Tài liệu có tính lịch sử trong cả hai nghĩa (có thật và chi phối hậu thế) là bộ DIÊM THIẾT LUẬN (YÁN TIĚ LÙN) đã xuất hiện tại kinh đô Trường An của nhà Hán vào năm 81 trước Tây lịch hay Công nguyên, tức là hơn 2.100 năm trước.
Tài liệu này bị đời sau viết sai là tác phẩm của Hán Vũ Đế, ông Hoàng đế thứ bảy của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc (người sáng lập là Hán Cao Tổ Lưu Bang). Còn sai nhiều lắm…
Đời nay, ta nên gọi lại nhân vật này là Hán Võ Đế, với chữ VÕ đích thực là quân đội, binh bị hay võ sĩ, chứ không với chữ VŨ (có thể là do kỵ húy gì đó) vốn có nghĩa là chim anh vũ, nhảy múa, khiêu vũ… hay làm loạn! Nay, người ngoại quốc mà gọi tên ông ta theo Anh ngữ thì cũng ghi rõ “The Martial Emperor”.
Hán Võ Đế sinh năm 156 BCE và mất năm 87, trị vì từ 141 tới 87, làm vua trong 54 năm, chỉ thua Hoàng đế Khang Hy của nhà Mãn Thanh sau hơn 1.800 năm. Ông sinh ra với tên Lưu Triệt, mà sau này các sách sử Trung Hoa phải tránh chữ Triệt nên dùng biểu tự là Thông. Ông kế vị Hán Cảnh Đế khi mới 16 tuổi cho tới ngày tạ thế sau hơn nửa thế kỷ tung hoành và làm loạn!
Quý vị sẽ còn nhức đầu với một dẫn nhập mà toàn những sửa sai!
Chưa hết đâu vì ta còn phải đi vào bối cảnh rắc rối hơn vậy. Thí dụ như từ tâm linh qua tới kinh tế! Mà bối cảnh đó là gì thế? Và một Đại đế cỡ Hán Võ Đế lại có thể được coi là hoàng đế vĩ đại… về sức tàn phá. Hán Võ Đế là tiêu biểu ở cả hai mặt đó, chưa kể công trình xâm lược nước Nam của chúng ta! Đường Lữ Gia của nước ta là một nhắc nhở.
Cứ nói riêng về Hán Võ Đế thì con người này có hai mặt ÂM và DƯƠNG. Mà Âm mới là khía cạnh khuynh loát. Nhưng hãy nói về Dương đã… Cho vui!
Võ Đế là người tích cực đóng góp cho Hán tộc và được nhiều người Việt mê sử Tầu coi như có công ngang Đường Thái Tông Lý Thế Dân hay Khang Hy. Ông mở mang bờ cõi Trung Hoa nhờ có nhiều tướng tài, đã chống quân Hung Nô, bành trướng xuống miền , từ Quảng Tây đến nước ta, hoặc chấn bọn Đông Di tới tận xứ Cao Ly. Từ Tây Vực ông tiến đến Trung Á, xứ Đại Uyển (Fergana) nổi tiếng với giống ngựa có mồ hôi màu… máu. Ông cho mở mang đường xá, khai kênh, đào sông, xẻ núi, tiếp xúc với các vùng đất ở hướng Tây và còn cải cách cả văn hóa lẫn… màu sắc cho hội họa. Ông cho lập ra các trường học để khảo hạch, tìm người phục vụ triều đình và chế độ theo tinh thần đề cao Khổng Nho.
Phần Dương lẫy lừng thế đó, nhưng thua phần Âm… xa lắc!
Hán Võ Đế có tâm lý mê tín dị đoan, mắc chứng vĩ cuồng, mê gái và gieo họa mà khỏi cần đếm! Năm - 136, Trung Quốc bị khủng hoảng môi sinh (thời đó đã có rồi), sông Hoàng Hà vỡ đập, chảy xuống miền Nam làm các vùng đất phì nhiêu nhất tại hướng Đông bị lũ lụt trong hai thập niên: mãi 27 năm sau mới tìm ra cách chữa! Trong khi đó, giới quyền quý và các bậc thân vương (của hoàng gia) được chia cho thái ấp vẫn cứ vi vút du dương ở mạn Bắc.
Trong khi ấy, dân đen khốn khổ vì triều đình tràn ngập các dự án lớn (kẻ đường xá, kênh đào, dinh thự và trường thành chặn Hung Nô), dù họ không thấy lợi ích kinh tế, chỉ có phí phạm tốn kém.
Mà tuyệt chiêu của Hán Võ Đế nằm ở chỗ khác: tăng nhịp độ kiểm soát và khuyến khích việc tố giác, nâng đủ loại thuế để tài trợ các chiến dịch quân sự, thẳng tay tịch thu các tài sản bị che giấu và nhân dịp diệt trừ ảnh hưởng của các đại gia quý tộc. Chẳng lẽ nay Tập Cận Bình đang cho áp dụng các chiêu pháp đó?
Kỳ sau, ta còn nhắc tới một phát minh rất lạ của chế độ độc tài: lập ra việc truy tố tội THẤM OÁN! Chẳng làm gì mà chỉ cúi mặt chịu đựng là có tội. Được lên chức thường khi là lên đoạn đầu đài. Một thí dụ sẽ thấy sau này là Tang Hoằng Dương, người đã có sáng kiến lập ra loại thuế đánh trên muối và sắt cho Hán Võ Đế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét