Cùng sống trong cảnh dịch bệnh, tôi thấy ở Mỹ xem ra dễ chịu, không nhiều lo lắng, căng thẳng như ở Việt Nam, xin chia sẻ một số quan sát sau đây.
Dịch bệnh đang lây lan rộng ở Việt Nam khiến tôi lo lắng cho người thân, những người dễ bị tổn thương, cộng đồng tại quê nhà hơn khi chính bản thân sống trong giữa tâm dịch của thế giới - nước Mỹ gần một năm rưỡi qua.
Bởi các nguồn lực về y tế, kinh tế, phúc lợi của quốc gia 'xã hội chủ nghĩa' Việt Nam không thể so sánh với ở Hoa Kỳ.
Việc chính quyền Việt Nam đã quá say mê chiến thắng Covid 19 trong các lần dịch trước qua việc khắc họa virus cực kỳ nguy hiểm, tài giỏi trong việc khống chế, chữa trị là nguyên nhân chủ quan để gây ra đợt dịch lần này và tạo tâm lý hoang mang trong dân.
Tại nước Mỹ trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành tôi vẫn ra đường mỗi ngày, đến nhiều nơi để làm việc, mua hàng, tiếp xúc với nhiều người.
Thời điểm tháng 3 năm ngoái khi dịch bắt đầu bùng phát, trong nước Mỹ người dân cũng đổ xô đi mua sắm.
Vài tuần đầu giấy vệ sinh và nước uống đóng chai, sát khuẩn nhanh (hand sanitizer), khẩu trang… trở nên khan hiếm.
Thực phẩm không thiếu, nhưng trước sự nguy cơ tích trữ nhiều chợ không cho phép một lần mua quá nhiều một loại mặt hàng nào đó. Điều này vẫn thường được các chợ ở Mỹ áp dụng khi giảm giá mặt hàng nào đó.
Hoa Kỳ áp dụng giãn cách đứng cách nhau 6 foot (gần 2 m). Khẩu trang miễn phí trở thành thứ không thể thiếu tại mọi điểm mở cửa hoạt động. Nhiều chợ thiết lập bộ phận gác cửa cho phép số người được vào bên trong.
Từ đầu đại dịch đến nay không có chợ nào ở Mỹ phải đóng cửa, kể cả tạp hóa. Trong lúc dịch bệnh căng thẳng nhất, nhà hàng vẫn mở cửa cho khách mua mang đi.
Trước khi Sài Gòn, bước vào thực hiện chỉ thị 16, ngày 8/7, em gái tôi đang sinh sống tại quận Tân Bình, đến siêu thị mua được 5 kg gạo, 5 gói mỳ, hai gói cháo. Đó là số thực phẩm cô ấy chuẩn bị được trong 14 giãn cách sắp tới.
Chính quyền đóng cửa các chợ truyền thống vốn là nơi cung cấp thực phẩm cho khoảng 2/3 người dân sống trong thành phố đã bồi thêm cú đẩy người dân vào cảnh khó khăn.
Thực phẩm tăng giá mọi nơi, ngay trong kênh siêu thị được phép hoạt động. Dịch vụ giao hàng cũng tăng giá theo.
Một người bạn tôi sống tại đường Thăng Long quận Tân Bình, TP HCM kể: cuối tuần rồi (25/7) cô đặt shipper cho một gói thực phẩm trong quảng đường chưa tới 1,5 km với số tiền 30 nghìn đồng vẫn không ai muốn nhận ship.
Các biện pháp của chính quyền trực tiếp đẩy chi phí thực phẩm ở Sài Gòn tăng như phát hiện các ca nhiễm Covid 19.
Bất cập trong việc đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, chi phí lương thực tăng cao, trong khi nhiều người không thể đi làm tạo ra thu nhập khiến tâm lý đè nặng thêm bao trùm.
Ở Việt Nam, nhiều công nhân, người làm nghề tự do không thể tiếp tục sống tại vùng trọng điểm kinh tế phía Nam đang là tâm dịch vì họ không thể đi làm việc, tạo ra thu nhập để tiếp tục sống ở đây.
Nhìn đoàn người từ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… về quê trốn dịch trong cảnh khốn khó, chật vật trên những chiếc xe máy, xe đạp. Họ chọn cách chật vật này vì các biện pháp thông thường bị chính quyền cấm. Họ về quê mà như cảnh chạy giặt.
Tại Mỹ nhiều người không muốn đi làm chưa hẳn vì lo sợ dịch bệnh mà việc ở nhà nhận trợ cấp thất nghiệp, tiền hỗ trợ của liên bang thu nhập còn cao hơn đi làm.
Người Việt ở Hoa Kỳ và các nước đau lòng nhìn cảnh đoàn người lao động nghèo chạy khỏi TP HCM vì đô thị này không làm gì để giúp họ tồn tại khi tung ra lệnh phong tỏa, giới nghiêm
Hồi tháng năm rồi, tôi đăng thông tin tuyển nhân viên, đã có không ít người gọi đến. Nhiều người nói thẳng họ chỉ đi làm khi tôi trả tiền mặt để không phải khai thuế, thu nhập với nhà nước.
Đây là cách để họ đủ điều kiện tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ liên bang.
Có thể thấy kinh nghiệm thành công đã bị phá sản trước biến thế Delta ở Việt Nam.
Kinh nghiệm kiểm soát tốt dịch bệnh trong ba lần trước đó đã không giúp Việt Nam đỡ nỗi sức tấn công của biến thể Delta và đầy lúng túng như lần đầu đối phó với dịch bệnh.
Có thể nói chính quyền tự tin vào sự thành công trong việc khống chế dịch bệnh bằng các biện pháp cơ học với công an, dân phòng, cách ly, phong tỏa… đã tạo cơ hội cho biến thể Delta lây lan rộng trong cộng đồng.
Tin tưởng vào cách kiểm soát dịch bệnh đơn giản nhất hơn là phương án vaccine cũng như thiếu dự báo, chuẩn bị. Điều này dẫn đến việc chậm trể trong việc đặt mua vaccine cho đến khi đợt dịch thứ tư bắt đầu bùng phát.
Đến việc phun thuốc khử trùng bên ngoài đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo không nên dùng.
Tiêm vaccine ở Mỹ rất minh bạch
Tại Hoa Kỳ, để được chính vaccine ngừa Covid-19, dân chỉ cần theo kế hoạch của từng tiểu bang, tự khai các câu hỏi trên website, lấy hẹn rất công khai, bình đẳng.
Ở Việt Nam để được chính ngừa đôi khi còn phải có sự thân quen, như vụ cô gái "cảm ơn ông ngoại".
Đến việc mua, mượn vaccine của các công ty. Cuộc mua bán âm thầm, nhưng có lẽ đang ráo riết.
Ngày 30/7, chính quyền Sài Gòn ra thông báo sẽ tiêm vaccine cho tất cả người sinh sống tại đây trên 18 tuổi. Trước đó một ngày, tôi được một người bạn cho biết mới được tiêm vaccine vì nhờ công ty mua được.
Nghe tin này, tôi tự hỏi người ta mua bán kiểu gì, ai được lợi khi chính phủ đã công bố việc chính ngừa vaccine là miễn phí?
Lòng tốt cũng cần được chính quyền cho phép?
Khi dịch bùng phát tại Mỹ, food bank và các điểm cung cấp thực phẩm miễn phí khác trở nên thiếu nhân sự. Do phần lớn nhân viên làm việc tại các nơi này là người về hưu làm tình nguyện họ có nguy cơ bị dịch bệnh xâm nhập cao.
Nhưng tôi lại nhìn thấy trong các khu dân cư, trước những ngôi nhà xuất hiện nhiều hơn các tủ thực phẩm miễn phí.
Tại Việt Nam khi chính quyền buộc phải đóng cửa nhiều hoạt khiến nhiều người không có thu nhập, đời sống rơi vào khốn đốn, trong khi các biện pháp hỗ trợ từ nhà nước thường rất chậm chạp.
Trước hoàn cảnh này nhiều hội, nhóm, tổ chức, tôn giáo… đã đứng ra kêu gọi, đóng góp, chia sẻ cho người đang gặp khó khăn.
Một người bạn của tôi tham gia một nhóm tự thiện tại thành phố Thủ Đức cho biết, trong hai tháng 6, 7 đã phân phát gần cả trăm tấn gạo và nhiều loại thực phẩm khác.
Chưa ai thống kê đã có bao nhiêu tấn gạo, rau củ từ lòng tốt của nhiều người gởi đến người dân đang sống trong vùng dịch bệnh, nhưng con số đó không nhỏ và rất kịp thời.
Dù vậy, không ít chính quyền cơ sở vẫn muốn áp dụng kiểu tư duy dùng quyền lực gom tất cả sự tương thân cho về nhà nước.
Khi dịch bệnh bắt đầu căng thẳng, hồi cuối tháng sáu phường 14, quận Gò Vấp đã ra văn bản không được tự ý phát quà hỗ trợ người dân tại nhà, hoặc bất kỳ địa điểm nào trong phường. Muốn làm từ thiện phải thông qua Mặt trận Tổ quốc.
Đại dịch khiến tôn giáo được làm thiện nguyện
Chính quyền Việt Nam xưa nay không thật sự cởi mở trong các hoạt động xã hội, thiện nguyện, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… vốn là thế mạnh của các tôn giáo.
Một số tu sĩ Công giáo được chính quyền TP HCM cho phép tham gia chống dịch Covid
Thực tế quản lý về tôn giáo của chính quyền Việt Nam khiến các dòng tu ở Việt Nam khó có những hoạt động rõ nét. Nên đa số các dòng tu Công giáo ở Việt Nam cố gặng cựa quậy trong không gian hẹp, mỗi lĩnh vực một chút.
Tổng thư ký một hội dòng ở Việt Nam đã không muốn chia sẻ về hoạt động giáo dục của dòng khi tôi phỏng vấn anh.
Theo lời anh, "Hơi tế nhị với chính quyền Ánh ơi. Vì tụi mình muốn làm được việc".
Nhiều trường học do các dòng tu tổ chức, điều hành phải dưới danh một công ty đầu tư.
Các hoạt động xã hội của các dòng tu Công giáo tại Việt Nam trên thực tế trong sự ban bố, chiếu cố hơn là không gian pháp lý thực sự.
Phải chăng do chính quyền lo sợ sức mạnh mềm, sự thu hút của các tôn giáo?
Trong dịch bệnh Covid 19, chính quyền Việt Nam chấp nhận cho tu sĩ các tôn giáo được hỗ trợ phục vụ bệnh nhân Covid 19 và hạn chế sự lây lan là sự thay đổi lớn.
Các dòng tu, tu sĩ của các tôn giáo đều chuyên nghiệp trong công việc thiện nguyện, có nhân lực được đào tạo bài bản. Tuy nhiên trong con mắt của Cộng Sản xưa nay bị cái nhìn chính trị chi phối.
Dù mở ra, nhưng hàng trăm tu sĩ của các tôn giáo đi hỗ trợ trong việc chăm sóc, chữa trị, phòng ngừa dịch bệnh phải đứng dưới cái ô Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều này vẫn cho thấy chính quyền muốn nắm và coi mọi thứ thuộc quyền mình.
Nhưng với tu sĩ các tôn giáo được phục vụ vì ích lợi cộng đồng chắc chắn là niềm vui.
Họ vốn luôn sẵn sàng để được góp sức. Vì đây mới đúng là sứ vụ mà họ muốn trao gởi.
Khi dịch bệnh kết thúc chính quyền sẽ tiếp tục mở ra cho họ cộng tác hay cánh cổng vừa mở ra kia rồi sẽ đóng lại?
Chỉ đến khi chính quyền gạt qua con mắt của chính trị, đặt lợi ích người dân lên trên hết thì lúc đó công việc được phục vụ của các tôn giáo mới thực sự được 'giải phóng'?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét