khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Nhớ Thảo Trường, cầu thủ mang số 17 trên sân chơi chữ nghĩa - Tác giả Nhã Văn Đoàn

 

Tối nay, vào trang mạng của báo Người Việt, thấy báo tin ông mất. Nghe ông ra đi, lòng tôi nhói lên một niềm đau, nhưng không thực sự ngỡ ngàng. Bởi, ở lớp tuổi của ông, ít nhiều những vì sao đã rơi rụng, dù có một cuộc sống hết sức an lành. Huống hồ gì ông đã sống sót sau 17 năm tù đày.

Làm người chiến bại quả nhọc nhằn. Là một người tù, hơn thế nữa, là người tù dưới nhãn hiệu "nguy hiểm" thì mười bảy năm giam cầm ở những nơi địa đầu của hình chữ S như: Yên Bái, Hoàng Liên Sơn v.v., quả là gần như chạm đáy địa ngục. Tôi có nhiều người thân quen. Kẻ năm năm, người bảy năm, mười năm, bầm dập trong những trại tù từ Nam ra Bắc. Gần họ, sau khi ra tù, tôi đã thấy ở họ, sức chịu đựng quả phi thường. Còn ông, 17 năm ... cũng bình thường thôi, Ông nói như thế, nên mới từng viết: “Mười bảy năm lính, mười bảy năm tù; thời gian này như được an bài để xóa bỏ thời gian kia.” Ông chấp nhận nó như một định mệnh, chẳng gồng mình nhân danh những điều quá lớn, cũng chẳng bài bác, đổ thừa cho ai.

Một tấm lòng như thế, bao nhiêu người có được?
Sau khi đến Mỹ, ông đã viết lại. Lần đầu tôi đọc ông, cũng từ những trang viết ấy, trong tôi dấy lên một niềm ngưỡng mộ: ngưỡng mộ một người tù, ngưỡng mộ một phong cách sống. Còn nhớ, tôi viết về ông, trong bài nhận định của mình, về những trang sáng tác của ông tại hải ngoại, vào năm 2001:
" Mười bảy năm tù hẳn là một thời gian quá dài. Cứ tưởng tượng, ta đang sống tại một quốc gia tiên tiến. Cứ thử tự nhốt mình trong nhà với điện, nước, thức ăn đầy đủ nhưng không ti vi, không điện thoại. Thử xem một tuần không ra khỏi nhà, ta bực bội đến dường nào. Ở đây, không phải là một tuần hay một tháng, mà là hơn hai trăm (200) tháng tù, với bao hành hạ đớn đau, với bao thiếu thốn vật chất, với bao chèn ép tinh thần. Sống được sau mười bảy năm với một hoàn cảnh như vậy là phép lạ. Và viết lại được sau hai mươi năm ngưng viết, không phải là một việc bình thường.

Thảo Trường đã sống qua những tháng ngày, như thế.

Thảo Trường cũng đã viết lại như một phép nhiệm mầu, sau hai mươi năm ngưng viết, như thế...."
Quá khứ nhọc nhằn và xót xa đè nặng trên vai, vậy mà, trong những trang viết đầu tiên, và nhất là truyện vừa "Đá Mục" ngay sau đó, tôi thấy ở ông lấp lánh một tấm lòng hướng đến tương lai. Tôi lại tự hỏi: Một tấm lòng như thế, bao nhiêu người có được?
Cũng vì lẽ đó, tôi đã viết về "Đá Mục":

" Theo tôi, không phải ngẫu nhiên mà Thảo Trường mở đầu truyện vừa Ðá Mục với hình ảnh hai bà cháu đi jetski trên sông rộng. Thả lòng mình hòa với sóng nước, với thiên nhiên, trong khi ông lão, nhân vật chính, lại đứng bên ngoài. Chọn hình ảnh này là ông dựng một sợi dây nối kết giữa quá khứ và tương lai. Bà, thế hệ thứ nhất, quá khứ. Cháu, thế hệ thứ ba, tương lai. Ðường mở về tương lai là con sông rộng ngút ngàn nằm giữa ba tiểu bang. Vận tốc đi về tương lai là vận tốc của jetski. Sự khắn khít của quá khứ và tương lai qua hình ảnh một bà, một cháu. Còn hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh này sau những lớp sóng phế hưng của thời thế? Ông lão, nhân vật chính, người mang những vết hằn của một thời biến động, đứng bên lề nhìn về phía trước. Với hình ảnh này, Thảo Trường đã tự gạt những hổn mang của một giai đoạn, những vết tích đau buồn, ít nhất là của riêng mình, sau cuộc bể dâu sang một bên. Và đây là trái tim của người dựng truyện.

Có thể nói rằng: Ðá Mục là một tổng thể hòa hợp giữa quá khứ và tương lai. Giữa cũ và mới, giữa đã qua và bắt đầu. Ðóng tập sách lại, những hình ảnh sắc sảo còn gần gũi bên cạnh, và nhất là những ước vọng đẹp của một nhân chứng sống, trong một giai đoạn khắc nghiệt của lịch sử, còn in đậm những đường nét rõ ràng."
Bài viết của tôi, viết về vùng chữ nghĩa của ông trong những năm tháng đầu trên đất Mỹ, được "đi" trên tạp chí Văn Học, do nhà văn Nguyễn Mộng Giác làm Chủ Biên. Nhà văn NMG có kể qua email, đại ý nói nói rằng: “ông ấy (Thảo Trường) có gọi cho tôi (NMG), và nói lời cám ơn tác giả và tòa soạn. Lúc đầu, ông tưởng tôi viết, nhưng tôi nói không, không phải tôi. Và tôi cho ông biết là ĐNV đã viết. Tôi còn cho ông ấy email nữa...”.
Quả nhiên, sau đó, ông có liên lạc với tôi, gởi lời cám ơn. Và sau đó nữa, mỗi lần ông in sách mới, có gởi tặng. Mỗi lần như thế, tôi có email và cám ơn ông. Đến khi công ty Người Việt in và phát hành "Những miểng vụn của tiểu thuyết" thì ông cũng gởi sách, và nói: nếu được, thì khi Người Việt tổ chức ra mắt sách, ông muốn mời tôi tham dự. Rồi sau đó, trong email kế tiếp, ông cho biết ngày giờ. Tôi đã không đi dự được buổi ra mắt sách đó. Tôi không đi, không phải vì ở quá xa, cũng không phải vì lúc đó đang có nhiều người biểu tình chống tờ báo Người Việt, nhưng vì, một phần, công việc trong hãng bề bộn quá, phần khác, tôi rất ngại đi tham dự những buổi ra mắt sách. Tôi yêu các nhà văn; tôi quý trọng sự hy sinh rất nhiều trong đời sống thường ngày của họ để từng con chữ lên những trang giấy trắng để gởi đến bạn đọc; nhưng tôi rất ngại nghe những diễn giả thao thao bất tuyệt về một nhà văn nào đó, trong 1 buổi ra mắt sách, mà tôi biết rằng phần lớn những diễn giả đó dường như không đọc tác phẩm của nhà văn mà họ đang giới thiệu. Tuy nhiên, sau đó, tôi biết mình lầm. Theo những gì ghi nhận được từ buổi ra mắt sách ấy, thì những người nói về cuộc đời ông, họ đã từng chung những tháng tù với ông, nghĩa là họ rất hiểu biết về Thảo Trường trong cuộc đời, sau tháng Tư đen. Còn những người nói về văn chương ông là những cây viết gạo cội trong làng văn nghệ. Không tham dự buổi ra mắt sách của ông, tôi tiếc. Và cũng tự mình thầm trách mình. Rồi tự hứa, lần ra mắt sách tới của ông, thì không còn lý do gì mà không tham dự.
Và lần đó, không bao giờ đến nữa.
Hôm nay, nghe tin ông mất, tôi nhẩm tính:
• Mười bảy (17) năm lính,
• Mười bảy (17) năm tù,
• Mười bảy (17) năm làm một lưu dân nơi xứ người, trước khi về với đất.
Có lạ không? Ba giai đoạn, một cuộc đời, gắn liền với số 17, một số nguyên tố trong toán học.

Một con số đẹp.
Một nhân cách đẹp.
Một cây viết đẹp.
Xin thắp một nén hương lòng, tiễn ông.

Tác phẩm Đá Mục của Thảo Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét