khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Thốc, Hốt, Hỗn Độn, Mạng Xã Hội Và Thế Giới - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa

 

Đế Vương ở Nam hải tên là Thốc. Đế Vương ở Bắc hải tên là Hốt. Đế Vương ở Phần Giữa có tên là Hỗn Độn. Thốc và Hốt thường chạy tới chỗ Hỗn Độn chơi. Hỗn Độn đối với họ rất hiền hòa. Để báo đáp ân huệ của Hỗn Độn, Thốc và Hốt một hôm bàn với nhau: “Làm người ai cũng có bảy khiếu, tức bảy lỗ: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và mồm. Bảy khiếu dùng để nhìn, nghe, thở và ăn. Trái lại, Hỗn Độn đến một cái khiếu cũng không có, thật tội nghiệp. Để chúng ta giúp Hỗn Độn mở ra bảy khiếu vậy”. Thế là Thốc và Hốt mỗi ngày giúp Hỗn Độn mở ra một khiếu. Bảy ngày sau đó, Hỗn Độn chết.
(Nam Hoa Kinh của Trang Tử)
Nói về thất khiếu, ta không nên dùng miệng mà dùng mắt…
Các nước Đông Á đã trước tiên phát minh nghệ thuật ấn loát với kỹ thuật in mộc bản. Hai lãnh vực được kỹ thuật mộc bản phát huy trước tiên là mỹ thuật và tôn giáo. In áo cho nàng và in kinh cho thầy! Ngày nay, người ta còn giữ được bản in kinh Kim Cương vào năm 868, cách nay đúng 1140 năm. Từ đất Trung Hoa vào đời Hán, kỹ thuật ấn loát phát triển qua các xứ Châu Á như Cao Ly, Nhật Bản, Thổ Lỗ Phồn (tên cổ của Tây Tạng) và cả Việt Nam. Rồi lan qua Ba Tư hay nước Nga và nhờ văn minh Hồi giáo mới vào tới Âu Châu trong thời Trung Cổ.
Với nhân loại, thế giới hiện đại có cuộc cách mạng kỹ thuật từ khi người Đức Johannes Gutenberg phát minh kỹ thuật in bằng khuôn chữ di động với con chữ rời đúc bằng kẽm. Hãy tạm ghi thời điểm xuất hiện đó là năm 1440. Việc in ấn phát triển dẫn tới cuộc cách mạng văn hóa thời Phục Hưng tại  Châu kéo dài qua nhiều thế kỷ nhờ con người được đọc, học hỏi và mở mang kiến thức nhờ mở mắt.
Lồng trong đó còn có vài ba cuộc cách mạng tôn giáo và nạn chinh chiến điêu linh cho tới thế kỷ 20.
Đúng 500 năm trước, cuối Tháng 10 năm 1517, nhà tu kiêm thần học Martin Luther nêu vấn đề với Giáo hội La Mã về đức tin và nạn tham nhũng trong hệ thống Công giáo. Ông chất vấn qua bản văn gọi là “95 Luận đề” (Disputatio pro declaratione virtutis indulgentiarum) được in ra và đóng búa trên cổng vào nhà Thờ Chư Thánh tại Wittenberg của nước Đức. Then chốt ở đây là cái búa và những chữ “được in ra”.
Phát minh của Gutenberg từ trăm năm trước đó, tính tròn là 600 năm, giúp các luận giải và phản bác của Martin Luther lan rộng như thuốc súng. Chúng ta có thể hiểu thuốc súng theo nghĩa đen vì từ đó Âu Châu trôi vào một cuộc chiến tranh tôn giáo làm các nước Đông Âu bị tàn phá trong 130 năm, cho tới khi “Cuộc Chiến Ba Chục Năm” kết thúc vào năm 1648, cách nay 370 năm.
Nhưng vì sao trong một số báo đầu Xuân mình lại nhắc lại mấy chuyện xa xôi hắc ám đó?
Cuộc cách mạng kỹ thuật về nghề in mất 200 năm phát triển và nếu có giải phóng một phần nhân loại khỏi sự dốt nát thì cũng dẫn tới u mê chiến tranh, sự tàn phá và xoay chuyển trật tự chính trị của các tôn giáo lẫn đế chế Âu Châu. Hậu thế thường chỉ thấy “cái được” - phần tích cực của một sự hiểu biết mới - mà dễ quên cái mất, là tính chất cực đoan lẫn chinh chiến xuất phát từ những hiểu biết mới. Cái trật tự được giai tầng lãnh đạo ở trên - các giáo hội hay đế chế vương quyền – ban phát xuống dưới đã bị đảo lộn vì thành phần dân giả hay học giả ở dưới phản bác.
Thành phần này có lợi thế vận động mới là các tài liệu in ấn! Tai nghe không bằng mắt thấy.
Sau Johannes Gutenberg gần 500 năm và sau Martin Luther 400 năm, nhân loại lại được thấy một hiện tượng đóng búa khác. Đó là cuộc “Cách Mạng Tháng Mười” năm 1917 tại Nga. Năm 2017 vừa qua, thế giới tưởng niệm cả trăm triệu người chết vì chế độ cộng sản, một thứ tôn giáo vô thần theo cách nhìn của Lệ thần Trần Trọng Kim. Kỹ thuật in ấn và truyền đơn như bươm bướm lại xuất hiện khắp nơi để nói tới giải phóng. Quần chúng u mê đòi lật đổ trật tự cũ ở trên để tin vào các chính ủy có búa liềm trong tay, miệng nói về xã hội chủ nghĩa khoa học.
Từ Âu Châu, khái niệm cách mạng và giải phóng lại tái diễn chuyện tang tóc thời xưa, nhưng trên địa bàn toàn cầu.
Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng khác, không phải cách mạng kỹ thuật mà cách mạng thuật lý (technology, gồm phần kỹ thuật là techno và cái lý, logos, của kỹ thuật). Khác với lần trước tại Âu Châu là phải qua 200 năm in ấn mới có động lượng (hay cái trớn, momentum) đổi đời. Lần này chỉ có 20 năm.
Và động lượng đó lan rộng toàn cầu vào hầu hết mọi lãnh vực sinh hoạt của con người. Chúng ta có thể đang được giải phóng mà có khi cũng giải phóng những phản ứng xấu xa nhất của con người.
Nhưng phải nhìn về 20 năm trước đã thì mới tin….
Đầu tiên, 40 năm trước, cuộc cách mạng kỹ thuật về điện toán với máy vi tính cá nhân đã phổ biến rất nhanh kể từ 1977. Vài chục năm sau, cái PC ngày càng mạnh, nhanh và rẻ đã tràn ngập mọi nơi chẳng khác gì các tài liệu ấn loát được phổ biến tại Âu Châu trong khoảng 140 năm - từ quãng 1490 cho tới 1630. Thế rồi, trên đà gia tốc ấy ta lại thấy xuất hiện một hiện tượng mới hơn. Đó là mạng lưới Internet.
Cách nay 20 năm, vào năm 1998, chỉ có 2% nhân loại biết vào mạng Internet, và giao dịch với nhau trên không gian ảo - mà thật. Ngày nay, tỷ lệ đó lên tới 40%. Hơn 20 lần nếu ta đếm thêm đà gia tăng dân số. Trên không gian điện tử, điện toán hay “điện não” ấy, con người liên lạc với nhau dễ hơn dù không hề trực tiếp gặp nhau. Khỏi cần cán bộ giao liên!
Thế giới vô cương, không biên giới, là vậy! Hao hao như thế giới đại đồng của Mao và Marx.
Chuyện thứ hai còn đáng kinh ngạc hơn là các nhà phát minh đã trở thành doanh gia cự phú của tư bản chủ nghĩa chưa hề dẫy chết như người ta vẫn thường tiên đoán.
Tỷ phú Hoa Kỳ trong các doanh nghiệp cao kỹ (hi-tech) có khi chẳng biết nhà phát minh nghề in Gutenberg bị phá sản năm 1456, hay các doanh gia điền chủ bị đấu tố đến chết vào năm 1956 ở bên Tầu hay bên Ta! Họ đang làm chủ các tổ hợp giàu có nhất và có ảnh hưởng nhất. Hình như tiền và tài đang tập trung vào một thiểu số trên một thị trường mà kinh tế học gọi là “quả đầu”, oligopole - có rất ít đầu.
Xin lấy vài thí dụ cho dễ nhớ. Tổ hợp Google và dưới tên mới là Alphabet Inc, có kết giá thị trường (market capitalisation) khoảng 670 tỷ Mỹ kim, trong đó hai nhà sáng lập là Larry Page và Sergey Brin làm chủ chừng 110 tỷ, cỡ 16%. Kết giá thị trường của Facebook đang mấp mé 500 tỷ và người sáng lập là Mark Zuckenberg làm chủ hơn 80 tỷ. Họ cứ áo quần phong phanh ra vẻ bất cần đời mà thật ra là những người giàu nhất thế giới. Mà khốn thay, đời lại cần họ!
Chẳng có gì là “bất công” hay “bóc lột” trong tình trạng bất bình đẳng ấy.
Một cách lạc quan - lâu lâu khoa kinh tế cũng có phản ứng hồ hởi - người ta thấy tiến bộ thuật lý làm giảm giá thành trên toàn thế giới chứ không riêng gì Hoa Kỳ. Giá máy móc, thiết bị và dịch vụ giao dịch giảm mạnh với phẩm chất cao hơn khiến cả tỷ người tham gia vào thị trường và trả tiền rất bèo cho các cự phú quả đầu ấy. Nhờ có cả tỷ người chi tiền, họ trở thành tỷ phú! Tại sao lại than?
Nhưng mà nên than về chuyện khác. Thế giới chỉ có vài chục, hay vài trăm người, làm chủ các phương tiện thông tin giao dịch phổ biến nhất, và phần còn lại của nhân loại là mấy tỷ người nhắm mắt sử dụng. Trong số này, nếu có vài triệu người sử dụng cho mục tiêu gì khác thì sao?
Bản vỗ bằng kẽm tại Âu Châu đã vỗ tan hệ thống Thiên Chúa Giáo và biên giới quốc gia – câu chuyện thê lương mà có vẻ hợp đạo lý của Martin Luther là một nhắc nhở. Cống hiến của Marx, Lenin, Stalin hay Mao và các môn đồ cũng có vẻ phù hợp với đạo lý con người nhờ truyền đơn và tuyên truyền cho một tôn giáo mới…. Lại một phen phá vỡ mọi biên cương.
Mạng lưới điện não và các “mạng xã hội” hay “social networks” mở đầu với việc phá tung các thị trường. “Hạ tầng kinh tế” mà! Biến cố “Tiền Mật Mã – như Bitcoin, Etherium hay Ripple… vào năm 2017 - chỉ là một trong rất nhiều thí dụ.
Nói đến chuyện “phá tung” hay đảo lộn trật tự toàn cầu có khi gây ra hỗn độn, chúng ta nên trở về chuyện 20 năm qua….
Năm 1998, Google xuất hiện trong một nhà xe tại Menlo Park của California. Bây giờ, mỗi ngày có hơn bốn tỷ lần gõ tìm dữ kiện hay tin tức trên mạng Google, bằng đủ loại máy! Hơn 10 trước, trong ký túc xá của Đại học Harvard, một nhóm sinh viên nuôi giấc mơ nối kết, ngày nay, hệ thống Facebook của họ đã nối kết hai tỷ người với nhau: hai phần ba dân Mỹ hiện có trương mục Facebook. Năm 2005, tại Mateo cũng ở California, YouTube mở bát trên một tiệm pizza, bây giờ, hàng ngày có gần chín tỷ phim video được xem trên YouYube. Năm 2006, một nhóm người lập ra mạng Twitter, ngày nay có 300 triệu người tham dự và đang gây ảnh hưởng rất lớn, kể cả cựu Tổng thống Barack Obama hay đương kim Tổng thống Donald Trump và vài chục nhân vật nổi tiếng khác của Hoa Kỳ.
Ngày nay, 60% tin tức được loan truyền tại Mỹ không do báo chí hay truyền thông phổ biến, mà qua các Mạng Xã Hội nói trên. Người ta hiểu biết - và có thể hiểu sai - về thế giới chung quanh chính là qua các mạng liên kết đó. Hóa ra cuộc cách mạng thuật lý không chỉ tạo ra một lớp rất ít tỷ phú có rất nhiều ảnh hưởng và làm báo chí ấn loát điêu đứng. Có khi nó dẫn đến một cuộc cách mạng khác…
Trước khi thiên hạ lên cơn sốt về Bitcoin, các Mạng Xã Hội đầy ảnh hưởng này đã lật đổ trật tự Âu Châu trong cuộc trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh Thống Nhất. Thủ trướng David Cameron bị bất ngờ về kết quả - đa số dân Anh đòi ra khỏi Liên hiệp Âu châu – mà cả Liên Âu cũng bị chấn động và ngày Cameron đành làm tư vấn cho tư bản thân tộc của… Tầu.
Người ta bị bất ngờ và báo chí hay các học giả dự đoán sai vì không thấy ra khả năng kết nối lẫn huy động của các mạng lưới xã hội nói trên. Trong hai năm liền, nước Mỹ lên cơn sốt vì cuộc bầu cử năm 2016 và một năm chấp chính của người thắng cử bất ngờ là ông Trump. Cơn sốt còn dẫn tới nguy cơ khủng hoảng pháp lý và hiến chế tại Hoa Kỳ vì nhiều người, trong và ngoài Chính quyền Valdimir Putin, cũng biết dùng mạng xã hội làm “giao liên vô hình” để tác động vào nhận thức của cử tri và các chính khách.
Sau 16 ứng cử viên Cộng Hòa, ứng cử viên Hillary Clinton thất cử vì nhiều sai lầm của ban tham mưu, vì sự yếu kém của bản thân, nhưng cũng vì không lường được khả năng vận dụng các mạng xã hội của đối thủ nhằm thuyết phục thành phần thất thế, bị lãng quên và khinh miệt tại các tiểu bang hay quận hạt sa sút giữa các thành phố và tiểu bang thịnh vượng sầm uất.
Cuộc cách mạng đang diễn ra trước mắt chúng ta không chỉ làm thị trường đảo lộn mà còn gieo bão táp trên chính trường và sẽ chi phối mọi sinh hoạt của con người. Dù chẳng gặp nhau, họ vẫn có thể gây sóng gió nhờ sức cộng hưởng. Cùng dún dậy trên một cây cầu vô hình, có khi vì động lực vô tình hay cố ý, đám đông có thể đánh bứt cây cầu vì hiện tượng vật lý gọi là giao ứng.
Chúng ta nói đến vai trò của Nga, nhưng sao không nhìn qua Tầu nay đã hùng mạnh hơn thời Mao? Chúng ta đã thấy phát minh tích cực của Gutenberg lại dẫn đến khủng hoảng tôn giáo rồi chính trị tại Âu Châu trước khi xuất hiện một tôn giáo mới là chủ nghĩa cộng sản. Vì sao không thấy một vụ khủng hỏang tương tự đang xảy ra cho một tôn giáo tại Trung Đông, đạo Hồi, với ảnh hưởng chính trị sẽ tràn lên Âu Châu và lan qua Trung Á…. Biến động đang xảy ra tại Iran, với dân Ba Tư nổi tiếng thiên phú về khoa học điện tử, có thể là cơ hội chiêm nghiệm. Đây là chưa nói tới nạn khủng bố Hồi giáo “nội hóa” ngay trong các nước dân chủ, nhờ mạng xã hội chuyển tải các tư tưởng hắc ám lẫn kỹ thuật giết người rất dễ và… rẻ. “Khủng bố đại chúng”, hay mass terrorism, là hiện tượng mới mà Lenin chẳng nghĩ ra.
Khi phát minh ra các mạng xã hội, lớp người trẻ tại Mỹ đều có chung một nét là giỏi kỹ thuật lẫn kinh doanh, mà thiếu ý thức lịch sử. Ngày xưa, Martin Luther ôm giấc mơ tu hành cho mọi người tin vào đạo. Kết quả bất ngờ là nhiều vụ thảm sát. Gần đây, vô sản toàn cầu hãy đoàn kêt lại, như Marx kêu gọi, làm nhiều người bị chôn sống.
Ngày nay, những người phát minh mạng xã hội cũng mơ giấc kết nối đại đồng, giao ứng giữa mọi công dân của một thứ siêu quốc gia không biên giới trong đó mọi người đều bình đẳng. Kết quả có khi là ác mộng nữa vì trong thế giới ảo, sự gian ác có thể lan truyền như một loại vi khuẩn hay lây.
Đã vậy, ta còn thấy ra hai hiện tượng đáng ngại khác.
Thứ nhất, trong cơ chế quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền dân đang muốn vạch lại ranh giới và thu hẹp ảnh hưởng của quốc tế. Thứ hai, nhiều quốc gia lại đòi gây ảnh hưởng hoặc trực tiếp can thiệp vào xứ khác. Từ bên ngoài, họ dùng mạng xã hội tác động vào bên trong, mà người tiêu thụ “tin tức” hay “kiến thức” có dụng ý đó lại không biết, nên cứ loan truyền tiếp và gây ra động lượng cộng hưởng. Họ dùng truyền thông đại chúng mass media cho nhu cầu “ngu chúng”, một cuộc cách mạng mới của chánh sách ngu dân.
Bài này mở đầu với hai nhân vật ngụ ngôn trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử, là Thốc và Hốt. Có đầy thiện chí như Thốc Hốt, những người phát minh ra mạng lưới xã hội đang bốc hốt rất bạo. Chỉ mong rằng thất khiếu của Hỗn Độn, của chúng ta, lại không bị đục….
Vì vậy, bài viết mở đầu phải nhắc chuyện 600 năm xa xôi mà hắc ám. Xin hãy lạc quan nhưng tỉnh táo về các phát minh mới lạ. Đừng để bị kích động dụ dỗ bởi mấy tay chính ủy hay chính khách. Hãy cố tìm cho mình những cái lọc. Đấy là lời tâm niệm của chúng tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét