi người tới được những điều lớn lao hơn, cần thiết hơn cho nhân sinh, cho loài người.

Nói như vậy là nói đúng chớ không sai. Tôi không bênh vực Nguyễn Tất Nhiên, nhưng tôi nghe đâu, hoàn cảnh riêng của ổng cũng không mấy thuận lợi, cũng không mấy được vui. Ổng lại mất sớm quá. Tuổi bốn mươi, với các nhà văn, nhà thơ, mới chính là độ tuổi viết sung mãn nhất.

Thì, ổng lại ra người thiên cổ rồi, lấy đâu thời gian để tiếp tục cống hiến, cống hiến tài mình, cống hiến sức viết mình cho những điều lớn lao hơn mà mọi người đặt ra, trông đợi.

Mỗi người chỉ có thể hoàn thành theo khả năng của mình. Ở độ tuổi ấy, viết được những câu thơ trong trẻo, những buồn giận vu vơ, những hờn ghen hết sức ngộ nghĩnh, dễ thương, đúng và thật với tuổi học trò cùng với những suy tư già dặn đến thế, nếu có xem đó là thành công của đời thơ ông, thì cũng chẳng có gì quá đáng.

Nguyễn Tất Nhiên, một tài hoa bạc mệnh, đã sớm dự báo ngày ra đi của mình trong nỗi buồn hắt hiu và cô đơn, lạnh lẽo:

biệt ly dù ở ga nào

cho tôi ngồi một toa tàu lãng quên

(Hôm Nay)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét