khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Tô Thùy Yên, thi sĩ lớn của Nhóm Sáng Tạo - Tác giả Viên Linh

 

Ngày đầu tuần trong giờ làm việc, nhà văn Ngô Thế Vinh từ một bệnh viện ở Long Beach gọi điện thoại cho người viết bài này, nói chuyện về người thứ tư còn sót lại của nhóm Sáng Tạo, đó là nhà thơ Tô Thùy Yên.

Một cảnh trong Ðêm Thơ Tô Thùy Yên do Trầm Tử Thiêng, Viên Linh và Lâm Tường Dũ tổ chức tại Quận Cam vào Tháng Giêng năm 1994, một thời gian ngắn sau khi thi sĩ tới Hoa Kỳ. 

Mai Thảo đang giới thiệu Tô Thùy Yên trên diễn đàn. (Hình tài liệu của Viên Linh)

Trong câu chuyện, tác giả Mặt Trận ở Sài Gòn và Vòng Ðai Xanh, giải Văn Chương Toàn Quốc VNCH, 1971, tin rằng Nhóm Sáng Tạo còn nhiều người vẫn đang hoạt động, chứ không phải chỉ có “ba người còn sót lại” như một tờ báo vừa mới loan tin sai. Tôi lưu ý anh rằng lớp viết báo, làm báo hiện nay còn trẻ, không có bao người đọc văn chương Việt thời trước 75, còn những người trong văn giới thời đó nay đã nhiều tuổi, trí nhớ đã ngắn đi, nếu họ có đọc Sáng Tạo, bên cạnh nhiều người mặc dù xuất hiện từ trước 75, nhưng chưa bao giờ viết Sáng Tạo, vì khi họ đặt được bước chân đầu tiên lên bến văn chương, thì con tầu Sáng Tạo đã rời ga từ năm bảy năm trước. Nhân thể, tôi cho người bạn biết: số chót của Sáng Tạo ra vào năm 1961, và Tô Thùy Yên có mặt ngay trên Sáng Tạo vào cuối năm 1956, và đăng thơ liên tục trên tờ tạp chí văn học đó. Trong tòa soạn của chúng tôi có khoảng 10 số Sáng Tạo, số nào cũng có thơ Tô Thùy Yên. Tô Thùy Yên là thi sĩ nòng cốt của Phong trào Thơ Tự Do của miền Nam, và là thi sĩ lớn của Nhóm Sáng Tạo. Tôi chỉ có khoảng 15 bài thơ đăng trên Sáng Tạo, song Tô Thùy Yên có nhiều gấp đôi. Hai bài thơ có tính tuyên ngôn của anh là bài Tôi Lên Tiếng và bài Tôi.

Tôi Lên Tiếng
Tôi gật đầu trước mặt ái tình
Như một loài cỏ ngoan vâng lời gió dạy
Kìa máu chảy ngoài đường*
Kìa máu chảy
Tôi ra giữa công trường cất tiếng kêu oan
Nhân loại ngây thơ đời đời chịu tội
Sắt đỏ cày nhăn trán mịn màng
Lúa đầy đồng người thiếu gạo ăn
Chúng nó đòi thủ tiêu thi sĩ
Tôi là thi sĩ tôi yêu
Chúng ta góp tay đẩy đời đi tròn
Hỡi những người chỉ dám khóc trong giấc mơ
Tôi đáp lời bình minh tuổi trẻ
Ðược nhìn mặt trời sung sướng thay...
(Tô Thùy Yên, Sáng Tạo số 8, 5.1957 *Thi sĩ có ghi chú một câu thơ
của Pablo Neruda nhân nhắc đến “máu chảy ngoài đường.”)
Tôi
Tôi là Tô Thùy Yên là thi sĩ
là người chép sử tương lai
Vốn học hành dang dở nên ra đứng bờ cuộc đời
ngó xuống hư vô ...
Có sống ngoài chiến khu nên rồi bỏ Việt Minh
Ðến ngợi ca cuộc đời xứ sở anh em ái tình thịnh trị
Và chỉ cất lời ngợi ca cho kẻ sành điệu muốn nghe.
(TTY, Sáng Tạo số 11 - tháng 8, 1957)
Bộ Biên Tập Sáng Tạo có ghi tên Tô Thùy Yên, bên cạnh bảy người khác, theo thứ tự abc: Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Trần Thanh Hiệp. Anh có mặt trong các cuộc Thảo Luận Bàn Tròn quan trọng của Nhóm: Thảo luận về “Nhân vật trong tiểu thuyết,” tháng 7, 1960; “Nói chuyện về Thơ Bây Giờ,” tháng 8, 1960; “Ngôn ngữ mới trong hội họa,” và sau cùng: “Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam.” Trong cuộc thảo luận về Thơ, Tô Thùy Yên xác định: “Thơ biến cái thật thành không thật... Bất cứ nhà thơ nào cũng sử dụng và đồng thời chối nhận ngôn ngữ. Sự mới mẻ độc đáo trong thơ trái với các bộ môn khác trong văn chương là không nằm trong đề tài (đề tài trong thơ thường khi rất thông thường và được coi như hằng cửu).”
Tô Thùy Yên còn là một trường hợp đặc biệt trong Văn học Miền Nam: mặc dù có thơ đăng báo trước tuổi hai mươi nhưng anh chưa có thi phẩm, hay bất cứ một cuốn sách nào, được xuất bản trước 1975, tuy vậy, anh được coi là một tác giả, một nhà thơ quan trọng của Văn chương Miền Nam. (Anh là người Nam duy nhất trong Nhóm Sáng Tạo.) Thi phẩm đầu tay của anh được in ở hải ngoại, và do nhà xuất bản “edition lmn” (không viết hoa - là chữ đầu của ba người họ Lê, họ Mai và họ Nguyễn) in ở Ðức năm 1994. Lmn đặt trụ sở ở Bonn, vì người chủ chốt là anh Mai Vi Phúc, thuộc Nhà Việt Nam ở Frankfurt. Năm đó nhân dịp Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại mang một phái đoàn tới 9 người đi dự Ðại Hội Văn Bút Quốc Tế ở Prague, Tiếp Khắc, tôi đề nghị với Nhà Việt Nam, và được anh em đồng ý, là in 5 thi phẩm mỗi cuốn khoảng 150 trang, cho 5 thành viên chính trong đoàn, để cùng ra mắt ở Bonn, ở Frankfurt, ở Ðông Berlin và nói chuyện Thơ Miền Nam với người Việt ở Ðông Âu. Không những họ trả cho các thi sĩ bản quyền tập thơ, mỗi người còn được một vé máy bay khứ hồi Hoa Kỳ-Prague sau đó qua Ðức, Pháp, khoảng tháng 11 năm đó. Ðó là Nguyễn Sỹ Tế với Tiếng Hát Gia Trung, Cung Tầm Tưởng với Lời Viết Hai Tay, Viên Linh với Hóa Thân, Mai Vi Phúc với Viết Từ Phương Ðông và Tô Thùy Yên với Tuyển Tập Thơ. Nhưng giờ chót, Tô Thùy Yên đã không có mặt trong phái đoàn, tuy rằng tập thơ của anh vẫn được phát hành ở Ðức. Lúc ấy anh mới rời Sài Gòn sau nhiều năm bị cộng sản cầm tù trong các trại tập trung, chưa kịp có thẻ xanh, hoặc mới có thẻ xanh song không thể đi phó hội quốc tế trong tình trạng còn nhiều khó khăn. Cả các anh Nguyễn Sỹ Tế, Cung Trầm Tưởng cũng chỉ mới có thẻ xanh.
Anh Tế còn ở tù lâu nhất, khoảng 13 năm, dù chỉ là một nhà giáo, không từng phục vụ trong quân đội như hai anh Tưởng và Yên. Chúng tôi đã phải nhờ văn phòng Dân Biểu Dornan (Cộng Hòa, Calif.) can thiệp với Sở Di Trú bằng điện thoại, nên hai anh xuất ngoại được, riêng anh Yên trục trặc, mặc dù anh cũng ở Minnesota như anh Tưởng. Tập thơ của anh được anh in ở Hoa Kỳ sau đó có nhan đề hơi khác là Thơ Tuyển, dày tới 224 trang. Trong tập này có những bài tuyệt tác: Chiều Trên Phá Tam Giang, Ta Về, Trường Sa Hành. Trước khi mang cấp bậc thiếu tá ở Sài gòn, Yên đã đóng quân ở đó:
Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trăng bốn bề.
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.
Mùa Ðông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
Mà Hiu Quạnh lớn cũng làm ngơ...
Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế.
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.
Tô Thùy Yên sẽ còn sót lại, có thể là sót lại tới giây phút cuối cùng của Nhóm Sáng Tạo. Thơ anh trổi bật, lóng lánh kim cương, sắc cạnh va chạm, chữ nghĩa như lân tinh nhấp nháy trong đêm giông bão khiến thế giới bên kia có thể tưởng là tín hiệu từ trần thế, hay phía sau cả trần thế, gửi cho họ. Có lẽ họ nghĩ đúng, Tô Thùy Yên thi sĩ đã gửi những tín hiệu ấy từ hơn nửa thế kỷ rồi, và rất nhiều người ở hải ngoại không nhận được. Người trần gian có thể ở xa trái đất hơn là những kẻ ở hành tinh khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét