Hiện nay, những thông tin về biến thể delta rất ư là lẫn lộn. Nhiều người, kể cả trong ngành y, đưa ra một số thông tin không có nguồn gốc khoa học (kiểu như ‘đi ngang qua cũng bị nhiễm’) làm hoang mang nhiều người. Tôi cố gắng tìm hiểu vấn đề, và dưới đây là những gì tôi đọc được và xin chia sẻ với các bạn.
Đại dịch xuất phát từ Vũ Hán đã kéo dài 1 năm 6 tháng rồi. Gần 180 triệu người bị nhiễm và đã có gần 4 triệu người chết có liên quan đến con virus Vũ Hán. Trong thời gian đó, con virus Vũ Hán đã ‘biến hoá’ thành nhiều biến thể qua nhiều giai đoạn. Những biến thể của nó có thể kể đến alpha (B.1.1.7), biến thể beta (B.1.351), biến thể kappa, biến thể gamma (P.1), và gần đây nhứt là ‘biến thể delta’ (tên khoa học là B.1.617.2).
Biến thể kappa và delta được phát hiện lần đầu tiến ở bang Maharashtra (Ấn Độ) từ tháng 10/2020. Cho đến nay, biến thể này đã được tìm thấy ở 77 quốc gia [1] và chiếm 20% tổng số ca nhiễm ở Mỹ [2]. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC Mỹ xem đó là một VOC (Variant of Concern). Cách định danh này có nghĩa là nếu không kiểm soát được biến thể delta thì nó có thể bùng phát như năm 2020.
Nhưng những thông tin về biến thể delta làm lẫn lộn nhiều người, kể cả tôi. Người ta nói rằng biến thể này nguy hiểm, lây lan ‘dữ dằn’ hơn các biến thể trước, đến nổi chỉ đi ngang qua người bị nhiễm mình cũng bị! Vấn đề là những thông tin như thế này không thấy có tài liệu tham khảo hay chứng cớ khoa học nào cả. Do đó, tôi đã tìm hiểu trong Pubmed và báo chí để trước là cho tôi hiểu và sau là chia sẻ cùng các bạn.
Tại sao có biến thể?
Như tôi có giải thích một cách ví von hôm qua rằng con virus cũng như chúng ta muốn sống. Không ai muốn chết cả. Do đó, chúng ta và con virus (nhiều virus khác nữa) đang chạy đua để sống, và cuộc chạy đua này có thể xem như một cuộc cạnh tranh sanh tồn.
Để sanh tồn, con virus, cũng như virus cảm cúm, tự chúng nhân bản. Và, chúng có cấu trúc từ RNA nên chúng nhân bản rất tốt. Chẳng hạn như con cái của chúng có thể khác với cha mẹ một chút xíu về cấu trúc RNA, và thế là có một biến thể mới.
Những con virus và biến thể virus tồn tại với chúng ta là những con có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác. Nói ví von là chúng kiếm càng nhiều nhà (con người) càng tốt, cho đến khi nào chúng và ta phải sống chung với nhau.
Nhưng không chỉ biến thể delta mới đang quan tâm; ngay cả biến thể alpha (phát hiện từ Anh) cũng rất đáng quan tâm. Ở Úc, các giới chức y tế vẫn phát hiện người bị nhiễm biến thể alpha từ nước ngoài về Úc. Nhưng tình hình hiện nay thì delta là con virus gây ra nhiều lây nhiễm nhứt.
Biến thể delta lây nhiễm hơn biến thể khác?
Yes. Theo vài chuyên gia Úc trích số liệu từ Public Health England (tôi chưa thấy) thì biến thể delta có chỉ số lây nhiễm (reproduction ratio R0) là 5-6. Đó là chỉ số khá cao, so với các biến thể khác có chỉ số R0 chỉ 2-3. Điều này có nghĩa là cứ mỗi người bị nhiễm biến thể delta thì người đó có thể lây lan cho 5-6 người khác.
Vẫn theo các chuyên gia [3-4] đó trích từ số liệu bên Anh (Public Health England) thì 90% các ca nhiễm mới là từ biến thể delta. Vẫn theo nghiên cứu từ Anh, biến thể delta tăng nguy cơ (xác suất) lây nhiễm đến 64% so với các biến thể trước, đặc biệt là trong nhà [5].
Biến thể delta nguy hiểm hơn?
Chưa biết. Hiện nay chúng ta còn có quá ít dữ liệu để biết biến thể delta độc hại (hiểu theo nghĩa tăng nguy cơ tử vong). Chúng ta chỉ biết biến thể delta làm cho người bị nhiễm dễ nhập viện hơn.
Một nghiên cứu công bố trên Lancet [6] cho thấy nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân với biến thể delta cao hơn các biến thể khác là 85%. Nói cách khác, cứ 100 người bị nhiễm với các biến thể khác có 15 người nhập viện, thì với biến thể delta, cứ 100 người thì có 28% người nhập viện.
Nhưng chưa có dữ liệu để nói rằng biến thể delta có nguy cơ tử vong hơn các biến thể khác [6].
Vaccine hiện nay có hiệu quả đối với biến thể delta?
Yes. Theo một nghiên cứu (chưa qua bình duyệt nhưng đã công bố dưới dạng preprint), 2 liều vaccine Pfizer có hiệu quả 96%, còn 2 liều vaccine AZ có hiệu quả 92% đối với biến thể delta [7]. ‘Hiệu quả’ ở đây có nghĩa là giảm số ca nhập viện. Nhưng nếu chỉ 1 liều thì hiệu quả chỉ chừng 33%. Điều này cho thấy để phòng ngừa biến thể delta thì chúng ta cần phải tiêm 2 liều như khuyến cáo.
Một bằng chứng khác cho thấy vaccine quả thật có hiệu quả là số liệu từ Mỹ
Số liệu từ Anh cho thấy từ đầu tháng 2/2021 đến giữa tháng 6/2021, có chừng 92,000 ca nhiễm biến thể delta; trong đó 90% là tuổi dưới 50. Trong số 82,500 người bị nhiễm dưới 50 tuổi, 65% là không/chưa được tiêm vaccine [8]. Con số này có nghĩa là đa số những ca nhiễm mới là ở người chưa tiêm vaccine. Nói cách khác, tiêm vaccine có thể giảm số ca nhiễm với biến thể delta.
Tóm lại, những thông tin trên đây cho chúng ta biết rằng biến thể delta của virus Vũ Hán:
(a) đang là nguyên nhân của đa số (chừng 90%) các ca nhiễm mới trên thế giới;
(b) có chỉ số lây lan cao đến 5-6;
(c) tăng nguy cơ bị nhiễm nặng và phải nhập viện; nhưng
(d) 2 liều của các vaccine hiện hành như Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả rất cao trong việc phòng chống biến thể delta.
Trong điều kiện con virus tiếp tục biến hoá, những thông tin trên đây, một lần nữa, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiêm vaccine trong cộng đồng để ngừa dịch Vũ Hán về lâu dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét