Một người bạn của tôi ở Pháp vừa đi Việt-Nam về. Anh kể tôi nghe câu chuyện khôi hài… đen trong xã hội… đỏ, nghe buồn cười như chuyện… tếu! Bây giờ tôi lại mượn lời của Anh, kể lại cho Bạn nghe, để Tạp Ký tuần này được viết dưới thể văn… truyện cười ra nước mắt!
Hôm đó, anh đa ng bận đi dạo phố ở Hà-Nội để mua vài thứ quà lưu niệm. Xe thông tin đi khắp thủ đô quảng cáo cuốn phim “Nguyễn-Ái-Quốc ở Hông-Kông” đang chiếu tại các rạp. Tò mò, anh muốn biết dân Hà-Hội thưởng thức nghệ thuật thứ bẩy như thế nào? Anh bảo bác tài xế tắc-xi chở anh đến rạp hát sang trọng của thủ đô Hà-Nội là rạp Fansland.
Xe dừng trước rạp, anh mới biết là mình lầm lẫn, vì rạp vắng như Chùa Bà Đanh. Phim nói về Hồ-Chí-Minh Nguyễn-Ái-Quốc mà người dân thủ đô Hà-Nội thờ ơ hay sao? Cụt hứng, anh vội quay lui, tìm người tài xế tắc-xi thì thấy bác ta đang đậu bên kia đường, mỉm cười rất hiền, bác bảo anh “Tôi biết thế nào ông cũng quay về. Cuốn phim đó có gì mà xem? Hôm đầu tiên chỉ bán được 24 vé. Ngày hôm sau, chỉ bán được độc nhấ t 1 vé, nên chủ rạp đã phải trả 1 vé này lại và không chiếu nữa.”
Ngạc nhiên, anh hỏi “Dân Hà-Nội không thích xem phim nói về lãnh tụ của họ hay sao?” Bác tài đáp “Còn phải hỏi! Nếu gặp phim hay, rạp đông, chen chân không lọt.” Tò mò, anh lại hỏi “Thế rạp chứa được bao nhiêu người một suất?” Bác tài xế cười thành tiếng “Những 250 ghế cơ. Do đó, với số khách 24 người mà chiếu, cũng đủ chết chủ rạp rồi. Huống chi chỉ có 1 người.”
Trên đoạn đường về, bác tài xế nói chuyện nổ như bắp rang. Nào là nhà làm phim phen này bị lỗ nặng, vì đã bỏ ra một số vốn đầu tư với Tàu cộng sản xuất cuốn phim. Nào là phim đã quay ròng rã hai tháng liên tục ở Quảng-Đông. Nào là tên phim ban đầu được đặt là “Thoát hiểm ở Hồng-Kông” cho có vẻ ly kỳ… xã hội đen để hấp dẫn khán giả. Nhưng khi vào Việt-Nam, mấy tay cán bộ đỏ tưởng bở rằng Bác vẫn còn hấp dẫn trong quần… chúng thủ đô Hà-Nội, nên cho đổi tên phim thành “Nguyễn-Ái-Quốc ở Hồng-Kông”.
Không ngờ sáng kiến này lại trở thành… ác kiến, khi người dân Hà-Nội chỉ cần nghe đến tên “Cáo già vừa dẻo vừa dai. Buôn dân bán nước cắt hai sơn hà”, đã vội đóng cửa bảo nhau tẩy chay cuốn phim.
Báo hại chủ rạp Fansland tốn công, tốn của quảng cáo rầm rộ cho cuốn phim, mà không có ma nào vào xem. Trong khi trước đó cứ mừng hụt, tưởng phen này đưa tên tuổi bác ra, sẽ hốt bạc. Không ngờ chỉ cần nghe tên thây ma HCM, người dân Hà Thành đã chạy có cờ, sợ rằng lại bị chậm chân như năm 1954 thì khốn đốn!
Đến đây, anh bạn bắt chước giọng Hà-Nội của bác tài xế tắc-xi cười cười, nói “Ông biết không? Bây giờ mà có cuộc di cư như năm 1954, dân Hà-Nội sẽ đạp nhau vãi c… vãi đái ra mà lên tàu bay hay xuống tàu thủy ra nước ngoài. Dạo ấy tôi còn bé, chưa biết gì. Thế nhưng sau 1975, có ông bác vào Nam, cứ đay nghiến họ hàng trong Nam rằng “Cơ khổ! Sao bây giờ còn ở đây? Tôi tưởng vào đây sẽ không gặp một ai sất cả! Làm sao mà không chịu đi Mỹ nhỉ? Ở lại làm gì cho khổ một đời cha, ba đời con như chúng tôi đây? Các ông bà rõ thật là… dại dột hết sức!”
Anh bạn thấm thía câu chuyện của bác tài xế, lặng thinh không góp lời nào. Xuống xe, anh trao cho bác tài xế hết những đồng tiền anh vét trong hai túi quần. Gấp đôi hay gấp ba giá tiền phải trả. Bác tài xế cảm ơn và còn nói “Tôi với ông chắc cả đời chỉ gặp nhau một lần này, nhưng tôi xin nói ngay là các ông ở bên Âu Mỹ ấy, chắc kiếp trước được đẻ bọc điều. Thoát khỏi làm dân Việt-Nam cộng sản cũng như được tái sinh một kiếp khác đấy! Cố gắng làm việc phúc đức để con cháu được nhờ.”
Câu chuyện đến đây là hết. Nhưng cái “hậu” của nó còn vương mãi trong trí tôi. A ha! Bạn và tôi đang ở Mỹ, vậy thì – theo lời bác tài xế – Bạn và tôi cũng đã được đẻ bọc điều nhỉ? Điều này phải hỏi lại Mẹ tôi đã. Nhưng hỏi chuyện đời xưa với một bà cụ đã 84 tuổi, đôi tai điếc lác thì thật là khó khăn. Thôi vậy. Cứ xem như Bạn và tôi đã được đẻ bọc điều.
Thế nhưng, có nhiều kẻ sống ở hải ngoại từ lâu, mà không dám nhận là mình đẻ bọc điều đấy, Bạn ạ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét