Các em học sinh thân yêu!
Hôm nay là ngày ngày cuối của học kỳ 3, ngày hoàn tất lớp 11. Mọi năm, ngày cuối của lớp 11 chỉ đánh dấu một chặng đường của thầy trò chúng ta, sau hai tuần nghỉ, các em tiếp tục học, vào lớp 12. Còn hôm nay là ngày khác với mọi khi: ngày cuối cùng thầy dạy các em. Lên lớp 12, các em sẽ học với thầy hoặc cô giáo khác. Đây là những giây phút cuối cùng trong cuộc đời dạy học của thầy. Thầy từ giã các em, từ giã các thầy cô giáo và nhân viên trong trường, từ giã lớp học, từ giã nhà trường, từ giã môi trường giáo dục mà thầy đã sống qua 56 năm. Các em là cuộc đời của thầy. Khi xa các em, xa lớp, xa trường, thầy buồn lắm, nhưng đành phải vậy. 20 năm trước, một cô học trò bé nhỏ của thầy mới vào lớp mẫu giáo gọi thầy là “Ông”. Thầy giật mình, thật bất ngờ. Thầy đáng tuổi ông của các học trò! Lâu nay thầy không để ý đến tuổi của mình, cũng chẳng để ý đến tóc trên đầu đen hay trắng. Thế là mình đã thuộc về một hạng người khác dưới mắt người đời: hạng người sống vào những ngày cuối cùng của cuộc đời, người già. Tuy nhiên, lúc đó thầy cũng thấy vui vì một cháu học trò bé nhỏ nói được tiếng Việt, khác với các cháu bé lần đầu tiên đến trường thường ngại ngùng muốn không nói, hoặc không biết nói tiếng Việt. Năm nay thầy đã 77 tuổi. Nhìn một số thầy cô giáo khác chỉ ở tuổi anh, chị của các em, thầy cảm thấy các thầy cô trẻ dạy các em thích hợp hơn. Đôi khi các em làm thầy cô không vừa ý, chỉ nghe các thầy cô mắng yêu. Còn thầy, thầy cảm thấy dù sao vẫn khác biệt.
Các em là cuộc đời của thầy. Thầy có đôi điều với các em.
Thầy từ giã các em, từ giã công việc dạy học không phải vì sức khỏe suy kém. Ở tuổi của thầy, ai mà không có bệnh này tật kia. Những bệnh của tuổi già của thầy không ảnh hưởng gì mấy tới cuộc sống của thầy, cũng không cản trở việc dạy các em. Thầy đến trường không hề với tâm trạng nặng nề.Thầy vào lớp với các em không hề với tâm trạng miễn cưỡng. Từ ngày đầu tiên đi dậy đến nay, thầy vẫn đứng. Khi dạy ở Úc, thầy vẫn quen đi tới từng bàn xem các em làm bài ra sao và trao đổi với các em những điều cần thiết trong bài. Thầy không thích ngồi tại bàn của thầy. Cái bàn chỉ là nơi để đồ nghề của người dạy học. Thầy vẫn thích nói những điều ích lợi cho các em và rất muốn nghe các em nói. Đầu óc thầy vẫn sáng suốt, chưa hề lú lẫn. Thầy nhận thấy quan niệm của người đời về nghề dạy học là nghề “ bán cháo phổi” là một xúc phạm. Thầy vẫn thấy thảnh thơi mỗi khi váo lớp, và thanh thản khi ra về. Những công việc của nhà giáo trước khi vào lớp (soạn bài, chấm bài, chuẩn bị dụng cụ dạy học), thầy vẫn tiến hành và không hề thấy chán. Đôi khi thầy vẫn thức khuya tới 1- 2 giờ sáng để chấm xong bài thi và sáng hôm sau sửa bài cho các em mà vẫn tỉnh táo như 30 năm trước, khi mới dạy học ở Úc. Từ 56 năm nay, chưa bao giờ thầy vừa ý với bài đã dạy. Thầy luôn luôn tìm tòi, thay đổi, thêm bớt để nội dung bài dạy theo ý mình. Thầy luôn luôn học hỏi phương pháp truyền đạt để các em học được điều gì đó sau mỗi buổi học, và nhất là làm sao cho các em làm bài nhẹ nhàng trong kỳ thi HSC. Đầu óc thầy vẫn sáng suốt để chuẩn bị và thực hiện bài dạy cho mình vừa ý. Thầy sẽ rất buồn nếu không còn được suy nghĩ về bài dạy, cách dạy và không còn gặp được học sinh trong lớp. Mỗi sáng thứ bảy, thầy sẽ rất buồn khi không còn gặp học trò.
Thầy từ giã các em cũng không phải vì quy chế của Bộ Giáo Dục. Thầy đã 77 tuổi, nhưng Bộ Giáo Dục không yêu cầu thầy về hưu. Về hưu chỉ là từ gọi theo thủ tục hành chánh. Tuổi hưu hiện nay là 67, nghĩa là ở tuổi này, giáo chức cũng như mọi người đi làm đều có quyền rút tiền nghỉ hưu của mình, dù mình còn dạy hay không. Bộ Giáo Dục không quy định tuổi hưu. Giáo chức muốn dạy tới bao giờ cũng được, khi nào muốn về hưu thì báo cho hiệu trưởng biết trước một học kỳ (10 tuần lễ) để sắp xếp công việc. Trong đơn xin về hưu, có ghi thêm mấy chữ: “Bộ Giáo Dục sẵn sàng đón nhận bạn khi bạn đổi ý hoặc trở lại.”
Từ đầu năm nay, thầy định về hưu nên đã chuẩn bị kỹ bài vở cho các em. Nếu thầy nghỉ dạy, sẽ có thầy cô khác dạy thay. Nhưng thầy tin tưởng với khả năng và kinh nghiệm lâu năm của thầy về dạy học cũng như công tác thi cử sẽ giúp ích rất nhiều cho các em trong kỳ thi tú tài. Thầy đã dành nhiều thời giờ hướng dẫn các em về những phần mà các em cần phải rèn luyện lâu dài. Đó là thảo luận, mỹ từ pháp, văn thể. Khi học với thầy cô khác, các em hãy tự tin mà thực hành những điều thầy đã hướng dẫn. Các em cũng đã học hết những chủ đề của lớp 11. Trong hoàn cảnh khó khăn vì nạn dịch cúm toàn cầu, các em học ở nhà, nhưng thầy cũng đã tìm mọi phương pháp thích hợp để các em học được đầy đủ chương trình cho tròn trách nhiệm của thầy.
Đáng lẽ thầy phải đi cùng các em đến hết con đường: kỳ thi tú tài vào tháng 8 và tháng 10 năm 2022, nhưng thầy nhận thấy nội lực các em đã sẵn sàng, các em hãy tự tin khi học với thầy/cô giáo mới. Gặp bất cứ chủ đề nào của lớp 12, các em cũng mạnh dạn thực hiện những phương pháp đã học và làm bài mà thầy đã dạy. Thầy cố gắng hướng dẫn các em để khi các em làm bài thi cho có hiệu quả. Thầy nhắc lại một số điều quan trọng khi các em làm bài:
1. Nói có sách, mách có chứng. Bất cứ bài làm nào của các em cũng phải dẫn chứng, thí dụ cụ thể. Riêng bài thảo luận thì cần phải dẫn chứng từ tài liệu tham khảo.
2. Hiểu bài văn và nắm được mục đích của bài văn.
3. Hiểu thuật ngữ chính trong câu hỏi (bằng tiếng Anh) để trả lời cho đúng. Nên nhớ: sai một ly, đi một dặm, các em nhé.
Thầy gởi đến các em lời khuyên: các em làm bài tập đều đặn và đầy đủ nhé. Văn ôn, võ luyện. Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu. Từ nhiều năm nay, thầy nhận thấy những em đạt kết quả cao là những em làm bài tập ở nhà đều đặn. Thầy rất thông cảm hoàn cảnh của các em. Không phải gia đình em nào cũng khá giả. Nhiều em vừa ra khỏi trường là mau mau nhảy lên xe lửa cho kịp tới chỗ làm của các em: nhà hàng, tiệm tạp hóa, tiệm rau quả, tiệm cá, tiệm móng tay,...Có em than không có đủ thời giờ làm bài. Thầy hiểu hoàn cảnh của các em. Các em cố gắng lên nhé. Mỗi tuần, các em dành ra ít nhất nửa giờ hay một giờ để làm bài thì mới củng cố cho bài học ở trường. Thầy rất thương Tuấn Anh, Ngọc Lan ... vào lớp với dáng điệu mệt mỏi, còn Sơn thì hay ngủ gục trên bàn. Nếu cha mẹ các em dư giả thì các em đâu phải vất vả bưng tô, rửa chén tới khuya như thế. Các em ơi! Khi đôi chân bé nhỏ của các em phải chạy liên tục trong12-14 tiếng đồng hồ để bưng tô phục vụ khách, khi các em phải chịu đựng mùi hôi độc hại của hóa chất thuốc móng tay trong nhiều tiếng đồng hồ là những lúc các em rèn luyện tinh thần, ý chí, nghị lực để bước vào đời. Hơn 30 năm trước, những học sinh lớp 11, 12 trong trường chúng ta đã khổ cực kiếm cơm nuôi mình và gia đình còn sống ở Việt Nam, nhưng vẫn kiên nhẫn học hành và đã thành công. Những học sinh đó là những người đã từng vượt biển, vượt biên, đối diện với cái chết và may mắn đến được nước Úc, một thân một mình, tự xây dựng cuộc đời với ý chí sắt đá. Họ vừa đi học, vừa đi làm, không cha mẹ bên cạnh, không ai giúp đỡ tiền bạc. Hoàn cảnh của họ vô cùng khó khăn, nhưng họ đã thành công. Các em là những người đi sau, các em cũng sẽ thành công. Cố gắng lên nhé.
Thầy muốn nhắn các em một điều: chúng ta nên học từ những nền văn hóa khác. Chúng ta may mắn được sống ở nước Úc đa văn hóa. Đây là cơ hội tốt để chúng ta học những điều hay của những người không cùng văn hóa với mình. Chúng ta vẫn tự hào về 4000 năm văn hiến, nhưng chúng ta không nên tự đề cao quá đáng. Nếu cứ tự tôn, tự hào, chúng ta chỉ nằm trong vỏ ốc, trong khi thế giới hiện đại đang tiến lên với tốc độ ánh sáng. Văn hóa là lãnh vực rất rộng, thầy chỉ đề cập tới vài nét văn hóa liên quan tới môi trường giáo dục và cuộc sống thực tế. Trước hết là văn hóa Úc. Các em học được những gì ở người Úc? Tinh thần tự do cá nhân và tinh thần tự lập của họ là những điều mà người học sinh cần phải học hỏi để duy trì được cuộc sống và phát triển khả năng của mình. Còn ở người Đại Hàn (trong nước, các em dùng từ Hàn Quốc), thầy nhận thấy tinh thần kỷ luật cao và tinh thần đoàn kết là những điều chúng ta cần phải học hỏi để thành công trên đường học vấn. Người Ấn Độ luôn luôn đặt mục tiêu cao và cố gắng hết mình để đạt mục tiêu là điều chúng ta cần noi theo để thành công. Một số dân tộc khác (như người Ý, người Macedonian,...) cũng đặt nặng vai trò của gia đình, chứ đâu riêng gì người Việt mình. Học những điều hay của người khác giúp chúng ta thành công trong nhà trường cũng như ngoài đời.
Các em học sinh thân yêu của thầy!
Mọi năm, giờ phút chia tay vào cuối năm học là giờ phút thầy trò tay bắt mặt mừng. Buổi picnic trong khu vườn đằng sau trường là bữa tiệc nhỏ, thầy trò chúng ta cùng vui vẻ với nhau trước khi tạm biệt. Năm nay, trong nạn đại dịch hoành hành, chúng ta chỉ gặp nhau trên màn ảnh nhỏ của cái laptop trong suốt học kỳ. Làm sao có được bầu không khí vui nhộn, thảnh thơi, không còn bận bịu với bài vở như lúc học trong lớp. Hôm nay, chúng ta không cảm nhận được lòng mình rộn ràng, đâu còn những tiếng cười vang khi cùng nhau sắp xếp chỗ để chụp tấm ảnh chung. Chúng ta không thể có được những bức ảnh vui nhộn cùng bạn mình để làm kỷ niệm. Chúng ta đâu có dịp cảm nhận được hương vị của những món ăn quê hương do từng nhóm các em cùng nhau trổ tài đầu bếp tại nhà một bạn nào đó. Cùng ngồi với nhau, không còn vướng víu với bài vở, những câu chuyện của chúng ta kể dường như không bao giờ dứt. Bầu không khí thân mật, đầm ấm, bùi ngùi, cảm động của thầy trò, bạn bè không thể có được trên màn ảnh phẳng lặng của laptop và sự xa cách theo luật định. Chúng ta không được ngồi chung trong hội trường cùng với học sinh và thầy cô của các ngôn ngữ khác và nghe các thầy cô trong ban điều hành trường nhắn nhủ những lời cuối năm học. Chúng ta không có dịp hát chung với nhau những bài hát tiếng Việt hay cùng đóng chung với nhau một vở kịch trong buổi lễ tốt nghiệp như mọi năm. Chúng ta cũng không được nghe những lời tâm huyết của các thầy cô trước khi tạm biệt, cũng không được nghe bạn bè chia xẻ những lời chân thật, vui nhộn trong hoàn cảnh đặc biệt của trường chúng ta (đi học vào sáng thứ bảy trong lúc mọi người nghỉ ngơi, tận hưởng ngày cuối tuần). Chúng ta đành chia tay trong không khí lặng lẽ của nạn dịch cúm toàn cầu mà không ghi lại kỷ niệm. Thật buồn. Chúng ta chỉ còn chút an ủi: sau một năm dịch cúm tác oai, tác quái ngay xung quanh chúng ta, gây biết bao khốn đốn, giết chết biết bao sinh mạng, nhưng thầy trò chúng ta vẫn còn nhìn thấy nhau đầy đủ, dù chỉ chỉ trên màn ảnh, thật may mắn.
Tạm biệt nhé
Các em học sinh thân yêu!
Sau ngày hôm nay, khi xa trường, không biết thầy trò chúng ta còn gặp lại nhau không.
Thầy tặng các em hai từ để các em đem theo: vượt qua và thành công. Thầy mong các em:
Vượt qua mọi khó khăn trong việc học
Vượt qua mọi khó khăn trong việc làm
Vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống
và
Thành công trên đường học hành
Thành công trên đường xây dựng tương lai
Thành công trong cuộc đời.
Điều cuối cùng thầy muốn gởi đến các em là: dù sống ở bất cứ nơi nào trên trái đất, các em đừng quên mình là người Việt Nam nhé.
Thân ái tạm biệt các em.
Thầy Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét