Cuối năm vợ chồng tôi từ vùng Vịnh San Francisco bay xuống Quận Cam, thủ đô của người Việt tại Hoa Kỳ, thăm bạn sau ba năm không có dịp gặp và đi lòng vòng Little Saigon xem có gì lạ.
Đến Coffee Factory, điểm hẹn của văn nghệ sĩ và giới truyền thông trong vùng, gặp hai bạn học thời cấp 1 và cấp 2. Nhờ Facebook mà những năm gần đây nối kết được với nhau, một bạn liên lạc được cách đây vài năm và hè năm ngoái đã cùng nhau ăn phở, uống cà phê ở khu Grand Century, San Jose.
Chúng tôi là dân giáo xứ Nghĩa Hoà thuộc khu vực Ngã ba Ông Tạ mà nhà báo Cù Mai Công, hiện công tác tại báo Tuổi Trẻ, trong năm qua có loạt bài về vùng đất này và đã phát hành tập sách đầu tiên "Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!" [Nxb Trẻ, 2021] về lịch sử địa chí và nhân vật. Tập hai đang chờ kiểm duyệt vì có những chuyện "nhạy cảm".
Không hiểu viết về một vùng đất đã vươn lên từ vườn nhài, vườn cao su, từ bến xe ngựa thồ thành khu buôn bán sầm uất thì có gì "nhạy cảm"? Nơi mà nay theo đà phát triển đô thị cũng sẽ có trạm tàu điện, để thấy Ngã ba Ông Tạ có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển thành phố từ bao đời nay.
Thời thơ ấu tôi học trường tiểu học Nghĩa Hoà. Lên cấp hai học Thánh Tâm, bây giờ là trung học cơ sở Tân Bình, rồi học cấp ba ở Nguyễn Bá Tòng.
Ngày đó bạn Đinh Văn Nhan là đứa học trò phá phách quá nên bị đuổi học, đổi trường liên tục, hết Thánh Tâm qua Văn Đức lại vào Thánh Giuse, Thánh Tôma trước khi vào lính. Cuối tháng 4/1975 căn cứ ở Long Khánh thất thủ, bạn chạy về được Vũng Tầu và xuống tầu hải quân ra đi.
Chúng tôi nhắc đến hai văn sĩ học trò của trường Thánh Tâm là Phạm Văn Thông, bút hiệu Mai Thông và Bùi Thị Nhiên bút hiệu Thuỳ Dương, không có liên hệ gì với tôi. Cô nữ sinh ngày ngày mặc áo dài trắng, tay xách cặp, khuôn mặt xinh xinh, giáng đi khoan thai, nói năng chậm rãi từng làm lao xao bọn nam sinh. Nhiên hiện định cư tại Úc và vẫn nói thong thả như ngày nào. Cô vẫn "nói một câu từ bình minh đến hoàng hôn cũng chưa xong", một bạn đùa vui kể như thế.
Mai Thông nhập ngũ và chết khi trực thăng rớt trong những ngày quê hương còn chiến tranh.
Nhắc đến các bạn đã hy sinh vì nước chúng tôi nhớ Ngô Đắc Doanh cùng học trường cụ giáo Đồng, Nguyễn Đức Tuyển trưởng lớp ở Thánh Tâm. Tuyển là một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà tử trận khi bị Việt Cộng phục kích.
Đất Ngã ba Ông Tạ đã có nhiều người con hy sinh vì nước và cũng là quê hương của nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo mà Cù Mai Công đã nhắc đến tiểu sử trong các bài viết của ông: nhà văn MC Nguyễn Ngọc Ngạn, Hoàng Hải Thuỷ, Nguyễn Đình Toàn; nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Hùng Lân, Văn Giảng, Ngọc Chánh, Vũ Xuân Hùng; ca sĩ Giang Tử, Duy Khánh v.v… là những người của thế hệ trước.
Ngày nay có Tóc Tiên là lớp trẻ, tự tin yêu đời, nổi danh trong và ngoài nước. Về truyền thông báo chí, ngoài Cù Mai Công là Cỏ Cú một thời trên Mực Tím còn có Nguyễn Hồng Lam, Trương Bảo Châu. Ra hải ngoại có Nguyễn Vy Tuý, cựu học sinh Thánh Giuse Nghĩa Hoà, làm chủ bút nhiều tờ báo phát hành bên Úc.
Qua Hoàng Xuân Hùng, người từng học chung lớp ở Thánh Tâm, tôi mới biết khu Ông Tạ trước năm 1975 còn có văn phòng của các luật sư Vũ Minh Trân, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Hữu Thống là những chính trị gia có tiếng. Vùng đất này cũng có nhiều tướng tá của Quân lực Việt Nam Cộng hoà vì thế mà trở thành "nhạy cảm" qua con mắt ban tuyên giáo.
Quán cà-phê Coffee Factory đông khách vào một sáng thứ Sáu. Thấy nhà báo Nguyễn Tú A cùng thân hữu ở một bàn bên cạnh. Nghe cô phục vụ người gốc Mỹ Latinh nói tiếng Việt khi có ai gọi đồ ăn thức uống cho tôi cảm nhận ở đây có sự giao thoa giữa hai nền văn hoá, có hoà đồng giữa hai sắc dân.
Truyền thông Việt ngữ với các tờ Người Việt, Việt Báo, Viễn Đông là lâu đời. Truyền thanh truyền hình có SBTN, Little Saigon TV, Saigon TV. Các sinh hoạt văn nghệ giải trí cũng nhiều, với Saigon Performing Arts Center ở Fountain Valley. Trung tâm Thuý Nga nay dọn về đường Moran đã lên chương trình với nhiều sô diễn cho mùa xuân 2022.
Giới nghệ sĩ cũng tập trung sống quanh Quận Cam. Ca, kịch sĩ từ trong nước qua Mỹ định cư cũng chọn nơi đây để tái lập cuộc sống mới.
Xuống Quận Cam tôi cũng gặp lại một số bạn học từ Đại học Berkeley. Một anh du học trước 1975, làm việc cho các nghị sĩ dân biểu Mỹ trước khi về nước làm việc trong hai mươi năm qua. Anh kể dư luận trong nước, từ lãnh đạo xuống đến chị bán hàng ngoài chợ, hầu như ai cũng ủng hộ Tổng thống Donald Trump là điều khó hiểu.
Ngay trung tâm Little Saigon có một văn phòng bác sĩ, là cựu sinh viên Đại học U.C. Berkeley, hết lòng ủng hộ Tổng thống Joe Biden, ngay ở khu vực có truyền thống chính trị theo Đảng Cộng hoà. Ngược lại trên vùng San Jose là khu vực đa số Dân chủ có một luật sư, cũng là cựu sinh viên Berkeley, lại ủng hộ Đảng Cộng hoà hết mức. Tôi biết cả hai vì thường theo dõi các tranh luận trên diễn đàn của cựu sinh viên Berkeley. Đó là sự tuyệt vời của nước Mỹ.
Cũng như có người Việt ở đây ủng hộ chế độ cộng sản Hà Nội vẫn sống ngay trong lòng thủ đô của người Việt tị nạn. Họ qua định cư, mua nhà, mở cơ sở thương mại buôn bán.
Hôm đi ăn sáng ở Phở Holic, nghe mấy cháu hầu bàn nói giọng như xướng ngôn viên đọc tin trên đài VTV-1. Tiệm đông khách cả trong và ngoài vào sáng thứ Bẩy cuối tuần. Phở ở đây tương đối rẻ, 12 đôla một tô, không ngon lắm vì ăn xong là khô miệng và khát nước. Có tô xí quách là hấp dẫn.
Chuyến đi này tôi gặp hai phụ nữ. Chị Kim Sơn rời bến Bạch Đằng trên con tầu Đông Hải vào sáng ngày 30/4/75. Con tầu mà khi tôi ở ngoài khơi Singapore thì được chuyển từ tầu không máy Saigon II lên đó để đi Subic Bay, Philippines. Chúng tôi chia sẻ với nhau về trải nghiệm những ngày cùng sống với 2000 người trên hải trình di tản khỏi Việt Nam.
Người phụ nữ thứ hai là con gái của Trung tá Chính uỷ Bùi Văn Tùng, người đã nhận sự đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/75 và chồng chị từng là du học sinh ở Nga và sinh sống lâu năm ở Ukaraine. Sau năm 1975 gia đình chị cũng có một thời sống quanh vùng Ông Tạ mà nhà báo Cù Mai Công đã nhắc đến trong bài viết của anh. Đi ăn tối với anh chị ở quán Brodard, rất đông khách trẻ và khách ngoại quốc.
Chúng tôi cũng gặp lại Luật sư Nguyễn Bính Châu của đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh mà gia đình tôi có dịp đón tiếp cách đây 20 năm khi anh qua San Francisco tu nghiệp. Anh là bậc đàn anh của tôi ở trường Nguyễn Bá Tòng và Đại học Luật Sài Gòn. Anh chị và gia đình cũng đã qua Mỹ định cư mấy năm nay.
Vùng đất Ông Tạ ngày nay vẫn phát triển, người Ông Tạ vẫn còn đó với con cháu. Nhưng cũng như hàng triệu dân Việt khác từ sau năm 1975 nhiều người đã bỏ nước ra đi, có người mất tích, mất mạng trên biển vì không thể sống với cộng sản. Từ đó hình thành thủ đô của người Việt tại Mỹ như hôm nay.
Bolsa Avenue, với quãng đường chính chạy qua Little Saigon mang tên Đại lộ Trần Hưng Đạo. Trên đường có tượng đài Trần Hưng Đạo và đền thờ Đức Thánh Trần.
Cách vài khu phố có trụ sở của Museum of Republic of Vietnam, nơi lưu giữ những di vật của Việt Nam Cộng hoà. Đây là bảo tàng thứ hai về Việt Nam Cộng hoà ở California, sau San Jose nơi có Bảo tàng Thuyền nhân - Việt Nam Cộng hoà do cựu Đại tá Vũ Văn Lộc sáng lập cách đây cũng 20 năm.
Về các dự án bảo tàng, Quận Cam còn có Vietnamese Heritage Museum (VHM) do anh Châu Thụy khởi xướng và đã thu thập được nhiều di vật, có tiếp chuyện, phỏng vấn nhiều người theo hình thức lịch sử truyền khẩu. Dịp này tôi đã chia sẻ kinh nghiệm định cư, hội nhập và làm việc thiện nguyện với VHM và tặng bảo tàng một tờ nhật báo Tiền Tuyến, một số di vật như báo Tự Do, báo của khối ESL, các thư mời tham dư sinh hoạt trong trại và 300 tấm hình về trại Galang, Indonesia.
Đã gần 50 năm từ ngày có người Việt tị nạn đến Mỹ định cư, đây là lúc cần có một bảo tàng đúng chuẩn mực về người Mỹ gốc Việt, như các cộng đồng người gốc Do Thái, người Nhật đã có.
Sau ba năm mới có dịp trở lại đây, chạy quanh các đường Bolsa, Brookhurst của hai thành phố Westminster và Garden Grove tôi quan sát thấy, sau những giới hạn vì dịch Covid, sinh hoạt của cộng đồng người Việt vẫn sinh động và phát triển. Tuy có những khu thương mại mới xây, cửa hàng đang chuyển sở hữu sang "tụi Việt Cộng", như một bạn cho biết và quan ngại một ngày nào đó cờ đỏ sao vàng lại chiếm Little Saigon.
Tôi không bi quan lắm, vì làm ăn ở đây mà trương cờ đỏ lên là tự sát, phá sản. Ca sĩ không dại gì hát "Như có bác Hồ" hay biểu diễn đàn t'rưng "Vót chông" vì sẽ bị tẩy chay, biểu tình phản đối.
Thật sự bản chất độc tài của Hà Nội không thể che dấu được dư luận Mỹ và thế giới khi nhà nước bắt giam hàng trăm tù nhân lương, xử án nhiều năm tù dành cho Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Đỗ Nam Trung, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Tường Thụy… và khi mà Việt Nam chưa có tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do hội họp hay lập hội. Khi mà Việt Nam ngày nay vẫn còn là "một quốc gia có một rừng luật mà chuyên sài luật rừng."
Quận Cam là nơi có Vietnam Human Rights Network mà hôm 12/12 vừa qua đã tổ chức lễ trao Giải Nhân quyền 2021 cho năm người trong nước đã có những hoạt động vì quyền làm người mà đang bị giam tù là Cấn Thị Thêu và hai con là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và Nguyễn Văn Túc, Đinh Thị Thu Thuỷ.
Sau gần nửa thế kỷ cộng sản cai trị toàn cõi Việt Nam, nhiều người dân vẫn tìm mọi cách ra đi và nước Mỹ sẵn sàng chào đón những ai có cơ hội đến đây sinh sống, lập nghiệp.
Như mỗi lần thăm Little Saigon, trước khi rời vợ chồng tôi ghé mua các món ăn ưa thích mang về. Lòng dồi ở Tam Biên, bánh bao ở Yummy ngay bên cạnh, ghé chỗ quen mua chả, cá ướp sẵn, mua áo dài. Lần này tất cả hơn 50 cân Anh, gửi hành lý máy bay. Mang về ăn nhậu đón Giáng Sinh và Năm Mới và làm quà cho người thân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét