Ta đang tiến dần vào phần nhức đầu của bộ Diêm Thiết Luận nên sẽ cười cười mà bốc hỏa!
Trong các chúa tể độc tài cổ kim, bậc kỳ tài Hán Võ Đế phát minh ra cái án... phi phàm: “chỉ cần ngấm ngầm bất đồng với Hoàng đế là đủ can tội thầm oán!” Tội “Thầm Oán” là gì vậy?
Chẳng công khai thở than hoặc ngợi ca một quyết định của Thiên tử, chỉ cần các quan giữ vẻ thản nhiên chứ cũng chưa bĩu môi, là đầu đã văng khỏi cổ! Nhờ vậy, khỏi ai dám chống, chẳng ai dám nịnh và dù có giữ im lặng thì cả ba thái độ đều... đáng bò lên bậc cao nhất của đoạn đầu đài. Trong triều, các cận thần mà được Võ Đế cất nhắc là biết chắc mình sắp mất mạng.
Thí dụ thì vô số kể:
Gốc man rợ, Công Tôn Hạ là kẻ không may khi có tin Hán Võ Đế cho lên Tể tướng. Ông gào khóc và xin tha mà không thoát, sau này cả hai cha con đều chết trong tù! Bảy người trong số các quan tướng quốc của Võ Đế, năm người được Thiên tử ban án tử hình! Trên đỉnh vinh quang với đầy huân công, các võ tướng lại chết trận tại pháp trường hơn là được hưởng nhàn khi về già!
Sống cùng thời và bị Võ Đế ra lệnh thiến vì bênh một võ quan dù không có giao tình mà bị hàm oan là Lý Lăng, Tư Mã Thiên của bộ Sử Ký viết về các cuộc tuần du cả ngàn dậm do Võ Đế quyết định mà không cho các quan địa phương biết. Họ bị bó tay khi phái đoàn Thiên tử bất ngờ giáng lâm, vì lo không kịp nên đành theo nhau tự sát! Thà vậy còn hơn là viên tổng trấn và các thuộc cấp đều bị tử hình.
Ngày nay, Hoàng đế Tập Cận Bình đang còn phải học...
Nhức đầu hả? - Thì giải trí vậy!
Hơn chục năm trước, người viết đã giễu các cô có thói nhõng nhẽo là “lườm âm”: nhắm đôi mắt rồi mới lườm. Các nạn nhân đều thấy hết mà muốn chết vì sướng. Họ chưa gặp cao thủ Hán Võ Đế của hơn hai ngàn năm trước!
Sau gần 400 chữ về nhân vật Hán Võ Đế vĩ đại mà hóa dại trong bối cảnh của bộ Diêm Thiết Luận kinh hoàng, ta nên tự nêu một thắc mắc chính đáng: “Từ thời Chiến Quốc, quyền lực tập trung dần dần đưa tới việc thống nhất Trung Hoa. Nếu vậy, vì sao Hán Võ Đế lại nặng tay gây đà gia tốc qua ách độc tài manh nha từ Tần Thủy Hoàng Đế?...”
Đây mới là điều then chốt cho cả bộ sách nhức đầu - ta nên đọc. Vì thế, xin đành tóm lược vài nét về lịch sử Trung Hoa. Dài quá thì quý vị sẽ ngáp.
Khỏi nhắc lại các truyền thuyết, ta cùng khởi đi từ nhà CHU, vốn lại có hai thời kỳ. Trước là thời Tây Chu khi đóng đô ở đất Phong, đất Cảo (tỉnh Thiểm Tây bây giờ), kéo dài từ năm 1134 tới 770 BCE (trước Công nguyên). Sau là thời Đông Chu khi bị các loại rợ uy hiếp, Chu Bình Vương phải thiên đô về Lạc Dương (tỉnh Hà Nam) từ 770 tới 221 BCE.
Nhà Chu kéo dài 913 năm, mà thời Đông Chu còn bị chia làm hai, là 1) thời Xuân Thu từ khoảng 770 tới 481 BCE, và 2) thời Chiến Quốc từ khoảng 403 tới 221 BCE. Ta khỏi bàn về các tên gọi hay thời điểm chính xác mà chỉ cố nhớ một khái niệm là CHIA CẮT và nhà Đông Chu tiêu vong dần trong thời Chiến Quốc. Với kết quả là cường Tần diệt sáu nước chư hầu rồi thống nhất Trung Hoa.
Xin tóm lược phần lược sử này: họ có Tây Chu rồi Đông Chu mà Đông Chu lại chia hai, ra Xuân Thu và Chiến Quốc. Nhà Chu lãnh đạo khá lâu (hơn 900 năm) nhưng ngày càng suy sụp trước các nước gọi là CHƯ HẦU. Từ hơn ngàn nước, sau chỉ còn 15, và cuối cùng còn năm chư hầu mạnh nhất, gọi là Ngũ Bá. Sau cùng thì nước Tần lớn mạnh dần rồi tiêu diệt các nước kia để Tần Thủy Hoàng Đế lên lãnh đạo.... Mà không bền.
Nếu đọc kỹ lại Sử Ký của Tư Mã Thiên, ta thấy Hán Võ Đế bị ảnh hưởng lớn từ... Tần Thủy Hoàng Đế!
Chúng ta hiểu dần tiến trình tập trung rồi phân hóa, bị chia rẽ hay chia cắt vì chiến tranh khi xã hội rộng lớn dần có những đổi thay về dân số, kinh tế, chính trị, văn hóa và nhận thức. Đầu thời Chu chỉ có hạng quý tộc mới được đi học và cầm quyền bên “Thiên Tử” – là ‘Con Trời”, một khái niệm tâm linh ra vẻ tôn giáo!
Mà giới quý tộc đó sa sút dần và giới bình dân dần dần lên thay đám quý tộc quanh Thiên Tử với các tư tưởng mới, như Quản Trọng, Khổng Khâu, Mặc Địch... Rồi nhiều khuôn mặt khác, như Tô Tần, Trương Nghi, Phạm Chuy, hay Hàn Phi...
Sự thay đổi – và tiến bộ - có khá nhiều nguyên nhân. Trước hết là dân số gia tăng đã mở mang kinh tế và cải tiến các phương pháp canh tác, sản xuất và chế tạo khí cụ lẫn chiến cụ. Quan trọng hơn cả là khu vực thương mại và các trung tâm giao dịch, trao đổi, như Hàm Dương của Tần, Lâm Tri của Tề, Hàm Đan của Triệu hay Đại Lương của nước Ngụy.
Yếu tố then chốt là dân đen không muốn là thần dân của một “nước nhỏ” mà mong là công dân của một nước lớn để khỏi bị bắt nạt. Tiến trình thống nhất có nhiều động lực phức tạp như vậy.
Nhưng giới lãnh đạo (trong nghĩa rộng) lại tự nêu câu khỏi khác: “Làm sao xây dựng được trật tự mới giữa những đổi thay đó?”
Giải pháp cũ là củng cố chế độ phong kiến cho Thiên Tử khiến các chư hầu phải phục tòng. Đó là Khổng Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử. Giải pháp mới thì do dự giữa tinh thần “vô vi” của Đạo gia (theo Lão Tử) và lý luận có nét vô vi của Pháp gia: triều đình cứ khoanh tay áp dụng luật lệ sòng phẳng thì mọi người đều phải tuân thủ như nhau!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét