- Nghe tôi nói đến “Hiếu nhà băng”, thiếu tướng Thạc nhướng lông mày, ngạc nhiên:
– “Hiếu nhà băng” ở Zurich? Ông quen hắn à?
Tôi gật:
– Quen. Chưa lâu lắm. Ông biết ông ấy à?
– Biết. Từ hồi kháng chiến chống Pháp kìa. Lúc ấy chúng tôi đặt cho hắn biệt danh “Hiếu tồ”.
– Trái đất tròn thật. Hoá ra hai ông quen nhau – tôi nói – Tôi gặp ông Hiếu trong chuyến du lịch Ai Cập. Lâu rồi, dễ đến ba hoặc bốn năm. Quen loáng thoáng thôi. Mãi đến năm ngoái gặp lại ở Genève mới có dịp tâm sự.
– Ông thấy hắn ta thế nào?
– Tính tình cởi mở, quả có hơi tồ một chút.
– Nghe nói bây giờ hắn giàu. Giàu lắm ấy.
Ông thiếu tướng liếm đôi môi khô. Trong giọng ông có một chút khó chịu, một chút ghen tị, hoặc cả hai.
– Trông ông ấy bề ngoài thì cũng bình bình, vầy vậy, không có dáng giàu có – tôi nói nhận xét của mình – Ăn vận xuềnh xoàng, xe không sang – một cái BMW đời cũ. Đại khái là làng nhàng, không có gì nổi bật. Trước khi về hưu ông ấy làm việc ở một ngân hàng. Phó giám đốc hay là chuyên viên gì đấy.
– Giám đốc đấy, ông ạ. Làm đến chức ấy thằng chó nào mà không giàu chứ?
Tôi im.
Ông Thạc triết lý:
– Cái số con người ta thật lạ, lên voi xuống chó khôn lường. Tôi biết rõ Hiếu Tồ. Trước, hắn ở đơn vị tôi.
Đến lượt tôi trợn mắt:
– Tức là ông ấy từng ở bộ đội? Trông chả có dáng quân sự gì sất.
– Cấp dưới của tôi mà. Hồi ông đến nhận công tác ở chỗ tôi thì hắn không còn đấy nữa. Đào ngũ.
– Năm nào?
– Đầu 54.
– Ông Hiếu không nói với tôi chuyện ấy.
– Vinh gì cái đào ngũ mà kể.
Tôi với thiếu tướng Thạc quen nhau hồi ông làm trưởng phòng chính trị Bộ tư lệnh quân khu 3, tôi thì từ Việt Bắc về lấy tài liệu tổng kết. Sau đó là tiếp quản thủ đô, rồi mấy đợt rèn cán chỉnh quân, gặp nhau chan chát. Người khác ở tuổi ông, có thâm niên quân đội như ông, thì đã lên trung tướng hoặc thượng tướng từ lâu.
Quen nhau lâu. nhưng tình bạn giữa chúng tôi lỏng lẻo, có lẽ tại tính tình không hợp. Tuy nhiên, biết nhau hơn nửa thế kỷ mà vẫn giữ được quan hệ thì coi như không quá xa cách.
Thiếu tướng Thạc sang Đức ở với con gái. Không hiểu qua ai mà biết địa chỉ của tôi, ông biên thư hỏi thăm. Có việc qua nơi ông ở, tôi rẽ vào. Ông mừng lắm, ôm chặt, vỗ lưng tôi đồm độp, mắt nhòa đi. Ông đang trong cơn cô đơn, tôi đoán thế. Tâm trạng này có ở bất cứ người lớn tuổi nào trong cuộc sống xa quê. Hỏi thì ông bảo ông sống tạm ổn, không có gì đáng phàn nàn.
Anh con rể người Đức là chuyên viên một hãng lớn. Cô vợ có cửa hàng hoa tươi, có bề phát đạt. Ngoài ngôi nhà ở khang trang ở giữa thành phố, vợ chồng này còn có nhà vườn. Ở nước Đức, một cuộc sống như thế được coi thuộc loại trung bình khá.
Khi mới sang, ông Thạc ở chung với con cháu. Ít lâu sau ông dọn ra nhà vườn. Ông bảo ở nhà vườn cũng đủ tiện nghi, lại được ở một mình, dễ chịu hơn. Chưa kể sáng sáng còn có việc làm – với cái cuốc, cái kéo tỉa cây, ông chăm sóc mấy giàn hoa leo, mấy luống rau thơm. Thỉnh thoảng, vào cuối tuần, hai vợ chồng dẫn các cháu ra thăm ông.
Ông không biết một tiếng Đức nào, với ai ông cũng chỉ mỉm cười thay lời chào. Anh con rể gật đầu chào lại, nhưng không cười. Hai đứa cháu trai nghịch như quỷ sứ, vừa ra đến nhà vườn là chúng chúi vào các trò chơi điện tử.
– Cái giống Đức tính lạnh, không như người mình, ông ạ – ông Thạc nhận xét – Giao thiệp với dân Đức không dễ, chẳng biết trong bụng chúng nó nghĩ gì. Thằng rể tôi đươc cái lễ độ, bề ngoài nó cũng có vẻ kính trọng bố vợ.
Ông tiếp tôi ở nhà vườn, xăng xái đi nấu cơm thết bạn.
Tôi thấy ông đi đứng còn nhanh nhẹn, lưng không gù, giọng sang sảng, duy có nước da mai mái, dấu vết của bệnh sốt rét kinh niên làm ông hơi xấu mã. Hàm dưới đưa ra, má hóp lại. Ở tuổi bảy mươi tám còn được thế là tốt rồi. Trong phong thái, ông vẫn giữ được chút gì đó của một thời chinh chiến, khi ông còn là một cấp quen ra lệnh. Bây giờ không ra lệnh được cho ai thì ông ra lệnh cho con béc-giê lúc nào cũng quanh quẩn bên chủ. Nó to như con bê, nhưng hiền khô. Dưới sự dạy bảo của ông nó biết ăn cơm nguội rưới tí nước thịt, y như con vàng hoặc con vện Việt Nam.
Tôi muốn hỏi ông sang Đức sống lẻ loi làm gì cho khổ, trong khi ở Việt Nam, dù bà đã mất, ông còn bạn bè, họ hàng. Tuổi già sống cô độc ở xứ người nào có vui gì. Lương hưu cấp tướng bây giờ hơn trước nhiều lắm, thừa đủ cho một cuộc sống của người già không có nhiều đòi hỏi. Nhà nước chiều cán bộ hưu như chiều vong, không muốn họ gây chuyện nay kiến nghị mai phản đối hoặc tệ hơn, a dua với bọn hới mưng đòi dân chủ.
– Sang đây ông có gặp lại ông Hiếu không?
– Có. Mà không.
– Là nghĩa thế nào?
– Tôi có trông thấy hắn ta, nhưng không gọi.
– Sao vậy? – tôi trợn mắt – Ông giận ông ấy? Giận cái chuyện đào ngũ ấy à? Chuyện từ đời tám hoánh mà đến giờ còn để bụng thì ông quẫn rồi đấy. Bọn mình gần đất xa trời cả rồi, mọi chuyện xửa xưa ông nghe tôi, cứ quăng tuốt đi cho nhẹ mình. Ông chấp nê quá.
Ông Thạc nhún vai, môi dưới trề ra. Im lặng một lúc, ông thủng thẳng:
– Không phải tôi giận hắn chuyện đào ngũ, chuyện ấy tôi không tính … Hồi Cải cách ruộng đất lũ con cái địa chủ, phú nông, không trước thì sau, theo nhau chuồn bằng sạch. Không như chúng ta, đã đi với cách mạng là ta đi đến cùng. Chúng nó không thể kiên trì lập trường cách mạng là do bản chất giai cấp của chúng …
Tôi che miệng ngáp. Giời ạ, lại cái bài ca lập trường giai cấp cũ rích tưởng chừng không còn có thể nghe thấy ở bất cứ đâu, đùng một cái lại gặp nó giữa lòng nước Đức.
Từ lâu rồi, nhiều người thuộc thế hệ tôi đã hiểu ra, rằng cuộc cách mạng đầy chất lãng mạn, lẽ sống một thời trai trẻ của họ đã mất, thay vào đó là một xã hội mới, của riêng những kẻ đi sau về trước, chỉ giỏi kiếm chác. Nhưng hiểu thì hiểu, cái lập trường cách mạng không rời bỏ họ. Nó là cái còn sót lại của quá khứ mà họ phải bám lấy để mà sống. Với những kỷ niệm đã bạc màu, những giáo điều đã chết, và những hào quang không còn lấp lánh.
– Vậy thì vì cớ gì ông giận?
– Hắn là thằng vô ơn, ông ạ – ông thở dài. Tôi giận là giận cái sự vô ơn ấy thôi. Hắn chịu ơn tôi, nhưng khi gặp tôi, hắn lờ. Tôi chỉ muốn nhìn thấy hắn mừng rỡ khi gặp lại tôi thôi, là đủ, là được. Nhưng không, nhìn thấy tôi, hắn lảng.
2
– Tôi nhớ ông ấy chứ – ông Hiếu cười buồn nghe tôi kể chuyện gặp thiếu tướng Thạc – Tôi có nhìn thấy ông ấy. Và tôi đã không gọi, đúng thế. Chuyện ông ấy kể cho ông nghe không sai. Ông ấy có làm ơn cho tôi thật. Nhưng là một thứ ơn mà người mang ơn không muốn nhớ đến …
Chúng tôi ở trong một biệt thự nhỏ, xinh xắn, bên hồ Bodensee, còn có tên là hồ Konstanz. Con hồ này giáp giới ba nước Đức, Áo, Thụy Sĩ. Hồ rộng mênh mông, đứng thứ hai tính về diện tích so với các hồ thuộc vùng Alpes. Giá đất ở những nơi có địa thế đẹp ở ven hồ đắt khủng khiếp. Ở những địa điểm có thể xây khách sạn, nhà nghỉ phải nhiều tiền lắm lắm mới có được một biệt thự riêng.
Tôi ngạc nhiên khi vào bên trong ngôi biệt thự ấy – đắt tiền là thế mà chẳng có vật gì sang trọng. Giữa phòng khách chình ình một cái chõng tre ta thường gặp trong một quán nước ở đồng bằng những năm xưa, trên đó lỏng chỏng một cái ấm giỏ và mấy cái bát sành. Ghế ngồi là những thân gỗ mộc xù xì, nhưng có đệm, hẳn để dành cho khách không quen ngồi ghế gỗ. Tôi đã gặp cách bài trí theo lối cổ ở nhà người Việt ly hương giàu có, với những hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, những sập gụ, tủ chè, tràng kỷ, cái nào cái nấy thuần bằng gỗ quý đặt làm từ trong nước chở sang. Cũng là nỗi nhớ quê hương, nhưng khác với nỗi nhớ của ông Hiếu, nó là nỗi nhớ trưởng giả hoặc bén hơi trưởng giả.
– Tại sao?
Ông Hiếu bắt đầu câu chuyện vào một đêm cả hai chúng tôi đều khó ngủ.
Ban đêm mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ. Nhấp nháy những đốm lửa nhỏ ở chân trời, rất xa, nơi có quần thể đông đúc khách sạn và nhà hàng.
– Ông Thạc chưa kể cho ông nghe?
– Chưa. Ông kể đi.
Ông Hiếu im lặng một lúc lâu. Hình như ông do dự, ông không muốn kể, có thể là ông không muốn gợi lại một quá khứ muốn quên. Ông chỉ kể khi tôi phải thúc giục vài lần. Sau đây là câu chuyện tôi được nghe trong đêm ấy.
“Ông Thạc lúc bấy giờ là bí thư chi bộ, tôi là quần chúng. Chúng tôi đều là học sinh xuất thân. Lý lịch của chúng tôi đơn giản, chúng tôi vào bộ đội như là lẽ đương nhiên – thanh niên thời chiến thì phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Tôi với ông Thạc vừa là bạn, vừa có quan hệ cấp trên cấp dưới. Cái sự tôi ở trong diện cảm tình đảng, đang trong thời kỳ thẩm tra lý lịch để kết nạp cũng là do ông Thạc quan tâm nâng đỡ. Chứ tôi, nói thật với ông, chẳng thuộc diện được đảng chú ý. Về phần tôi, nói thực, tôi chẳng mặn mà gì cái sự vào đảng.
– Vào thời ấy mà không biết quý cái sự vào đảng thì, nói thế nào cho đúng nhỉ – tôi nói – hoặc ông rất cấp tiến, hoặc ông hâm.
– Tôi không cấp tiến, cũng chẳng hâm. Tôi lười – ông Hiếu cười khe khẽ – Người ta phấn đấu để được vào đảng, để được đề bạt, tôi thì không. Còn chiến tranh thì mình làm lính, hết chiến tranh thì ra, chẳng lẽ ở bộ đội hết đời à? Trong đảng họ nghĩ gì về tôi, tôi không quan tâm. Mà họ nghĩ gì mới được chứ? Tôi ở đơn vị chiến đấu suốt từ đầu kháng chiến cho tới khi quân khu lấy về phòng chính trị, dưới quyền ông Thạc. Tôi không thích làm lính bàn giấy, nhưng quân lệnh như sơn, phải chấp hành.
– Ông có phạm kỷ luật gì trong thời gian ấy không?
– Không.
– Ông Thạc nói ông mang ơn ông ấy là ơn thế nào? – tôi rụt rè hỏi.
Ông Hiếu im lặng.
– Tôi đoán … ông phạm kỷ luật gì đó và ông ấy đã gỡ tội cho ông, phải không?
– Cái ơn còn lớn hơn. Tôi sẽ kể ông nghe.
Ông không kể ngay. Ông nhìn ra hồ. Khi có gió, mặt nước cũng lăn tăn một chút làm xao động những đốm lửa xa.
3
“Một hôm, ông Thạc gọi tôi ra chỗ vắng. Ông thì thào:
– Lâu nay cậu có tin tức gia đình không?
– Không. Cũng đến cả năm rồi, không có liên lạc. Chắc chẳng có chuyện gì, vùng tôi ít bị máy bay bắn phá – tôi nói – Ông cụ mình cũng bận. Làm chủ tịch xã, lại còn kiêm nhiều chức khác nữa. Mình tính sau đợt chỉnh quân sẽ xin đi phép thăm các cụ.
Ông Thạc có vẻ lúng túng. Có vẻ ông ấy phải chọn lời. Mãi sau mới nói:
– Tớ nói chuyện này, nhưng cậu phải tuyệt đối bí mật.
– Cậu biết tính mình, mình không phải loại bép xép.
Ông ấy chớp chớp mắt rồi ghé sát vào tai tôi, giọng trầm trọng:
– Ông cụ bà cụ cậu bị quy địa chủ phản động rồi …
Tôi chết điếng. Tôi không tin ở tai mình.
Lúc bấy giờ ở vùng chúng tôi đóng quân đã qua bước giảm tô giảm tức, đang đi vào cải cách ruộng đất, nhưng đơn vị chúng tôi chỉ học tập chủ trương chính sách để ủng hộ chứ không trực tiếp tham gia. Trong học tập tôi được biết cải cách ruộng đất do đảng lãnh đạo là một cuộc cách mạng long trời lở đất, là sự đổi đời ở nông thôn, giai cấp nông dân vùng lên đánh đổ bọn cường hào gian ác. Thế nhưng, tôi cũng như mọi người, cứ nghĩ rằng ở đây, hoặc ở đẩu ở đâu kia, mới có những tên địa chủ tàn bạo, ác độc, chứ những quân quỷ sứ ấy không thể có ở quê mình, đừng nói trong nhà mình.
– Nghe đâu lại còn Việt Quốc hay Việt Cách nữa…
Tôi choáng váng. Tôi không còn nghe thấy gì nữa.
– Chắc cậu cũng chẳng biết hết những việc làm của ông cụ đâu … – tiếng ông Thạc văng vẳng bên tai tôi – nhưng chẳng có gì giấu được quần chúng được phát động…
– Làm sao có thể có chuyện như thế được. Ông cụ bà cụ mình hiền như đất ấy mà. Chẳng đảng phái gì sất.
– Địa phương gửi công văn hỏi về cậu đấy.
– Hỏi về mình?
– Phải. Tớ đã viết trả lời sau khi hội ý toàn chi bộ, bảo đảm cậu là cán bộ tốt.
– Chuyện ấy xảy ra khi nào?
Ông Thạc thở dài:
– Ba tuần rồi.
Tôi nhớ lại: có một cái gì đó không bình thường trong ánh mắt của các đảng viên. Dường như họ tránh nhìn tôi. Trong sinh hoạt cơ quan, mọi chuyện chỉ có đảng viên biết, quần chúng chỉ có thể đoán có chuyện gì đó mà họ giấu.
– Sao cậu không cho mình biết?
– Nói sao được?! Nguyên tắc mà.
– Bây giờ cậu bảo mình phải làm gì?
Ông Thạc ra chiều suy nghĩ.
– Bây giờ cậu về nhà – lát sau, ông trầm giọng bảo – Đừng nói với ai cậu đi đâu, chuyện ấy tớ khắc lo. Đây, tớ đã chuẩn bị sẵn cho cậu: công lệnh, công văn đơn vị gửi chi bộ địa phương.Cứ cầm theo, có khi dùng đến. Về đến nhà rồi, gặp được ông cụ bà cụ rồi thì trở lại ngay đơn vị. Đấy là tất cả những gì tớ có thể làm cho cậu”.
Tôi nói:
– Ông Thạc đối với ông thật tốt.
– Tôi không nói ông ấy xấu – ông Hiếu đáp – Ông nghe nốt câu chuyện đã.
“Tôi lập tức lên đường. Đi suốt đêm. Suốt ngày hôm sau. Vừa đặt chân vào nhà, tôi lập tức bị bắt. Đám du kích ập đến, trói gô tôi lại. Chúng quát tháo, chúng chửi mắng, không cho tôi kịp mở miệng. Mà chúng nó là ai chứ? Toàn người quen kẻ thuộc cả, ông ạ, không hàng xóm láng giềng thì cũng người cùng thôn, cùng xã. Nghe họ nói với nhau tôi mới biết mẹ tôi không chịu được hành hạ đã thắt cổ tự vẫn từ tuần trước, còn cha tôi sẽ bị bắn vào hôm sau.
Tôi lặng đi. Tôi không khóc được. Mẹ tôi là một nửa cuộc sống của tôi. Ngay cả khi sống xa nhà tôi vẫn cảm thấy mẹ bên mình. Cha tôi khác, tôi yêu cha, kính trọng cha, nhưng không gần gụi cha như gần gụi mẹ.
Tôi không tưởng tượng được cái tai họa giáng xuống gia đình tôi lại lớn đến thế, lại kinh khủng đến thế. Đau đớn nhất tôi bất lực, là bộ đội mà chẳng giúp được gì cho các cụ. Ngày nay ai cũng biết những khẩu hiệu “Người cày có ruộng,” “Đánh đổ bọn cường hào ác bá, nông dân giành lấy chính quyền,” “Nông dân là quân chủ lực của cách mạng” … chỉ là những lời lừa mị. Nhưng lúc ấy khác, lúc ấy chúng có một sức mạnh ghê gớm.
Nông dân ào ào đi theo đội cải cách, hô vang những khẩu hiệu sắt máu đến khản tiếng, đến rạc người. Có thể họ chân thành tin ở cuộc đổi đời mà đảng hứa hẹn, rồi đây họ sẽ trở thành những ông chủ bà chủ ở trong làng, họ sẽ có những gì mà những người sang trọng trong làng có. Lại nữa, những con người khốn khổ kia rất hi vọng ở số quả thực sẽ được chia sau khi bọn nhà giàu trở thành kẻ có tội với cách mạng – một thúng thóc, cái mâm đồng, cái phản gỗ, có khi là cái tủ chè, cái sập gụ cũng nên …
Sáng hôm sau, tôi bị điệu ra trường đấu. Dân chúng cả mấy xã tề tựu ở sân trường học của xã. Tôi nghe tiếng loa thúc giục mọi người đi dự cuộc đấu “tên phản động đầu sỏ, tên cường hào gian ác, tên địa chủ có nợ máu với nhân dân” từ khi còn tối đất. Trường học này đầy ắp những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi. Những người bạn học của tôi giờ đây sát khí đằng đằng lăm lăm súng trường mã tấu đứng ở vòng ngoài.
Tôi nhìn thấy cha tôi bị trói giật cánh khuỷu, bị lôi đi xềnh xệch, bước chân lảo đảo, nhớt dãi chảy xuống ngực, giữa đám đông xỉa xói, gào thét, với những bộ mặt biến dạng, những đôi mắt đỏ ngầu, những cái miệng há to, giữa rừng cánh tay vung lên hạ xuống theo sau những khẩu hiệu đòi trả nợ máu …
– Kinh khủng! Hồi ấy tôi đang học ở Liên Xô. Những gì xảy ra ngày ấy tôi chỉ được nghe kể lại …
– May cho ông, ông gốc thành phố, chứ dân nông thôn chúng tôi hồi ấy chỉ cần hơi có máu mặt một tí là chết. Chẳng riêng gia đình tôi, người cùng cảnh ngộ nhiều vô số kể … Tôi nói hơi có máu mặt, tức là những người có của ăn của để, hoặc có dư chút ít ruộng đất. Ở nông thôn miền Bắc nước ta, ông biết đấy, đâu có nhiều địa chủ. Gọi là địa chủ, chẳng qua chỉ là những nông dân khá giả, do chăm chỉ làm ăn hoặc khéo thu vén mà hơn người. Hơn cũng chẳng nhiều nhặn gì, bất quá vài ba mẫu là cùng, mà lại là mẫu ta.
Ông Hiếu thở dài.
– Có cần kể cho ông nghe chi tiết cuộc đấu không?
Ông Hiếu đặt câu hỏi, rồi im lặng hồi lâu, như thể nhớ lại cảnh tượng hãi hùng mà ông không phải chỉ là người chứng kiến.
– Cuộc đấu kéo dài từ sáng tới trưa, tiếp theo là cuộc xử án chớp nhoáng. Tất cả diễn ra trong những tiếng hô khẩu hiệu không ngớt. Rồi cha tôi bị điệu ra trước bức tường của trường học, nơi vẫn còn cái khẩu hiệu do chính tay tôi viết năm 1945: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Minh vạn tuế!” Cha tôi bị bắn ở đó. Trước khi bị bắn, cụ chằm chằm nhìn tôi, nước mắt đầm đìa. Có vẻ cha tôi muốn nói điều gì đó với tôi nhưng không thể nói được – trong miệng cụ là một búi giẻ bẩn thỉu, từ đó nhểu xuống đất những giọt dãi …
– Cụ “đi” có nhanh không?
– Không – ông lắc đầu – Lúc đấu thì hùng hổ lắm, nhưng đến lúc phải cầm súng bắn người thì hình như không ai muốn, hoặc người nào cũng không muốn mình là người bắn viên đạn giết người, thành thử những người hành quyết đều bắn trượt trong loạt đạn đầu. Đám “ông đội” “bà đội” phải hò hét, quát tháo liên hồi, giật lấy súng chỉ cách cho họ bắn họ mới bắn được. Có vài viên trúng, máu loang trên ngực cha tôi. Một “ông đội” mắt long sòng sọc chạy xổ đến bên cọc, rút súng lục, bắn thêm một phát vào thái dương cụ mới “đi”.
4
Chúng tôi ngồi bên nhau, im lặng.
– Về sau này, khi nhớ lại những phút hãi hùng đó tôi mới hiểu ra vì sao trước khi đưa những người gọi là địa chủ phản động ra đấu chính thức người ta phải bắt nông dân đấu lưng trước đã …
– Đấu lưng?
– Vâng, đấu lưng. Tức là người bị đấu phải quỳ, nhưng không quay mặt lại đám đông, còn những khổ chủ, những người được “đội” bồi dưỡng, gọi là “bắt rễ, xâu chuỗi” thì xỉa xói vào lưng người bị đấu mà kể nỗi khổ bị bóc lột… Ông hiểu rồi chứ, đó là vì nếu những người nông dân hiền lành nọ mà nhìn vào mặt người hôm qua còn là họ hàng, cùng làng cùng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau thì họ không nỡ lòng nào bịa đặt ra những tội lỗi không có, không thốt nổi thành lời những điều vu oan giá họa bạc ác, bất nhân như đội dạy. Con người không phải dễ dàng trở thành quỷ. Phải dạy dỗ, phải huấn luyện, ông ạ. Và không phải bao giờ người ta cũng thành công. Có nhiều người thà chết chứ không chịu trở thành quỷ.
– Tôi tin có những người như thế.
– Nhưng một khi đã thành quỷ rồi thì khó trở lại làm người lắm.
Ông Hiếu thở dài.
– Tôi có chú em họ, hồi cải cách ruộng đất còn nhỏ chạy lon ton theo đội học đấu tố, lớn lên vào đảng, rồi làm quan, ăn bẩn. Cho đến khi về hưu không bị sứt mẻ gì, gọi là hạ cánh an toàn. Giàu có lắm, nhưng bị người trong họ ngoài làng xa lánh. Cũng có người cực chẳng đã phải nhờ vả chú ấy việc này việc khác, nhưng trong thâm tâm họ đều khinh bỉ. Chú ấy phân trần với tôi: “Thời thế nó thế thì phải thế, ai cũng phải làm phải ăn, em cũng không thể khác, người ta không hiểu em, chứ em có lòng dạ nào làm hại bà con”. “Nhưng họ khinh chú là phải chứ?” tôi hỏi. “Thì họ có cách nào khác, yêu em à?”, chú ấy nói thế.
– Sau vụ ấy ông trốn vào thành?
Ông Hiếu tránh nhìn tôi.
– Vâng – ông nói khẽ – Tôi còn biết đi đâu?
– Tôi hiểu.
– Ngày ấy trong lòng tôi đầy mâu thuẫn. Tôi không muốn rời bỏ hàng ngũ kháng chiến. Nhưng tôi cũng không thể ở lại. Quên, chưa nói để ông biết, ông Thạc nhìn xa đã cấp cho tôi đủ giấy tờ cần thiết để tôi không bị lôi vào cuộc đấu tố cùng với gia đình. Vì tôi có đủ giấy tờ chứng minh, Đội cải cách cho phép tôi được trở lại đơn vị.
– Nhiều người ở trong hoàn cảnh ông đã không “dinh tê.”
– Vâng, có người rồi còn trở thành cán bộ cấp cao nữa, tôi biết. Họ phải trả giá đắt cho sự thăng tiến ấy, bằng sự dối trá thường xuyên, bằng sự hàng phục tuyệt đối. Tôi không có đủ dũng khí, không có đủ nhẫn nhục nữa để làm được như họ. Khi đã ở trong thành rồi, có nhiều lúc tôi lại muốn trở ra vùng kháng chiến. Có một sự giằng xé trong lòng như thế đấy, căng lắm”.
Sương xuống làm tôi rùng mình. Cả một vùng hồ Bodenzee lặng lẽ như không lúc nào nó lặng lẽ như thế.
– Ông có gia nhập quân đội Pháp không? Tôi muốn nói: ông rồi có bị bắt lính và phải cầm súng chiến đấu ở phía bên kia không?
– Không. Tôi trốn lính. Tôi không muốn cầm súng nữa, dù ở bên này hay ở bên kia. Nhưng cũng phải thú thực với ông: sau cái chết của cha tôi, cũng có lúc tôi có ý định đi với Pháp để đánh lại những kẻ đã mang lại thảm họa cho gia đình tôi. Tôi là người, tôi cũng biết căm thù chứ. Nhưng tôi đã không làm điều đó nhờ một lời khuyên. Chả là lúc mới về thành tôi ở nhờ trong một ngôi chùa. Khi biết ý định của tôi, sư cụ bảo: “Con tính sai rồi. Đi với cái Ác này để diệt cái Ác kia không được đâu. Chỉ có cái Thiện mới diệt được cái Ác thôi, con ạ.” Tôi nghe lời sư cụ, nhưng thú thực với ông, tôi không tìm thấy cái Thiện ở đâu cả.
– Tìm ra cái Thiện thật khó – tôi nói – Thực hành nó cách nào còn khó hơn.
– Vì không tìm ra nó, không biết thực hành nó cách nào như ông nói, tôi cố gắng làm một người dân bình thường.
Nhưng đến năm 75 thì tôi hiểu – cái Ác đang thắng, nếu không làm được gì để chống nó thì chỉ còn có cách tránh xa nó, tránh thật xa, xa chừng nào hay chừng ấy, có gọi là chạy trốn nó thì cũng đúng. Tuy chẳng có gì tốt trong sự chạy trốn ấy…
– Mà chạy trốn mãi sao được? – tôi đặt câu hỏi cho chính mình.
Chúng tôi đi ngủ. Đêm đã quá khuya.
Hôm sau, trong bữa điểm tâm, ông Hiếu đột ngột ra cho tôi một câu hỏi lạ tai:
– Ông có nghĩ rằng cải cách ruộng đất là một sai lầm như người ta thường nói không?
– Một sai lầm chứ. Chính đảng cộng sản vốn không bao giờ chịu nhận mình sai, cũng đã phải thừa nhận. Để phải sửa sai ngay sau đó.
– Ông tin người ta nhận ra sai lầm, và sửa sai?
Tôi có cảm giác ông Hiếu chỉ chờ tôi nói lời khẳng định để cười vào mũi tôi. Hẳn ông có cách nhìn khác tôi đối với việc ấy.
– Họ có sửa sai – tôi nói – Nhưng có sửa đến nơi đến chốn hay không là chuyện khác. Và còn phải sửa dài dài. Trang sử cải cách ruộng đất cho đến nay vẫn chưa khép lại được. Nghe nói mới đây thành phố Hà Nội vừa quyết định đền bù cho những gia đình có người bị giết trong cải cách ruộng đất.
– Đền bù thế nào?
– Một hay hai triệu đồng gì đó cho mỗi người bị chết oan.
Ông Hiếu cười khe khẽ:
– Tức là khoảng trên dưới một hay hai trăm đô la, theo tỷ hối hiện tại.
– Khoảng ấy.
Ông Hiếu trầm ngâm nhìn vào ly cà phê.
– Tôi thì không nghĩ đó là một sai lầm. Nói cho đúng, bây giờ tôi mới nghĩ được như thế. Trước kia thì không. Một sai lầm được tính trước rằng kết quả nó sẽ là như thế nào không thể gọi là một sai lầm. Người ta chỉ buộc lòng gọi nó là sai lầm khi mưu toan của họ bị đổ bể.
– Cái gì làm cho ông nghĩ như thế?
– Ông nhớ lại xem. Ông sẽ thấy điều này: ở bất cứ quốc gia nào, để tiến hành cải cách ruộng đất người ta phải điều tra tình hình ruộng đất trước đã. Nhưng ở miền Bắc trước cải cách ruộng đất, ông thấy không, đã không có một cuộc điều tra nào hết.
Tôi giật mình. Ý nghĩ ấy chưa từng đến với tôi.
– Ông có lý – tôi thừa nhận – Hồi ấy tôi không thấy có một báo cáo nào về tình hình ruộng đất ở nước ta.
– Người ta tính trước những cái mà chúng ta không nghĩ tới. Trường Chinh, đương kim đảng trưởng, là kẻ yêu thích tôn ti trật tự. Ông ta muốn thanh toán cho bằng hết những người đã ủng hộ cuộc kháng chiến trong thời kỳ cách mạng còn trứng nước, phần lớn là những người có chút ít chữ để có thể đọc được truyền đơn của Việt Minh, có chút ít của cải để có thể ủng hộ cách mạng. Họ nghĩ cách mạng thắng lợi sẽ đặt mọi công dân ngang hàng nhau trong tình đồng chí đồng bào. Mục đích của Trường Chinh tiến hành cải cách ruộng đất là tiêu diệt những người ấy để thay vào bằng những người hoàn toàn mới, trong thực tế chưa từng đóng góp gì cho kháng chiến. Những người này nhờ cải cách ruộng đất sau khi hất cẳng được những người có vị trí trong chính quyền kháng chiến sẽ là bề tôi trung thành của nhà cầm quyền. Để làm gì? Để những kẻ được chia quả thực cướp được kia, những kẻ bỗng dưng có được địa vị ăn trên ngồi trốc kia, sẽ hết mình trung thành với họ.
Tôi ngẫm nghĩ về điều vừa được nghe. Trước đó ý nghĩ như thế chưa từng đến với tôi.
– Tôi muốn hỏi thêm ông một câu.
– Ông hỏi đi.
Tôi cố gắng diễn đạt để ông Hiếu hiểu đúng tôi nghĩ gì.
– Tôi nghĩ ông Thạc muốn ông được gặp mặt cụ nhà lần cuối là một ý nghĩ tốt đấy chứ. Ông không nghĩ thế sao?
Ông Hiếu cười khe khẽ. Tiếng cười đầy cay đắng.
– Một ý nghĩ tốt, tôi thừa nhận. Còn hơn thế, ông ấy đã giúp tôi tỉnh ngộ. Tôi phải chịu ơn ông ấy. Nhưng tôi không cảm được cái ơn ấy trong lòng. Tôi tham lam chăng khi tôi cho rằng trong những ngày ấy tôi cần ở bạn mình một cái gì hơn thế?
– Tức là?
– Một cái gì đó chứng tỏ ông ấy đứng về phía tôi, nạn nhân của một bi kịch không đáng có. Một cái gì đó chứng tỏ ông ấy không đứng về phía những tên đao phủ. Cái gì đó ấy sẽ an ủi tôi nhiều hơn, sẽ cho tôi thêm một chút niềm tin đã mất vào con người… Nhưng ông ấy đã chọn chỗ đứng mà tôi không muốn thấy – chỗ của lũ đao phủ.
5
Ít lâu sau cuộc gặp gỡ với ông Hiếu, tôi lại gặp ông Thạc.
Ông vừa về Việt Nam tham dự cuộc họp mặt truyền thống của quân khu. Ông vui hẳn lên, khác với lần chúng tôi gặp nhau ở Stuttgart. Ông kể chuyện những đổi thay ở đất nước, chuyện Hà Nội khác trước đến không nhận ra, chuyện ông vừa được nhận thêm một huân chương vì những công trạng trong quá khứ …
– Ông đã gặp “Hiếu nhà băng” rồi hả? – ông hỏi, nôn nóng – Hắn nói sao?
Tôi lúng túng:
– Ông ấy vẫn nhớ ông. Nhưng ông ấy không muốn gặp lại … Vì cuộc gặp lại ấy sẽ làm ông ấy nhớ đến những ngày ông ấy không muốn nhớ đến nữa.
– Cái thằng … Bây giờ mà không biết quên đi quá khứ, hướng tới tương lai là ngu, là xuẩn ngốc. Nó y như mấy thằng đang đòi dân chủ ấy, trong tụi nó có cả những thằng cánh ta ngày trước, tức là đã từng trong quân ngũ, chúng nó mắt nhắm tịt, ương như cua, không biết rằng nước ta bây giờ dân chủ lắm rồi, hơn hẳn ngày xưa rồi.
Ông Thạc ngừng vài giây, bật lửa châm điếu Marlboro. Rồi tiếp tục:
– Ngày xưa không có nhiều dân chủ là do hoàn cảnh, là chuyện bất khả kháng, chứ bây giờ khác. Bây giờ đảng ta đã vững mạnh, có lực lượng quân đội, công an hùng hậu, thì đối với dân chúng cho hay chưa cho dân chủ, cho nhiều hay cho ít, là quyền của đảng. Đảng không keo xỉn trong chuyện ấy, vấn đề là phải có tính toán; cho cái gì trước cho cái gì sau, cho bao nhiêu thì vừa, cho vào lúc nào…
Tôi nhìn ông. Ông nói say sưa. Ông bốc. Trong ông, ấn tượng của chuyến đi dự cuộc họp mặt truyền thống đầy tràn.
– Ông Hiếu gửi lời thăm ông – tôi bịa.
– Thế hả? Nó chỉ gửi lời thăm thôi? Không nói thêm gì?
– Không.
Ông Thạc sa sầm mặt.
– Cái thằng vô ơn đến thế là cùng. Để lúc nào tôi kể ông nghe đầu đuôi chuyện tôi đã làm gì cho hắn … Bây giờ chúng mình kiếm cái gì chén đã. Chắc ông đi đường cũng đói bụng rồi.
Tôi vội vã chìa tay.
– Xin ông thứ lỗi, hôm nay tôi mắc một cái hẹn. Để bữa khác vậy.
Trong lòng bàn tay tôi là một vật mềm xèo, nhũn nhẽo.
– Ờ ờ … Tiếc quá! – ông thiếu tướng hồi hưu nói – Còn bao nhiêu chuyện muốn kể ông nghe.
– Tiếc quá!
Tôi nói, rồi hấp tấp bước ra cửa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét